Bình Luận

Thái quá và bất cập

Monday, 09/05/2016 - 10:29:06

Bằng nhiều cuộc thí nghiệm công khai, Bắc Hàn đã chứng minh là họ nắm vững kỹ thuật vận dụng hỏa tiễn, và khả năng sản xuất vũ khí nguyên tử; và cũng đã nhiều lần Hoa Kỳ và thế giới "trừng phạt" họ bằng những biện pháp kinh tế lơ mơ, không hữu hiệu.

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Trên bình diện quân sự, hai vị tổng thống Hoa Kỳ (HK) gần đây nhất -ông George W. Bush và ông Barack Obama- quả là hai thái cực; ông Bush là hiện thân của thái quá, với những phản ứng hấp tấp và quá đáng -chỉ mới nghi ngờ là Iraq có vũ khí nguyên tử, ông đã xua quân tấn công Iraq ngày 20 tháng Ba, 2003, gây ra một cuộc chiến tranh vừa vô lý vừa tai hại, kéo dài suốt 13 năm mà vẫn không có lối thoát.
Trong lúc đó, Tổng Thống Obama lại bất cập không có được một phản ứng cần thiết để đón nhận một cuộc đầu hàng ngụy trang dưới hình thức thương thuyết của Bắc Hàn (BH). Sau khi thất bại trong cuộc thí nghiệm bắn hỏa tiễn từ một chiếc tiềm thủy đĩnh ngày 23 tháng Tư ,2016, BH tỏ ý muốn thương thuyết với HK để chấm dứt mọi nỗ lực thử nghiệm nguyên tử của họ, chấm dứt thái độ ngoan cố của họ nhất định hoàn thành cho bằng được một hệ thống hỏa tiễn tầm xa có khả năng chuyên chở đầu đạn nguyên tử để bắn vào lãnh thổ Hoa Kỳ.

Bằng nhiều cuộc thí nghiệm công khai, Bắc Hàn đã chứng minh là họ nắm vững kỹ thuật vận dụng hỏa tiễn, và khả năng sản xuất vũ khí nguyên tử; và cũng đã nhiều lần Hoa Kỳ và thế giới "trừng phạt" họ bằng những biện pháp kinh tế lơ mơ, không hữu hiệu.

Bắc Hàn chỉ giao thương với Trung Cộng, nên việc phong tỏa kinh tế của thế giới tự do không tạo nhiều ảnh hưởng đối với họ. Hoa Kỳ và thế giới cứ trừng phạt, dân Bắc Hàn cứ nghèo, cứ đói nhưng Kim Jong-un vẫn cứ ung dung xúc tiến chương trình nguyên tử.

Ngày 4/23/2016 vừa rồi, BH bắn thử hỏa tiễn từ một chiếc tầu ngầm kích thước mang tầm cỡ chiếc Simpo -thủy lượng từ 1,000 đến 1,500 tấn, dài 65 thước rưỡi, đáy sâu 6.6 thước, tầm hoạt động 2.800 cây số.


Hỏa tiễn bắn thử từ tầu ngầm Bắc Hàn


Chủ tịch Kim Jong-un theo dõi bằng viễn kính

Từ nhiều năm nay Hoa Kỳ vẫn đặt nhẹ nguy cơ nguyên tử Bắc Hàn bằng cách coi nỗ lực của Bắc Hàn chỉ có giá trị tuyên truyền, kể cả sau bản tin của AFP (Agence France-Presse) về cuộc bắn thử hỏa tiễn bằng tầu ngầm. Giới tình báo Hoa Kỳ và Nam Hàn nhìn nhận là -tuy không có khả năng bắn hỏa tiễn vào lãnh thổ HK- nhưng hỏa tiễn BH vẫn có khả năng bao trùm bất cứ mục tiêu nào trên lãnh thổ NH, và bao trùm gần đủ mọi mục tiêu trên lãnh thổ Nhật. Giới tình báo cũng nhìn nhận là kỹ thuật BH đã đủ cao để gắn một quả bom nguyên tử nhỏ trên mũi hỏa tiễn.


Tầm cỡ của tiềm thủy đĩnh Simpo

Cuộc thử nghiệm 4/23/2016 giúp Hoa Kỳ thấy là họ thất bại trong nỗ lực ngăn chặn BH phát triển tiềm năng chiến tranh nguyên tử, và giúp TC có thêm một đồng minh “chốt đỏ” -con chốt này thực dụng hơn quân xe Trung Cộng, vì đặc tính “liều”, vì không có quyền lợi gì để mất khi bị Mỹ trừng phạt.
Thêm một đặc tính nữa khiến Mỹ cần quan tâm đến BH nhiều hơn; đặc tính đó là “cậu” Kim Jong-un bụ bẫm mà háo thắng.

Một cán bộ cao cấp BH, và một đại tá tình báo BH vừa đào thoát cho biết những tình tiết xác thực hơn về mức tiến bộ trong kỹ thuật sản xuất võ khí nguyên tử của BH. Họ cho biết trong sáu tháng vừa rồi Kim Jong-un thúc đẩy chương trình này bằng một thời khóa biểu gấp rút hơn.

Nhưng Hoa Thịnh Đốn lẫn Seoul vẫn không tin hiểm họa chiến tranh với BH là chuyện có thể xảy ra; họ không chủ động giải quyết nguy cơ nguyên tử BH, chỉ vì bị ám ảnh bởi sự hụt hẫng của tổng thống Bush, và cái giá nặng nề HK phải trả cho cuộc chiến tranh Iraq.

Trong lúc Hoa Kỳ ngần ngại không muốn phải có một áp lực quân sự để giải giới BH, thì các chánh khách Nam Hàn tránh né không muốn truyền thông nêu đích danh họ, khi họ tuyên bố về chiến tranh với BH.
Giáo sư Victor Cha, một người Mỹ gốc Hàn, nguyên là thành viên Hội Đồng An Ninh Quốc Gia thời tổng thống Bush, nói, “Không muốn có phản ứng thái quá trong lúc BH còn yếu là việc đúng, nhưng trong lúc này -lúc mà khả năng chiến tranh của BH đang tăng trưởng vượt bực mà cũng không phản ứng thì quả là sai lầm.” Ông muốn Obama có thái độ tích cực hơn.

Khoa học gia nguyên tử, Tiến Sĩ Park Di-young, làm việc tại Hán Thành trong viện Asan Institute for Policy Studies, nhận xét là các chính khách Nam Hàn không muốn đả động gì đến những phát triển vũ khí nguyên tử của BH, vì khả năng giải quyết vấn đề không nằm trong tay họ.


Giáo sư Victor Cha


Tiến sĩ Park Ji-young

Tổng Thống Obama vẫn không quan tâm lắm đến khả năng nguyên tử của BH; đang dự hội nghị Hannover tại Đức, ông lên truyền hình, cười giỡn nói chuyện với phóng viên quốc tế, bác bỏ đề nghị của BH muốn ngưng thí nghiệm vũ khí nguyên tử để thương thuyết trực tiếp với HK .

Obama bảo BH, “'You'll have to do better than that” (quý vị phải thành công hơn nữa [trong cuộc thí nghiệm, thì HK mới cần thương thuyết]). Dĩ nhiên đó không phải là một lời khen giúp BH hãnh diện.
Ông không cần phải có thái độ miệt thị BH quá đáng, vì dù chỉ với khả năng giới hạn, BH vẫn có thể gây chiến tại Đông Á. Ông nói với Nhật và Nam Hàn là Mỹ sẽ giúp họ tự vệ.

Cũng trong buổi truyền hình đó, Obama giải thích với quần chúng thái độ ông từ chối không thương thuyết với BH, vì họ chưa thành thật muốn thương thuyết; ông từ chối để họ phải chọn thái độ đứng đắn hơn.

Một ngày trước đó, ngoại trưởng Bắc Hàn Ri Su Yong cũng đã lên tiếng giải thích việc BH phải xúc tiến chế tạo vũ khí nguyên tử vì Mỹ, Nam Hàn và Nhật thường xuyên thao dượt về chiến tranh nguyên tử ngay trên lãnh thổ, lãnh hải Triều Tiên.

Ông Ri nhấn mạnh, “Mỹ chỉ cần ngưng thao dượt chiến tranh nguyên tử là chúng tôi cũng ngưng thí nghiệm nguyên tử;” chưa bao giờ BH hiếu hòa hơn.

Hai hiện tượng rõ rệt nhất trong thời điểm này là thái độ “xuống nước” của BH và hành động “treo giá” của Tổng Thống Obama . Ông giản dị đóng cửa không cho đối thủ đầu hàng, dưới hình thức thương thuyết, thái độ đó có thể là bất cập -hậu thế có thể trách Obama chưa làm hết trách nhiệm của một vị tổng tư lệnh quân đội HK, vì ông đã bỏ lỡ một cơ hội để loại vũ khí nguyên tử ra khỏi cuộc chiến tranh Đông Á-nếu chiến tranh trở thành điều không thể tránh.

Tại Trung Đông ông đã ký thỏa ước với Iran để tránh không cho vũ khí nguyên tử do Iran sản xuất du nhập vào chiến trường Ả Rập. Tại Đông Á ông cũng cần ký thỏa ước ngăn cấm không để một quả bom nguyên tử nhỏ, do hỏa tiễn đưa vào không phận Nhật, rồi nổ tung trên lãnh thổ Nhật.
Obama chỉ còn nửa năm nữa để giải quyết vấn đề quan trọng này.

Sự thái quá của ông Bush đã và đang giết hàng triệu người trên chiến trường Trung Đông; thái độ bất cập của Obama có thể cũng tai hại không kém. (nđt)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT