Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Tưởng niệm Tháng Tư Đen với đêm nhạc “Hát và Khóc cho Quê Hương”

Băng Huyền/Viễn Đông Saturday, 28/04/2012 - 03:54:18

Không phải người ở ngoài nước trong những ngày tháng đó sẽ đau ít hơn người ở trong nước, chúng tôi mỗi khi nhận được tin người thân phải đi học tập cải tạo, bị mất tích khi vượt biển tìm tự do… nỗi đau càng thêm xót xa.

Băng Huyền/Viễn Đông

Hôm qua, tối Thứ Sáu, ngày 27-4-2012, đêm nhạc “Hát và Khóc cho Quê Hương” do nhạc sĩ Đinh Trung Chính, Nghiêm Bạch Huệ và các thân hữu tổ chức, đã diễn ra tại nhà hàng Emerald Bay, góc Euclid và Edinger, Santa Ana.
Trong đêm nhạc, người hát và người nghe đã chia sẻ những hồi ức về những ngày cuối cùng của Sài Gòn bằng những bài tình ca, tình khúc lưu vong, hoài hương, viễn xứ. Mọi người đã ngồi lại bên nhau cùng tưởng niệm tháng 4 buồn, mới đó mà đã 37 năm, dù nỗi đau không còn nhức nhối như những năm đầu, nhưng những vết hằn vẫn còn đó, để rồi cứ vào những ngày cuối tháng Tư, ký ức cũ lại trỗi dậy trong lòng những người dân Việt tị nạn tại hải ngoại. Nhất là ký ức ấy lại được những tiếng hát giàu cảm xúc thể hiện những ca khúc nhiều tâm trạng: Khóc Mẹ Đêm Mưa, Đêm Chôn Dầu Vượt Biển, Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên, Tôi Cố Bám Lấy Đất Nước Tôi, Tình Ca Cho Nguyễn Thị Sài-Gòn, Một Chút Qua Cho Quê Hương, Người Di Tản Buồn, Cánh Chim Viễn Xứ, Có Tin Vui Giữa Giờ Tuyệt Vọng, Sài Gòn Vĩnh Biệt, Lời Kinh Đêm… qua những giọng hát của Hương Thơ, Kim Yến, Dino Phạm Hoàng Dũng, Ngọc Diệp, Đại Dương, Hàn Phúc, Thái Hoàng, Trần Kim Yến, Vân Thi, Long Hồ, Mạnh Hùng… do các nghệ sĩ Quang Anh keyboard, Xuân Hùng thổi kèn saxophone, Bùi Phát kéo violon, Jame Ngô guitare, Lê Thăng guitar… đệm nhạc và MC Đại Dương điều khiển chương trình.

Ý nghĩa của chương trình
Trước đêm diễn, nhạc sĩ Đinh Trung Chính đã tâm sự với người viết về đêm nhạc này: “Hằng năm vào dịp tháng Tư, anh em ca nhạc sĩ chúng tôi, những người cùng chung một hoàn cảnh hay tụ tập với nhau tại một tư gia nào đó. Chúng tôi cùng ngồi bên nhau, thắp nến lên, rồi hát và cùng nhớ lại những ngày tháng lao đao của dân tộc Việt Nam dịp Tháng Tư Đen. Trong không khí ngày này, khi chúng tôi cùng hát lại những bài hát cho quê hương, những bài như Người Di Tản Buồn, Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt… để rồi người hát và người nghe đều khóc. Nó hiển hiện như vậy nhiều năm qua. Nên năm nay chúng tôi quyết định chọn Hát và Khóc cho Quê Hương làm chủ đề đêm nhạc và quyết định mở rộng đêm nhạc này ra với đồng hương. Ngoài ra, đêm nhạc này cũng là đêm khai trương cho câu lạc bộ sân khấu nhỏ của nhà hàng Emerald Bay, do anh Nguyễn Trung chủ nhân nhà hàng gầy dựng. Tôi cũng là thành viên của câu lạc bộ này, vì cố nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang rất thiết tha mong muốn thực hiện được một câu lạc bộ sân khấu nhỏ để các nhạc sĩ, ca sĩ, thân hữu, khán giả đến sinh hoạt văn nghệ. Tôi rất quý và thân thiết với nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang, nên tôi rất vui đóng góp tâm sức của mình cho câu lạc bộ như đúng nguyện vọng của cố nhạc sĩ lúc sinh thời. Câu lạc bộ sân khấu nhỏ sẽ có chương trình vào tối Thứ Sáu đầu tiên trong tháng. Nếu thành công, chương trình âm nhạc sẽ tiếp tục duy trì 2 lần hoặc 3 lần trong mỗi tháng”.
Nhạc sĩ Đinh Trung Chính nói về cảm xúc của riêng ông trong tháng Tư và đêm nhạc: “Ngày 30 tháng 4 là ngày mà hầu hết tất cả người Việt Nam mình đều buồn cả, mà nỗi buồn thì mỗi người thể hiện khác nhau. Nó mạnh mẽ hay yếu là tùy theo từng cá nhân. Người mạnh mẽ hơn thì nỗi buồn đến nhẹ nhàng hơn, người giàu cảm xúc hơn, yếu đuối hơn thì nỗi buồn lại nặng nề hơn. Thi sĩ, nhà văn nhờ năng khiếu trời cho nên lột tả được cái buồn đó ra bằng những bài thơ, bài văn, còn nhạc sĩ thì thể hiện nó thành những nốt nhạc. Cái buồn của từng cá nhân mỗi người trong cuộc sống tại hải ngoại cộng với cái buồn của ngày 30 tháng Tư khiến nó trở nên đau hơn trong trái tim của mỗi người. Cho đến ngày hôm nay, mỗi lần 30 tháng 4 về, nhìn lại thân phận mình, tôi luôn thấy lòng mình nặng trĩu. Tôi may mắn hơn rất nhiều người, đã không vượt biên mà đến Mỹ ngay trong ngày cuối cùng của tháng 4 năm 1975 bằng máy bay. Tuy không trải qua những đau thương như đồng bào còn ở lại trong nước sau biến cố tháng 4, nhưng qua những câu chuyện của đồng bào, của bè bạn, thân nhân, qua báo chí, video, tivi… tạo cho tôi những cảm xúc rất mạnh. Không phải người ở ngoài nước trong những ngày tháng đó sẽ đau ít hơn người ở trong nước, chúng tôi mỗi khi nhận được tin người thân phải đi học tập cải tạo, bị mất tích khi vượt biển tìm tự do… nỗi đau càng thêm xót xa.
“Tháng Tư luôn luôn là tháng dân tộc Việt Nam không thể nào quên được. Đó cũng là điều mà chúng tôi muốn truyền lại cho thế hệ trẻ tại hải ngoại biết đến, để cùng chúng tôi hát và khóc cho quê hương chúng ta trong đêm nhạc đặc biệt của Tháng Tư Đen này”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT