Hoa Kỳ

Từ nạn diệt chủng thời cộng sản, người Cam Bốt mở hàng trăm tiệm nữ trang ở Nam California

Sunday, 20/08/2017 - 10:15:40

Vào một ngày mùa xuân năm 1975, khi lực lượng Khmer Đỏ bắt đầu phát động chính sách diệt chủng kéo dài đến bốn năm, ông Jerry Young liền vớ lấy các món nữ trang từ cửa tiệm của ông, và tìm đường chạy thoát để giữ mạng sống.



Một tiệm nữ trang của người Cam Bốt tại Long Beach năm 2004. (Ann Frank / UC Irvine, Libraries)


Trong một bài phóng sự được đăng vào đầu tháng Tám, nhật báo Los Angeles Times đã viết về một lãnh vực mà người tị nạn Cam Bốt đã nắm số nhiều bên cạnh ngành bán bánh donut. Đó là mở tiệm bán nữ trang. Dưới đây là phần tóm lược của bài phòng sự.

Vào một ngày mùa xuân năm 1975, khi lực lượng Khmer Đỏ bắt đầu phát động chính sách diệt chủng kéo dài đến bốn năm, ông Jerry Young liền vớ lấy các món nữ trang từ cửa tiệm của ông, và tìm đường chạy thoát để giữ mạng sống.

Ông đi bộ và quá giang xe đến biên giới Thái Lan, nơi ông phải chờ nhiều ngày trước khi được đoàn tụ với gia đình.


Gia đình ông Jerry Young trên trang quảng cáo công ty Inta Gems and Diamonds.

Ông Young, 68 tuổi, nói, “Tôi khiếp quá. Tôi bỏ chạy, nhưng tôi rất may mắn.”
Khi họ được định cư ở Hoa Kỳ, những món trang sức ấy, gồm mấy viên hồng ngọc và ngọc bích, đã trở thành nguồn tài trợ cho một ngành kinh doanh mà sau này trở nên rất phổ biến trong các cộng đồng người Mỹ gốc Cam Bốt: tiệm nữ trang kim hoàn.

Hiện có hàng trăm tiệm nữ trang sức do người Cam Bốt làm chủ ở Nam California. Vùng Long Beach thuộc Hạt Los Angeles và tại Quận Cam đang có hơn 50,000 người gốc Cam Bốt sinh sống. Đây là nơi có người Cam Bốt đông nhất bên ngoài nước Cam Bốt.

Những cửa tiệm ấy là một trong những di sản từ nạn diệt chủng Cam Bốt, và của cuộc biến động kinh tế đi kèm theo.

Chỉ trong một khu thương xá Chinatown mall, có tới khoảng hai chục tiệm nữ trang chen chúc nhau, và hơn 30 tiệm trong khu bán đồ nữ trang tại trung tâm thành phố Long Beach. Các tiệm nữ trang của người Cam Bốt được tìm thấy ở hai bên đường Anaheim Street trong khu Cam Bốt thuộc Long Beach, ở trong một khu thương xá nhỏ tại Fullerton thuộc Quận Cam.

Các thợ kim hoàn người Cam Bốt trở nên nổi tiếng trong ngành kinh doanh này. Gia đình ông Young hiện giờ là nhà kim hoàn chính thức chuyên khảm vương miện cho hoa hậu Miss California USA. Anh Peter, con trai ông Young, phụ trách việc thiết kế vương miện.

Trong tác phẩm vương miện, các hoa văn nạm kim cương được hình thành các ngôi sao cho Hollywood và những làn sóng cho đại dương. Ở giữa là một viên ngọc bích màu xanh lam. Đó là một trong những món nữ trang mà cha anh mang theo, khi ông chạy thoát khỏi Cam Bốt.

Không có một lý do nào là nguyên nhân chính cho gia tăng của các tiệm nữ trang của người Cam Bốt. Tuy nhiên, một tỷ lệ lớn của các chủ tiệm vàng, như Jerry Young, xét về mặt sắc dân đều là người Cam Bốt gốc Trung Hoa từ tỉnh Pailin, nơi có nhiều mỏ đá quý được khai thác từ lâu.

Người Cam Bốt gốc Hoa nằm trong số những người đầu tiên chạy ra khỏi đất nước, khi quân Khmer Đỏ tịch thu tài sản tại tỉnh giàu có này. Nguồn gốc xuất thân của họ và những mối liên kết trong ngành kim hoàn đã giúp những người tị nạn này lập ra những cơ sở kinh doanh mới ở Mỹ.

Những tiệm nữ trang của người Cam Bốt phục vụ nhiều mục đích cho người tị nạn đồng hương, mà đa số không tin cậy lắm vào chính quyền. Những tiệm này giúp người ta cất giữ và trao đổi tài sản qua hình thức vàng.

Người Cam Bốt cất giữ của cải bằng vàng từ lâu trước thời Khmer Đỏ, và đó là thói quen thông thường trong các xã hội Á Châu khác.

Gần 2 triệu người đã chết trên những cánh đồng giết người tại Cam Bốt dưới chế độ Pol Pot, do hậu quả của những vụ hành quyết, chết đói, tra tấn, và lao động quá sức. Kinh nghiệm sống qua bạo lực đã làm cho những người tị nạn không mấy tin tưởng vào chính quyền.

Đây là một điều mà họ mang theo sang Mỹ. Chế độ Khmer Đỏ đã loại bỏ tiền tệ. Nhiều người Cam Bốt tị nạn còn nhớ chuyện họ cắt những mảnh vàng để mua thực phẩm và thuốc men trong các trại.

Điều đó có thể giải thích tại sao hiện nay không có ngân hàng nào của người Mỹ gốc Cam Bốt, nhưng lại có rất nhiều tiệm bán vàng bạc nữ trang. Những nông dân và những người tị nạn từ bối cảnh nông thôn không quen dùng ngân hàng.

Sau những chặng ghé ở Guam, Hawaii, và Camp Pendleton, cuối cùng ông Young và gia đình định cư ở Bellflower. Một người bạn, cũng từ tỉnh Pailin, cho ông vay mượn một số món trang sức. Đến năm 1978, ông Young đã mở công ty Tory Jewelry, sau đó đổi tên thành Inta Gems and Diamonds. Đây là tiệm nữ trang đầu tiên của người Cam Bốt ở khu vực trung tâm thành phố.

Tương tự nhu việc người Cam Bốt tị nạn dùng sự gắn bó chặt chẽ trong mạng lưới gia đình để giành ưu thế trong ngành sản xuất bánh doughnut ở California, và tiếp quản hệ thống bán gà chiên Louisiana Famous Fried Friedous, họ mở ngành kim hoàn tràn lan.

Mức tăng trưởng tăng nhanh trong thập niên 1980. Ông Young và gia đình cung cấp đá quý, vàng, và lời khuyên cho những ai muốn trở thành chủ tiệm, và những người trong gia đình ông Young đã mở bảy tiệm vàng khác.

Vào năm 1987, Long Ta và vợ, cũng là những người thợ kim hoàn xuất thân từ tỉnh Pailin, đã mở tiệm nữ trang đầu tiên ở khu Chinatown. Họ giúp cho những người khác trong gia đình mở gần hai chục tiệm khác trong khu chợ trời ở Chinatown.

Mặc dù các tiệm vàng của người Cam Bốt ở khu Chinatown, trung tâm thành phố Los Angeles và Fullerton, làm ăn phát đạt, phục vụ các khách hàng quốc tế đa dạng, nhưng các tiệm nữ trang trong khu Campuchia Town phục vụ phần lớn cho người Cam Bốt và dân địa phương.

Người Cam Bốt thường mua nhiều đồ trang sức hơn, vì họ dù thứ đó để cất giữ của cải, Thế nhưng ở Cambodia Town thì không có nhiều của cải. Khoảng một phần ba trong số những người Cam Bốt ở Long Beach sống trong cảnh nghèo túng, theo một cuộc nghiên cứu mới đây của đại học UCLA, nhiều gấp đôi tỷ lệ nghèo của quận hạt. Và hoạt động kinh doanh đã bị ảnh hưởng khi thêm nhiều người tị nạn bắt đầu quen với việc dùng ngân hàng và giảm mức tiêu thụ nữ trang. Việc cạnh tranh từ các nhà bán lẻ Internet cũng khiến ngành nữ trang của người Cam Bốt bị giảm lợi nhuận.

Tại Mỹ ngày nay, đối với người Cam Bốt, việc sở hữu vàng bạc nữ trang không còn quan trọng như ở quê hương của họ.

Trong một ngày thường trong tuần mới đây tại Thai Samnieng Jewelry, trong khu Cambodia Town ở Long Beach, ông Madi Thai ngồi chờ mà không có nhiều hy vọng có khách hàng. Cả ngày và cả tuần đều có thể trôi qua mà không có tiếng chuông cửa reo lên.

Các tủ lấp lánh đồ nữ trang trong tiệm của ông tạo ra ấn tượng về sự thịnh vượng. Nhưng làm việc trong một ngành sang trọng đã không mang lại cho ông một lối sống sang trọng.

Ông Thai nói, “Tôi không làm giàu cho nhờ việc này. Mỗi tháng tôi chỉ kiếm vừa đủ tiền để trả hóa đơn, và mua mấy thứ cho gia đình, thế thôi.

Ông Thai đang hy vọng rằng các thế hệ mai sau sẽ kiếm sống bằng những cách khác, không bước vào ngành làm bánh doughnut, bán gà chiến, hay bán nữ trang như ông.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT