Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Pushkin và Tchaikovsky với tác phẩm bất hủ “Eugene Onegin”

Friday, 23/09/2011 - 08:12:49

Tối Thứ Bảy, 17-9-2011 tuần qua, Hí Viện Dorothy Chandler Pavillion của nhà hát nhạc kịch Los Angeles dường như không còn chỗ trống

Kỷ niệm 25 năm thành lập, nhà hát nhạc kịch Los Angeles Opera mở màn mùa diễn 2011-2012

Băng Huyền/Viễn Đông
 
Tối Thứ Bảy, 17-9-2011 tuần qua, Hí Viện Dorothy Chandler Pavillion của nhà hát nhạc kịch Los Angeles dường như không còn chỗ trống. Những tràng pháo tay vang dài, ngân mãi. Tiếng huýt sáo, “bravo” ngợi khen của khán giả sau mỗi màn diễn và khi kết thúc đêm diễn, như một lời cảm ơn chân thành của công chúng, ghi nhận sự thành công mà các nghệ sĩ đã xuất sắc trong từng vai trò của mình, cống hiến cho khán giả bữa tiệc nghệ thuật tuyệt diệu. Các nghệ sĩ và nhạc trưởng James Conlon, đạo diễn Francesca Gilpin, đã đánh dấu cho ngày mở màn đầu tiên mùa diễn 2011 của nhà hát nhạc kịch Los Angeles bằng nhiều dư âm tuyệt vời, qua vở nhạc kịch dài 3 màn "Eugene Onegin", Op. 24, dựa theo phiên bản dàn dựng của Steven Pimlott, lần đầu tiên Los Angeles Opera thực hiện.

Toàn cảnh màn đầu; ngồi tại bàn: Ronnita Nicole Miller (vai Filipievna), Margaret Thompson (Madame Larina, mẹ của hai thiếu nữ); ngồi trên ghế, quay lưng vào trong: Oksana Dyka (Tatiana); đứng giữa, áo trắng: Ekaterina Semenchuk (Olga) - ảnh: Robert Millard/LA Opera.

Âm nhạc chuyển soạn bởi nhà soạn nhạc tài hoa người Nga - Pyotr Ilyich Tchaikovsky (1840-1893). Lời nhạc kịch: Pyotr Ilyich Tchaikovsky và Konstantin Shilovsky. Dựa theo tác phẩm cùng tên, và là một trong những tác phẩm kinh điển của nền văn học Nga. Tác phẩm trường thi dài nhất và nổi tiếng nhất của nhà thơ vĩ đại Alexander Pushkin (1799-1837) [từng được mệnh danh là "Cha đẻ của nền văn học dân tộc Nga"], được ông dày công thực hiện trong gần tám năm trời (1823-1830). Được biết, vở nhạc kịch này đã được công diễn lần đầu tiên, vào ngày 29-3-1879, tại Hí Viện Mailiy, Moscow, Nga.
Tác phẩm nhạc kịch "Eugene Onegin" của Tchaikovsky là một tác phẩm về đời sống nước Nga thế kỷ 19, từng được các nhà chuyên môn đánh giá là tác phẩm đã vượt qua khỏi cái bóng “Eugene Onegin” của thi hào Pushkin, để tạo nên một hiện tượng thực sự.
Từ đó đến nay, dẫu lớp bụi thời gian có làm mờ tất cả, nhưng với tài nghệ của Pyotr Ilyich Tchaikovsky, với những giai điệu không thể nào quên, những sắc màu mạnh mẽ và sự xúc cảm vô bờ bến, phản ảnh đa chiều và nhiều màu sắc về con người, đã đưa nhạc kịch "Eugene Onegin" trở thành một trong những tác phẩm cổ điển nổi tiếng nhất trong mọi thời đại.

Oksana Dyka (vai Tatiana) và Dalibor Jenis (vai Onegin) - ảnh: Robert Millard/LA Opera.

* Từ truyện thơ "Eugene Onegin"
Onegin là một thanh niên quý tộc thông minh, có học thức, hào hoa, là một kiểu mẫu người thượng lưu ở Nga. Một tay lão luyện trên tình trường, một người giỏi trong giao tiếp đã chán ghét cuộc sống hư vô của xã hội thượng lưu ở St. Petersburg. Cha và chú qua đời, anh về quê thừa kế gia tài, quản lý trại ấp, sống cho khuây khỏa. Nhưng chỉ được vài ngày sau anh lại buồn chán như xưa...
Cùng quê, có anh bạn Lensky đang đắm đuối trong tình yêu với Olga Larina xinh đẹp, hồn nhiên, bạn láng giềng từ nhỏ.
Onegin và
Lensky kết bạn với nhau. Tatiana Larina, chị của Olga, một tiểu thư nông thôn với tâm hồn trong sáng, đẹp đẽ, mơ màng tư lự và giản dị.
Tatiana yêu Onegin ngay trong buổi đầu gặp gỡ. Cô viết thư tỏ tình gửi ngay cho Onegin. Nhưng Onegin đã từ chối tình yêu của cô. Anh thừa nhận rất xúc động trước bức thư của cô, nhưng anh cho biết anh rất chóng chán chuyện hôn nhân. Và mặc dù Tatiana có tất cả những phẩm hạnh của người vợ trong mơ của Onegin, nhưng anh chỉ có thể coi cô như em gái. Onegin khuyên cô hãy chế ngự những cảm xúc của mình vì sợ rằng những người đàn ông khác sẽ không tôn trọng sự ngây thơ của cô.
Đúng vào ngày lễ thánh đặt tên của Tatiana, do sự bực bội với
Lensky, anh tìm cách trả thù bạn. Anh giả vờ ve vãn Olga, chọc tức Lensky. Nổi cơn ghen, Lensky thách đấu súng. Vì thói sĩ diện quý tộc, Onegin đã nhận lời thách đấu và anh đã giết bạn.
Đau buồn và hối hận, Onegin rời làng quê ra đi du ngoạn lang thang suốt hai năm trời. Đến ngày Onegin trở lại, thì Tatiana đã là một phu nhân sang trọng và đức hạnh của công tước nổi tiếng trong giới quý tộc thủ đô. Tình yêu sống dậy mãnh liệt trong tâm hồn Onegin.
Anh trở nên si tình đến mức ốm đau và không thể chờ hồi âm, anh tìm đến gặp cô. Tatiana thú nhận vẫn còn yêu anh nhưng nàng buộc lòng từ chối anh. Bởi vì bản chất của Tatiana là sự cao quý của tâm hồn và trách nhiệm. Nàng nghĩ tới vai trò của người vợ đoan chính, nàng không thể nuốt lời hứa hôn nhân, mà phải chung thủy với chồng mình.
Nhiều nhà nghiên cứ văn học cho rằng Eugene Onegin của thi hào Puskin đã xây dựng nên một hình tượng "người thừa" trong tác phẩm văn học Nga. Phản ảnh sự chán ghét cuộc sống hủ bại, không tìm thấy lối thoát của những trí thức quý tộc với giai cấp tư sản vào thời kỳ cuối thế kỷ XIX, đồng thời tác phẩm cũng phê phán ý chí bạc nhược, tâm hồn rỗng tuếch và tư tưởng tư lợi của cá nhân, sự tự tôn giả dối của giai cấp quý tộc, cả tư tưởng vọng ngoại của tầng lớp quý tộc, trưởng giả nông thôn khi một gia sư cao tuổi người Pháp, hát một bản Serenade bằng ngôn ngữ Pháp do chính ông sáng tác để ca ngợi phẩm hạnh của Tatiana, thì nhận được những tràng vỗ tay ngợi khen nồng nhiệt trong buổi tiệc đặt tên thánh của Tatiana…

* … Đến nhạc kịch "Eugene Onegin"
Dưới sự điều khiển của nhạc trưởng James Conlon, các nghệ sĩ và giàn nhạc nhà hát nhạc kịch Los Angeles thật tuyệt vời khi chuyển tải đến người xem trọn vẹn tinh chất hồn nhạc của Tchaikovsky. Một dòng nhạc đầy cảm xúc, đầy kịch tính, nhưng cũng thật lãng mạn trong "Eugene Onegin".
Âm nhạc của những bữa tiệc vui vẻ, những vũ hội sang trọng của giới thượng lưu cho đến niềm vui của những người nông dân sau một vụ mùa bội thu thật đậm đà âm sắc của tâm hồn Nga.
Âm nhạc ấy là nỗi buồn bi thảm, kết hợp với sự chân tình sâu sắc về chủ đề tư tưởng và những cảm xúc phong phú; giản dị, chân thành, dễ dàng thẩm thấu, rung cảm con tim người thưởng thức.
Sân khấu được dàn dựng quy mô, sang trọng, đẹp như một bức họa nhiều sắc màu. Với những bức tranh phong cảnh nông thôn Nga và thiên nhiên phong phú, đẹp đẽ. Hình ảnh tuyệt đẹp của những người nông dân mang theo cỏ khô vừa mới cắt từ cánh đồng trở về. Họ vừa đi vừa hát vì đã hoàn thành xong một vụ mùa.
Bốn mùa xuân, hạ, thu, đông. Cảnh đẹp nơi thôn quê của mùa xuân, sự yên tĩnh của cuộc sống điền viên. Mùa hè thấp thoáng qua mau. Thu về trên cánh rừng u buồn trút lá vàng xào xạc, sương buông mờ, thê lương sau cái chết của
Lensky trong màn đấu súng với Onegin. Và mùa đông, mùa tâm hồn rung động khát khao khi Onegin gặp lại Tatiana….
Mỗi nghệ sĩ một chất giọng, một phong cách. Giọng nữ cao của nghệ sĩ Oksana Dyka (vai Tatiana, người Ukrainia) với âm sắc tuyệt đẹp, độc đáo. Giọng nam trung - nghệ sĩ Dalibor Jenis (vai Eugene Onegin, người Slovakia) dày, đầy đặn, kỹ thuật hoàn hảo. Giọng nam cao - nghệ sĩ Vsevolov Grivnov (vai Lensky, người Nga) dày, khoẻ, tha thiết, nồng cháy trong tình yêu. Chất giọng nữ trung sâu thắm của nghệ sĩ Ekaterina Semenchuk (vai Olga, người Belarus); giọng nam trầm James Creswell (vai hoàng thân Gremin, là nghệ sĩ của nhà hát nhạc kịch Los Angeles) cuốn hút, bởi âm sắc trầm nhất trong các loại giọng trầm, thể hiện một hoàng thân thật trang trọng, sâu sắc với tình yêu bền chặt dành cho Tatiana….
Với vẻ đẹp trong giọng ca, nhịp điệu, cùng lời văn nhiều kịch tính và cũng không kém trữ tình, đã giúp các nghệ sĩ thăng hoa trọn vẹn khi hóa thân vào vai diễn. Tất cả cùng phiêu theo tiếng nhạc du dương trong tuyệt phẩm của nghệ thuật Opera, dẫn khán giả hòa mình vào không gian nước Nga cổ xưa trong thế giới nhạc kịch “Eugene Onegin”.

Vsevolod Grivnov (vai Lensky) - ảnh: Robert Millard/LA Opera.

* Và tài năng của 3 nhân vật chính
Với mái tóc bồng bềnh lượn sóng, đôi mắt như hớp hồn người đối diện, nụ cười khinh bạc, gương mặt điển trai đầy nam tính của nghệ sĩ Dalibor Jenis rất hợp khi hóa thân vào vai Onegin.
Với nghệ thuật hát theo truyền thống bel canto Ý, đòi hỏi những kỹ thuật chạy nốt, lướt nốt hoa mỹ, biến ảo. Kỹ năng nhả chữ trong những đoạn nhạc. Cùng với thế mạnh của chất giọng nam trung trữ tình dày, đẹp, kỹ thuật hoàn hảo. Nghệ sĩ Dalibor Jenis đã khắc họa một Eugene Onegin thật sinh động, nhiều phức tạp và mâu thuẫn trong tính cách. Đây không phải là nhân vật tích cực, cũng không hẳn là nhân vật phản diện.
Mâu thuẫn trong tính cách Onegin là do địa vị xã hội và nền giáo dục mà anh nhận được. Anh không phải lo làm việc kiếm sống nhờ gia tài thừa kế kếch sù.
Chán ngán kinh đô, anh về trại ấp ở nông thôn không phải để tu chí làm ăn, mà để giải sầu. Anh không đủ can đảm dứt bỏ cuộc sống thượng lưu và tiếp tục phí hoài tuổi trẻ, bởi không mục đích. Chỉ vì nông nổi, nhỏ nhen anh đã gây ra cái chết bi thảm cho bạn, và gây tổn thương sâu sắc cho Tatiana, người con gái trong trắng vốn yêu anh tha thiết. Sau mấy năm đi du lịch trở về, anh đã hiểu rộng hơn về người dân và đất nước, và thức dậy mối tình với Tatiana. Nhưng khi bị từ chối, anh vỡ mộng yêu đương.
Khác với Onegin, chàng thi sĩ Lensky có niềm tin vào tình bạn, tình yêu. Nhưng khi bất bình trong cuộc sống, anh dễ buồn nản, đau khổ, chỉ biết viết những bài thơ bi đát, hoặc thiếu suy nghĩ mà hành động liều lĩnh. Ngày đặt tên thánh của Tatiana, thấy Onegin ve vãn Olga, anh vội kết luận Olga là lừa dối anh. Anh căm giận nàng. Khi biết Olga vẫn yêu mình thì anh lại trút tức giận vào ông bạn Onegin “sở khanh” và thách đấu súng.
Nghệ sĩ Vsevolod Grivnov đã thể hiện một Lensky - mẫu người lãng mạn, chỉ tin vào tình cảm mà bồng bột, nóng vội.
Trong màn 2 cảnh 2, nghệ sĩ Vsevolod Grivnov đã làm không ít khán giả rơi lệ vì giọng hát và cách thể hiện vai diễn của anh quá tuyệt vời. Đặc biệt là đoạn Aria miêu tả nội tâm nhiều giằng xé, khi anh ngẫm nghĩ lại hành động điên rồ trong cuộc đời ngắn ngủi của mình, và càng buồn hơn khi giờ đây không thể thay đổi được gì nữa.
Nhà thơ trẻ tưởng tượng ra cảnh Olga tới thăm mộ mình.
Khi Onegin đến cùng với người làm chứng của anh ta. Hai người đàn ông đứng cách nhau một khoảng, họ không nhìn nhau và bắn. Khi cả hai đều nhận thấy mình đã hành động quá hấp tấp, thiếu suy nghĩ, lẽ ra họ có thể đã cười phá lên với nhau hơn là quyết đấu như thế này, nhưng lòng kiêu hãnh và sự bốc đồng đã thắng. Cuộc đấu súng đã diễn ra và kết quả là Lensky bị bắn chết.
Nghệ sĩ Oksana Dyka mang trong mình chất giọng có sức mạnh phi thường, trong trẻo và thuần khiết, cô dường như đã sống hoàn toàn là một Tatiana, chứ không chỉ dừng lại việc hóa thân vào vai diễn nữa. Tình yêu mãnh liệt của một thiếu nữ lớn lên trong tự nhiên và những câu chuyện trong các tiểu thuyết lãng mạn mà cô yêu thích. Chất phác, ngây thơ, chân thành, với vẻ đẹp tự nhiên. Khi cô xuất hiện giữa đám tiểu thư trong giới quý tộc thượng lưu, cô giống như một "vầng trăng thuần khiết", lại giống như "một tiên nữ bay xuống trần gian".
Với âm sắc tuyệt đẹp của chất giọng nữ cao độc đáo, kỹ thuật bel canto tuyệt diệu, nghệ sĩ Oksana Dyka thật xuất sắc trong màn 1 cảnh 2, nơi phòng ngủ của Tatiana, cô năn nỉ bà vú Filipievna (giọng nữ trung Ronnita Nicole Miller) kể về mối tình đầu và đám cưới của bà.
Quyết tâm thổ lộ tình cảm với Onegin, Tatiana hồi tưởng lại mọi việc diễn ra tối hôm đó và viết một lá thư cho anh, lời lẽ đầy vẻ lo sợ và xấu hổ. Cuối thư, Tatiana rất mong có được sự cảm thông và chia sẻ của Onegin.
Chính cách hát và cách biểu diễn thật mạnh mẽ, dữ dội trong trường đoạn Aria nhiều cảm xúc rối bời của một thiếu nữ đang yêu, đã thuyết phục hoàn toàn khán giả với những tràng pháo tay vang dài mãi.
Khán giả yêu mến thể loại nhạc kịch opera, có thể đến nhà hát LA Opera để cảm xúc cùng rung động với các nghệ sĩ và nhà soạn nhạc, cùng đắm mình trong thế giới âm nhạc và lời ca, với những đoạn độc thoại aria hay arioso, hay những đoạn tam ca, tứ ca... nói lên suy nghĩ của các nhân vật; có hợp xướng phản ảnh tinh thần, thái độ hoặc tình cảm của quần chúng đối với tình huống trong kịch bản; có vũ đạo, phản ảnh cuộc sống, phong tục tập quán của thời đại xảy ra câu chuyện. Và vượt lên hết, chính âm nhạc của tác phẩm đã nối kết bao con tim đồng điệu, để cùng thổn thức trong mối giao cảm tuyệt đẹp với nghệ thuật âm thanh và sự tài hoa của người nghệ sĩ. - (BH)

Khán giả yêu mến tác phẩm “Eugene Onegin”, “Così Fan Tutee” mà chưa có duyên thưởng thức, có thể liên lạc và đặt vé tại nhà hát LA Opera tại số điện thoại 213-972-8001 hoặc vào trang nhà www.LAOpera.com.
Vở diễn “Eugene Onegin” sẽ tái ngộ với khán giả vào các ngày 25-9, 1, 6, và 9-10-2011. Kịch dài 3 giờ 5 phút, với một phần nghỉ giải lao.
Vở diễn “Così Fan Tutee” sẽ đến với khán giả trong các buổi 24-9, 2, 5 và 8-10-2011. Kịch dài 3 giờ 45 phút, với một phần nghỉ giải lao.
Ngoài ra, còn những tác phẩm kinh điển khác cũng không kém phần hấp dẫn đang chờ đợi sự ủng hộ của khán giả yêu nhạc kịch, như “Roméo et Juliette”, “Simon Boccanegra”, “Albert Herring”, “La Bohème”... trong mùa diễn kỷ niệm 25 năm thành lập Nhà Hát Nhạc Kịch LA Opera.
Các vở diễn thường có giá vé từ 20 tới 270 Mỹ kim.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT