Lai Rai Chuyện Đời

Cha mẹ dạy con nhỏ nhưng không dạy các điền thiện thì cũng như không dạy

Tuesday, 27/02/2024 - 02:11:56

Nhà có cha nghiêm thì sẽ có con hiền tài, yêu thương chiều chuộng con cái quá dễ khiến con hư hỏng.

son
Image by faithfinder06 from Pixabay


Dạy con thì lấy thân mình làm gương, không thể chỉ dùng lời nói để dạy bảo, bởi vì thân giáo quan trọng hơn ngôn giáo. Nhà có cha nghiêm thì sẽ có con hiền tài, yêu thương chiều chuộng con cái quá dễ khiến con hư hỏng.

* Phép dạy con của người xưa:

Khổng Tử từng nói: “Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”. Gia đình là tế bào của xã hội, kết cấu gia đình ổn định và quan hệ hài hòa thương yêu nương tựa lẫn nhau có tác dụng nền tảng. Điều này có nghĩa là làm tốt giáo dục gia đình, là tối quan trọng đối với việc quản lý quốc gia. Mà việc quan trọng nhất của giáo dục gia đình, chính là giáo dục tốt con cái.

Nuôi con thì phải dạy, đó là nghĩa vụ của cha mẹ, trách nhiệm không thể đùn đẩy cho ai khác được. Nuôi mà không dạy, dạy mà không nghiêm, đều là lỗi lầm. Nhưng thời xưa có một số con cái gia đình quan lại do thiếu giáo dục hoặc phương pháp giáo dục không đúng, khiến cho không ít gia đình quan lại vốn mong con thành hổ, thì trái lại thành chuột, mong con thành tài, thì lại thành ác, bại hoại gia phong, làm nhục tổ tông.

Vì thế gia huấn xưa có viết:

“Niềm vui lớn nhất không gì bằng đọc sách, việc quan trọng nhất không gì bằng dạy con” ( Chí lạc vô như độc thư, chí yếu mạc như giáo tử ).

“Cần phải để con em gia đình giàu có nếm chút dư vị nghèo hèn để biết suy nghĩ tự lập tự cường” ( Cách ngôn liên bích ).

Người xưa cho rằng giáo dục con cái là một biểu hiện của yêu thương. Nếu “Yêu con mà không dạy thì như không yêu. Dạy con mà không dạy điều thiện thì như không dạy”. Vừa phải yêu thương bảo hộ con cái, lại phải khéo dạy dỗ. Cũng có nghĩa là phải “Dạy con cần có phương pháp hay, chớ đưa vào đường tà”.

Các quan lại, người có trí tuệ xưa đối với cháu con thì “khuyên cháu con lập chí hướng, không khuyên mánh lới. Khuyên cháu con chính trực, không khuyên giả dối. Thể hiện cho cháu con cần kiệm, không thể hiện xa hoa. Để lại cho cháu con lời dạy, không để lại tài sản” ( Tiềm phu luận ).

* Làm quan chớ lo cho con cháu:

Người xưa nói: “Cái hại của người nhà, không gì lớn bằng con cháu buông thả phóng túng tình cảm vô độ, mà người trên lại chiều theo ý chúng không ngăn cấm”. Ý nghĩa là người bề trên, luôn chiều theo tình cảm tham lam vô độ của con cháu, đó là họa hoạn lớn nhất của gia đình. Do đó người xưa răn dạy: “Làm quan sợ nhất những lời tỉ tê bên gối, anh hùng sợ nhất tình bi lụy con cái”.

Xem những quan lại trọng lịch sử, những kẻ tham lam bẻ cong pháp luật phép tắc phần nhiều đều là người có tài năng, không phải là người xấu, chỉ vì nghe theo lời xúi giục của vợ đẹp bên gối, thuận theo tình cảm chiều theo con cái, từng bước đi đến tham lam hối lộ, khi bị phát giác thì đã không thể thu lại được nữa, thân bại danh liệt. Việc này đối với người làm quan, thì ngay từ đầu phải nghiêm khắc phép nhà, chớ thuận theo ham dục của vợ con, cư xử thể hiện sự trung hiếu liêm khiết tiết tháo, dùng lời phân tích lợi hại đúng sai, để thuyết phục người nhà.

Những vị quan thanh liêm tài đức xưa, đều khích lệ con cháu đời sau, nếu có làm quan, nhất định phải trong sạch, công chính, liêm khiết, không được tham lam bẻ cong phép tắc mà bại hoại gia phong.

Người xưa nhấn mạnh “Làm quan chớ lo cho con cháu”, nói rằng: “Con cháu tự có phúc của con cháu, chớ làm trâu ngựa cho cháu con” ( Tăng quảng hiền văn ), hay: “Người tính kế phú quý cho cháu con, 10 người thì 9 kẻ thất bại” ( Tỉnh tâm lục ), hoặc như: “Cháu con phú quý tự có mệnh, không để lại tiền của cho chúng” ( Nhân sinh tất độc thư )…

* Không ‘lo’ cho con cháu không có nghĩa là không lo, mà lo như thế nào:

“Hán thư” chỉ ra rằng: “Để lại vàng đầy rương cho con cháu, không bằng dạy cho con cháu một pho kinh ( kinh điển Nho gia ).

Sách “Kinh sừ đường tạp chí” đời Tống, có đưa ra 8 nguyên tắc giáo dục con, trong đó bao gồm 6 điều:

Trồng đức có Đạo.
Gia truyền thanh bạch.
Học phải biết nhân nghĩa.
Phép tắc gia đình đầy đủ rành mạch.
Chọn thầy tốt bạn hay.
Thường duy trì tác phong cần kiệm.

Tóm lại “Yêu thương con không gì quan trọng bằng giáo dục, mà giáo dục con không gì quý bằng chính trực” ( Băng ngôn ), “Tu thân đâu chỉ một tấm thân, còn lưu lại cho con cháu đời sau” ( Gia phạm điển ).
Đương nhiên “Dạy con quý ở thân giáo – lấy mình làm gương, đâu chỉ ngôn giáo – dạy bảo thuyết giảng”, bởi vì, thân giáo quan trọng hơn ngôn giáo. “Nhà có cha nghiêm, thường có con hiền tài”, “Yêu quá hóa hỏng con”. Vì vậy, phải tự mình quy chính bản thân, bản thân chính trực, lấy thân mình làm gương, sau mới dạy dỗ giáo huấn. Đó mới là phương pháp giáo dục con cháu tốt nhất, có hiệu quả nhất.

(Sưu tầm ).
NCCNhanvan

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT