Người Việt Khắp Nơi

Phật Giáo Hòa Hảo Nam California với ý nghĩa Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Vắng Mặt

Quốc Hương/Viễn Đông Thursday, 22/03/2012 - 09:01:56

Thời gian này họ muốn giết Ngài bằng cách cho uống cường toan nhưng Ngài không thiệt hại gì cả...

Quốc Hương/Viễn Đông

SANTA ANA - Với sự hiện diện của Giáo Sư Nguyễn Thành Long, cố vấn hội trưởng Trung Ương Phật Giáo Hòa Hảo Hải Ngoại, và Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, hội trưởng Phật Giáo Hòa Hảo Miền Nam California, cùng toàn thể ban trị sự cùng đồng đạo, đồng đạo Trang Văn Mến, trưởng ban tổ chức, chào mừng đồng đạo và quan khách về dự đại lễ kỷ niệm Ngày Đức Huỳnh Giáo Chủ Phật Giáo Hòa Hảo vắng mặt vào ngày 18-3-2012 tại trụ sở Hội Quán Phật Giáo Hòa Hảo Nam California, số 2114 W. McFadden Ave., Santa Ana, cùng phần điều hợp chương trình đại lễ của đồng đạo Ngô Văn Ẩn.
Phần đại lễ với đồng đạo Nguyễn Thanh Giàu dẫn đầu nghi thức tôn giáo Phật Giáo Hòa Hảo và kết thúc với đồng đạo Trần Thị Duyên, Phan Thanh Lâm diễn ngâm thi văn giáo lý “Từ Giã Bổn Đạo Khắp Nơi” của Đức Huỳnh Giáo Chủ, cùng tiệc chay. Đại diện Giám Sát Viên Janet Nguyễn, dược sĩ Nguyễn Đình Thức cũng trao bằng tưởng lục đến đồng đạo Phật Giáo Hòa Hảo Nam California.
Đồng đạo Bùi Văn Huấn, phó ngoại vụ ban trị sự, chia sẻ về sự vắng mặt của Đức Huỳnh Giáo Chủ và đồng đạo Lưu Văn Kiệm, phó trưởng ban trị sự Phật Giáo Hòa Hảo Nam California, nói về ý nghĩa Ngày Đức Tôn Sư Vắng Mặt (Thọ Nạn) vào ngày 25 tháng 2 nhuần âm lịch năm 1947, nhằm ngày 16-4-1947.


Các vị chức sắc thuộc ban trị sựGiáo Hội Phật Giáo Hòa Hảo Nam California gồm các ông Nguyễn Minh Thiện, Nguyễn Thanh Giàu, Nguyễn Thành Long, đồng đạo Phan Thanh Hùng, đồng đạo Phạm Văn Khỏe đang làm lễ niệm hương trước chân dung Đức Huỳnh Giáo Chủ và bàn thờ tổ quốc theo nghi thức tôn giáo - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Sơ lược lịch sử

“Ngày 18-5 âm lịch Kỷ Mão (1939) Đức Giáo Chủ chính thức khai sáng Đạo Phật Giáo Hòa Hảo tại Tổ Đình qua bốn lần Ngài hướng dẫn Đức Ông và một số tín đồ đi viếng vùng Thất Sơn và Tà Lơn. Ngày 12-4 Canh Thìn 1940, Pháp dời Ngài qua Châu Đốc và sau đó dời Ngài qua Sa Đéc, sau đó Pháp lại cho Ngài biết không được truyền đạo qua Sa Đéc và Châu Đốc nhưng được chọn nơi nào tùy ý. Ngài chọn Cần Thơ nhà ông Hương Bộ Thạnh (Võ Mậu Thạnh) tại rạch So Đũa làng Nhơn Nghĩa. Ở đây được hai tháng nhà cầm quyền tưởng rằng họ dời Ngài đi xa lạ quê nhà làm Ngài mất tinh thần nhưng chẳng ngờ càng đi tín đồ theo Ngài càng đông hơn. Họ muốn quản thúc Ngài. Họ đưa Ngài về nhà thương Chợ Quán (nhà thương điên Sài Gòn). Ngót 10 tháng sau 12-5 Tân Tỵ (1941) họ đưa Ngài qua Sở Công An bót Catina để điều tra thời gian tám ngày. Thời gian này họ muốn giết Ngài bằng cách cho uống cường toan nhưng Ngài không thiệt hại gì cả. Cũng trong thời gian ở nhà thương điên bác sĩ Trần Văn Tâm theo lịnh nhà cầm quyền muốn giết Ngài bằng độc dược nhưng Ngài chẳng sao cả và chính ông trở thành tín đồ của Ngài. Thời gian này quân đội Nhật có khắp mọi nơi Đông Dương (Việt Miên Lào), thế lực Pháp yếu dần vì bên mẫu quốc Pháp bại trận mất do nước Đức chiếm giữ, số người đến quy y thọ giới càng đông, Pháp lo sợ hơn nữa...


Quang cảnh buổi Đại Lễtrong hội quán - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Nhưng năm 1945 Nhật đảo chánh (Nhật chiếm Hà Nội) toàn thể Việt Nam đổi chủ. Ngài được Nhật cho về thăm tổ đình và các tỉnh miền Tây khoảng tháng 6-1945 đến tháng 8-1945. Về vấn đề này có một số người không hiểu hỏi Ngài tại sao Ngài theo Nhật (vì Nhật cũng là đế quốc), Ngài trả lời như sau: “Trương Tiên tá hớn phi thần hớn. Quan Thánh cư tào bất hàng tào”. Qua thời gian này Đức Giáo Chủ đi thuyết pháp khắp nơi gồm 107 điểm, cuộc đi này gọi là đi khuyến nông. Vì trận đệ nhị thế chiến làm đồng bào miền Bắc chết đói lên đến hai triệu người. Thế chiến II trở nên ác liệt khi đồng minh phản công Đức thua trận, Mỹ tập trung đánh Nhật. Sau khi bị hai quả bom nguyên tử Nhật Hoàng đầu hàng vô điều kiện (tháng 8-1945). Tại Việt Nam chánh quyền bỏ ngỏ. Việt Minh lợi dụng thời cơ cướp chánh quyền qua vụ mít tinh. Miền Nam do bọn Trần Văn Giàu đêm 4-8-1945 bọn chúng cho quân bao vây căn phòng số 8 đường Sohier Michs để bắt cho kỳ được Đức Giáo Chủ. Nhưng Ngài cũng thoát một cách dễ dàng. Cuối năm 1945 quân Pháp chiếm lại Việt Nam. Trần Văn Giàu tẩu thoát, Đức Giáo Chủ trở về Chợ Lớn bắt đầu liên lạc với các tín đồ và các chánh đảng để mưu cuộc cứu quốc. Để xóa bỏ hận thù giữa Việt Minh và các Đảng phái, Ngài nhận tham gia vào ủy ban hành chánh Nam Bộ với chức vụ ủy viên đặc biệt. Nhưng chỉ được một thời gian rồi bọn Việt Minh cũng phản bội họ cho tái diễn những cuộc xô xát giữa họ và tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo tại miền Tây nên Ngài phải rời miền Đông về dàn xếp. Nhắc lại khi Việt Minh cướp chánh quyền từ miền Bắc đến miền Nam tất cả các Đảng phái quốc gia đều bị họ tìm và giết hoặc thủ tiêu như Quốc Dân Đảng, Dân Xã…
Qua ngày 24-2 nhuần Đinh Hợi, Ngài đến thuyết pháp tại chợ Ba Răng (xã An Phong), Ngài kêu gọi mọi người nên xóa bỏ tị hiềm để thực thi tinh thần đoàn kết dân tộc. Sáng 25-2 (ngày 16-4-1947) Ngài tiếp tục công việc dàn xếp giữa đôi bên. Nhưng chiều lại Bửu Vinh mời Ngài họp tại văn phòng của y tại nơi ngọn Đốc Vàng Hạ xã Tân Phú quận Thanh Bình. Chính giờ ấy bọn Bửu Vinh dùng quỷ kế ám hại Ngài và các phòng vệ nhưng Ngài vẫn thoát khỏi và vắng mặt cho đến ngày hôm nay” (ngưng trích).


Các vị chức sắc hành lễ trước bàn thờ Ông Thiên trong khuôn viên trụ sở Giáo Hội 
ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Tại sao Ngài vắng mặt?

“Vì thời cơ chưa đến nên Ngài phải vắng mặt: Đức Giáo Chủ xuống thế dạy đạo kỳ này là thời cứu rỗi cuối cùng của cơ mạt tận của quả địa cầu và nhiệm vụ của Ngài là đưa nhân loại đi vào vòng hạnh phúc. Ngài quan sát thời gian còn dài nên Ngài phải vắng mặt. Thôi cũng an lòng nơi số phận. Đợi chờ vận tới sẽ tuông mây”. Hay câu: Khương Tử Nha sông vị còn phiền. Câu không ngạnh chờ non phụng gáy.
Thời kỳ thử thách tín đồ: Tuyệt đại đa số tín đồ đều tin rằng Ngài sẽ trở về, nhưng cũng có một số tín đồ tưởng rằng Ngài đã chết nên lơi đi việc tu hành. Vào năm 1943 Đức Giáo Chủ ngụ tại Sài Gòn, Ngài có nói với ông Cả Hốt Ngài có một diệu pháp để thử lòng bổn đạo. Chúng tôi tin chắc là diệu pháp này. Sau thời gian dài xa vắng cũng lắm người không còn tin tưởng. Nấu lọc rành mới biết vàng thau. Ai thật tánh ai người giả đạo.
Tránh sự ỷ lại vào Thầy vì sự giãi đãi của tín đồ không tự lực: Ngài trụ thế lâu chừng nào thì tín đồ càng ỷ lại nhiều bấy nhiêu vì mọi việc có Thầy sắp xếp và lo lắng cho. Từ sự gần gũi chung chạ cũng không sao tránh khỏi sự lờn lã giãi đãi. Phật không cứu tín đồ vì tình riêng mặc dầu Phật thương chúng sanh như mẫu ái tử. Phật chỉ dạy cho chúng ta một con đường chân lý mà chính ta phải đi. Ngài đã khuyên như sau: Coi rồi phải thân mình tự trị. Chẳng độ xong Phật khó dắt dìu. Nghĩa là chúng ta phải tu hành đầy đủ đức độ Phật mới cứu được, mặc dù đó là người thân tộc, đệ tử, tín đồ… Làm tội cũng phải hưởng tội đó là luật nhân quả...
Để kết luận bài nói chuyện hôm nay, tôi xin mượn bài thơ của cư sĩ Hồng Quang:
Đất sắp chết như người hấp hối. Ngũ tạng lìa tứ đại đảo điên. Năm châu bốn biển ngửa nghiêng. Muôn loài rối loạn không quên loài nào. Việc xảy đến trong đời hiện tại. Có đâu xa trăm vạn năm sau. Cuộc đời như thể mộng mơ. Ngủ đêm một giấc sáng ra đổi dời” (ngưng trích).

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT