Chuyện Nước Pháp

"Rừng" tỵ nạn ở khu phố cảng miền Bắc

Wednesday, 05/10/2016 - 08:34:21

Báo chí và những người giúp đỡ dân tỵ nạn tại chỗ liền dùng luôn chữ Rừng này cho tiện việc. Tổng Thống Pháp vừa ghé thăm nơi đây và hứa hẹn sẽ giải tỏa khu phố từ hiện nay cho đến cuối năm.


«Thư viện» của dân tỵ nạn và người Pháp biểu tình chống đối sự hiện diện của họ.

Sau nạn giặc khủng bố là mối đe dọa hàng đầu ám ảnh dân Pháp hiện nay, đến lúc có vấn đề người tỵ nạn xuất phát từ những nước có chiến tranh nội bộ khốc liệt như Syria, Irak, Afghanistan, Iran, Darfour, Erythrée… đang đóng đô ở phía Bắc vùng ven biển. Danh từ tiếng Anh «jungle (rừng)» bắt nguồn từ chữ Jangal jangal, جنگلgốc persan (Ba Tư, xứ Iran) có nghĩa đơn giản là rừng khi người tỵ nạn dùng nó để chỉ định nơi họ cư trú tạm thời. Đúng ra, họ cắm lều trong vùng đất rộng phía sau có những bụi rậm hoang dại xen kẽ với cây hoang cao lớn mọc đầy vào mùa hè như lọt thỏm vào một khu rừng nho nhỏ. Báo chí và những người giúp đỡ dân tỵ nạn tại chỗ liền dùng luôn chữ Rừng này cho tiện việc. Tổng Thống Pháp vừa ghé thăm nơi đây và hứa hẹn sẽ giải tỏa khu phố từ hiện nay cho đến cuối năm.

Đi sâu vào chi tiết, đây là nơi còn có biệt danh là «trại tỵ nạn Lande» bao gồm khoảng ba chỗ ở khác nhau (Calais, Coquelles, Sangatte bên cạnh đường hầm vào biển Manche và khu bến tàu) gần gần đó với hơn 9 ngàn người vừa di dân vừa chạy trốn chiến tranh. Diện tích 400 sào Tây, khoảng 4 cây số vuông, mật độ dân số là 2250 người trong 1 csv. Chúng ta có thể tưởng tượng một khoảng sân có hai chiều rộng và dài bằng nhau 1000 mét chi chít những cái lều trắng nho nhỏ với con số đó – hơn 2000 người chen chúc nhau sống tạm bợ. Cảnh sát Pháp đã nhiều lần đến «dọn dẹp» bằng cách phá dỡ lều nhưng sau khi trại Sangatte bị san bằng năm 2002 thêm vào cơn lốc khủng hoảng chạy giặc (nội địa của những nước nói trên) năm 2010 thì Rừng Calais dần dần tụ lại thành hình. Họ là những người chờ đợi tìm cách di tản lậu sang Anh quốc chỉ cách một bờ biển bằng 2 cách: đi xe lửa (Eurostar, Shuttle) xuyên biển Manche hay đi tàu lớn (ferries) sang vùng đất Douvres bên kia biên giới. Tàu lớn nối thẳng từ Calais (Pháp) sang Douvres (Anh) trong vòng 1 giờ rưỡi là tới, giá cả khá rẻ từ 25 cho đến 100 đồng Tây theo mùa. Đây là loại tàu được sáng chế với chức vụ chuyên chở cả xe hơi và hành khách đi từ bờ biển này sang bờ biển bên kia. Người Pháp dùng luôn tiếng Anh nhưng có thêm dấu nối ferry-boat còn người Anh viết là ferryboat. Qua số nhiều thì biến thành ferries hay ferrys bên Tây. Tựu chung, vùng trại tỵ nạn gây ra vấn đề vệ sinh và không an toàn cho sinh hoạt của dân chúng trong và ngoài trại.

Sở dĩ tổng thống Pháp phải ghé thăm trại tỵ nạn vào cuối tháng 9 năm nay, là vì trại đã phồng to hơn lúc nào hết với con số người đến cư trú tạm tăng lên rất nhiều. Dân chúng bản xứ than phiền bao lần vì tình trạng mất an ninh và vệ sinh bắt đầu tăng lên rõ rệt khi con số người tạm cư lớn dần. Các hội đoàn từ thiện nói rằng các căn lều mọc lên như nấm mùa thu chi chít khắp nơi. Mỗi ngày, họ phải cung cấp khoảng 10 ngàn bữa ăn so với 5000 lúc đầu hè. Gần như dân số tăng lên hơn một nửa và sẽ còn tụ tập thêm đông đúc. Chính phủ Pháp đã tìm cách giải tỏa bớt khi đưa được phần nào trong số người này phân bố ra lẻ tẻ trên toàn quốc. Như vậy được nhận vào nhiều nhất vẫn là do những thành phố lớn như thủ đô Paris, tỉnh Lyon, vài thành phố cây xanh còn chỗ rộng rãi ở phía Đông như Metz. Tuy nhiên, con số người rời vẫn không thấm vào đâu so với toàn thể khu Rừng tỵ nạn. Bà Thị Trưởng thủ đô hứa hẹn sẽ mở hai trại - một cho nam, một cho nữ và các trẻ em.

Về an ninh, một số rất nhỏ dân bản xứ chủ trương chống tỵ nạn đã tụ họp băng đảng hành hung và cướp giật người trốn chạy tạm cư nên bị bắt giam. Không kể tình trạng cảnh sát bắt nạt họ luôn thể, theo các hội đoàn từ thiện kể lại. Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất vẫn đến từ người tỵ nạn quá đông nên trong số đó có những tên bất lương phá hoại sinh hoạt bằng cách cướp giật những tài xế lái xe vận tải bản xứ. Trộm cắp hoành hành giữa những căn lều và xô xát với lính chữa lửa đến cứu cấp hoả hoạn hay bệnh nhân hoặc họ ném đá vào cảnh sát tới can thiệp. Một thiểu số phụ nữ bản xứ cũng bị dân tỵ nạn tấn công tình dục nếu họ tình cờ qua đây. Rồi chính dân trại cũng gây hấn với nhau vì gốc gác quốc tịch khác biệt. Thôi thì cả ngàn vấn đề linh tinh làm thành một khối lớn lộn xộn nhức nhối cho chính quyền địa phương dội lên trung ương phải tìm cách giải quyết. Tạm thời, sức khoẻ của những người ở lều khá tốt tuy họ sống thiếu nhà, thiếu nước uống. Hai hội từ thiện của các bác sĩ không biên giới và bác sĩ quả đất có mặt hàng ngày cũng như các bác sĩ người Anh và nha sĩ để chăm sóc họ.

Phản ứng của người bản xứ sống ở vùng biển Calais là họp nhau lại cử người lên đến tận Paris để kêu gọi các chính trị gia phe tả giải quyết cấp tốc vấn đề. Họ vấp phải sự im lặng trước đây, nhưng hiện giờ nhờ có bầu cử tổng thống mới sắp tới nên mới có sự hứa hẹn như đã nêu trên. Các phe tranh cử đều xem đây là bàn cờ lấy phiếu cử tri nếu họ giải quyết thành công sự phân phối toàn thể những người tỵ nạn khắp nơi trên đất Pháp ra khỏi Rừng Calais.

Đặc biệt, kỹ nghệ khai thác nhân tài sân khấu với nhiều ngôi sao của giới điện ảnh xi nê ma, ca nhạc, hội hoạ… lại thành tâm ủng hộ dân tỵ nạn. Họ sẽ làm phim về Rừng Calais, bán tranh lấy tiền ủng hộ, ca hát miễn phí; vài danh nhân yêu cầu chính quyền phải tiếp nhận họ cho đúng với nhân cách và còn kêu gọi cả Châu Âu hãy mở rộng cửa đón họ. Nước Đức vẫn là tượng trưng cho lòng từ thiện cao nhất có lợi cho đôi bên tuy bà Thủ Tướng Angela Merkel có phần nào bị suy xuyển thanh thế chính trị vì quyết định nhận vào cả triệu người tỵ nạn. Pháp quốc như thế là rất hạn hẹp và không có kế hoạch giải quyết lâu dài trong việc giúp dân tỵ nạn hiện giờ. Tình trạng thất nghiệp của dân Pháp cũng tăng lên đều đều (sắp tới con số 4 triệu) nên khó lòng giúp đỡ nhiều hơn.

Hậu quả tại chỗ nơi khu bến tàu giáp giới Anh-Pháp là kinh tế xuống dốc vì du khách Anh không muốn đến khi biết Rừng tỵ nạn đầy vấn đề. Các hãng xưởng kỹ nghệ tại chỗ cũng bị chậm đi trên thương mại thu vào ít và mất đi nhiều hơn. Khoảng 9 triệu Âu kim thất thu nói chung trong năm 2016. Phía bên nước Anh cũng bị mất mát khá lớn về thu nhập hàng ngày khi sự trao đổi xuất-nhập cảng với Pháp bị chậm trễ vì có phá phách. Sau cuộc thăm viếng của vị cầm đầu quốc gia F.H., ông bộ trưởng bộ nội vụ được lệnh sẽ tổ chức giải tỏa Rừng tỵ nạn thật sự trong vòng 3 tháng. Đến tháng 12 năm này, vấn đề phải được giải quyết thực thụ tuy chỉ là lời hứa và không ai được biết nội dung hành xử ra sao.

Ntnd

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT