Thế Giới

Iran thề đánh Israel sau vụ Syria bị không kích

Tuesday, 10/04/2018 - 10:25:41

Iran là đồng minh thân cận của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad, trong liên minh chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Israel ở Trung Đông. Là nước có biên giới với Syria, Israel lo ngại rằng Iran sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở Syria, để đối đầu với Tel Aviv trong tương lai.

TEHRAN - Lãnh đạo tối cao của Iran, Giáo Sĩ Ayatollah Ali Khamenei, hôm thứ Ba tuyên bố Israel sẽ bị trả đũa vì đã tấn công căn cứ Syria khiến 7 công dân Iran thiệt mạng. Theo quân đội Nga, hai chiếc F-15I của Không quân Israel sáng sớm ngày thứ Hai đã phóng 8 hỏa tiễn hành trình từ không phận Lebanon về phía Syria. Năm hỏa tiễn trong số này bị phòng không Syria bắn hạ. Các hỏa tiễn còn lại đánh trúng phía tây phi trường T-4, khu vực được cho là nơi đóng quân của lực lượng quân sự Iran.
Truyền thông Iran cho biết, trong 12 người thiệt mạng có 7 công dân nước này. Thi thể các nạn nhân đang được chuyển về Iran để chôn cất. Bộ Ngoại Giao Iran sau đó ra tuyên bố phản đối vụ tấn công của Israel. Tuy Israel không đưa ra bình luận gì, nhưng nhiều chuyên gia cho rằng Israel thực hiện vụ tấn công vì mối quan hệ căng thẳng giữa họ với Iran. Tel Aviv coi Tehran là một mối đe dọa có thật và là nguy cơ lớn nhất đối với tương lai của đất nước. Ngược lại, Iran cũng thường xuyên đe dọa Israel.
Iran là đồng minh thân cận của Tổng Thống Syria Bashar al-Assad, trong liên minh chống lại ảnh hưởng của Hoa Kỳ và Israel ở Trung Đông. Là nước có biên giới với Syria, Israel lo ngại rằng Iran sẽ tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng quân sự ở Syria, để đối đầu với Tel Aviv trong tương lai.

Syria: Chuyên gia hóa học sẽ điều tra khu vực bị tấn công
DOUMA – Vào ngày thứ Ba, tổ chức giám sát vũ khí hóa học quốc tế cho biết sẽ gởi một nhóm chuyên gia đến thị trấn Douma của Syria, nơi một vụ tấn công nghi là bằng vũ khí hóa học đã xảy ra vào cuối tuần qua, theo yêu cầu của chính phủ Syria và Nga. Các yêu cầu này của Damacus và Moscow được cho là nhằm ngăn cản các hành động quân sự của phương tây. Trong thông cáo báo chí, Tổ chức ngăn cản vũ khí hóa học OPCW cho biết một nhóm chuyên gia điều tra “đang sắp được điều đến Syria,” nhưng không cho biết lịch trình làm việc chính thức.
Hiện chưa rõ liệu thông báo này có thể cản trở các hành động trừng phạt của Hoa Kỳ nhằm vào Syria hay không. Tổng Thống Donald Trump trước đó đã “thề” sẽ đáp trả mạnh mẽ về vụ tấn công nhắm vào thường dân ở Douma, và khuyến cáo rằng, Nga hoặc bất kỳ nước nào có liên quan “sẽ phải trả giá.” Ông Trump hôm thứ Ba đã hủy kế hoạch đến Nam Mỹ để ở lại Hoa Kỳ đối phó với các diễn biến ở Syria. Tòa Bạch Ốc cho biết, ông Trump đã nói chuyện với Thủ Tướng Anh Theresa May, và cả hai đều đồng ý rằng “không thể để việc sử dụng vũ khí hóa học tiếp tục xảy ra.”
Tổng Thống Trump cũng đã thảo luận vấn đề Syria với Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron, và Pháp hứa rằng sẽ quyết định trong vài ngày tới về “lời đáp trả chung và mạnh mẽ” cùng với Hoa Kỳ và Anh quốc. Vụ tấn công đã gây phẫn nộ trên toàn thế giới, và càng làm tăng nguy cơ xảy ra xung đột giữa Hoa Kỳ và Nga, nước luôn cho rằng không có vụ tấn công hóa học nào xảy ra.

Ngoại trưởng Bắc Hàn đến thăm Nga
MOSCOW – Ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Yong Ho hôm thứ Ba đã đến thăm Nga và gặp gỡ người đồng cấp Sergei Lavrov, trong nỗ lực tìm kiếm thêm sự ủng hộ cho Bình Nhưỡng trước cuộc đàm phán với Hoa Kỳ. Một mình trả lời báo giới sau cuộc hội đàm, Ngoại Trưởng Lavrov cho biết, chuyến thăm của ông Ri nhằm nâng cao quan hệ song phương. Ông Lavrov nói, cuộc hội đàm cũng xoay quanh các chi tiết về giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. "Nga ủng hộ quá trình ổn định tình hình trên bán đảo Triều Tiên, đối thoại liên Triều cũng như đối thoại Mỹ - Triều, đặt dấu chấm hết cho việc đe dọa lẫn nhau,” ông Lavrov nói.
Ngoại trưởng Nga thêm rằng, các cuộc đối thoại tới đây giữa Bắc Hàn với Nam Hàn và Hoa Kỳ cần tập trung vào việc phi hạt nhân hóa. Tuy nhiên, ông khẳng định Bình Nhưỡng cần nhận được sự bảo đảm về an ninh từ Hoa Kỳ và các đồng minh. Ngoại Trưởng Lavrov cũng cho biết sẽ tới thăm Bắc Hàn, nhưng chưa xác định thời gian. Chuyến thăm của ông Ri tới Moscow diễn ra không lâu sau khi ông gặp Ngoại Trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Bắc Kinh.
Theo dự kiến, Chủ Tịch Bắc Hàn Kim Jong Un sẽ gặp gỡ Tổng Thống Nam Hàn Moon Jae In vào ngày 27 tháng 4 tại khu phi quân sự liên Triều. Vào tháng 5, ông Kim sẽ có cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng Thống Donald Trump. Thời gian chính xác và địa điểm gặp mặt chưa được xác định.

Đại sứ Mỹ gặp những gia đình Nhật có người thân bị Bắc Hàn bắt cóc
TOKYO - Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật hôm thứ Ba đã gặp gỡ gia đình của những người Nhật bị Bắc Hàn bắt cóc từ nhiều thập niên trước, nhằm huấn luyện thành gián điệp cho nước này. Cuộc gặp diễn ra chỉ 1 tuần trước khi Thủ Tướng Shinzo Abe sẽ có cuộc họp với Tổng Thống Donald Trump tại Florida. Vấn đề công dân bị bắt cóc là một trong các ưu tiên hàng đầu của Thủ Tướng Abe, trong bối cảnh ông đang cần khôi phục lòng tin của dân chúng sau một loạt các tai tiếng liên quan đến việc ông ưu tiên cho người nhà và che giấu thông tin. Tuy nhiên, Nhật đang lo ngại rằng, nước này có thể chỉ được giao một vị trí hậu trường, trong một loạt các cuộc họp dự kiến diễn ra trong thời gian tới với Bắc Hàn.
Vào năm 2002, Bình Nhưỡng thừa nhận đã bắt cóc 13 người Nhật trong những thập niên 70 và 80, để huấn luyện làm gián điệp. Năm người trong số này sau đó đã trở về Nhật Bản. Ông Abe nói ông sẽ không ngừng lại cho tới khi toàn bộ 13 người được trở về nhà, và coi vấn đề này là trọng tâm trong sự nghiệp chính trị của ông. Trong dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Washington đối với các mối quan tâm của Nhật Bản, Đại Sứ Hoa Kỳ William Hagerty và vợ đã gặp gỡ gia đình của những người bị bắt cóc, và bảo đảm rằng câu chuyện của họ sẽ được chuyển tới Tổng Thống Donald Trump. Ông Shigeo Iizuka, có người chị bị bắt cóc năm 1978, nói rằng gia đình ông đã phải chờ đợi quá lâu, và ông hy vọng Tổng Thống Trump sẽ buộc Bắc Hàn trả lại các nạn nhân Nhật Bản.

Đàm phán thương mại Mỹ - Trung bế tắc
THƯỢNG HẢI – Các cuộc đàm phán thương mại giữa 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã thất bại vào tuần trước, sau khi Trung Quốc từ chối yêu cầu của chính phủ Trump về việc phải giảm hỗ trợ cho các ngành công nghệ kỹ thuật cao. Một nguồn tin ẩn danh cho biết, ông Liu He, phó thủ tướng giám sát kinh tế và tài chính, đã nói với một nhóm viên chức rằng, Bắc Kinh đã từ chối yêu cầu của Hoa Kỳ về việc chính phủ đại lục phải ngừng hỗ trợ các ngành công nghiệp có liên quan đến kế hoạch “Made in China 2025.”
Hoa Kỳ cáo buộc Trung Quốc sử dụng kế hoạch này để buộc các hãng nước ngoài phải chuyển giao kỹ thuật trong các lĩnh vực như robot, khoa học không gian, và trí tuệ nhân tạo. Yêu cầu của Washington được đưa ra sau khi Bắc Kinh đề nghị giảm bớt thặng dư thương mại của nước này khoảng $50 tỷ, bằng cách nhập cảng thêm khí đốt hóa lỏng, sản phẩm nông nghiệp, thiết bị bán dẫn, và các loại hàng xa xỉ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng đề nghị mở rộng lĩnh vực tài chính ở tốc độ nhanh hơn, và cho phép các hãng Hoa Kỳ tiếp cận nhiều hơn với thị trường thương mại điện tử tại đại lục.
Ông Liu nói, Chủ Tịch Tập Cận Bình sẵn sàng đáp trả nếu Tổng Thống Donald Trump muốn gây ra chiến tranh thương mại. Ông Liu khẳng định Trung Quốc sẵn lòng đàm phán với Hoa Kỳ, nhưng sẽ không chủ động đề nghị gặp mặt trong tình hình hiện nay.

Trung Quốc hứa giảm thuế nhập cảng và mở cửa kinh tế
BẮC KINH – Lên tiếng tại Diễn Đàn Châu Á Boao ở Hải Nam hôm thứ Ba, Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình nói rằng nước này không cần thặng dư thương mại và hứa sẽ bắt đầu "một giai đoạn mở cửa mới" của kinh tế Trung Quốc. "Trung Quốc không tìm kiếm thặng dư thương mại. Chúng tôi thật lòng mong muốn được tăng nhập cảng và có giao dịch thương mại cân bằng hơn,” ông Tập nói. "Chúng tôi hy vọng các nước phát triển sẽ ngưng áp đặt các biện pháp hạn chế việc giao thương bình thường và hợp lý các sản phẩm công nghệ cao, và nới lỏng kiểm soát xuất cảng đối với các sản phẩm này của Trung Quốc.”
Theo tuyên bố của ông Tập, Trung Quốc sẽ cho phép các hãng nước ngoài được đầu tư vào ngành công nghiệp xe hơi, giảm thuế xe nhập cảng, và tăng sự bảo vệ đối với tài sản trí tuệ. Đây đều là những vấn đề mà Hoa Kỳ từ lâu đã cáo buộc Trung Quốc không thực hiện đúng nguyên tắc thị trường. Trung Quốc lâu nay vẫn luôn kêu gọi toàn cầu hóa, mở cửa kinh tế. Dù vậy, chính Bắc Kinh lại bị cáo buộc là chưa mở cửa nền kinh tế nội địa, hỗ trợ công ty trong nước, buộc các hãng nước ngoài phải chuyển giao công nghệ nếu muốn tiếp cận thị trường Trung Quốc.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT