Tiêu Thụ

Chưa ra tòa mà lại có án lệnh đòi nợ, tại sao?

Friday, 16/07/2010 - 08:34:59

Đó là điều bạn học hỏi được từ việc đọc sách báo hoặc kinh nghiệm của những người am hiểu. Ơn Trời, số phận đen tối thật, nhưng cuộc đời bạn chưa ...

Eric Trần/ViễnĐông

Bạn có nhiều nợ nần không thể trả nổi. Nhưng nếu bị kiện thì nhất định bạn sẽ đối mặt chủ nợ trước tòa án để trình bày hòan cảnh khó khăn của mình.

Đó là điều bạn học hỏi được từ việc đọc sách báo hoặc kinh nghiệm của những người am hiểu. Ơn Trời, số phận đen tối thật, nhưng cuộc đời bạn chưa đi tới chỗ đó; chủ nợ vẫn đang cò cưa thuyết phục, chưa ai nỡ mang bạn ra tòa. Nhưng đùng một cái! Bạn nhận được cái án tòa, buộc phải trả một món nợ lớn. Xin lập lại, đây không phải là giấy gọi hầu tòa (summons) mà là… án, tức là phán quyết của tòa buộc phải trả nợ. Và cùng với nó là những biện pháp chủ nợ được phép thực hiện: Phong tỏa sổ ngân hàng, trừ lương, và tiến hành bán tài sản của bạn để trừ nợ… Bạn ngạc nhiên quá: Đành rằng mình có nợ, nhưng chưa ra tòa thì làm gì có án? Bị án trước khi xử như vậy có phải là oan ức không? Có cách gì để chống lại cái án bất công này không?


1 – Tại sao lại có án lệnh trước khi xử?

Thực sự đã có phiên tòa rồi đấy chứ. Nó được tiến hành với đầy đủ các thành phần liên quan, chỉ thiếu có con nợ là chính bạn. Và chủ nợ tha hồ múa gậy vườn hoang, tự ý đưa ra tổng số tiền bạn còn thiếu, và đề nghị những biện pháp để thâu hồi. Không có mặt bạn ở đó để biện hộ hoặc ít là nói lời phải chăng, nhiều phần chắc là vị thẩm phán sẽ chấp nhận các yêu cầu của chủ nợ, và ban hành một phán quyết hoàn toàn theo ý đương sự. Thư ký tòa sẽ soạn phán quyết đó thành bản văn chính thức để gửi đến cho bạn. Đó là số giấy tờ bạn đang cầm trong tay ngày hôm nay. Xin nhắc lại, đây không phải là giấy gọi hầu tòa, mà là phán quyết, là án lệnh, là “gạo đã nấu thành cơm”! Phán quyết ấy gọi là Default Judgment, được tuyên bố trong lúc con nợ vắng mặt.


2 – Có thể chống Default Judgment được không?

Như trên đã nói, bạn không chủ trương chạy trốn phiên tòa. Lý do bạn không xuất hiện là vì bạn không hề nhận được thông báo hầu tòa (summons). Thông báo hầu tòa gửi khi nào? Đến đâu? Bình thường thì một giấy gọi hầu tòa phải được gửi vài tháng trước đến địa chỉ của bạn. Có thể bạn đã dọn nhà, nhưng phía nguyên cáo (chủ nợ) lại chỉ có số nhà cũ, giấy triệu tập đã được gửi về đây, và không có ai chuyển lại cho bạn. Cũng có thể đã gửi đến đúng địa chỉ, nhưng tờ giấy được ném ở đâu đó trên sân và gió thổi bay đi mất. Để có thể hợp lệ, giấy triệu tập phải được  giao tận tay cho một người nào đó trong nhà, có chữ ký của người nhận. Bằng không, bạn có thể khiếu nại với lý do không nhận được giấy triệu tập, để xin hủy bỏ cái án lệnh đã ban hành. Chuyện gì xảy ra tiếp đó thì tính sau. Có thể tòa sẽ hẹn một phiên xử khác, để bạn có thể hiện diện bào chữa cho mình.

Chúng ta có thể kể thêm một vài lý do khác để xin hủy bỏ một án lệnh được ban hành trong lúc mình vắng mặt, như đi xa (Việt Nam, chẳng hạn), nên không nhận được giấy triệu tập, bệnh tật không thể ra tòa, luật sư bảo không cần ra tòa, hay thư ký tòa án cho tin không chính xác…

Nói chung, nếu đã lỡ không ra tòa và nhận được một Default Judgment, bạn cũng đừng nên quá lo lắng, vẫn còn tìm được một cơ hội. Ngoài những lý do nêu trên, luật sư có thể tìm ra thêm nhiều lý do chính đáng nữa. Nhưng cơ hội tối hậu chỉ là được một phiên xử khác, chứ không đương nhiên xóa bỏ hẳn món nợ. Vì thế, nếu thực sự không trở ngại, chúng ta cần phải đáp ứng ngay khi có giấy triệu tập và có biện pháp thích nghi để biện hộ cho mình.

Những lý do để biện hộ thì có nhiều, Eric chỉ xin tóm tắt vài điểm chính: Thời tiêu (Món nợ đã quá lâu, không còn giá trị để kiện cáo), tổng số tiền nợ không chính xác, nguyên cáo không có tư cách chủ nợ (vì không trưng ra được bằng chứng bạn đã mượn tiền của họ), nguyên cáo không phải là một công ty đòi nợ có license hoặc không ghi license đó trên giấy đòi nợ… Hoặc bản thân bạn hiện nay đã rơi vào tình trạng tài chánh khó khăn, không còn “dư tiền” để trả nợ (judgment proof)…

Hy vọng những kiến thức được trình bày trong loạt bài  này hé lộ cho bạn ít nhiều giải pháp, khi phải tự mình xoay xở  giữa lúc khó khăn. Không ai “giàu ba họ khó ba đời”, mong rằng ngọn gió sẽ xoay chiều, và cuộc đời chúng ta sẽ sớm tới giai đoạn tươi sáng hơn.


Eric Trần

Erictran15751@gmail.com

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT