Người Việt Khắp Nơi

Phỏng vấn Cha Xứ Phạm Ngọc Tuấn nhân kỷ niệm 25 năm thụ phong linh mục

Thursday, 17/10/2013 - 09:11:23

Cha Giuse Phạm Ngọc Tuấn, chánh xứ Blessed Sacrament Catholic Church, sẽ dâng lễ Tạ Ơn kỷ niệm 25 năm thụ phong Linh Mục vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật 20-10.

Thanh Phong/Viễn Đông



Linh mục chính xứ Phạm Ngọc Tuấn trong cuộc tiếp xúc với phóng viên Viễn Đông.
 
WESTMINSTER – Cha Giuse Phạm Ngọc Tuấn, chánh xứ Blessed Sacrament Catholic Church, sẽ dâng lễ Tạ Ơn kỷ niệm 25 năm thụ phong Linh Mục vào lúc 4 giờ chiều Chủ Nhật 20-10. Nhằm tìm hiểu cuộc sống của một linh mục, vốn xuất thân từ một gia đình không là tín đồ Thiên Chúa Giáo, chúng tôi đã xin phép và được cha vui vẻ tiếp xúc tại văn phòng của ngài vào sáng 12-10. Qua cuộc tiếp xúc với cha, chúng tôi được cha tiết lộ nhiều điều lý thú trong cuộc đời 25 năm Linh mục mà chắc chắn nhiều giáo dân chưa hề nghe biết:

Thời thơ ấu

Linh mục Phạm Ngọc Tuấn sinh năm 1957 tại Bình Định trong một gia đình thờ ông bà, không theo tôn giáo nào. Thân phụ của cha qua đời sớm, chỉ còn thân mẫu hiện đã trên 80 tuổi và đang sống tại Cam Ranh. Ở Hoa Kỳ, cha có một người anh ruột hiện cư ngụ tại thành phố Santa Ana.

Lần đầu tiên đến với đạo Công Giáo: Cha kể, hồi còn nhỏ, sống trong một làng quê nghèo ở Bình Định, làng này hoàn toàn không có ai có đạo Công giáo nên không có nhà thờ; do đó đạo Công giáo rất xa lạ với cha vì chưa từng thấy nhà thờ bao giờ, chưa nói gì nhìn thấy một linh mục . Bữa nọ có một người bạn lớn hơn cha một vài tuổi rủ đi qua làng bên xem chiếu bóng ở sân nhà thờ. Hồi đó được đi coi chiếu bóng (chiếu phim) thì thích lắm nên xin mẹ cho đi. Khi đến nhà thờ, nhìn thấy một ông mặc chiếc áo chùng thâm, phủ từ cổ xuống chân, cha Tuấn vô cùng ngạc nhiên, tưởng như người từ trên trời rơi xuống, người bạn bảo, đó là ông cha.

Cha nói, “Từ lúc sinh ra đến giờ mình chỉ nhìn thấy người lớn trong làng mặc quần áo bà ba, con nít thì chiếc quần đùi cái áo thun, chưa thấy ai lại mặc một cái áo đen trùm từ đầu tới chân lạ lùng như thế này nên mới hỏi người bạn, Ê mày, ông cha đó có mặc quần không vậy? Người bạn trả lời: Làm sao tao biết được.”

Cha nói tiếp, “Tôi không nhớ là năm nào, nhưng lúc đó chắc khoảng bảy, tám tuổi, lần đầu tiên mình nhìn thấy một nhà thờ Công Giáo và nhìn thấy ông linh mục ăn mặc lạ lùng, và không ngờ cuối cùng mình lại trở thành Linh mục và cũng mặc chiếc áo chùng thâm y như vậy.”

Gia nhập Công Giáo

Làng nghèo không có trường, nên tình cờ mấy cha Dòng Đồng Công ở đâu tới làng mở trường dạy học, cha Tuấn cùng một người anh cũng như một số trẻ em trong làng xin vào học. Sau một thời gian được các Thầy Dòng hướng dẫn, cha Tuấn và người anh xin được Rửa Tội vào năm 1967, lúc đó cha khoảng 10 tuổi.

Ơn gọi đi tu

Cha Tuấn nói: Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972 tôi đang đi học ở Cam Ranh. Tháng 8 năm 1973, sau mùa hè tự nhiên tôi lại nảy sinh ý định trở về quê ở Bình Định xem sau chiến tranh nó như thế nào, xem các Thầy Dòng Đồng Công có mở lại trường ở đây nữa không. Khi tôi về lại làng quê thì may mắn thấy các Thầy Dòng Đồng Công từ trong miền Nam ra xây trường học, xây tu viện lớn trở lại, tôi vô làm thợ hồ với các thầy, vì hồi còn nhỏ tôi đi giúp việc và đã học làm thợ hồ và làm rất giỏi. Thấy tôi vừa chăm chỉ làm, lại làm giỏi nên các thầy rất thích tôi, và sau đó tôi cùng ăn, cùng ở bên cạnh các Thầy, thấy việc tu hành của các thầy hàng ngày như thế nào rồi nên một hôm các thầy hỏi tôi, “Tuấn có thích đi tu không?” Tôi nói “thích.” Sau khi tu viện xây xong vào năm 1974, cha Bề Trên là cha Trần Đình Thủ về làm phép nhà, mấy thầy mới bảo tôi, “Có cha Bề Trên về, em hãy gặp và ngỏ ý cho cha bề trên biết.”

Tôi gặp cha Bề trên và ngài đồng ý ngay nên sau đó tôi bắt đầu khăn gói vào tu là tháng 8/1974. Bây giờ nghĩ lại, nếu lúc đó đang ở Cam Ranh tôi không trở về quê thì làm sao gặp được các thầy Dòng Đồng Công để đi tu làm Linh mục nên đối với tôi, đây chính là Ơn Gọi, và Dòng Đồng Công là đại ân nhân của tôi.

Đi Mỹ một cách bất ngờ

Linh mục kể, tháng 4 năm 1975 lúc đó tôi cũng mới chỉ là đệ tử thôi và đang ở Dòng Đồng Công Thủ Đức, bỗng một buổi trưa sau khi ăn cơm tôi thấy bốn ông thầy khuân đồ ra xe Lambretta, tôi hỏi “Mấy anh đi đâu vậy? họ trả lời, “Đi ra Vũng Tàu xem tình hình thế nào để về báo lại cho cha Bề Trên, chiều nay đi, ngày mai về.” Tôi hỏi, cho tôi đi theo được không? Hai người kia nói, hỏi cha bề trên có cho đi thì đi. May lúc đó cha Trần Đình Thủ vừa đi tới, trong nhà Dòng các Thầy gọi cha Bề Trên là anh Cả, còn gọi nhau là anh em, nên tôi ra thưa: Thưa anh Cả cho em đi với mấy anh kia. Lúc đó tình hình đã căng thẳng lắm rồi, Việt cộng đã chiếm Xuân Lộc nên ngài đang lo lắng tìm cách cứu nhà Dòng, ngài nói, “Đi đâu thì đi.” Tôi mừng quá ra leo lên xe Lam đi với mấy anh ra Vũng Tàu.”

Ngay hôm sau dân báo tin cho nhà Dòng là quốc lộ 15 từ Saigon ra Vũng Tàu đã bị Việt cộng cắt, không trở về được nữa. Cha cũng nói thêm là khi tình hình chiến sự căng thẳng, cha Bề trên Trần Đình Thủ đã có ý mang hết nhà Dòng đi di tản, vì đa số trong nhà Dòng là dân Bùi Chu, nếu chiếm được miền Nam, Việt cộng sẽ tiêu diệt nhà dòng nên ngài chia ra hai nhóm, giống như bên quân đội có Bộ Chỉ Huy nặng, BCH nhẹ. Bộ Chỉ huy nặng ở lại Thủ Đức giữ nhà Dòng và có hy vọng được di tản bằng đường hàng không, nhưng cuối cùng không ai đi được, Bộ chỉ huy nhẹ gồm vài chục thầy thì ra Phước Tỉnh, Vũng Tàu để tìm đường ra nước ngoài bằng đường biển. Cha Tuấn may mắn nằm trong số 5 người cuối cùng của nhà Dòng ra được Vũng Tàu, nên sau đó các Thầy sang Phước Tỉnh thuê 7 chiếc thuyền, mỗi chiếc từ 25 đến 27 người ra đi, lúc đó thật sự không biết đi đâu nhưng cứ đi. Cha nói, Đây là một hồng ân nữa Chúa thương ban cho tôi, nếu chúng tôi đi sớm một ngày thì sẽ về lại Saigon và bị kẹt không đi được, và nếu tôi không xin đi theo mấy anh ra Vũng Tàu thì bây giờ số phận tôi sẽ ra sao?

Nghỉ tu để đi học

Đoàn thuyền di tản ra khơi gặp tàu Hoa Kỳ vớt nên tất cả đều đến Mỹ an toàn. Năm 1981 lúc này cha cũng chỉ là đệ tử thôi và nhớ lời gia đình căn dặn “Làm gì thì làm nhưng cứ phải học trước đã,” nên cha ở ngoài đi học (Tiểu bang Missouri) và cũng nghĩ mình phải học mới có thể tiến tới được, thành ra cha rời khỏi nhà Dòng đi học Đại Học, vừa học vừa đi làm để nuôi thân. Năm 1983 cha Tuấn ra trường và năm sau cha lại quyết định vào Dòng Đồng Công tu trở lại từ năm 1984 đến 1988 học tại Trường Thần Học Biển Đức ở tiểu bang Indiana.

Thụ phong Linh Mục

Ngày 21.5.1988 cha Tuấn được thụ phong Linh Mục bởi tay Đức Giám Mục Stanley Scharmann thuộc Địa phận Doodge City, tiểu bang Kansas.

Bắt đầu cuộc đời phục vụ: Sau ngày thụ phong Linh mục, cha Tuấn nhận bài sai đi phục vụ tại giáo xứ Dominic thuộc Garden City, một xứ Mỹ nhỏ chuyên nghề làm thịt bò nằm ở phía Tây Nam tiểu bang Kansas. Tháng 10/1989 Đức Giám Mục cử đi làm chánh xứ hai giáo xứ Saint Joseph ở Scott City và Giáo xứ Saint Theresa ở Dighton, Kansas.

Ngày 1-8-1992 thuyên chuyển về giáo xứ Saint Columban tại Garden Grove. Ngày 01-7-1996 thuyên chuyển về giáo xứ Tam Biên và khởi công xây nhà thờ Tam Biên mới . Ngày 01-7-2002 thuyên chuyển về giáo xứ Thánh Linh và ngày 01-7-2005 Đức Giám Mục Giáo phận Orange cử làm chính xứ giáo xứ Thánh Thể (Blessed Sacrament Catholic Church) mà giáo dân quen gọi là giáo xứ Westminster đến hôm nay.

Sau khi nhận nhiệm vụ tại giáo xứ Tam Biên với ngôi thánh đường đã quá cũ, chật hẹp và thiếu nhiều phương tiện, cha xin phép Tòa Giám Mục xây nhà thờ mới. Nhờ lòng quảng đại của giáo dân, sự hỗ trợ của Đức Giám mục Giáo phận, cha đã hoàn thành ngôi nhà thờ Tam Biên rộng rãi, đẹp đẽ. Rời Tam Biên qua xứ Thánh Linh rồi về Westminster, nơi có ngôi thánh đường tuy nhỏ nhưng được gọi là “nhà thờ mẹ” của khoảng 10 nhà thờ quanh vùng, vì đây là nhà thờ cổ kính của giáo phận Orange, vì thế, khi được hỏi, “Cha có ý định sau này xây nhà thờ khác không?” Cha Tuấn trả lời, “Có muốn xây cũng không được, người Mỹ họ khác mình, họ rất trân trọng những giá trị cổ kính của tiền nhân để lại nên không thê thay thế được, vả lại nhà thờ vẫn có chỗ cho 930 người và còn xử dụng tốt.” Tuy nhiên, để có nơi cho các hội đoàn, đoàn thể trong giáo xứ sinh hoạt, hiện nay cha đang chờ giấy phép của thành phố để khởi công xây Trung Tâm Mục Vụ Giáo Xứ. Phí tổn theo Tòa Giám Mục ước tính là 5 triệu 600 ngàn đô la. Cha Tuấn nói, cái Trung Tâm Mục Vụ này đối với tôi rất cần thiết nên tôi bỏ hết công sức để xây dựng. Như anh biết, dịp lễ Tạ Ơn hay mừng Ngân Khánh 25 năm Linh mục, nhiều người sẽ tặng quà cho tôi nhưng tôi dành hết số quà tặng đó vào việc xây dựng Trung Tâm Mục Vụ. Bây giờ Tòa Giám Mục đã đồng ý và chờ Thành phố Westminster cấp giấy phép. Hy vọng sang năm sẽ khởi công và chỉ độ một năm là xong. Ngoài việc phục vụ giáo dân tại đây, mỗi tuần vào ngày Thứ Ba và các ngày hè, cha Tuấn dành thì giờ làm mục vụ giúp Giáo Hội Việt Nam.

Sau chuyến về Việt Nam năm 1995, cha nhìn thấy tận mắt những gia đình vô cùng nghèo khổ, không đủ ăn hàng ngày, quần áo rách rưới và nhà cửa dột nát, con cái không được đi học phải đi bán vé số, lượm ve chai, nhất là các nơi xa xôi hẻo lánh vùng cao nguyên, nên cha đã làm hết sức mình và được sự hỗ trợ của gíao dân, cha đã về và trao tận tay các gia đình quá nghèo khổ, không phân biệt họ thuộc tôn giáo nào những phần quà của anh chị em giáo dân bên này giúp. Xây dựng được 25 Trung Tâm Y Tế cho dân nghèo, Tại địa phận Qui Nhơn gồm ba tỉnh Phú Yên, Bình Định, Quảng Ngãi, cha đã hợp tác với Đức Giám Mục xây lại sáu, bảy ngôi nhà thờ và ba Tu viện lớn . Mấy năm gần đây chứng kiến cảnh các em sinh viên nghèo từ quê lên thành phố học đại học, không có tiền thuê nhà bị bọn xấu lợi dụng vào con đường tội lỗi nên cha đã vận động xây dựng một khu Ký Túc Xá rất khang trang, cách Làng Đại Học Thủ Đức 300 mét, hiện do các nữ tu Dòng Mân Côi ở Chí Hòa điều hành. Khu Ký Túc Xá này sẽ là nơi giúp cho khoảng 200 trăm sinh viên nghèo có chỗ ăn, nghỉ thoải mái để yên tâm học hành.

Chúng tôi hỏi cha: Sau 25 năm phục vụ trong thiên chức Linh mục, điều gì làm cha mãn nguyện nhất và điều gì làm cha buồn khổ nhất? Cha xứ Phạm Ngọc Tuấn trả lời:

“Sau khi được biết Chúa và theo Chúa, tôi cảm thấy cuộc đời của mình là một hồng ân Chúa thương ban cách đặc biệt và lạ lùng. Tôi luôn tín thác vào Chúa và tin rằng khi mình đã tín thác vào Chúa thì mọi sự Chúa sẽ lo liệu một cách tốt đẹp cho mình, cho nên tôi đã lấy câu khẩu hiệu “Vâng lời Thầy con thả lưới” là vậy. Còn điều làm tôi mãn nguyện nhất là được đồng hành cùng anh chị em tín hữu trong cuộc đời Linh mục của tôi, nhất là những giai đoạn quan trọng của đời người, lúc em bé sinh ra chúng tôi rửa tội, nhận các em vào Giáo Hội Chúa nên người ta mới gọi Linh mục Công giáo là “cha” mang ý nghĩa là người cha sinh ra các em về tinh thần. Rồi khi em bé lớn lên nó được xưng tội, rước lễ lần đầu, chúng tôi cũng đồng hành với các em. Rồi lớn lên một tý nữa các em được lãnh nhận Bí tích Thêm Sức. Khi lập gia đình, các em nhận lãnh Bí Tích Hôn Phối hay khi các em được chọn khấn dòng, làm tu sĩ, chịu chức linh mục. Rồi khi già yếu có Bí Tích Sức Dầu Bệnh Nhân. Những lúc người ta lầm lỡ muốn trở về thì có Bí Tích Hòa Giải.

Khi qua đời có thánh lễ An táng. Thành ra cái vinh dự của tôi là được đồng hành, cận kề với tất cả anh chị em tín hữu trong những giây phút quan trọng từ khi sinh ra đến khi qua đời, có thể gọi là từ lòng mẹ đến lòng đất. Còn đối với tôi, dĩ nhiên là con người ai cũng phải có lúc vui, lúc buồn, nhưng nỗi buồn nào đến tôi đều dâng cho Chúa và cảm thấy tâm hồn rất thanh thản. Tôi xin mượn trang báo này Cảm tạ Ơn Chúa – Cảm tạ Dòng Đồng Công và Cảm tạ mọi người đã đồng hành với tôi trong 25 năm phục vụ trong Thiên chức Linh Mục được Chúa trao ban.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT