Thế Giới

Quan điểm của ứng cử viên địa phương, ngoài lãnh vực kinh tế

Vanessa White/Viễn Đông Monday, 28/05/2012 - 07:45:59

Đến hôm nay, 29 tháng 5, Viễn Đông tập trung vào những vấn đề độc đáo nơi các ứng cử viên, tạo nên những quan điểm khác biệt.

Cử tri và lá phiếu 2012

Vanessa White/Viễn Đông


WESTMINSTER, California – Trong khi các phương tiện truyền thông chính lưu tập trung đưa tin về công ăn việc làm và nền kinh tế, thì nhật báo Viễn Đông đã thu thập tin tức về những quan điểm của các ứng cử viên địa phương đối với những vấn đề khác nhau, từ các gia đình quân nhân cho tới những phiếu trợ cấp học phí.


Cử tri người Mỹ gốc Việt tham dự đông đảo một sinh hoạt tưởng niệm 30-4 tại Little Saigon, vốn là một phần của địa hạt bầu cử Quốc Hội Hoa Kỳ mới thành lập CD 47 - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Đến ngày 5-6-2012, California sẽ tổ chức những vòng bầu cử sơ bộ trên toàn tiểu bang, để cho các cử tri của tiểu bang lựa chọn các ứng cử viên, khi những người này ra tranh cử tổng thống hoặc ứng cử vào các chức vụ ở địa phương và tiểu bang, tại các địa hạt hoặc trong những cuộc tranh phiếu. Hai ứng cử viên hàng đầu trong mỗi địa hạt bầu cử, hoặc trong cuộc tranh cử, sẽ thi đua với nhau trong kỳ tổng tuyển cử vào ngày 6-11-2012.
Trong số các cuộc đua chính trị gây ảnh hưởng đến cộng đồng Mỹ gốc Việt tại địa phương, có Địa Hạt Bầu Cử Quốc Hội (CD) 47, mới được tạo ra và bao gồm toàn bộ hoặc một số phần của các thành phố Long Beach, Signal Hill, Long Beach Port, Catalina Island, Cypress, Los Alamitos, Rossmoor, Garden Grove, Stanton và Westminster. CD 47 có 8 người ra tranh cử chức Dân Biểu Liên Bang đại diện cho địa hạt này, trong số đó có 4 người ghi danh là ứng cử viên Dân Chủ, và 4 người ghi danh là ứng cử viên Cộng Hòa.
Vào hôm 23-5-2012, Viễn Đông đưa tin về những vấn đề ưu tiên của các ứng cử viên CD 47, và trong số ra ngày 25 tháng 5, Viễn Đông đưa tin về chuyện các ứng cử viên địa hạt này nhìn như thế nào về vấn đề năng lượng và môi trường sinh thái. Đến hôm nay, 29 tháng 5, Viễn Đông tập trung vào những vấn đề độc đáo nơi các ứng cử viên, tạo nên những quan điểm khác biệt.

Các vấn đề
Ông Steven K. Kukendall, một nhà kinh doanh ở Long Beach và là ứng cử viên Cộng Hòa ra tranh chức dân biểu, có quan điểm khác với những ứng cử viên tranh cử Hạ Viện tại CD 47, bởi vì ông là người duy nhất đã thực sự phục vụ tại Quốc Hội Hoa Kỳ. Từ năm 1999 đến năm 2001, ông phục vụ trong Hạ Viện và là một thành viên của các Ủy Ban Quân Lực, Khoa Học, Giao Thông Vận Tải và Hạ Tầng Kiến Trúc của Hạ Viện. Ông ra sức cải thiện cuộc sống của các gia đình quân nhân, bảo vệ các đường thủy đạo và phi trường của Mỹ, khuyến khích sự đổi mới khoa học, và tái thiết hạ tầng kiến trúc của Hoa Kỳ, theo trang mạng chiến dịch vận động tranh cử của ông cho biết.
Bà Usha Shah – quản trị viên giám sát kỹ thuật ở Long Beach, giữ chức đại diện tổ chức từ thiện, và là ứng cử viên Dân Chủ ra tranh cử Hạ Viện – có những nhãn quan khác với các ứng cử viên khác, bởi vì bà là người phụ nữ duy nhất ra tranh cử tại địa hạt CD 47. Trong bản tuyên bố ứng cử của mình, bà cho rằng trọng điểm tập trung ưu tiên của bà là đem lại quyền lực cho nữ giới, trong đó có việc làm chấm dứt nạn kỳ thị, hạ thấp phẩm giá, và bạo hành chống lại phụ nữ.
Chồng của bà là Bác Sĩ Jay Shah, một ứng cử viên Dân Chủ ra tranh chức dân biểu, có cùng chung quan điểm với vợ ông về chuyện nâng cao vị thế của phụ nữ, mặc dù quan điểm của ông khác biệt với các ứng cử viên khác, vì ông đề cập đến các nghĩa vụ công dân và trách nhiệm tư pháp như là những là vấn đề quan trọng đối với chiến dịch tranh cử của ông. Trên trang mạng vận động tranh cử của mình, Bác Sĩ Shah kêu gọi mọi người “phải ghi danh đi bỏ phiếu” và tập trung vào những nhiệm vụ công dân của họ, cũng như phải có khả năng đòi buộc các thẩm phán phải chịu trách nhiệm với dân chúng về những thái độ cá nhân của họ.
Giáo Sư Paul Mathews dạy khoa chính trị học tại trường đại học Cypress College, và cũng là ứng cử viên Dân Chủ ra tranh cử Hạ Viện, cũng khác quan điểm với các ứng cử viên khác, vì trên trang mạng chiến dịch tranh cử của mình, ông cho rằng chuyện chấm dứt cuộc chiến tranh của Mỹ tại Afghanistan, và việc vận động cải cách tài chánh, là một trong những vấn đề quan trọng đối với chiến dịch vận động tranh cử của ông. Giáo Sư Matthews nói rằng ông sẽ tranh đấu cho việc tài trợ công cộng trong các cuộc bầu cử, trong khi đó chiến dịch vận động tranh cử của ông không dính dáng gì tới những ngân khoản tài trợ của ủy ban hành động chính trị (PAC) cũng như của các nhà vận động hành lang. Ông nói thêm rằng ông sẽ đem các quân nhân Mỹ về nước và chuyển hướng tiền tài trợ của những người Mỹ đóng thuế, thay vì dùng để trả tiền cho các bệnh viện, trường học và đường giao thông Afghanistan, thì sẽ chuyển sang sử dụng ngân khoản ấy để chi tiền cho trường học, chăm sóc y tế, và tạo ra công ăn việc làm tại Hoa Kỳ.
Chuyển hướng từ chính sách ngoại giao ở các nước khác sang những vấn đề quốc nội, ông Steve Foley – một nhà kinh doanh và blogger ở Quận Cam, và cũng là ứng cử viên Cộng Hòa ra tranh cử Hạ Viện – có nhãn quan khác với những ứng cử viên khác, vì an ninh quốc gia là một trong số những vấn đề quan trọng đối với chiến dịch vận động tranh cử của ông. Theo lời ông Foley chia sẻ trên trang mạng tranh cử của mình, thì trong số nhiều cách thức để tăng cường nền an ninh quốc gia, Hoa Kỳ cần phải xây dựng một hàng rào dọc theo biên giới của mình bằng kỹ thuật tối tân, cần phải đánh giá một cách tốt hơn những mối quan hệ ngoại giao của mình, và phải tiến tới khả năng độc lập năng lượng lớn hơn nữa.
Với một tầm nhìn về những điều thường được coi như là một vấn đề an ninh quốc gia, trên trang mạng chiến dịch vận động của mình, ông Gary DeLong – nghị viên Hội Đồng Thành Phố Long Beach và là ứng cử viên Cộng Hòa ra tranh cử Hạ Viện – cho biết rằng một trong những vấn đề ưu tiên của ông chính là vấn đề di dân. Ông cho rằng chính sách di trú của Mỹ nên bao gồm luôn cả việc bảo vệ biên giới của đất nước, xác định có bao nhiêu người có thể trở thành cư dân hợp pháp mỗi năm, tạo ra một chương trình hạn chế về công nhân tạm trú, trong khi vẫn gia tăng số lượng visa được cấp cho những người lao động ngoại quốc có tay nghề cao, và làm cho chính phủ liên bang hoàn trả lại cho các tiểu bang những chi phí dành cho việc giam giữ những người nhập cư không có giấy tờ.
Trên trang mạng chiến dịch vận động của mình, ông Alan Lowenthal – Thượng Nghị Sĩ tiểu bang, địa hạt số 27, là ứng cử viên Dân Chủ tranh cử vào Hạ Viện Hoa Kỳ – có những quan điểm khác biệt với những ứng cử viên khác, vì trên trang mạng chiến dịch tranh cử, ông cho rằng việc bảo vệ chương trình Medicare và An Sinh Xã Hội là một trong số những vấn đề quan trọng trong chiến dịch vận động tranh cử của ông: “Medicare và An Sinh Xã Hội không phải là quả bóng chính trị (để ném qua ném lại)”. Ông nói thêm rằng ông sẽ chiến đấu chống lại những cuộc tấn công ý thức hệ và đảng phái nhắm đánh vào cả hai chương trình này. “Đó là những chương trình trọng yếu và thành công, cung cấp hỗ trợ quan trọng và độc lập cho hàng triệu người cao niên và người bị thương tật".
Ông Sanford Kahn, một nhà kinh doanh nhỏ ở Long Beach, và là ứng cử viên Cộng Hòa ra tranh chức vụ dân biểu, cũng có quan điểm khác với những ứng cử viên kia, khi ông cho biết trên trang mạng chiến dịch vận động của mình rằng việc giới hạn nhiệm kỳ cho Quốc Hội và cấp phiếu trợ cấp học phí (voucher) ở các trường công lập và tư thục là một trong những vấn đề quan trọng đối với chiến dịch tranh cử của ông. Ông Kahn nói rằng ông tin tưởng vào các chính khách công dân nhiều hơn là tin tưởng vào các chính trị gia chuyên nghiệp, và cảm thấy rằng điều mà nền giáo dục cần đến thì không phải là thêm tiền tài trợ, mà chính là thêm sức cạnh tranh mạnh mẽ hơn nữa.
Đến ngày 30-5-2012, liên quan đến vòng bầu cử sơ bộ ở California, nhật báo Viễn Đông dự định tiếp tục tường thuật về những quan điểm của các ứng cử viên ra tranh cử tại địa hạt bầu cử Hạ Viện Tiểu Bang AD 69, đối với các cơ sở kinh doanh cỡ nhỏ. - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT