Pháp Luật

Chia Tay – làm sao chia trách nhiệm?

LS. Trần Khánh Hưng/Viễn Đông Wednesday, 25/07/2012 - 09:11:19

ông đồng (community estate) sẽ phải chịu trách nhiệm cho những nợ nần riêng của hai vợ chồng trước khi thành hôn (separate debts), và những nợ nần trong lúc sống chung (community debts), cho dù chỉ đứng tên một người.

LS. Trần Khánh Hưng/Viễn Đông
Khi ly dị, ngoài những buồn phiền về mặt tình cảm, lo lắng về tương lai, nhiều người còn gặp những khó khăn về tài chánh, vì những chi tiêu trước đây được trang trải bởi hai đầu lương, nay chỉ còn có một. Lúc này, nợ nần và credit có thể không phải là điều bạn nghĩ đến ngay, nhưng đó lại chính là một trong những điều tối quan trọng, cần phải thương lượng rõ ràng trong hợp đồng ly dị, để tránh những tranh chấp sau này.

Sau khi ly dị, tài sản cộng đồng được chia đôi cho hai vợ chồng, và trở thành tài sản cá nhân. Vậy thì những nợ nần của của cộng đồng này thì sao? Ai sẽ là người chịu trách nhiệm về những món nợ này?
Nói chung, có 3 loại nợ:

1. Hợp đồng (contract): Những món nợ được ký kết bởi chủ nợ và con nợ, có sự đồng ý của hai bên, chẳng hạn như: nợ nhà, nợ xe, hay thẻ tín dụng.
2. Phạm lỗi (tort): Những món nợ vì vi phạm pháp luật, vì cẩu thả, thiếu trách nhiệm, hay vì bị phạt vạ, chẳng hạn như vì lái xe đụng người khác, phạt vi cảnh.
3. Quy Chế (Statute): Những món nợ do pháp luật đặt ra, chẳng hạn như thuế lợi tức (income tax), hay phán quyết cấp dưỡng vợ chồng hoặc con cái (của hôn nhân trước đây).
Thông thường, bạn phải chịu trách nhiệm về những món nợ của chính bạn, của cả 3 loại nợ trên. Bạn không chịu trách nhiệm về nợ của người phối ngẫu gây ra bởi lỗi của họ (tort liabilities), nếu việc này không vì lợi ích cho gia đình. Khi bạn ly dị, nếu bạn và người phối ngẫu không thể đồng ý về việc phân chia nợ nần, quan tòa có quyền chỉ định ai sẽ chịu trách nhiệm những món nợ này. Ngoài ra, tài sản cộng đồng cũng chịu trách nhiệm cho những nợ nần gây ra bởi hai người trong thời gian chung sống, những món nợ cá nhân có trước khi thành hôn, và trong khi sống chung, vì lý do cá nhân và ngay cả khi không liên quan đến lợi ích của gia đình.
Bạn có thể biết bạn nợ bao nhiêu, nhưng bạn có biết rõ về những món nợ của người vợ hay chồng mình không? Nếu người chồng không có thói quen cho bạn biết về những chuyện này, hay người vợ không từ chối được sự hấp dẫn của những món hàng sale đại hạ giá? Một cách đơn giản và ít tốn kém để biết được điều này là yêu cầu bản báo cáo về những nợ nần của cả hai người. Có 3 cơ quan chuyên giữ những dữ kiện về credit của bạn (credit bureaus) là Equifax, Experian, va TransUnion. Mỗi năm bạn có thể yêu cầu có một bản tường trình miễn phí về credit của bạn từ những cơ quan này. Khi viết thư yêu cầu bản credit report, bạn nên ghi đầy đủ tên họ, địa chỉ hiện tại, số an sinh xã hội và ngày sinh để tránh sự lầm lẫn hay trùng tên, và gửi đến địa chỉ sau đây:
Annual Credit Report Request Service
P.O. Box 105281
Atlanta, GA 30348-5281
(877) 322-8228

Chia trách nhiệm của những nợ nần
Có những cách để bạn có thể thanh toán những món nợ chung:
1. Dùng tiền chung của hai người, hay bán những tài sản chung để trả hết số nợ trước khi xong thủ tục ly dị.
2. Bạn chịu trách nhiệm về một số nợ, ngược lại, bạn được được chia những tài sản khác để bù lại.
3. Người phối ngẫu của bạn chịu trách nhiệm về một số nợ, và được chia những tài sản khác để bù lại.

Nếu là nợ nhà hay xe
Nếu người phối ngẫu của bạn sẽ giữ căn nhà hay chiếc xe sau khi ly dị, mà nợ đứng tên chung hai người, người phối ngẫu của bạn cần phải tái tài trợ (refinance) những món nợ này để lấy tên bạn ra khỏi món nợ. Tuy nhiên, bạn không nên lấy tên bạn ra khỏi căn nhà hay chiếc xe trước khi việc tái tài trợ hoàn tất.

Nếu là nợ thẻ tín dụng
Để tránh tình trạng bạn mang thêm nợ nần trong khi tiến hành thủ tục ly dị, bạn nên đóng những thẻ tín dụng có tên chung của hai người. Tuy nhiên, bạn nên thông báo cho người phối ngẫu của bạn biết về chuyện này, để tránh không làm mất mặt họ khi họ dùng thẻ trong tiệm, gây thêm mâu thuẫn giữa hai người. Điều bạn nên lưu ý là những thẻ tín dụng không đóng hoàn toàn cho đến khi trương mục của bạn trả hết nợ. Nghĩa là nếu bạn vẫn cón nợ trong thẻ thì người phối ngẫu của bạn có thể mở lại trương mục, nếu họ trả tiền đúng hạn. Vì vậy, cách tốt nhất là bạn trả dứt nợ rồi mới đóng trương mục. Trong trường hợp hai người không có khả năng trả hết nợ trong thẻ, bạn có thể điều đình với người phối ngẫu chia số nợ, rối mở những trương mục tín dụng khác đứng riêng tên mỗi người, sau đó chuyển số tiền nợ của trương mục chung sang trương mục riêng của hai người và đóng trương mục chung.
Ngoài những món nợ vay mượn của nhà băng, thẻ tín dụng, gia đình hay bạn bè, bạn còn cần biết những chi tiết về nợ nhà, chi thu trong trương mục ngân hàng, trương mục đầu tư, quỹ hưu trí, di chúc, tín quỹ, v.v.. Chẳng hạn, nếu người vợ được giữ căn nhà, với món nợ đứng tên hai người, sau khi ly dị, nếu người vợ cũ không tái tài trợ căn nhà, người chồng vẫn chịu trách nhiệm về số nợ này. Ngay cả trong trường hợp người vợ trả tiền đều đặn, người chồng vẫn có thể bị hạn chế số tiền có thể mượn được trong tương lai vì số nợ này.
Tóm lại, điều bạn cần nhớ là:
1. Công đồng (community estate) sẽ phải chịu trách nhiệm cho những nợ nần riêng của hai vợ chồng trước khi thành hôn (separate debts), và những nợ nần trong lúc sống chung (community debts), cho dù chỉ đứng tên một người.
2. Khi cả hai người cùng đứng tên trên món nợ, chủ nợ không bắt buộc phải tuân theo những điều khoản được thương lượng trong hợp đồng ly dị về vấn đề ai sẽ là người trả món nợ nào, vì chủ nợ không phải là đương sự hay đối phương của cuộc ly dị. Người vợ hay chồng sẽ tiếp tục chịu trách nhiệm với những món nợ do chính mình tạo ra, và chủ nợ có quyền xiết tài sản riêng, kể cả tài sản chung được chia khi ly dị.
Ngoài ra, sau khi ly dị, tất cả những món nợ chung nên được thanh toán, những trương mục chung nên đóng và bạn nên lấy tên bạn ra khỏi những món nợ của những tài sản mà bạn không còn giữ nữa.

Đây chỉ là một số kiến thức tổng quát về vấn đề tài chánh khi ly dị, không phải là cố vấn luật pháp. Mọi thắc mắc và tham khảo miễn phí về vấn đề luật pháp, xin liên lạc với văn phòng Luật Sư Trần Khánh Hưng (David K. Tran)số điện thoại (714) 839-4077, hay E-mail tại davidtran@dktran.com, hay gửi thư đến Law Offices of David K. Tran, 15446 Brookhurst St, Westminster, CA 92683.
Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT