Người Việt Khắp Nơi

Tháng Tư Đen kết thúc, nhìn lại những thành công, hướng tới tương lai

Vanessa White/Viễn Đông Sunday, 29/04/2012 - 09:40:36

Tiếp tục phát triển về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, cộng đồng Việt Nam tại địa phương đã giúp hình thành và được hình thành bởi miền Nam California và kể cả bên ngoài khuôn khổ địa lý ấy.

Vanessa White/Viễn Đông


Bia đá tưởng niệm ở Tượng Đài Thuyền Nhân, thành phố Westminster, ngày Thuyền Nhân Việt Nam lần thứ 3 hôm 29-4-2012 - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

WESTMINSTER, California - Hồi tưởng lại những điều bi hùng của lịch sử đã kiến tạo ra cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại Nam California cũng có thể đưa đến sự tri nhận những đóng góp của cộng đồng cho nơi mà họ tái định cư.
Một trong những hành động công nhận những đóng góp và lịch sử của cộng đồng là đạo luật ACR 138, ấn định tuần lễ từ ngày 23 đến 30 tháng Tư 2012 là Tuần Lễ Tưởng Niệm Tháng Tư Đen và tháng Tư 2012 là Tháng Di Sản Người Mỹ Gốc Việt, do Dân Biểu Tiểu Bang địa hạt 69 Jose Solorio đệ trình. Năm 2011, Dân Biểu Jose Solorio và Thượng Nghị Sĩ địa hạt 34 Lou Correa cũng là đồng tác giả trong một quyết nghị tương tự để vinh danh người Mỹ gốc Việt khắp tiểu bang.
Về mặt chính trị, người Mỹ gốc Việt ở miền Nam California được bầu vào các chức vụ trong chính quyền ngày càng đông, từ học khu địa phương đến học khu quận hạt, hội đồng thành phố, các ủy ban trực thuộc thành phố, hội đồng giám sát quận hạt, và Hạ Viện California. Sự đóng góp về chính trị của họ cũng phản ảnh mức độ thăng tiến về kinh tế và sự hội nhập của cộng đồng Việt Nam vào xã hội chính lưu.
Tiếp tục phát triển về các mặt chính trị, kinh tế, xã hội, cộng đồng Việt Nam tại địa phương đã giúp hình thành và được hình thành bởi miền Nam California và kể cả bên ngoài khuôn khổ địa lý ấy.

Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt

Một nỗ lực nhằm chia sẻ những câu chuyện trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt ở miền Nam California, Dự Án Lịch Sử Truyền Khẩu Người Mỹ Gốc Việt (VAOHP) có mục đích thu thập, lưu trữ, và phát tán những kinh nghiệm và quan điểm khác nhau, từ trong lòng cộng đồng những người Mỹ gốc Việt ở miền Nam California.
Hồi tháng 10-2012, nhật báo Viễn Đông đưa tin về VAOHP, một dự án đứng đầu bởi Tiến Sĩ Đặng Võ Thúy dưới thẩm quyền của Khoa Nhân Văn thuộc trường đại học University of California, Irvine (UCI). Theo lịch trình, dự án này dự trù sẽ hoàn tất vào năm 2014, khi ấy những câu chuyện lịch sử truyền khẩu sẽ được lưu trữ tại Thư Khố Đông Nam Á thuộc Hệ Thống Thư Viện UCI.
Khi đưa tin về dự án trên nhật báo Viễn Đông lúc đó, thì VAOHP chưa khởi động và TS. Thúy đang chuẩn bị dạy lớp Kinh Nghiệm Người Mỹ Gốc Việt, huấn luyện các sinh viên cách thu thập lịch sử truyền khẩu cho dự án VAOHP cũng như cho họ kinh nghiệm thực tập để thực hiện những dự án tương tự trong tương lai.
Nay thì dự án lịch sử truyền khẩu VAOHP đã bắt đầu, và trang blog của VAOHP ghi nhận những ý tưởng và cảm xúc của các sinh viên đã thực hiện các cuộc phỏng vấn lịch sử truyền khẩu trong vòng thân nhân gia đình và những người quen, rồi cùng chia sẻ những gì họ biết được với cả lớp. Nói chung, các sinh viên cho biết đã trở nên gắn bó hơn với gia đình và nguồn cội sau khi thực hiện xong những cuộc phỏng vấn lịch sử truyền khẩu.
Dự án VAOHP đến nay đã giúp phơi bày ra những dòng lịch sử, những câu chuyện kể của cộng đồng Việt Nam ở miền Nam California, và như TS. Thúy nói trong cuộc phỏng vấn với Viễn Đông hồi tháng 10 năm ngoái: “Đem lại tiếng nói cho cộng đồng bằng một cách thức mà lịch sử chính lưu không thể nào làm được”.

Tiếng nói bằng Anh ngữ hay giới hạn của dòng chính
Trong khi dự án VAOHP đưa ra những câu chuyện lịch sử truyền khẩu và chia sẻ những đóng góp của cộng đồng người Mỹ gốc Việt tại miền Nam California, nhật báo Viễn Đông đã từng đưa tin về những đề nghị liên quan đến ngành giáo dục tại địa phương vốn có thể giới hạn sự đóng góp của cộng đồng.
Đại học cộng đồng Coastline Community College (CCC) đang suy tính chuyện cắt giảm đáng kể những lớp trình độ thấp nhất của chương trình Tiếng Anh Như Là Ngôn Ngữ Thứ Nhì (ESL), theo Kế Hoạch Quản Trị Ghi Danh CCC, được công bố hôm 20-3-2012, cho biết. Được coi như là “làm giàu kiến thức cá nhân” và nằm trong số “những mục ưu tiên thấp nhất” của CCC để đạt được mục tiêu của mình, những lớp thấp nhất của ESL đang phải đối diện với chuyện bị cắt giảm trong niên khóa 2012-2013. Những lớp bắt buộc phải học để lấy văn bằng, chuyển trường, cũng như để lãnh được các chứng chỉ nằm trong số những mục “ưu tiên cao nhất” của CCC.
Những mục tiêu của đại học cộng đồng Coastline cũng phản ảnh những mục tiêu cho hệ thống giáo dục đã được thông báo trên toàn tiểu bang California và Hoa Kỳ.
Năm nay 26 tuổi, cô Tina Đinh, đang học lớp 3 ESL của đại học Coastline nói với Viễn Đông rằng nếu không có chương trình ESL trình độ thấp hơn, những người di dân nói chung sẽ không có được cơ hội để học đại học, sẽ bị giới hạn cơ hội tìm việc, và sẽ khó mà tham gia vào những cuộc bầu cử.
Bà Đặng Quí, từng học ESL khi mới qua Mỹ năm 1967 theo một chương trình học bổng của Hoa Kỳ, nói với nhật báo Viễn Đông rằng “những lớp ESL trình độ thấp là nền tảng cho việc học tiếng Anh”.
Trước khi học bất cứ lớp nào khác, bà Quí học 5 tháng ELS mà bà mô tả là “rèn luyện Anh văn cấp tốc”, mỗi ngày học 8 tiếng hoặc nhiều hơn qua sách giáo khoa, sách làm bài tập, phòng thực tập để xây dựng vốn văn phạm, từ vựng, kỹ năng đọc, viết, nghe, và đàm thoại. Bà nói với Viễn Đông: “Cần ít nhất một năm rèn luyện Anh văn cấp tốc như vậy, hoàn toàn đắm chìm trong ngôn ngữ ấy, để một người bình thường với trình độ học vấn trung học có thể nắm được căn bản của tiếng Anh. Còn nếu muốn hòa nhập vào mạch chính lưu Hoa Kỳ thì sẽ cần cả một đời tiếp tục học hỏi”. - (VW)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT