Mẹo Vặt

Món quà ngày Father"s Day

Vũ Hằng/Viễn Đông Tuesday, 12/06/2012 - 10:45:39

Bài viết hôm nay xin được gửi riêng đến các bạn trẻ. Còn được sống cạnh cha cạnh mẹ là đều còn trẻ hết, các bạn ạ!

Vũ Hằng/Viễn Đông

Chủ Nhật 17 tháng Sáu tới đây là ngày cả Hoa Kỳ mừng Fathers Day, “ngày của bố” mà nhiều người chúng ta bây giờ gọi là “ngày Từ Phụ”. Nhắc tới chữ Từ Phụ làm nước mắt Hằng rưng rưng. Bởi vì ngày bố qua đời tại Việt Nam thì cái tiểu gia đình của em đã ở bên Mỹ; những ngày cụ bệnh hoạn yếu đau em chẳng được cận kề săn sóc để tạ lỗi về những hành động bạc bẽo, vô tâm, bất hiếu ngày xưa. Điều duy nhất có thể làm được là gửi tiền… những đồng tiền vô tri giác chẳng bao giờ thay thế được bổn phận làm con. Nhưng lòng bố lớn lắm, chỉ cần một dấu hiệu nhỏ nhoi thôi là bố đã nhân ý nghĩa của nó lên gấp trăm, gấp ngàn lần. Con em Hằng kể lại, “bao giờ nhận tiền em cũng xòe ra trước mặt cho bố xem: Nè bố, chị Hằng gửi tiền cho bố nè!”. Mặc dầu chẳng còn tự mình sử dụng được nữa, mắt bố vẫn ngập tràn hạnh phúc, niềm hạnh phúc làm bố quên sự đau đớn đang hành hạ thân thể trong thoáng giây, rồi mỉm cười, “Mặn này bõ nhạt ngày xưa”. Bạn hiểu ông cụ nói gì không? Không phải chỉ là cái nghĩa thông thường “bây giờ được ăn mặn bù lại những bữa ăn nhạt ngày xưa” đâu. Ông đang nhớ bà và cả cái không gian của những ngày khốn khó: Hồi đó, cũng như phần lớn các gia đình dân dã ở miền Nam, gia đình Hằng nghèo lắm, chỉ có bố đi làm, nhà lại đông anh chị em, nên phải trông vào tài vén khéo của mẹ… Câu nói của bố là sự gợi nhớ đến mẹ, đến những ngày làm nhiều mà ăn không đủ, bây giờ có đủ ăn thì không còn người đâu nữa… Thử hỏi ai có thể cầm được nước mắt?
Nhưng thôi, mình phải nói chuyện hôm nay chứ, các bạn đã sẵn sàng cái gì để tặng bố của mình chưa? Đừng giống như cái con mụ lôi thôi này nhé: ngày có bố thì vô tâm, coi thường, đến khi không còn bố nữa mới ân hận, mới sướt mướt thì ăn thua gì nữa! Bài viết hôm nay xin được gửi riêng đến các bạn trẻ. Còn được sống cạnh cha cạnh mẹ là đều còn trẻ hết, các bạn ạ!

Bố hay mẹ: Ai dễ hơn?
Đó là nói về chuyện tặng quà. Hằng có nghe được tâm sự như thế này, “Tặng bố cái gì ta? Sao khó quá! Phải chi bố cũng điệu đời như… mẹ thì dễ hơn: Một thỏi son môi, một hộp phấn hồng, một chai nước hoa, một cái khăn quàng cổ, một đôi giầy… Biết bao nhiêu thứ, mà thứ nào mẹ cũng thích (?) nên chọn mua dễ dàng. Còn bố, biết bố cần gì? Thích gì? Cà vạt, áo quần mẹ đã giành mua, mà nhiều khi còn bị bố gạt đi. Mấy cái power tools, như máy cưa, máy đào, máy khoan… bố hay dùng và hay tìm mua thì mình lại chả hiểu gì về chúng…”.
Đó có phải cũng là tâm sự của bạn không? Thường thường trước khi tặng ai món gì, mình hay tự hỏi “Họ cần gì? Cái gì là quí nhất đối với họ?”. Đối với bố thì Hằng nghĩ đó là sự quan tâm của chính những đứa con. Nhưng làm thế nào để thể hiện được sự quan tâm nếu không có quà? Có điều quà không phải chỉ là những gì do vật chất thể hiện. Quà cũng có thể là một thứ mà người được tặng không cần chạm tới. Nói khó hiểu quá nhỉ? Vậy xin đưa ra một thí dụ cụ thể như sau:

Một thứ quà người được tặng không muốn… sờ tới
Bạn tìm xem trong nhà mình hiện còn cái bill nào chưa trả không? “Biu” ở xứ Mỹ này chả thiếu, nhưng trước nay nó là sự lo lắng của bố, chứ bạn có mấy khi quan tâm. Nên bây giờ tìm cũng hơi mất công, nhưng chính vì vậy mà nó mới gây một ngạc nhiên thích thú cho bố. Rồi tự mình, hoặc nếu sức mình không đủ thì chung tiền với anh chị em trong nhà để trả một cái bill nào đó giúp bố: Hoặc bill điện, bill nước, bill gas, bill rác, bill điện thoại… Bạn có thể làm như thế này:
- Nếu bố có thói quen ghi danh sách những việc cần làm trong ngày ra một cái bảng ở phòng làm việc thì dễ cho bạn rồi: Chỉ việc lẳng lặng tìm bill, trả tiền, rồi gạch một đường trên danh sách. Nhớ dùng bút mực đỏ, rồi vẽ thêm trái tim “I love you, Dad” cạnh đó nhé.
- Nếu bố không dùng bảng ghi danh sách những việc cần làm, thì bạn có thể “phăng tê di” bằng cách làm một tấm thiệp gửi về địa chỉ nhà mình cho bố qua bưu điện, với những lời như thế này: “Công ty điện đặc biệt mừng ngày Từ Phụ nên xin hoãn một tháng tiền bill cho ông”. Bên dưới, ở phần ký tên “Giám đốc Công Ty Điện”, bạn nhớ ghi tên của mình vào đó. Bạn có thể tưởng tượng ra được nụ cười của bố như thế nào khi đọc lá thư đó không?
Nó không phải là một “món quà” đắt tiền nhất hoặc cầu kỳ nhất. Nó đúng là một món quà mà người được tặng không có thể chạm tay vào. Chỉ vì nó là một bổn phận, một gánh nặng… cần người khác mang bớt. Nó thực đơn giản, nhưng nó rất ý nghĩa, nó thấm sâu vào tâm can của người nhận quà, và… của người tặng quà nữa. Nó chính là sự thể hiện mối quan tâm của bạn đối với bố đó.

Vuhang231@yahoo.com

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT