Hoa Kỳ

Tân lãnh tụ Bắc Hàn Kim Chánh Vân phải chia quyền lực

Hoài Mỹ/Viễn Đông Thursday, 22/12/2011 - 12:27:20

Hoài Mỹ/Viễn Đông   BÌNH NHƯỠNG/BẮC KINH – Theo một nguồn vốn quan hệ chặt chẽ với Bình Nhưỡng (Pyongyang) và Bắc Kinh (Beijng), Kim Chánh Vân (Kim Jong-un) phải phân chia ...

Hoài Mỹ/Viễn Đông

BÌNH NHƯỠNG/BẮC KINH – Theo một nguồn vốn quan hệ chặt chẽ với Bình Nhưỡng (Pyongyang) và Bắc Kinh (Beijng), Kim Chánh Vân (Kim Jong-un) phải phân chia quyền lực ở Bắc Hàn. Mới khoảng 28 tuổi đời lại chưa từng hoạt động ở chính trường lẫn chiến trường hoặc thương trường, Kim Chánh Vân hẳn nhiên không có kinh nghiệm, bởi thế hiện diễn ra nhiều lời suy đoán về một hay nhiều nhân vật nào đó đứng sau hậu trường “giật dây”. Nguồn trên hôm qua còn cho biết thêm, quân đội đã tuyên bố ủng hộ người con trai út - còn gọi là con trai thứ ba - của cố lãnh tụ Kim Chánh Nhật.
Nguồn này không muốn tiết lộ danh tánh, nhưng theo thông tấn xã Reuters, đương sự vẫn cung cấp tin tức chính xác từ quốc gia cô lập đó.
Vẫn theo nguồn trên nhận xét, hiện tình ở Bắc Hàn xem ra ổn định bởi sự ủng hộ của quân đội dành cho Kim Chánh Vân; và rất ít có thể xẩy ra một vụ đảo chánh.
Theo nguồn của Reuters, sáng Thứ Hai vừa rồi, Trung Cộng được trước nhất thông tin về cái chết của Kim Chánh Nhật (Kim Jung-il), sau đó cùng ngày này, đài TV nhà nước mới loan tin “lãnh tụ kính yêu Bắc Hàn đã qua đời”. Kim Chánh Nhật thật sự đã chết từ Thứ Bẩy - nhật báo JoongAng Ilbo ở Nam Hàn đã viết rằng Trung Cộng được báo cáo về sự tử vong ấy trong một thời gian rộng rãi trước khi cái chết của lãnh tụ Bắc Hàn được công bố rộng rãi.
Và như Viễn Đông đã đăng tin, Bắc Hàn hôm Thứ Hai đã bắn thử hỏa tiễn tầm ngắn như để cảnh cáo Hoa Kỳ. Nguồn của Reuters nói: “Với cuộc bắn thử nghiệm này, Bắc Hàn mong muốn gửi đi một thông điệp là họ có đủ khả năng để tự bảo vệ” - thế nhưng, Bắc Hàn chắc sẽ không thực hiện một cuộc thử nghiệm nguyên tử trong một tương lai gần trong trường hợp họ không bị khiêu khích.

* Jang Song-taek: Em rể của Kim Chánh Nhật “đóng vai chánh”


Người em rể của cố lãnh tụ Kim Chánh Nhật tên là Jang Song-taek, 65 tuổi đời, sẽ tham gia vào ban lãnh đạo ở Bắc Hàn. Năm 2009, đương sự đã trở nên thành viên của Hội Đồng Quốc Phòng Quốc Gia, cơ quan quản lý tối cao do chính Kinh Chánh Nhật đích thân điều hành.
Nhiều chuyên gia khác cũng đã nêu rõ là “bất chấp việc quyết định chính thức Kinh Chánh Vân là lãnh tụ kế tiếp của Bắc Hàn, nhưng một người khác rất có thể là lãnh tụ trong thực tế (facto-leader) của đất nước này”. Barbara Demick, phóng viên của nhật báo Los Angeles Times đã điện đàm từ Trung Cộng với thông tấn xã NTB ở Na Uy: “Theo chỗ tôi được biết, chính là quân đội cùng với người em rể của Kim Chánh Nhật hiện nắm quyền cai trị”.
Jang Song-taek kết hôn với em gái của cố lãnh tụ Kim Chánh Nhật và trở thành dượng (hay chú) của tân lãnh tụ Kim Chánh Vân.
Chuyên gia Thụy Điển Ingolf Kiesow cũng nhấn mạnh là Jang Song-taek rất có thể là người hiện điều hành đất nước. Ông trình bầy với NTB: “Jang hiện ngồi cả trên hai chiếc ghế về an ninh vốn chịu trách nhiệm về sự an ninh của đảng (Cộng Sản) và bởi vậy cũng là ‘sếp’ của bộ máy an ninh của chính phủ”.
Theo đài BBC nhận định, Jang Song-taek có vốn liếng kinh nghiệm cần thiết để điều hành đất nước, tuy vậy đương sự ít được tín cẩn. Năm 2004, Jang Song-taek bỗng biến mất. Tin tình báo Nam Hàn cho rằng ông ta đã bị quản thúc tại gia ở Bình Nhưỡng. Một số người khác suy đoán, bởi vì đương sự đã nắm quá nhiều quyền lực nên bị đẩy đi. Năm 2006, Jang Song-taek lại bỗng tái xuất để rồi từ đó không ngừng tiến chức. Đương sự được diễn tả là người bạn thân tín nhất của Kim Chánh Nhật.

Như trên đã kể, năm 2009 Jang Song-taek được bổ nhiệm vào Hội Đồng Quốc Phòng Quốc Gia. Tính cách thành viên được đánh giá là một vai trò trong “trái tim của chế độ”. Lại có sự suy đoán là ông ta sẽ nắm quyền thật sự trong khi chờ đợi Kim Chánh Vân trưởng thành thành nhà lãnh đạo chính cống.

Một nguồn cũng đã nói với thông tấn xã Reuters rằng quốc gia đóng kín này sẽ đi từ hình thức một lãnh tự chuyên quyền sang hình thức cai trị tập thể. Đương sự cho là Kim Chánh Vân sẽ cai trị chung với ông dượng Jang Song-taek và với quân đội. Thế nhưng những gì thật sự sắp xẩy ra, hãy chờ xem.

* Tân lãnh tụ của chế độ độc tài thật sự là ai?

Kim Chánh Vân, người con trai út của Kim Chánh Nhật đã được chỉ định từ tháng 9 năm ngoái thừa kế cha mình làm lãnh tụ của Bắc Hàn.
Thế nhung rất ít chi tiết, kể cả số tuổi đời của đương sự, được công chúng trong nước và dư luận thế giới biết đến.
Một người đầu bếp Nhật Bản vốn đã phục vụ gia đình này trong suốt 13 năm, mô tả Kim Chánh Vân “giống bố về nhiều cách, nhất là diện mạo”.  

Tổng quát thì từ năm 2010 người ta đã mập mờ suy đoán là Kim Chánh Vân sẽ là người tiếp quản quyền lực trong chế độ cộng sản độc tài. Theo thông tấn xã AFP, tháng 9 năm 2010, đương sự được bổ nhiệm làm đại tướng 4 sao; sự kiện này được diễn giải là một phần trong việc sửa soạn cho việc đương sự nắm giữ vai trò lãnh đạo quốc gia. Tháng Hai năm nay, lần đầu tiên Kim Chánh Vân xuất hiện trước nhân dân Bắc Hàn. Cơ hội này chứng tỏ đương sự đã đóng một vai trò tiên tiến trong Hội Đồng Quốc Phòng Quốc Gia.

Tối Thứ Hai vừa rồi (giờ địa phương), một bản tuyên bố chính thức đã được loan báo trên hệ thống truyền thông của nhà nước Bắc Hàn, KCNA, theo đó người dân Bắc Hàn được yêu cầu “ôm lấy ngài Kim Chánh Vân làm người kế nghiệp trong công cuộc cách mạng” - và là “vị lãnh đạo duy nhất của đảng ta, quân đội ta và nhân dân ta”.
Bản tuyên cáo viết: “Sự lãnh đạo của ngài Kim Chánh Vân là một sự bảo đảm chắc chắn cho lý luận cách mạng Juche được hoàn tất và được truyền đạt tiếp theo qua các thế hệ”.
“Juche” là ý thức hệ của Bắc Hàn về sự tự cứu; trong đó mục tiêu là đất nước này sẽ thành công mà không cần đến sự giúp đỡ từ bên ngoài.
Năm 2008, Kim Chánh Nhật bị đột quị. “Sự cố” này được nhận thức là động lực thúc đẩy mạnh hơn tiến trình cho sự sửa soạn việc thừa kế trong triều đại này.
Thế nhưng, vì bức màn sắt bao quanh chế độ Bắc Hàn mà mọi thông tin về đất nước đều không chắc chắn trong việc tiếp quản quyền lực đã được hoạch định trước ở mức độ nào.
Kim Chánh Vân được suy đoán sinh năm 1984 hay 1983. Có thể đương sự với một tên giả và mang quốc tịch Nam Hàn nhằm tránh sự chú ý không cần thiết của thế giới Tây Phương, đã theo học ở trường Anh văn nội trú International School of Bern tại Thụy Sĩ vào cuối thập niên 90. Sau đó cũng vẫn có thể là đương sự đã học trường đại học quân sự ở thủ đô Bình Nhưỡng.
Nhiều cơ quan truyền thông đã đăng tải chi tiết là sau thời gian du học ở Thụy Sĩ, đương sự đã nói được cả tiếng Anh, tiếng Đức lẫn tiếng Pháp. Ngoài ra đương sự còn là một người say mê môn bóng rổ Hoa Kỳ.

* Cuộc tranh chấp trong gia đình có thể làm suy sụp triều đại

Theo nhiều nguồn khả tín, khởi đầu, Kim Chánh Nhật (20 tuổi) không hẳn là người thừa kế tất yếu. Các người anh của Kim Chánh Nhật đã bị “thất sủng” nơi ông bố bởi nhiều nguyên nhân khác nhau như sau:
Đã từng là “favorite”: Theo đài BBC, người anh cùng cha khác mẹ với Kim Chánh Vân, tức Kim Nhật Nam (Kim Jong-nam, 39 tuổi), con trai cả và thuở ban đầu đã thật sự là người được chọn của cố lãnh tụ Kim Chánh Nhật. Theo các bản báo cáo, những năm tháng “cậu cả” sang Thụy Sĩ học trường nội trú là thời gian đau khổ của nhà độc tài. Thế nhưng dấu ấn “favorite” đã chấm dứt vào năm 2001 khi Kim Nhật Nam bị cảnh sát an ninh phi trường Tokyo bắt giữ vì sử dụng thẻ thông hành giả để vào nước Nhật.
Trước câu hỏi của cảnh sát dự định làm gì ở Nhật, con trai cả của nhà độc tài đã đưa ra câu giải thích bất ngờ: Anh ta muốn đi thăm Disneyland.
Theo nhiều cơ quan truyền thông, Kim Nhật Nam đã xuất ngoại mà không có phép của ông bố. Và chuyến xuất ngoại này đã khiến cho Kim Chánh Nhật giận dữ đến độ ông quyết định xóa bỏ thứ tự quyền thừa kế.
Trong một chương trình phỏng vấn hiếm có trong chuyến sang Trung Cộng năm ngoái, Kim Chánh Nam đã tỏ ra bình tĩnh đối với việc bị gạch tên khỏi sổ thừa kế. Đương sự đã phát biểu với đài TV Nhật Bản Asahi là anh ta không quan tâm đến việc kế vị ông bố, nhưng anh ta “cũng không đồng ý việc người em út được trao lại quyền hành”.
“Cậu cả” đoạn giao với ông bố từ năm 2001, từ đó chỉ sinh sống hết ở Macau lại Bắc Kinh. Một nhà phân tích, Giáo Sư Kim Yong-hyun thuộc Dongguk University ở Tokyo, cho rằng những lời phát biểu của Kim Chánh Nam là một thông điệp gửi cho thế giới là không hề có sự bất đồng nội bộ về kế hoạch chuyển giao quyền lực.
Thiếu nam tính: Kim Chánh Chu (Kim Jong-chul) là người con trai thứ hai trong danh sách thừa kế, nhưng cũng bị “thất sủng” nơi ông bố. Người ta rất khó tìm được hình chụp người thanh niên 29 tuổi đời này và người ta cũng biết rất ít về cậu ta ngoài việc đương sự cũng được gửi sang Thụy Sĩ học trường nội trú.
Theo người đầu bếp Nhật Bản chuyên làm món sushi cho gia đình nhà độc tài thì cậu này đã không được kể đến là lãnh tụ, bởi vì đương sự thiếu nam tính. Theo đài BBC, người đầu bếp này đã viết trong một cuốn sách của đương sự: “Cậu ta giống hệt một thiếu nữ”.
Kim Chánh Chu làm việc ở Bộ Tuyên Truyền của Bắc Hàn cùng với chị ruột tên là Kim Sul-song (36 tuổi), người con gái duy nhất của Kim Chánh Nhật 

* Không có sự chấm dứt những nỗi cực khổ của dân tộc Bắc Hàn

Ông Richard Skretteberg, cố vấn của hội Hồng Thập Tự, một trong số ít người được nhập nội Bắc Hàn, hôm qua đã cho rằng sự “ra đi vĩnh viễn” của nhà độc tài Kim Chánh Nhật chỉ có chút ý nghĩa đối với dân chúng ở Bắc Hàn. Những nỗi thống khổ của họ vẫn tiếp tục mà thôi.

Ông tâm sự với thông tấn xã NTB: “Sau khi Kim chết, đã có nhiều suy đoán là có thể xẩy đến nhiều sự thay đổi ở Bắc Hàn, nhưng tôi nghi ngờ lắm ạ”.

Mặc dù tình trạng nhân đạo ở Bắc Hàn hiện đã phần nào khá hơn so với giai đoạn có nạn đói vào thập niên 1990, thời đó nhiều triệu người đã bị đói đến chết, nhưng nay rất, rất nhiều người vẫn sống dưới mức tối thiểu của cuộc sống. Theo Liên Hiệp Quốc, trên 6 triệu người dân Bắc Hàn ngày nay hoàn toàn lệ thuộc vào sự giúp đỡ của quốc tế. Ông Skretteberg xác quyết: “Tiếc rằng cộng đồng thế giới bầy tỏ quá ít thiện chí giúp đỡ. Hậu quả đưa tới là việc phân chia khẩu phần hàng ngày bị cắt giảm từ 570 gram xuống 350 gram”.
Những nguyên nhân khác: Torben Henriksen, Phối Hợp Viên Chương Trình của Hồng Thập Tự, đã nhiều lần đến Bắc Hàn, nhận định: “Chúng ta chứng kiến một đất nước đang từ từ xuống dốc. Ở đây có quá ít thực phẩm, quá ít nước uống, cấu trúc hạ tầng sụp đổ đồng thời thiếu trầm trọng năng lượng”.
Ông Henriksen còn tiết lộ là người dân mà ông và những người ngoại quốc khác gặp gỡ đều bị canh chừng, bởi thế chẳng thể hỏi chuyện được nhiều hầu có thể tìm cách giúp đỡ họ.
Theo các thành viên của hội Hồng Thập Tự, “nhiều người chết đói, thế nhưng vấn đề sức khỏe là lớn lao hơn cả; nhiều người quá yếu vì bị thiếu dinh dưỡng lâu dài; và rất thông thường khi những cơn bệnh vốn không nguy hiểm lại làm tử vong. Hơn nữa, tình trạng thiếu thốn thuốc men thật lớn lao”. Ông Skretteberg nhìn nhận: “Tôi đã được nghe kể là dân chúng bị mổ mà không được gây tê/mê, bởi vì bệnh viện không có thuốc. Bệnh nhân bị cột chặt để phải nằm yên trong suốc cuộc phẫu thuật”.
Ông kể lại lần ông đến thăm một bệnh viện vào mùa Đông vừa qua: “Trời tháng 3 còn lạnh lắm. Bệnh viện cũng lạnh như nước đá. Tuyệt nhiên không có một hệ thống hay một đống than đốt để sưởi ấm. Tôi vừa mở cửa bước vào một gian phòng, chợt thấy trong đó có những đứa trẻ thiếu ăn nằm hàng dẫy. Chúng tôi nhận ra là các cháu được lệnh đứng lên chào khách. Một vài cháu đã ngã quị xuống vì kiệt lực. Các cháu này không đủ sức đứng. Cảnh tượng đã tạo cảm giác đau đớn nơi chúng tôi”.
Không thể có “Mùa Xuân Ả Rập”: Nạn đói vẫn từ năm này qua năm khác cộng với thiên tai đã đưa đến hệ quả một dân tộc kiệt quệ, đói lả triền miên. Thế nhưng chính quyền vẫn thành công được trong việc áp chế quyền lực trên người dân của mình. Cố vấn lâu năm của Hồng Thập Tự Richard Skretteberg giải thích: “Vẫn mãi sẽ không có một cuộc cách mạng-twitter ở Bắc Hàn giống ‘Mùa Xuân Ả Rập’. Đây là một quốc gia mà chỉ giới nắm quyền là được sử dụng internet và điện thoại di động”.
Hơn 60 năm với sự cô lập hoàn toàn và kiểm soát nghiêm ngặt đối với dân chúng đã đưa tới một xã hội, trong đó mọi người theo dõi, canh chừng mọi người, và trong đó nhiều người vẫn “tự nguyện” tố cáo hàng xóm và họ hàng, bạn bè của mình. Ông Skretteberg kết luận: “Hoàn toàn không thể tố chức sự chống đối; bởi đây là một ‘chế-độ-báo-cáo’ vô cùng rộng lớn”. – (HM)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT