Thế Giới

Tại sao Trump lại có cảm tình với mấy tay lãnh tụ ác ôn?

Tuesday, 02/05/2017 - 10:08:15

Hàng triệu người Việt Nam đã trả giá cho sự thay đổi chiến lược của Mỹ hơn bốn thập niên trước. Nay ai sẽ là nạn nhân khi ông Donald Trump “hân hạnh” được gặp các lãnh tụ như Kim, Duterte, Putin...


Hội các lãnh tụ không trọng nhân quyền
Từ bên trái là Tổng Thống Nga Vladimir Putin, Tổng Thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte, lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chánh Vân, và Tổng Thống Donald Trump. Tuy chính phủ Trump chưa có chính sách đối ngoại rõ ràng, một yếu tố được thấy trong ba tháng qua là ông Trump đã có những câu phát ngôn rất thân thiện với các nhà độc tài trên thế giới. (Getty Images)

Tại sao Trump lại có cảm tình với mấy tay lãnh tụ ác ôn? Chiến thuật mới? Còn nhân quyền thì sao? 

HOA THỊNH ĐỐN - Kim Chánh Vân tại Bắc Hàn đã nhốt tới 200,000 người dân trong những nhà tù khổ sai. Chưa kể Kim đã cho hạ sát các thân nhân, kể cả người anh cùng cha khác mẹ. Vậy mà ông Donald Trump nói Kim là “một tay thông minh.” Trump còn cho biết ông sẽ “hân hạnh” khi được gặp Kim, nếu thời điểm thuận tiện cho cuộc gặp gỡ này.

Còn Rodrigo Duterte ở Phi Luật Tân thì ông tổng thống khá mạnh tay này đã khoe từng giết nhiều kẻ buôn ma túy, đã khuyến khích cảnh sát và người dân giết chết hàng ngàn người bị nghi nghiện ma túy hoặc dính tới ma túy chỉ trong vòng nửa năm nắm quyền. Vậy mà ông Duterte được Tổng Thống Trump mời đến thăm Tòa Bạch Ốc, khi nào có dịp.

Tại Nga, Tổng Thống Vladimir Putin bị tố cáo là đã cho ám sát nhiều nhà báo, những nhà hoạt động bất đồng chính kiến. Vậy mà Putin được Trump ngợi khen là một nhà lãnh đạo cương quyết, và Trump có nói thêm là Mỹ cũng giết người không thua Nga.

Vào ngày thứ Ba ông Trump đã có một cuộc điện đàm với ông Putin. Đây là lần thứ ba hai ông nói chuyện với nhau, và lần đầu kể từ khi tàu chiến Mỹ bắn hỏa tiễn vào lãnh thổ Syria vào đầu tháng Tư.
Trong thông báo dành cho báo chí, Tòa Bạch Ốc mô tả cuộc điện đàm mới nhất “rất là tốt,” và cho biết hai ông đã thảo luận về cuộc chiến tại Syria, kể cả việc tạo những vùng an toàn và “cách hay nhất để hóa  giải tình trạng rất nguy hiểm tại Bắc Hàn.”

Cho đến nay, tức là hơn ba tháng từ ngày ông Trump nhậm chức tổng thống, chính phủ của ông chưa cho thấy một chính sách đối ngoại nào rõ ràng, minh bạch. Tuy vậy, một yếu tố mà hầu như ai cũng bắt đầu nhận ra, là ông Trump có cảm tình với những nhà độc tài trên thế giới.

Các chuyên gia nói rằng sự việc ông Trump thân thiện với các lãnh tụ độc tài đang gởi một thông điệp đến thế giới, rằng Hoa Kỳ đang từ bỏ một vai trò mà người Mỹ đã duy trì từ lâu trên thế giới, và đó là một quốc gia luôn bảo vệ nhân quyền và dân chủ trên khắp mọi nơi.

Bà Sarah Margon, giám đốc của tổ chức Human Rights Watch tại Hoa Thịnh Đốn nói với nhật báo Washsington Post ngày thứ Ba, “Chúng ta đang thấy một tổng thống có vẻ như muốn đứng về hàng ngũ của những kẻ độc tài, hủy bỏ những quy luật, và lùi bước trước những định chế quan trọng. Ông ấy đang đưa ra một tín hiệu cho các quốc gia đồng minh, các đối tác, và ngay cả các kẻ thù của Hoa Kỳ, rằng nhân quyền sẽ không đóng một vai trò nào trong chính sách của ông ta.”

Ngoài các ông Kim, Duterte và Putin, ông Trump cũng khen tổng thống Ai Cập đã “làm việc quá tuyệt vời,” mặc dù tổng thống này đã cho phép cảnh sát bắn các đối thủ chính trị. Trump cũng mời thủ tướng Thái Lan đến thăm Hoa Thịnh Đốn mặc dù thủ tướng này đã nắm quyền sau một cuộc đảo chánh. Tại Thổ Nhĩ Kỳ, tổng thống độc đoán của nước này đã nhận được một thông điệp chúc mừng từ ông Trump, mặc dù tổng thống Thổ đã ra lệnh bắt nhốt hàng ngàn người chỉ vì nghi ngờ những người này đã hoạt động hoặc có ý tưởng chống chính quyền.

Trước thắc mắc của dư luận, các cố vấn của ông Trump đã giải thích với báo báo chí rằng tổng thống Mỹ đã công khai khen ngợi các lãnh tụ và sẵn sàng gặp mặt với các nhà độc tài tàn ác, mà không cần đặt điều kiện, vì ông muốn thực thi một chiến thuật mới trong chính sách ngoại giao. Họ nói rằng ông Trump muốn tạo quan hệ mới, đẹp hơn với các nước từng thù nghịch với Mỹ trong nhiều năm, nhằm mở khóa cho những xung đột đã kéo dài lâu năm ở Á Châu và Trung Đông.

Những cố vấn cao cấp này tin rằng ông Trump muốn dùng khả năng thương lượng và tài ăn nói mà ông cho là có duyên, để tạo quan hệ mới với các quốc gia mà từ lâu đã bị cô lập bởi Hoa Kỳ và thế giới.
Thế nhưng đối với những người phê bình chính phủ Trump thì họ cho rằng chiến thuật mới này sẽ gây hại cho uy tín của Hoa Kỳ trong vai trò đề cao dân chủ, đồng thời còn làm cho các nhà độc tài càng mạnh tay hơn, gây đẫm máu, tàn ác hơn đối với dân của họ.

Ông Trump không là vị tổng thống đầu tiên phá bỏ truyền thống ngoại giao của Hoa Kỳ. Trước đây, và đây là nhắc lại một vết thương đau lòng cho miền Nam Việt Nam dưới chế độ tự do trước năm 1975, Tổng Thống Richard Nixon đã bất ngờ bỏ qua một bên lập trường chống cộng của đảng Cộng Hòa, khi ông thực hiện một chuyến công du đến Bắc Kinh và gặp lãnh tụ Mao Trạch Đông vào năm 1972. Chuyến thăm lịch sử đó đã tạo ra những thay đổi hoàn toàn trong quan hệ thù nghịch giữa tư bản Hoa Kỳ và cộng sản Trung Quốc, đưa đến mối bang giao mới mà đôi bên đều có lợi.

Thế nhưng sự việc Richard Nixon bắt tay với Mao Trạch Đông đã mang đến những hậu quả tàn khốc cho Việt Nam và miền Nam Việt Nam. Vào năm 1974, Trung Cộng đã xua hải quân chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, trong khi Mỹ ngoảnh mặt nhìn nơi khác. Vào tháng Tư năm 1975, khi đồng minh đã chối bỏ trách nhiệm và cuốn về nước, miền Nam Việt Nam hoàn toàn sụp đổ trước làn sóng cộng sản đỏ được hậu thuẫn bởi Trung Quốc và Liên Sô.

Hàng triệu người Việt Nam đã trả giá cho sự thay đổi chiến lược của Mỹ hơn bốn thập niên trước. Nay ai sẽ là nạn nhân khi ông Donald Trump “hân hạnh” được gặp các lãnh tụ như Kim, Duterte, Putin, và biết đâu chừng sắp tới sẽ là Hun Sen. Phải chăng là Đài Loan, Nam Hàn và còn ai nữa ở Trung Đông?

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT