Thế Giới

Số phiếu sắc dân đang tăng, các ứng viên có tiếp xúc thêm với cử tri thiểu số?

Vanessa White/Viễn Đông Wednesday, 23/05/2012 - 09:07:28

Giới cử tri người Mỹ gốc Á Châu cũng có xu hướng thuộc về nhiều mức thu nhập khác nhau, đều hơn so với các nhóm cử tri da trắng, người Mỹ gốc Phi Châu, và các cử tri Latino, theo cuộc thăm dò cho biết.

Cử tri và lá phiếu 2012

Vanessa White/Viễn Đông


WESTMINSTER, California – Lâu nay, hiện tượng số lượng cử tri thuộc các sắc dân thiểu số đang tăng lên được đề cao như là một yếu tố làm biến đổi bối cảnh chính trị của tiểu bang này, giữ cho một xu hướng đảng phái tiếp tục diễn tiến từ năm 1992 cho đến nay. Tuy nhiên, trong khi các cử tri sắc tộc được coi là đã làm cho tiểu bang chuyển hướng về mặt chính trị, trong đó quyền kiểm soát từ Cộng Hòa chuyển sang cho Dân Chủ, một cuộc thăm dò công luận gần đây gợi ý cho thấy rằng không nên tập trung vào sức mạnh của số phiếu các sắc dân, mà nên tập trung vào chuyện liệu các cử tri sắc tộc thiểu số có đi bầu cử hay không.


Một số ứng cử viên địa phương cũng như các vị dân cử thường đến dự những sinh hoạt của cộng đồng Việt Nam như dịp Quốc Hận 30-4 năm 2012 vừa qua tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt-Mỹ ở Westminster, để cho thấy sự quan tâm của họ đối với cộng đồng - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Một cách thiết thực hơn, nhật báo Viễn Đông đang nêu ra câu hỏi: các ứng cử viên sẽ có quan hệ tốt đẹp đến mức độ nào với giới cử tri sắc dân tại địa phương?
Vào hôm 4-5-2012, trong một đợt huấn luyện cho giới truyền thông biết cách đưa tin về bầu cử, do hiệp hội truyền thông New America Media (viết tắt là NAM) tổ chức tại Los Angeles, ông Mark DiCamillo, một thuyết trình viên và là giám đốc của tổ chức thăm dò Field Poll, nói với các đại diện giới truyền thông sắc tộc về một số xu hướng bỏ phiếu bầu cử nơi các nhóm cử tri thuộc những nhóm sắc dân tộc. Chẳng hạn, theo kết quả một cuộc thăm dò dư luận của Field Poll cho thấy trong tháng 2 năm 2012, thì các cử tri người Mỹ gốc Á Châu có lẽ đều nằm trong độ tuổi 40-65 và hầu chắc sẽ dồn phiếu cho ứng cử viên Dân Chủ, mặc dù cũng có một xu hướng khá cao nơi nhóm này muốn trở thành các cử tri độc lập, và có một số tiểu nhóm, chẳng hạn như những người Mỹ gốc Việt, thường có khuynh hướng dồn phiếu cho Đảng Cộng Hòa.
Giới cử tri người Mỹ gốc Á Châu cũng có xu hướng thuộc về nhiều mức thu nhập khác nhau, đều hơn so với các nhóm cử tri da trắng, người Mỹ gốc Phi Châu, và các cử tri Latino, theo cuộc thăm dò cho biết.
Tuy nhiên, cuộc thăm dò này đã trở thành một nguồn gây ra tranh cãi trong cuộc huấn luyện đưa tin bầu cử, vì ông DiCamillo nói rằng chuyện Field Poll thiếu nguồn tài trợ có nghĩa là cuộc thăm dò ý kiến này chỉ được thực hiện bằng hai ngôn ngữ là tiếng Anh và tiếng Tây Ban Nha mà thôi, mặc dù ông có nói thêm rằng mẫu 5 phần trăm các cử tri người Mỹ gốc Á Châu cũng được xem là đáng kể về mặt thống kê rồi. Một thuyết trình viên khác là Giáo Sư Jane Junn, dạy khoa chính trị học tại trường đại học University of Southern California, đã lên tiếng chỉ trích lời bình luận của ông DiCamillo, sau khi nghe ông trình bày. Giáo Sư Junn nói rằng số lượng cử tri Mỹ gốc Á Châu chiếm 13 phần trăm trong tổng số những người đi bầu cử của California, và họ đã không được đại diện đầy đủ đúng mức trong cuộc thăm dò của Field Poll, bởi vì các cử tri người Mỹ gốc Á Châu phần lớn đều tùy thuộc vào các thứ tiếng Châu Á bản ngữ của họ, thay vì dựa vào Anh ngữ và tiếng Tây Ban Nha.
Sau đó cùng ngày, ra ngoài đề tài thăm dò dư luận, bà Michelle Romero, quản trị viên chương trình của Viện Greenlining Institute, nói với nhóm đại diện các phương tiện truyền thông sắc tộc rằng ngôn ngữ là nguyên do khiến các cử tri sắc tộc không tham gia vào tiến trình soạn thảo và biểu quyết sáng kiến. Những diễn giả khác trong cuộc huấn luyện còn đi xa thêm nữa, đề cập đến mức tỉ lệ tài trợ 2 phần trăm hoặc thấp hơn, mà các ứng cử viên chi tiêu cho việc liên lạc tiếp xúc với các cử tri thuộc các nhóm sắc dân thiểu số.
Một số thuyết trình viên đã đặc biệt trích dẫn cuộc thăm dò của các tổ chức Lake Research Partners (LRP), Trung Tâm Pháp Lý Người Mỹ gốc Á Châu (AAJC), và Người Mỹ GốcÁ Châu và Thái Bình Dương Mỹ (APIA), mà nhật báo Viễn Đông đã đưa tin trong số ra ngày 2-5-2012, cho thấy rằng các ứng cử viên tổng thống phần lớn đều đặc biệt bỏ lơ các cử tri người Mỹ gốc Á Châu. Trong những nỗ lực nhằm trả lời cho câu hỏi mà Viễn Đông đã đặt ra, là các ứng cử viên sẽ có mối quan hệ tốt đẹp đến mức độ nào với các cử tri sắc dân thiểu số tại địa phương, Viễn Đông đã thu thập tin tức từ những trang mạng của các ứng cử viên khác nhau, từ những cuộc thảo luận đích thân gặp mặt hoặc trên điện thoại với các ứng cử viên, cũng như từ những lần quan sát các ứng cử viên khi họ xuất hiện trong những dịp gặp gỡ hội họp tại địa phương trong cộng đồng này.

Ứng cử viên địa phương tiếp xúc với cộng đồng Việt Nam
Trong dịp bầu cử sơ bộ ngày 5-6-2012 sắp tới, những cuộc đua có ảnh hưởng trực tiếp đến cộng đồng Việt Nam ở Quận Cam là chức vụ Giám Sát Viên Địa Hạt 1, Hội Đồng Giám Sát Quận Cam; Ủy Viên Địa Hạt 1, Hội Đồng Giáo Dục Quận Cam; Dân Biểu Tiểu Bang Địa Hạt 69 và 72; và Dân Biểu Liên Bang Địa Hạt 47.
Các cuộc đua có vẻ khá đồng đều giữa số ứng cử viên Dân Chủ và Cộng Hòa. Có ít nhất một ứng cử viên người Mỹ gốc Việt theo Đảng Dân Chủ có vẻ đi ngược lại những kết quả thăm dò cho thấy mức độ thiên về Đảng Cộng Hòa của nhóm cử tri Mỹ gốc Việt.
Mặc dù tất cả những ứng cử viên nói trên đều sẽ phục vụ cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở Quận Cam, chỉ chừng 11 trong số 22 ứng cử viên thuộc các cuộc đua chính trị đã đến thăm tòa soạn Viễn Đông để bàn thảo về các vấn đề, dự các buổi lễ lạc, sinh hoạt trong cộng đồng, tổ chức họp báo, hay đã bày tỏ cho Viễn Đông biết rằng họ quan tâm tìm đến cộng đồng Việt Nam. Những lần tiếp xúc với giới truyền thông như thế đều được xem là quan trọng cho các ứng cử viên, cho họ cơ hội để kết nối, liên lạc với những cử tri qua những phương tiện thường được xem là giữ vai trò lãnh đạo trong cộng đồng thiểu số và được nể vì, theo những thuyết trình viên của NAM cho biết tại buổi huấn luyện báo chí ngày 4-5-2012.
Mặc dù có những ứng cử viên đến thăm tòa soạn Viễn Đông để nói về các vấn đề quan tâm, đi dự sinh hoạt cộng đồng, hay tổ chức họp báo, ngay cả khi họ là ứng cử viên gốc Việt, nhật báo Viễn Đông chưa tìm thấy những đường dẫn trên mạng đến một phiên bản bằng tiếng Việt của trang mạng của họ, hay việc đưa ra những tài liệu tham khảo về cuộc tuyển cử bằng Việt ngữ.
Sở Ghi Danh Cử Tri Quận Cam (OC Registrar of Voters) có đăng những bản tuyên bố ứng cử của các ứng cử viên bằng tiếng Việt. Nếu quý độc giả quan tâm muốn đọc, quý vị có thể vào trang mạng www.ocvote.com và bấm vào “Tiếng Việt” ở góc phải phía trên để được hướng dẫn đến các bản tuyên bố này. - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT