Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Xem “Così Fan Tutte” của Mozart

Friday, 23/09/2011 - 08:23:57

Xem “Amadeus”, cuốn phim về nhà soạn nhạc Wolfgang Amadeus Mozart, tôi thấy lòng dâng lên một mối thương cảm cho cuộc đời tài hoa bạc mệnh ngắn ngủi...

Kỷ niệm 25 năm thành lập, nhà hát nhạc kịch Los Angeles Opera mở màn mùa diễn 2011-2012

Trân Hương/Viễn Đông

 
Xem “Amadeus”, cuốn phim về nhà soạn nhạc Wolfgang Amadeus Mozart, tôi thấy lòng dâng lên một mối thương cảm cho cuộc đời tài hoa bạc mệnh ngắn ngủi (Mozart qua đời năm 35 tuổi), buồn nhiều hơn vui của ông, một thiên tài âm nhạc có lẽ khó mà tìm thấy được ở thế kỷ 21 này. Thiên tài bộc phát từ tuổi quá nhỏ, Mozart hầu như đánh mất tuổi thơ vì phải đi trình diễn từ lúc 5,6 tuổi. Lớn lên, sống cuộc đời nhiều thiếu thốn với cô vợ trẻ, hầu như lúc nào Mozart cũng phải cắm cúi viết nhạc như một cái máy, sáng tác những khúc hoà tấu du dương cũng như những vở opera dài hằng 3, 4 giờ đồng hồ, đem trả nợ đời.


Aleksandra Kurzak (Fiordiligi, ngồi tại bàn, bên trái), Saimir Pirgu (Ferrando, đứng sau Kurzak), Ruxandra Donose (Dorabella, ngồi tại bàn, bên phải), Ildebrando D'Arcangelo
(Guglielmo, đứng bên phải) - ảnh: Robert Millard/LA Opera.

Với những nhà soạn nhạc thiên tài như Mozart, hình như họ không cần phải suy nghĩ tìm hứng vì những dòng nhạc đã có sẵn trong óc, họ chỉ cần ngồi viết xuống. Tôi thường nghĩ thiên tài là những món quà của Thượng Đế gửi tặng chúng ta, những người trần mắt thịt. Để rồi Thượng Đế lại cất họ đi vào một tuổi quá sớm, sau khi họ để lại cho đời những món quà vô giá còn mãi đến tận hôm nay.
Nhờ đó, hôm nay tôi được xem “Così Fan Tutte”, một vở opera quen thuộc mà Mozart viết ra năm 1790. Thật khó tưởng tượng nổi dù sống trong hoàn cảnh nghèo khổ thiếu thốn như vậy, Mozart đã viết ra khá nhiều những vở hài kịch mà “Così Fan Tutte” là một.

* LA Opera và “Così Fan Tutte”

Lần cuối cùng nhà hát nhạc kịch LA Opera diễn vở “Così Fan Tutte” là vào năm 1996, cách đây quá lâu, dù đây là một vở rất được ưa thích. Lần này trở lại, “Così Fan Tutte” được trình diễn trong 6 buổi từ 18-9 tới 8-10-2011 tại Hí Viện Dorothy Chandler Pavillion, Los Angeles, dưới quyền điều khiển của nhạc trưởng James Conlon. Cho vở hài kịch này, LA Opera đã đi tìm những tài năng trẻ của thế giới gồm có: Aleksandra Kurzak, soprano người Ba Lan; Ruxandra Donose, mezzo soprano người Romania; Saimir Pirgu, tenor người Albania; Ildebrando D’Arcangelo, bass-baritone người Ý; Lorenzo Regazzo, bass người Ý; và Roxana Constantinescu, mezzo soprano người Romania (sao không có ai người Mỹ nhỉ?) cho những vai chính. Cũng như nhiều vở opera khác, “Così Fan Tutte” được hát bằng tiếng Ý, có phụ đề Anh ngữ khiến những khán giả nói tiếng Anh có thể hiểu được đối thoại.


Ruxandra Donose (Dorabella), Aleksandra Kurzak (Fiordiligi) - ảnh: Robert Millard/LA Opera.

* Câu chuyện “Così Fan Tutte”


Đây là một câu chuyện vui không thực tế cho lắm, nói về tình yêu và những nỗi niềm của nó. Nói không thực tế vì trong câu chuyện, hai anh sĩ quan đính hôn với hai chị em trẻ đẹp đã nghe lời của một bạn già hơn, cố tình giả trang thành hai người ngoại quốc đến ve vãn chính vị hôn thê của mình. Ông bạn già cho rằng: “Così Fan Tutte” nghĩa là “đàn bà ai cũng thế”, sẽ xa mặt cách lòng, không thể nào chung thủy khi người yêu vắng xa. Chắc chắn hai cô nàng này sẽ rơi vào bẫy ái tình của hai người ngoại quốc đến tán tỉnh một cách mãnh liệt. Hai anh lính thì nhất định cho rằng người yêu của mình sẽ chung thủy nên nhận lời thách thức. Quả nhiên hai cô đã không nhận ra hai người đến ve vãn chính là vị hôn phu của mình (chuyện khó tin) và mắc bẫy.
Còn khá nhiều những chi tiết vui khiến cho khán giả phải bật cười nhiều lần suốt vở kịch.
Triết lý cuối cùng của Mozart: nên chấp nhận những cái thực tế của tình yêu, đòi hỏi chi nhiều, ai cũng thế thôi.

* Những ca sĩ trẻ
Có lẽ cốt truyện chỉ là một cái sườn để Mozart viết lên những bài ca tuyệt vời cũng như những đoạn nhạc trầm bổng nhún nhẩy làm nền. Phần dàn dựng sân khấu có khung cảnh rất giản dị, chỉ là nhà và vườn của hai chị em Dorabella và Fiordiligi, khác với vài vở opera khác của Mozart như “The Magic Flute” với những khung cảnh thật rắc rối và đa dạng. Nhưng nhờ giản dị như vậy, khán giả có thể chú tâm vào những bài Aria và những khúc hợp ca quá tuyệt vời viết lên gần 1 thế kỷ rưỡi trước. Phải nói là trong vở này có 6 vai chánh thì mỗi vai đều có ít nhất là 2 cơ hội để hát một bài Aria dài bày tỏ tâm sự của mình ở mỗi tình huống.


Saimir Pirgu (Ferrando), Ildebrando D'Arcangelo (Guglielmo) - ảnh: Robert Millard/LA Opera.

Đã hết rồi thời những bà hay ông ca sĩ opera mập to và đã qua tuổi hoa niên mà vẫn đóng vai những thanh niên thiếu nữ trẻ tuổi mơn mởn. Chính những nhân vật này làm khán giả “dị ứng” với opera, dù giọng hát của họ rất tuyệt vời. Hôm nay, tôi được nghe những giọng hát trẻ và đẹp đóng những vai hợp với họ. Chỉ có điều họ toàn là người ngoại quốc với những cái tên dài khó nhớ mà tôi đã kể ra ở trên. Khó mà nói rằng ai hát hay hơn ai. Sáu ca sĩ hôm nay hát rất sung sức và hợp ca rất tài tình. Có những đoạn hợp ca “counterpoint” (đối âm) thật rắc rối cho cả 6 giọng mà nghe vẫn hòa hợp, đó là thiên tài của Mozart. Ở phần đầu của vở kịch, giọng hát của họ hình như chưa được “làm ấm” nên còn hơi rời rạc (hơi chút thôi). Nhưng tới màn thứ hai thì giọng hát của họ thật tuyệt vời, mỗi bài Aria đều được trình bày hầu như trọn vẹn. Ngoài giọng hát ra, tài diễn xuất của họ cũng đáng kể, tất cả đều diễn hay và tự nhiên.

Xem xong vở opera, tôi rất phục tài năng và phong cách trình diễn thật nghề nghiệp của các ca sĩ trẻ này. Một vở opera dài trên 3 giờ đồng hồ với mấy chục khúc hát không ngừng nghỉ, vừa hát vừa diễn xuất, lại phải ăn khớp với giàn nhạc giao hưởng; tôi không hiểu sao các ca sĩ opera có thể thực hiện được cùng một lúc những điều này. Có lẽ họ phải tốn rất nhiều thì giờ để thuộc lòng những khúc hát và tập diễn xuất. Tôi nghĩ mình còn nhiều điều phải học về tinh thần làm việc từ những ca sĩ opera. - (TH)

Khán giả yêu mến tác phẩm “Eugene Onegin”, “Così Fan Tutee” mà chưa có duyên thưởng thức, có thể liên lạc và đặt vé tại nhà hát LA Opera tại số điện thoại 213-972-8001 hoặc vào trang nhà www.LAOpera.com.
Vở diễn “Eugene Onegin” sẽ tái ngộ với khán giả vào các ngày 25-9, 1, 6, và 9-10-2011. Kịch dài 3 giờ 5 phút, với một phần nghỉ giải lao.
Vở diễn “Così Fan Tutee” sẽ đến với khán giả trong các buổi 24-9, 2, 5 và 8-10-2011. Kịch dài 3 giờ 45 phút, với một phần nghỉ giải lao.
Ngoài ra, còn những tác phẩm kinh điển khác cũng không kém phần hấp dẫn đang chờ đợi sự ủng hộ của khán giả yêu nhạc kịch, như “Roméo et Juliette”, “Simon Boccanegra”, “Albert Herring”, “La Bohème”... trong mùa diễn kỷ niệm 25 năm thành lập Nhà Hát Nhạc Kịch LA Opera.
Các vở diễn thường có giá vé từ 20 tới 270 Mỹ kim.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT