Thế Giới

Jacqueline Nguyễn Thị Hồng Ngọc - Người Việt Nam đầu tiên giữ chức Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm Hoa Kỳ

Vanessa White/Viễn Đông Monday, 07/05/2012 - 09:12:04

Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn không những là người Mỹ gốc Việt đầu tiên mà còn là phụ nữ gốc Á Châu Thái Bình Dương đầu tiên được giữ chức vụ cao nhất trong tòa án cấp liên bang.

Vanessa White/Viễn Đông


Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn Thị Hồng Ngọc - ảnh: Văn phòng Tòa Án Liên Bang cung cấp.

WASHINGTON - Với tỷ số phiếu 91-3, Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn Thị Hồng Ngọc đã được phê chuẩn trở thành Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Hoa Kỳ Khu Vực 9 (Ninth Circuit U.S. Court of Appeals) vào hôm qua 7-5-2012.
Như vậy, Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn không những là người Mỹ gốc Việt đầu tiên mà còn là phụ nữ gốc Á Châu Thái Bình Dương đầu tiên được giữ chức vụ cao nhất trong tòa án cấp liên bang.
Hai vị thượng nghị sĩ thuộc Đảng Dân Chủ của California là Barbara Boxer và Dianne Feinstein cùng bỏ phiếu “aye”, tức đồng thuận, trong khi ba phiếu “nay”, tức chống đối, đến từ ba vị thượng nghị sĩ Đảng Cộng Hòa là David Vitter từ Louisiana, Pat Toomey từ Pennsylvania, và Mike Lee từ Utah.
Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn đã được đề cử vào chức vụ thẩm phán liên bang vào tháng 9-2011 và được Ủy Ban Thường Trực Tư Pháp Liên Bang của Hiệp Hội Luật Khoa Hoa Kỳ (American Bar Association) đồng thanh thông qua. Hồi cuối năm 2011, nhật báo Viễn Đông đã đưa tin về chuyện Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn được Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện phê chuẩn.
Nhưng cùng với 21 người được đề cử vào các chức vụ tư pháp, Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn đã phải chờ đợi sự phê chuẩn của toàn thể Thượng Viện, vốn bị đình trệ. Lý do trễ nãi, theo tin tức cho biết, là bởi các nghị sĩ Cộng Hòa muốn làm chậm lại tiến trình phê chuẩn để trả đũa cho chuyện Tổng Thống Obama đã thực hiện những quyết định đề cử trong thời gian có thể gọi là nghỉ giữa kỳ trong tháng Giêng 2011. Phía các nghị sĩ Dân Chủ liền đáp trả, dọa sẽ bỏ qua luôn các cuộc tranh luận và nhanh chóng phê chuẩn các thẩm phán.
Sau cùng, các nghị sĩ Dân Chủ và Cộng Hòa đạt được một thỏa thuận hồi tháng 3-2012, theo đó, 12 thẩm phán khu vực liên bang và 2 thẩm phán tòa phúc thẩm khu vực liên bang phải được bỏ phiếu phê chuẩn trước ngày 7-5-2012. Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn là người thứ nhì của tòa phúc thẩm được phê chuẩn kể từ khi có thỏa thuận ấy.

Từ luật sư, công tố viên, đến thẩm phán
Jacqueline Nguyễn tốt nghiệp đại học Occidental College năm 1987, đậu Tiến Sĩ Luật Khoa đại học UC Los Angeles năm 1991. Bà làm việc cho công ty luật Musick, Peeler & Garrett ở Los Angeles từ khi ra trường đến năm 1994, thụ lý những hồ sơ tranh chấp thương mại cũng như quyền sở hữu trí tuệ.
Sau đó, Luật Sư Jacqueline Nguyễn chuyển sang làm công tố viên cho văn phòng Công Tố Liên Bang khu vực Trung California từ năm 1995 đến năm 2000. Tại đây, bà làm việc trong phân ngành chuyên truy tố các vụ tham nhũng và gian lận của công, đồng thời tham gia vào lực lượng dẹp trừ tội phạm có tổ chức.
Cựu Thống Đốc Gray Davis bổ nhiệm bà vào chức vụ thẩm phán Tòa Thượng Thẩm Quận Los Angeles từ năm 2002 cho đến khi bà được Tổng Thống Obama đề cử và Thượng Viện Hoa Kỳ phê chuẩn để trở thành một thẩm phán người Mỹ gốc Việt đầu tiên tham dự vào ngành tư pháp liên bang khu vực Trung California hồi cuối năm 2009.
Trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Viễn Đông ngày 9-3-2010, Thẩm Phán Liên Bang Jacqueline Nguyễn nói về việc chuyển từ một công tố viên sang làm thẩm phán: “Đây cũng là một điều thú vị, vì trước khi nhận trách nhiệm bên phe công tố, tôi cũng từng nhắm đến công việc của một luật sư bào chữa công (người được giao nhiệm vụ biện hộ miễn phí cho những nghi can không mướn luật sư tư nhân). Hai công việc, đối với tôi lúc đó, là một chín một mười. Sau cùng, tôi chọn làm công tố viên vì nhận thấy văn phòng công tố cho tôi những cơ hội thích hợp với khả năng và ý thích của mình hơn.
“Còn trong vai trò thẩm phán bây giờ, nếu đặt lại câu hỏi là tôi có thể trở nên công bằng trong những quyết định của mình hay không sau khi đã làm một công tố viên, thì tôi không thấy đó là vấn đề. Nhiệm vụ của một thẩm phán là áp dụng luật pháp một cách chặt chẽ và cho cả hai phe công tố lẫn biện hộ một cuộc xử án công bằng. Cho nên, từ một công tố viên chuyển sang làm thẩm phán, tôi thấy khá dễ dàng”.
Cũng trong cuộc phỏng vấn năm 2010 của Viễn Đông, bà đưa nhận xét: “Mỗi vụ án tiến triển tùy theo các sự kiện của vụ án đó. Luật pháp không thay đổi, nhưng khi áp dụng luật pháp vào từng trường hợp, hoàn cảnh cụ thể thì có thể khác nhau. Và đây là điểm quan trọng nhất”.
Bà nói thêm: “Có những trường hợp tương đối dễ dàng, đó là khi luật pháp hướng dẫn rõ ràng và mình chỉ cần áp dụng thật đúng vào phán quyết của mình. Những trường hợp khác khó khăn hơn vì phức tạp hơn, và nhiệm vụ của thẩm phán lúc đó là xem hết bộ luật ứng dụng cho địa hạt của mình, trong trường hợp của tôi là địa hạt số 9, để cho ra một quyết định sau cùng. Nghĩa là, nếu mình không tìm được một trường hợp trước đây đã có phán quyết rõ ràng để noi theo, thì mình phải xem lại tất cả luật lệ một cách tổng quan, xem những phán quyết trước đây như thế nào, và cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định”.
Bà Jacqueline Nguyễn lập gia đình với một luật sư làm cho văn phòng Công Tố Liên Bang ở Los Angeles. Ông bà có hai người con.

Con đường quanh co đến ngành luật

Thế nhưng, khi còn ở trung học và đại học, Jacqueline Nguyễn chưa hề nghĩ tới việc trở thành một luật sư, huống chi một nữ thẩm phán Á Châu trông coi cả một vùng rộng lớn như ngày nay.
Song thân của Jacqueline là ông bà cựu Thiếu Tá Nguyễn Bình, phục vụ trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Gia đình ông bà ở Đà Lạt đến năm 1975 thì sang tị nạn tại Hoa Kỳ, mới đầu ở Trại Pendleton, rồi định cư ở Los Angeles.
Bà Jacqueline kể lại với Viễn Đông: “Hồi mới qua đây năm 1975, tôi được gần 10 tuổi. Lúc đó tôi còn học Anh văn trong các lớp ESL. Sau khi vào đại học, tôi nghĩ mình sẽ đi về ngành y, học Pre-Med, theo ý hướng của cha mẹ tôi. Cha mẹ tôi, như nhiều bậc phụ huynh khác, mong muốn con mình trở thành bác sĩ. Nhưng tôi không có duyên với các ngành khoa học cho lắm, mà lại rất thích ngành nhân văn học. Tôi yêu thích văn chương Anh ngữ. Do đó, tôi chọn chuyên ngành văn chương Anh và tốt nghiệp cử nhân ngành này. Không ngờ, chuyên ngành này lại giúp tôi rất nhiều khi học Luật, vì phải đọc, viết, và phân tích rất nhiều. Khi mới ra đại học, thật khó tìm việc làm vì có rất ít công việc cho một cử nhân Anh văn. Nên tôi thi LSAT (cuộc thi để vào trường luật), đậu điểm khá cao, rồi nộp đơn vào trường luật. Thật ra, khi còn nhỏ, tôi không được như các bạn trẻ bây giờ, rất ngăn nắp, quyết đoán, biết mình làm gì. Lúc đó, tôi thực sự chưa biết mình muốn làm gì, vì thời đó, tôi chưa được gặp ai làm trong ngành luật để tìm hiểu thiên hướng của mình. Và cũng may mắn là tôi đã tìm ra đường vào ngành luật”.
Cho nên, bà khuyên các bạn trẻ: “Tôi nghĩ rằng, đối với những em nào đã có sẵn định hướng nghề nghiệp rõ ràng, đó là điều rất tuyệt vời. Tuy nhiên, hãy cứ để cho mình cơ hội, cứ mở mắt nhìn xung quanh, biết đâu lại gặp những gì khác hay ho hơn. Còn đối với những em chưa biết phải làm gì trong cuộc sống, cũng không sao. Hãy đi tìm cho mình những gì mình thực sự yêu thích, thực sự muốn theo đuổi, để làm động lực thúc đẩy mình đi tới. Như trường hợp của chính mình, tôi đã tìm được công việc mà mình yêu mến, và điều đó còn quan trọng hơn cả tiền bạc kiếm được. Trong suốt sự nghiệp của tôi, tôi cũng đã từng có một số quyết định không đưa đến lợi tức khả quan lắm, nhưng tôi luôn luôn cảm thấy hạnh phúc với quyết định của mình”.

Một vinh dự phục vụ ở bậc cao trong ngành tư pháp
Với kết quả phê chuẩn của Thượng Viện Hoa Kỳ hôm Thứ Hai, Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn đã trở thành Thẩm Phán Tòa Phúc Thẩm Liên Bang Hoa Kỳ Khu Vực 9, bao gồm các tiểu bang Alaska, Arizona, California, Hawaii, Idaho, Montana, Nevada, Oregon, Washington, và luôn cả đảo Guam cũng như các đảo Northern Mariana.
Tòa Phúc Thẩm Khu Vực 9 là tòa phúc thẩm lớn nhất trong số 13 tòa phúc thẩm liên bang, với 29 vị thẩm phán. Các phiên tòa thường diễn ra ở Seattle, Portland, San Francisco, và Pasadena.
Tòa Phúc Thẩm Khu Vực 9 cũng là một tòa án có nhiều thẩm phán được các tổng thống đảng Dân Chủ đề cử, do đó, có thể mang khuynh hướng cấp tiến hơn là bảo thủ trong những quyết định.
Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn được đề cử vào một vị trí mới được mở theo một đạo luật liên bang hồi năm 2007, có hiệu lực đầu năm 2009, về việc tổ chức lại tòa án, chứ không phải thay thế một thẩm phán hồi hưu.
Kinh nghiệm làm một thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang có thể là tiền đề tạo cơ hội được đề cử vào Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ. Trừ Thẩm Phán Elena Kagan trong Tối Cao Pháp Viện hiện nay, 8 vị thẩm phán còn lại đều đã từng giữ vai trò thẩm phán tòa phúc thẩm, đa số ở liên bang, chí ít cũng ở cấp tiểu bang.
Luật Sư Holly J. Fujie, Trưởng Ban Cố Vấn Tư Pháp cho TNS. Feinstein, cho biết, chính bà đã từng gợi ý mời Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn đảm nhận chức vụ thẩm phán liên bang tòa khu vực trước đây, cách đây đã gần một thập niên – một chức vụ nhiều vinh dự mà ít ai muốn trả lời “không” – nhưng bà Jacqueline đã từ chối, vì cảm thấy chưa sẵn sàng nhận nhiệm vụ này. Rồi đến tháng 3-2009, trong một dịp ăn sáng, LS. Fujie đề cập lại vấn đề này, và bà Jacqueline Nguyễn đã đồng ý. Trong một dịp gặp gỡ trước đây, LS. Fujie tiết lộ với Viễn Đông một chi tiết là vị luật sư này đã phải đem vấn đề tự ái dân tộc ra để thuyết phục, và cuối cùng bà Jacqueline Nguyễn đã nhận lời để làm “vẻ vang dân tộc Việt” trong cương vị thẩm phán liên bang đầu tiên người Việt Nam ở Hoa Kỳ.
Nay Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn lại làm rạng danh cộng đồng Việt Nam tị nạn trong cương vị một thẩm phán liên bang tòa phúc thẩm.
Nhật báo Viễn Đông đã liên lạc với bà để nhận lời bình luận về việc phê chuẩn vừa diễn ra nhưng chưa được hồi âm trước khi bài báo lên khuôn. - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT