Thế Giới

Lá phiếu công dân thực sự có quan trọng không?

Vanessa White/Viễn Đông Wednesday, 21/03/2012 - 09:59:49

... chính hệ thống tuyển cử lại bị một số người chỉ trích là phi dân chủ, tước đoạt khỏi người Mỹ quyền tự do mà họ nâng niu ưa chuộng.

Cử tri và lá phiếu 2012

Vanessa White/Viễn Đông


WASHINGTON D.C. - Với chu kỳ bầu cử sớm đã xong hơn nửa chặng đường, các cử tri tại nhiều tiểu bang khác nhau đang tiết lộ một cách công khai, cho biết họ cảm thấy ai có thể là người tốt nhất để thay thế đương kim Tổng Thống Barack Obama, vào ngày 6-11-2012.
Giới cử tri hầu hết thuộc Đảng Cộng Hòa đã bỏ phiếu trong những vòng bầu cử sơ bộ, và tham gia vào những cuộc bỏ phiếu thử nghiệm thăm dò trong các cuộc hội nghị đảng, góp phần vào một cuộc đối thoại toàn quốc, về tương lai mà Hoa Kỳ có thể có được. Hầu như nhất quán lựa chọn giữa cựu Thống Đốc Mitt Romney của Massachusetts, ở các vùng duyên hải miền Đông, và cựu Thượng Nghị Sĩ Rick Santorum của Pennsylvania, tại nhiều vùng ở miền Trung Tây và miền Nam Hoa Kỳ, cho đến nay các cử tri dường như đã biết muốn lựa chọn người nào lên làm tổng thống.
Tuy nhiên, ngoài chuyện các phương tiện truyền thông chính lưu làm nổi bật lên một số ứng cử viên nào đó, trong khi lại phớt lờ những người khác, thì chính hệ thống tuyển cử lại bị một số người chỉ trích là phi dân chủ, tước đoạt khỏi người Mỹ quyền tự do mà họ nâng niu ưa chuộng. Từ những vị đại biểu (delegate) tới Đại Cử Tri Đoàn (Electoral College), cho đến vụ kiện Citizens United v. Federal Elections Commission, liệu lá phiếu bầu của công chúng có đóng vai trò quan trọng hay không?


Nhân viên thuộc Sở Ghi Danh Cử Tri Quận Cam đang chờ các thùng phiếu chạy vào
trong kỳ bầu cử sơ bộ năm 2010 - ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông

Các đại biểu
Cùng với chuyện bỏ phiếu và tham gia vào những cuộc bầu cử có tính cách thăm dò, thì các cử tri tại nhiều tiểu bang khác nhau cũng chọn ra những người đại biểu, để đại diện cho ứng cử viên của họ, tại những cuộc hội nghị đảng cấp tiểu bang và toàn quốc. Những vị đại biểu này rốt cuộc sẽ kén chọn người trở thành tổng thống.
Nhân vật sau cùng được mỗi đảng đề cử ra làm ứng cử viên tổng thống phải nhận được sự ủng hộ của một số đại biểu nhất định. Với những luật lệ phân bố khác nhau giữa Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ, nhiều đại biểu bị ràng buộc với ứng cử viên mà các cử tri chọn họ ra để đại diện, trong khi đó có những đại biểu không bị ràng buộc như vậy.
Ngoài ra, thay vì được các cử tri kén chọn, những “siêu đại biểu” (superdelegate) có thể nhận được chức vụ của họ, căn cứ trên những cương vị trước đó của họ, với tư cách là những đảng viên sáng giá hoặc ngay cả những giới chức dân cử. Hệ thống nằm đằng sau các vị siêu đại diện này đã bị chỉ trích, vì các siêu đại biểu thường có xu hướng là những người đàn ông da trắng và có thế lực nhiều hơn những đại biểu khác, vì họ có quyền tự do chọn lựa người mà họ ủng hộ, và có thể đi ngược lại lá phiếu bầu cử của công chúng. Tuy nhiên, những người chủ trương ủng hộ các siêu đại biểu đều lập luận rằng họ mang lại một cảm thức về thế độc lập cho những cuộc đề cử , không bị ràng buộc với ứng cử viên mà phe đa số trong đảng của họ có thể mong muốn.

Đại Cử Tri Đoàn

Được thành lập vào năm 1787, Đại Cử Tri Đoàn được thiết kế nhằm đem lại thêm trọng lượng cho các tiểu bang miền Nam, trong những kỳ bầu cử tổng thống. Vốn là những tiểu bang có chế độ nô lệ, các tiểu bang miền Nam có mức độ dân số ít hơn, vì những người nô lệ không được tính như là những con người nằm trong toàn bộ dân số ấy.
Dưới quyền của Đại Cử Tri Đoàn, mỗi tiểu bang có một số lượng khác nhau bao gồm những người tuyển cử hay đại cử tri (elector), dựa trên số lượng các dân biểu và các thượng nghị sĩ mà tiểu bang có được tại Quốc Hội - với những phương pháp khác nhau của các tiểu bang trong việc kén chọn những người tuyển cử.
Khi các công dân đi bỏ phiếu vào ngày 6-11-2012, họ sẽ thực sự bầu chọn những
người tuyển cử. Những người này được giả định là đại diện cho lá phiếu của các công dân bầu cử chọn ra người lên làm tổng thống. Những người tuyển cử này sau đó bầu chọn vị tổng thống trong tháng 12 năm 2012.
Hệ thống Đại Cử Tri Đoàn đã gặp phải nhiều lời chỉ trích từ những người chống đối. Những người này cảm thấy rằng Đại Cử Tri Đoàn có thể lấy đi mất từ những lá phiếu của công chúng, nếu những người tuyển cử không chọn ứng cử viên mà công chúng muốn chọn, tương tự như chuyện từng xảy ra trong kỳ tuyển cử năm 2000 chọn Tổng Thống George W. Bush. Phe phản đối cũng lập luận rằng Đại Cử Tri Đoàn đem lại cho những tiểu bang nhỏ hơn, thường có xu hướng theo Đảng Cộng Hòa, một lợi thế nhiều hơn so với những tiểu bang đông dân hơn vốn có xu hướng theo Dân Chủ.
Những người ủng hộ Đại Cử Tri Đoàn cảm thấy rằng lợi thế nói trên là có tính cách công bằng, vì nếu không có Đại Cử Tri Đoàn thì những tiểu bang nhỏ hơn có thể trở nên vô hình, trong những kỳ bầu cử tổng thống, vì những tiểu bang nào có nhiều vùng đô thị hóa hơn đều thường có dân số đông hơn và có trọng lượng lớn hơn.

Vụ kiện Citizens United v. Federal Elections Commission
Một phán quyết xét xử của Tối Cao Pháp Viện Hoa Kỳ trong năm 2010, được gọi là Citizens United v. Federal Elections Commission, đã cho phép các công ty được quyền hiến tặng những ngân khoản tài trợ vô giới hạn cho các chiến dịch vận động tranh cử.
Quyết định này được xem là đã tạo ra cơ hội để thành hình các ủy ban hành động chính trị (PAC) to lớn. Mặc dù những ủy ban này được giả thiết là giữ thế độc lập khỏi các ứng cử viên mà họ ủng hộ, thế nhưng lại chấp nhận nhiều khối lượng rất lớn những khoản tiền tài trợ để tạo ra những mục quảng cáo cổ võ đề cao ứng cử viên.
Trong cuộc chạy đua giành ghế tổng thống của Đảng Cộng Hòa năm 2012, Thống Đốc Romney nhận được sự ủng hộ nhiều nhất của các ủy ban PAC, và được coi là người dẫn đầu trong toàn thể các ứng cử viên.
Những người chống đối chỉ trích phán quyết Citizens United, vì họ cảm thấy rằng quyết định này cho phép tiền bạc gây ảnh hưởng tới việc bầu chọn tổng thống. Những ứng cử viên nào không nhận được tiền tài trợ ào ạt đều sẽ không có được những nguồn tài lực để tranh cử một cách tốt nhất.
Những người ủng hộ phán quyết tin rằng, bất luận ai có đủ khả năng tài chánh để ra tranh cử tổng thống, cuộc tranh đua này chính là cốt lõi của chức vụ tổng thống.

Ý tưởng để suy gẫm
Với những hệ thống tuyển cử hiện hành khác nhau, liệu công chúng có thực sự là những người bầu chọn tổng thống hay không? - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT