Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Nguyễn Ngọc Ngạn, cầm cái gì?

ht, nguyễn Friday, 02/03/2012 - 11:53:20

Trong cuộc đời Nguyễn Ngọc Ngạn, cái gì mà ông ta cầm nhiều nhất, dài lâu nhất trong tay?

ht, nguyễn
Phấn?
Viết?
Micro?
…?
Trong cuộc đời Nguyễn Ngọc Ngạn, cái gì mà ông ta cầm nhiều nhất, dài lâu nhất trong tay? Đó là điều đã tốn không ít giấy mực để viết, và cũng là câu hỏi thường được đặt ra của báo giới khi phỏng vấn ông, nhằm thỏa mãn được câu hỏi của triệu triệu người hâm mộ từ hải ngoại cho đến trong nước đặt ra.

Phấn?
Bước ra từ khung trời Văn Khoa, ngưỡng cửa này đã nâng bước chân ông thành một nhà giáo. Mà ai có ngờ đâu rằng trong những hạt bụi phấn trắng bay bay ngày đó lại chính là tố chất đã làm nên một phần đời nghệ sĩ của Nguyễn Ngọc Ngạn, chính là ranh giới giữa hai con đường khác biệt. Nhà mô phạm và nghệ thuật gia mà không thể nhầm lẫn vào với bất kỳ một ai khác.
Ông đĩnh đạc, và nghiêm khắc hơn từ đáng sợ đến “đáng yêu”, sau cặp kiếng nặng trĩu! Có thể biến cái nhìn đăm đăm khó chịu của một nhà giáo thành một cái nhìn ưu ái dành cho đám trẻ vốn dĩ có tên là “nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò”. Trường Văn Đức, Saint Thomas, Trung Học Quang Minh, Lê Bảo Tịnh… là những ngôi trường ông đã từng dạy thời bấy giờ và là một giáo sư Việt Văn.
Văn học là Nhân học, vậy có nghĩa là ông đã có công xây đắp và tô luyện nhân cách cho biết bao thế hệ mà điển hình là mãi cho đến ngày nay ông cũng đã đem cái công thức này vào sân khấu. Trên Paris By Night, ông đã lồng vào những bài học lịch sử, những câu ca dao tục ngữ, những phong tục tập quán của đất Việt, của con người Việt không ngoài mục đích duy trì văn hóa cho nhiều thế hệ.

Viết?
Những Người Đàn Bà Ở Lại là truyện dài đầu tiên bắt đầu sự nghiệp viết văn của Nguyễn Ngọc Ngạn vào năm 1979. Cảm xúc đến từ những mất mát tang thương của chính mình và nhiều nhất là thân phận của những người đàn bà Việt Nam mà ông đã trải nghiệm qua hình ảnh của chiến tranh, của hiểm nguy, của mất mát… trong những ngày lưu lại trên đất Mã Lai, đảo Kota Baru. Những Người Đàn Bà Còn Lại được viết bằng tay và hoàn tất trong 90 ngày, như một nén hương tiễn đưa vợ vào lòng đại dương, tiễn đưa con vào lòng huyệt lạnh căm căm đồng thời vinh danh những người đàn bà Việt Nam đã âm thầm chịu thương, chịu khó trong vai trò phụ nữ của mình.
Bên cạnh đó thì Xóm Đạo lại phát họa được một bức tranh nhiều màu sắc mà trong đó trạng thái tâm lý của con người được mô tả lại vô cùng đời thường. Kết hợp giữa cái “mộng” và cái “thực” mà theo tôi chỉ có ông mới lột tả tận cùng đời thường của các vị tu sĩ đến ngộp thở người đọc, đến choáng tai người nghe… nhưng rồi mọi người lại hài lòng và cười mỉm tự nhủ: Âu cũng là con / người thôi ấy mà!
Đếm Những Mảnh Tình lại là một tác phẩm mà ông đã nhận được rất nhiều lời đề nghị dựng thành phim trong suốt nhiều năm qua.
Chưa hết! Nếu mà các nhà chính trị gia, các nhà ái quốc Việt Nam đã phải mất bao nhiều chương sách để kể tội HCM, đã phải tốn bao nhiêu là giấy mực để viết khẩu hiệu, rồi nào hò, nào hét! Riêng Nguyễn Ngọc Ngạn, ông cầm bằng ngòi bút thâm thúy! bằng một nửa giễu cợt, nửa còn lại là mai mỉa. Trong Khu Phố Chợ Trời, Nước Mắt Đàn Ông, Màu Cỏ Úa… ông trải bày mặt trái quá thô lộng của một chế độ bằng lời lẽ nhẹ nhàng, cần đâu phải chì chiết nhưng để lại một nỗi đau, đau tê dại như cắt.
Bên cạnh những nỗi đau “quốc nội” là những nỗi đau hải ngoại, trong Tâm Bịnh, Nước Mắt Đàn Ông, Khúc Quanh Một Chuyện Tình, Tình Muộn… lại là những bức tranh nhiều màu sắc, khắc họa của đời sống người Việt tha phương trên xứ người cũng nào tình, nào tiền…

Năm 1999, sau chuyến đi show cùng anh em nghệ sĩ bên trời Âu, cũng vì đường sá xa xôi, đem khuya lạnh căm với cái lạnh tê cứng da thịt của Đông Đức, Paris… trên những chuyến xe đêm mọi người thay phiên nhau kể chuyện, mà trong đó có những câu chuyện ma rất hấp dẫn, thế là ông nảy sinh ra viết truyện ma, nhưng viết như thế nào đây, sau những trăn trở ông đặt bút viết…
Truyện kinh dị đầu tiên, tựa là Đêm Trong Căn Nhà Hoang, rồi ngay sau đó, truyện thứ nhì có tựa là Tiếng Quạ Réo Vong Hồn và còn nữa là Ngôi Mộ Mới Đắp, Chuyến Xe Buýt, Bảy Ngày Trong Cõi Âm Ty… Và trong đó Bóng Người Dưới Trăng là một tập truyện ma đã để lại quá nhiều thành tích sao chép, và tẩy xoá tên tác giả tại hai nhà xuất bản trong nước với một cái tên mới là Chuyến Xe Ma Quái và lúc này tác giả Nguyễn Ngọc Ngạn được chuyển thành Nguyễn Ngọc.
Kinh dị và truyện ma, là một hấp dẫn nhiều ma lực nhất trong cách viết của Nguyễn Ngọc Ngạn. Chẳng hiểu bằng cách nào đó mà ông diễn tả như thật, như có một vô hình nào đó đang sát ngay bên cạnh ta khi đọc, khi nghe. Lạ thật! càng sợ thì càng muốn đọc, muốn nghe, muốn biết! đó là sức hấp dẫn đến mức độ thôi miên ta.
Truyện đọc của Nguyễn Ngọc Ngạn là người bạn đồng hành của chúng ta trên những con đường, trên những chuyến xe ngàn mile mà không cần phải đợi chờ giờ đến đích!

Viết kịch bản
Viết bi kịch là điều không khó đối với riêng Nguyễn Ngọc Ngạn, ông quan niệm lấy được nước mắt của người xem trong bi kịch là chuyện bình thường, làm cách nào lấy được tiếng cười, tiếng cười sảng khoái của người xem thì đó mới là điều khó khăn, và là điều cần phải làm cho một đời sống ngày hôm nay vốn đã quá nhiều căng thẳng và mệt mỏi này.
Nhưng nếu mà làm được cả hai: nước mắt và nụ cười trong một kịch bản, thì đó mới chính là tuyệt vời, là điều thành công. Đó là việc kết hợp giữa bi và hài mà ông đã vô cùng thành công trong vở Chồng Chúa Vợ Tôi, vở kịch đã nâng cao vai diễn của Kiều Oanh và Ngọc Đan Thanh. Kiều Oanh trong cái ngây ngô, chảnh chẹ từ đáng yêu đến đáng thương của một cô gái chân ướt chân ráo từ Việt Nam mới sang hải ngoại. Đến nỗi hàm oan không bao giờ thoát ra được khỏi những thiệt thòi, chấp nhận trong vai diễn của Ngọc Đan Thanh. Người ta nhớ mãi đến Trần Trừng Trị, nhớ mãi đến hình ảnh những chàng Việt kiều… Với tôi, đây là một vở bi, hài kịch tâm lý, một khắc ghi hoàn cảnh lịch sử xã hội mà trong đó những tiếng cười rộn ràng trong nước mắt đến cột thắt lòng người.
Hơn thế nữa trước đây các nhân vật trong các vở hài kịch thường nhắm vào đối tượng là người nghèo, người ngu… Bây giờ làm cách nào để thay đổi đổi nhân vật chọc cười bằng nhà giàu, bằng trí thức… thì quả lại là một mới lạ! Xem ra có vẻ công bằng nữa, bởi người đời thường hay nói: “Nhìn anh xỉa răng để biết được văn hóa sống của anh”. Đó chính là góc cạnh mà Nguyễn Ngọc Ngạn đã khai thác được trong các vở hài kịch do ông làm tác giả trên Paris By Night giai đoạn sau này.
Duyên Tiền Định là vở kịch đầu tay mà ông đã viết đã diễn trên Paris By Night nhân kỷ niệm 15 năm sân khấu. Câu chuyện xoay quanh vấn đề mê tín dị đoan, bói toán. Vở này do Hồng Đào, Quang Minh, Trang Thanh Lan thủ diễn. Từ sau vở hài kịch này, một số diễn viên trong “nhóm kịch Thúy Nga”, nhất là Quang Minh, đã nổi bật hẳn lên một cách bất ngờ, mà chính ông là người đã khám phá ra “chỉ số gay” trong con người Quang Minh, sau đó ông lại viết thêm kịch bản Lòng Giả Thành Nhân. Phong Thủy, Diamond For Ever… Bên cạnh đó, ông còn có công xây dựng hình ảnh một Hoài Linh sắc xảo, tinh tế ngay trong vở kịch đầu tiên trên sân kịch Thúy Nga là Con Sáo Sang Sông trong vai giả gái.
Một vở kịch được coi là thành công, dĩ nhiên do các diễn viên thủ diễn sống động, nhưng bên cạnh đó phần kịch bản phải hay, trong đó bao gồm đề tài lôi cuốn, sự dàn dựng hợp lý ăn khớp… Khán giả để ý thấy rằng từ sau vở hài kịch đó, hầu như mỗi chương trình video Paris By Night đều có một vở kịch, đặc biệt là hài kịch. Nguyễn Ngọc Ngạn vốn có sẵn óc khôi hài, điều này được thấy rõ qua các truyện ngắn truyện dài của ông, qua những câu chuyện mà ông đã kể trên video Paris by Night. Ông khai thác các ý tưởng dí dỏm cho các vở hài kịch chế giễu tật mê bói toán, phong thủy, bệnh sợ vợ, chuyện Việt kiều về nước… Từ những vở kịch do Nguyễn Ngọc Ngạn viết sườn này mà có thêm nhiều tài năng mới độc đáo trên sân khấu Paris By Night như: Kiều Linh, Chí Tài, Calvin Hiệp, Bằng Kiều, Ái Vân, Trúc Lam, Mỹ Trinh, Mỹ Huyền…
Nhưng ông đã khiêm tốn không để tên tác giả là Nguyễn Ngọc Ngạn mà gọi đó là của của Ban Kịch Thúy Nga, mãi đến kịch bản mang tên Chung Một Mái Nhà trong chương trình mang chủ đề Huế, Sài Gòn, Hà Nội thì mới công bố cho mọi người biết qua lời giới thiệu của Kỳ Duyên.
Trong khi đó vở Áo Em Chưa Mặc Một Lần, mở cửa cho nghệ sĩ Thúy Nga và ca sĩ Bằng Kiều diễn chung chung một sân khấu với Bé Tý và Chí Tài, một vở kịch tiếp nối giữa lòng bao dung với cái nhìn rộng rãi của người xem đến với loại tình đang khá phổ biến trong xã hội ngày nay, là “tình trai”, cũng từ đây mà người đồng giới có thể ngẩng cao đầu mà nhìn trời xanh qua cái nhìn mới của xã hội.
Từ đó giới thưởng ngoạn liên tục được thưởng thức qua các vở hài, bi kịch trên Paris By Night mà mỗi kịch bản là một nụ cười tâm đắc khác nhau qua cách viết duyên dáng, ý nhị của tác giả Nguyễn Ngọc Ngạn.

Micro?
Phấn chính là chất xúc tác làm nên một Nguyễn Ngọc Ngạn đĩnh đạc hơn, điềm tĩnh hơn khi cầm Micro đứng trên sân khấu bởi cái phong cách của một nhà giáo luôn luôn nhắc nhở Nguyễn Ngọc Ngạn lúc nào nên dừng và lúc nào nên tiến? Sau những ngày tháng đứng trên bục giảng, và bụi phấn đã thấm sâu vào tim ông để chính ông biết tôn trọng vị trí của riêng mình trước quần chúng.
Và,
cũng có thể nói Viết, thấm đẫm vào lời nói Nguyễn Ngọc Ngạn khi cầm Micro đứng trên sân khấu, mà việc này phải cần nhiều giấy mực để viết hơn nữa bởi đây là một chuỗi dài tháng năm, quan trong nhất trong cuộc đời và sự nghiệp của Nguyễn Ngọc Ngạn.

Nhẫn?
Nhẫn, lại là một điều kế tiếp trong cuộc đời Nguyễn Ngọc Ngạn mà cần phải nhắc đến, và có lẽ đây cũng là điều mà ông ta cầm chắc trong tay, cầm nhiều nhất và cũng là vật mà ông ta cầm dài lâu nhất.
Tôi tin là như vậy, cái hình ảnh đẹp nhất trong tôi là khi Nguyễn Ngọc Ngạn dùng những ngón tay phải, xoay tròn chiếc nhẫn tý ty trong bàn tay trái của mình giữa dòng suy nghĩ mỗi khi có chút lúng túng trên sân khấu. Tôi có cảm tưởng như là ông đang nương nhờ, đang cầu an vào một thế lực siêu nhân, thứ thế lực của tình yêu chồng vợ, mà không phải dễ mấy ai cũng có được, cái vinh quang trọn vẹn của cuộc đời.
Mực thước đo chuẩn mực nhất cho sự nghiệp của một đời người Nguyễn Ngọc Ngạn đã cầm chắc trong tay, cầm bền bỉ, dài lâu phải được xếp theo các thứ tự sau: Nhẫn, Micro, Viết và Phấn. - (ht)

tháng 3 – 2012

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT