Thế Giới

LS. Miranda Du vừa được phê chuẩn làm thẩm phán liên bang gốc Á đầu tiên ở Nevada

Vanessa White/Viễn Đông Wednesday, 28/03/2012 - 08:54:51

Ông nói: “Bà ấy đã vượt lên trên những điều bất lợi hơn là những gì đại đa số chúng ta có thể tưởng tượng được”, nhưng lý do này không đủ để trao cho bà Miranda một chức vụ thẩm phán liên bang cả đời.

Vanessa White/Viễn Đông


Luật Sư Du Mai Miranda - ảnh do văn phòng tổ hợp luật gia
McDonald Carano Wilson, LLP, cung cấp.

WASHINGTON D.C. – Bất chấp sự chống đối của đảng phái, nữ Luật Sư Miranda Mai Du của tiểu bang Nevada đã được chuẩn nhận vào chức vụ thẩm phán Tòa Án Khu Vực Liên Bang Địa Hạt Nevada, thuộc Khu Vực Số Chín, bằng một cuộc biểu quyết của Thượng Viện vào chiều hôm qua 28-3-2012, với 59 phiếu thuận và 39 phiếu chống.
Sự chấp thuận bổ nhiệm LS. Miranda Du đã làm cho bà trở thành người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương đầu tiên giữ chức vụ thẩm phán địa hạt liên bang ở Nevada (U.S. District Court). Nhật báo Viễn Đông đã liên lạc với bà, để xin bà bình luận về chuyện chuẩn nhận này, nhưng chưa nhận được hồi âm, trước khi bài báo này lên khuôn.
Trong khi Viễn Đông đưa tin về chuyện Tổng Thống Barack Obama bổ nhiệm bà Miranda vào ngày 11-8-2011, và chuyện Ủy Ban Tư Pháp Thượng Viện Hoa Kỳ chấp thuận sự bổ nhiệm ấy vào ngày 4-11 cùng năm đó, thì cuộc điều trần của toàn thể Thượng Viện đã bị đình hoãn, cùng với 21 người khác được bổ nhiệm làm thẩm phán.
Tức giận về những người được Tổng Thống Obama bổ nhiệm trong khoảng thời gian tạm nghỉ vào tháng 1 năm 2011, theo tin tức cho biết thì để tỏ ý phản đối, một số thượng nghị sĩ Cộng Hòa đã làm chậm lại tiến trình chuẩn nhận. Các thượng nghị sĩ Dân Chủ đã phản ứng bằng cách đe dọa gác việc tranh cãi sang một bên, và cấp tốc chuẩn y việc bổ nhiệm các vị thẩm phán. Tuy nhiên, các lãnh tụ Thượng Viện đã đạt được một thỏa thuận vào hôm 14-3-2012, đòi hỏi 12 thẩm phán tòa án địa hạt liên bang và hai tòa án địa hạt phải nhận được những lá phiếu chấp nhận, trước ngày 7-5-2012. Từ khi đạt được thỏa thuận này, bà Miranda là thẩm phán thứ sáu của tòa án địa hạt liên bang được phê chuẩn.
Trong khi chưa có người nào do Tổng Thống Obama đề cử vào chức vụ thẩm phán tòa phúc thẩm liên bang được chuẩn nhận từ khi có thỏa thuận trên, một trong những ứng viên cho Tòa Kháng Án Liên Bang thuộc Khu Vực Số Chín (U.S. Ninth Circuit Court of Appeals) là đương kim Thẩm Phán Jacqueline Nguyễn Thị Hồng Ngọc thuộc Tòa Liên Bang Khu Vực Trung California. Nếu được phê chuẩn luôn dịp này, bà Jacqueline sẽ nhập đoàn cùng bà Miranda và 10 thẩm phán người Mỹ gốc Á Châu Thái Bình Dương khác trong Khu Vực Số Chín. Thẩm quyền của Khu Vực Số Chín bao trùm California, Alaska, Washington, Montana, Idaho, Oregon, Nevada, Arizona, Hawaii, Guam và quần đảo Northern Mariana Islands.
Chống đối việc chuẩn nhận bà Miranda, Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Chuck Grassley của tiểu bang Iowa lên tiếng tại toàn thể Thượng Viện, nói rằng mặc dù ông đã bỏ phiếu ủng hộ cho hơn 90 phần trăm trong số những cuộc bổ nhiệm của Tổng Thống Obama, nhưng ông không ủng hộ việc chuẩn nhận bà Miranda. Ông nói thêm rằng ông đã nghe những lời than phiền về chuyện phe Cộng Hòa làm chậm tiến trình đề cử và phê chuẩn, mặc dù Tổng Thống Obama còn có thể đề cử thêm nhiều người nữa. Trong số 64 ghế thẩm phán liên bang còn bỏ trống, ông cho biết thêm, có đến hơn phân nửa chưa có người được đề cử để thay thế.
Một trong những lý do mà Thượng Nghị Sĩ Grassley cho biết ông không muốn ủng hộ bà Miranda là vì bà thiếu kinh nghiệm và không hội đủ các điều kiện theo tiêu chuẩn của Luật Sư Đoàn Hoa Kỳ (American Bar Association). Ông nói thêm rằng việc đề cử người vào các chức vụ thẩm phán không nên dựa trên sắc tộc, phái tính, hay chỉ đơn thuần là một câu chuyện thành công. Ông nói: “Bà ấy đã vượt lên trên những điều bất lợi hơn là những gì đại đa số chúng ta có thể tưởng tượng được”, nhưng lý do này không đủ để trao cho bà Miranda một chức vụ thẩm phán liên bang cả đời.

Câu chuyện của LS. Miranda Du
Một phần trong việc đưa tin về chuyện LS. Miranda Du được đề cử làm thẩm phán, nhật báo Viễn Đông cũng đã đăng tải về cuộc hành trình của bà.
Chuyến hành trình ấy khởi sự tại Việt Nam, khi cô Miranda và gia đình rời bỏ đất nước của mình, với niềm hy vọng sẽ tìm được tự do ở một nơi khác, sau khi Sài Gòn bị cưỡng chiếm trong năm 1975. Gia đình tạm cư ở Mã Lai trước khi sang định cư tại Hoa Kỳ. Ở xứ sở này, họ làm nhiều công việc khác nhau, từ nhà hàng cho tới cây xăng do chính gia đình cô làm chủ.
Tạp chí Reno Gazette Journal trích dẫn lại lời Miranda nói: “Tôi không bao giờ muốn làm một nhà kinh doanh. Nếu tôi không muốn tiếp tục theo truyền thống gia đình này (kinh doanh tiểu thương)... thì giáo dục học hành là con đường duy nhất để đi ra”.
Bất chấp sự phản đối từ gia đình mình, cô Miranda quyết định theo học luật khoa. Tờ tạp chí trích dẫn lời Miranda nói: “Luật khoa có thể đem lại sức mạnh cho một nhóm thiểu số cũng như cho một người phụ nữ”. Sau khi tốt nghiệp ưu hạng về Lịch Sử và Kinh Tế Học từ trường đại học University of California (UC) Davis trong năm 1991, cô Miranda nhận được văn bằng luật khoa từ trường đại học UC Berkeley trong năm 1994. Cũng trong năm ấy, Miranda trở thành một cộng tác viên, tương đương với đồng chủ nhân hoặc giám đốc kinh doanh, của hãng luật McDonald Carano Wilson LLP.
Tại công ty luật này, LS. Miranda đại diện cho những cơ sở kinh doanh lớn, trong những vụ tố tụng mà các nhân viên đâm đơn kiện các công ty về chuyện kỳ thị chủng tộc, giới tính, v.v..
Ngoài công việc tại công ty luật, từ năm 1995 đến năm 1998, LS. Miranda còn đóng góp thì giờ của mình để đại diện cho những trẻ em bị ngược đãi, lạm dụng và bị bỏ rơi, cũng như phụ trách giảng dạy trong những chương trình về giáo dục pháp lý.
Nay với cương vị mới là một thẩm phán liên bang vừa được chuẩn nhận, bà sẽ tiếp tục sự phục vụ của mình. - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT