Hôm Nay Ăn Gì

Mứt dừa của chị Ba

Thursday, 28/01/2021 - 08:12:26

Xin nói rõ: Chị Ba không phải một thương hiệu mứt dừa, chị Ba cũng không phải là người nổi tiếng hay có sức lan tỏa trong xã hội, chị thuộc nhóm ít nói, sống lặng lẽ và cô đơn.


(Tom/ Viễn Đông)

Bài TOM


Xin nói rõ: Chị Ba không phải một thương hiệu mứt dừa, chị Ba cũng không phải là người nổi tiếng hay có sức lan tỏa trong xã hội, chị thuộc nhóm ít nói, sống lặng lẽ và cô đơn. Nhưng được cái chị siêng làm, mà cũng không làm được nhiều món, cứ Tết đến thì chị hái dừa, có lúc chị trèo lên chọn mấy trái dừa vừa dầy để hái làm mứt. Mứt dừa chị Ba làm thì ngon hết sẩy. Hình như tôi chưa gặp mứt dừa ở đâu ngon hơn.

Thời đó, kinh tế khó khăn (xin lỗi vì điệp khúc này lặp hơi nhiều trong các bài ẩm thực! Nhưng đụng tới là tôi đụng phải câu này…), những món ở quê hiếm khi bán được, ví dụ như đu đủ, dừa, mãng cầu, bây giờ thì bán đắt đỏ vậy chứ thời những năm 1990 trở về trước, chẳng biết để làm gì. Như cây bưởi năm roi của bà ngoại tôi trồng, hái cả xe bò đi bán cũng được vài trăm đồng, đủ mua hai lạng thịt bò. Thời đó nghèo khổ, người ta chuộng thịt, chuộng mì tôm, cá hộp, thịt hộp, còn trái cây thì không đáng kể. Khác với thời bây giờ trái cây đắt đỏ.


(Tom/ Viễn Đông)

Nói như vậy để thấy trái dừa thời đó sinh lãi biết chừng nào, chỉ tội cho người trồng dừa thôi. Mua một xe bò dừa tốn chừng vài trăm đồng, cả xe bò dừa có thể làm được năm chục, sáu chục ký mứt dừa, mà mỗi ký mứt dừa có giá cũng gần bằng một xe bò dừa. Thời đó, ai làm dịch vụ hay sản xuất tiểu thủ công đều có thể sống tốt, trừ nông dân.

Chị Ba thường hay nói với tôi rằng nếu như chị kinh doanh làm mứt dừa, chị sẽ giàu to. Nhưng chị không trả lời được chị giàu để làm gì nên chị không kinh doanh. Tôi hỏi chị có bị một anh Điệp nào đó làm chị buồn, muốn đi tu, muốn thành cô Lan hay không mà nhìn cách sống của chị có vẻ giống cô Lan trong Chuyện Tình Lan và Điệp quá. Chị chỉ cười và bảo tôi cố gắng tưởng tượng thêm chút nữa, không chừng sau này lớn làm nhà văn. Những chuyện không đầu không đũa của hai chị em, chị Ba con dì Hai, dì Hai con bà cô Cửu, tôi con mẹ, mẹ con bà ngoại, nhà tứ đại đồng đường nên chị em, bà cháu cùng sống chung một nhà.


(Tom/ Viễn Đông)

Cứ Tết đến là chị Ba ra ngoài vườn, hái mấy trái dừa, vào chặt vỏ, lấy nước cho tôi uống, sau đó chị đục lớp vỏ cứng, lấy lớp cơm mềm, sau lại gọt hết phần vỏ lụa màu ca cao bên ngoài thành một trái dừa cơm trắng muốt. Gọt xong lại rửa, rồi thái thành từng cuộn, có lúc chị thái thành từng miếng vuông rồi chẻ một đầu, sau đó cho một ít màu cà rốt, màu khoai tím, màu dứa để tạo màu. Sau đó chị cho đường cát trắng vào dừa, trộn nhẹ tay, để đó. Xong lại đi bắc bếp củi, cho cái chảo nóng lên bếp khi lửa đủ lớn, chị Ba cho số dừa chẻ thành sợi dài đã tẩm đường vào chảo và hạ nhỏ lửa. Mẻ mứt dừa cuộn dài vừa làm xong thì chị ba cho mẻ mứt cà rốt vào, xong mẻ mứt cà rốt, chị lại cho mẻ mứt màu khoai tím, rồi đến mẻ mứt màu dứa xanh, số dừa chẻ miếng thì chị Ba dùng đũa tẻ thành những bông hoa. Xong các mẻ mứt, trời cũng bắt đầu chuyển sang chiều, chị Ba sai tôi mang mứt đi phơi với chị.

Chị trải một tấm giấy báo lên nia, cho mứt ra giấy báo và cho một miếng lưới nhỏ chống ruồi nhặng lên trên để phơi. Hai chị em bắc thang, trèo lên mái nhà cổ, đặt nia mứt nằm ngay chỗ máng xối, nơi giao nhau giữa hai mái ngói âm dương. Bởi mái ngói âm dương thường có độ nghiêng rất lớn nên không thể để nia mứt mà phơi, phải phơi ở chỗ này. Chị Ba nói rằng trong cái khó lại có cái hay, bởi máng xối là nơi tích tụ dương khí, đặt mứt phơi lên chỗ máng xối sẽ hấp thụ được dương khí, ăn vào sẽ thông minh.


(Tom/ Viễn Đông)

Không biết có phải vì câu nói của chị ba hay không mà tụi tôi cứ lén chị Ba để ăn mứt. Đến chiều ba mươi Tết, cách chi chị Ba cũng phải ra hái dừa làm tiếp mẻ mứt khác và thay vì phơi, chị lại hong khô trên than hồng. Cái Tết đến với gia đình tôi, không thể thiếu món mứt dừa của chị Ba, cho đến ngày chúng tôi rời mái tam đại đồng đường ra ở riêng, Tết tôi vẫn thích chạy về nhà để ăn món mứt của chị Ba.

Thời tôi vào đại học, cứ mỗi khi về Tết thì cách gì, lúc tiễn tôi ra xe vào thành phố, chị Ba cũng nhét cho tôi một gói mứt dừa. Đến năm tôi thất nghiệp, lang thang trên đất Bắc thì chị ba lấy chồng, hồi đó chị cũng đã gần năm mươi, không biết nổi hứng kiểu gì lại lấy chồng, thời trẻ thì không chịu lấy chồng, quyết ở vậy. Chị lấy chồng được hai năm thì qua đời. Lúc tôi về thăm chị lần cuối, trên giường bệnh, chị nói nhỏ với tôi, “Chị có để cho em bọc mứt dừa, không biết mi còn thích không? Mi hay hỏi chị tại sao lại lấy chồng muộn. Chị nghĩ kĩ rồi, làm ma không chồng nó buồn lắm!”


(Tom/ Viễn Đông)

Tôi chạnh buồn, bởi để làm ma có chồng, chị chấp nhận lấy một người đàn ông chết vợ với bốn đứa con, kinh tế hết sức khó khăn. Số tiền dành dụm được cả thời trẻ, chị dành cho mấy đứa nhỏ ăn học. Và để đáp trả tấm lòng của chị Ba, khi chị qua đời, hình như mấy đứa nhỏ thương “mẹ ghẻ” của nó chẳng kém mẹ ruột, đứa nhỏ gào khóc, đòi chị phải ngồi dậy, phải ở lại với nó, không được bỏ nó mà đi, đứa lớn thì chăm chị còn hơn chăm mẹ ruột…

Tự dưng, tôi thấy cuộc đời này, ngoài cái lý còn có cái lẽ, có nhiều thứ có lý nhưng không phải lẽ, có nhiều thứ nghe có vẻ không hợp lý, ví dụ như cưới chồng ở tuổi ngũ tuần như chị Ba, nhưng nó lại ẩn chứa cái lẽ tình người. Và trong một số chuyện, chỉ nên chọn cái lẽ mà sống, hợp lý hay không, mai hậu sẽ nhìn ra. Tự dưng, nói món mứt dừa, tôi lại nhớ tới chị Ba của tôi.


(Tom/ Viễn Đông)

Hình như, chị Ba làm mứt dừa cũng vì cái lẽ, nên ngày Tết, món mứt dừa của chị Ba có gì đó nhiệm màu và thần tiên. Và hương vị của mứt dừa khiến tôi thấy bùi ngùi nhớ những Tết xưa.

Mỗi món ăn, chắc chắn là vậy, sẽ gắn một ký ức nào đó với một ai đó, nếu chưa có, xin hãy để cuộc sống tự gắn ngay từ bây giờ, với món mứt dừa ngày Tết. Xin cầu chúc quí vị thấy vui và thú vị với món mứt dừa ngày Tết!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT