Đạo và Đời

Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu

Thursday, 07/04/2022 - 09:27:42

Bài Thương Khó chúng ta nghe trong Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay trình thuật khá chi tiết về những sự kiện trong cuộc...


Tranh vẽ Chúa Giêsu cầu nguyện trong Vườn Cây Dầu Gethsemane, nơi Ngài đã đau buồn đến độ đổ mồ hôi máu trước khi đi vào cuộc khổ nạn. (Image from unknown source)


Bài LM VINCENTÊ PHẠM NGỌC HÙNG

Bài Thương Khó chúng ta nghe trong Chúa Nhật Lễ Lá hôm nay trình thuật khá chi tiết về những sự kiện trong cuộc khổ nạn và sự chết của Chúa Giêsu. Những sự kiện này được kể lại theo thứ tự như sau: (1) Chúa Giêsu thiết lập Phép Thánh Thể; (2) giã biệt các môn đệ; (3) bị bắt trên Núi Cây Dầu và bị Phêrô chối bỏ; (4) bị luận phạt và đánh đòn; (5) vác Thánh Giá và chịu đóng đinh; và sau cùng (6) sinh thì và táng xác.

Vì biết được ngày giờ của mình đã gần kề, Chúa Giêsu muốn cùng với các tông đồ của Ngài ăn bữa sau cùng, chúng ta quen gọi là tiệc ly. Trong bữa tiệc này trước hết Chúa đã thiết lập Phép Thánh Thể để lại Mình và Máu của Ngài làm của ăn nuôi dưỡng các môn đệ và sau này là chính chúng ta. Lời truyền phép của Ngài, “Này là Mình Ta… Này là Máu Ta…” của hai ngàn năm trước, hai ngàn năm sau vẫn được cử hành cách trang trọng trong mỗi Thánh Lễ khắp nơi trên thế giới. Đúng với tên gọi của bữa tiệc “tiệc ly,” Chúa Giêsu đã vừa giảng dạy vừa giã biệt các tông đồ. Phúc Âm Thánh Luca chỉ trình bày vắn tắt, nhưng Phúc Âm của Thánh Gioan thì kể lại cặn kẽ hơn. Hai điểm chính Thánh Luca đã đề cập đến trong bài Thương Khó, đó là Chúa Giêsu căn dặn các tông đồ phục vụ trong tinh thần khiêm tốn, và riêng những ai kiên trì với Ngài trong cơn gian nan, sẽ được đồng bàn với Ngài trên nước trời.

Cảnh tiếp theo sau bữa tiệc ly là Vườn Cây Dầu. Nơi đây Chúa Giêsu đã đau buồn đến đổ mồ hôi máu, một cảm súc mãnh liệt trước khi đi vào cuộc khổ nạn. Ngài đã để cho người môn đệ Giuđa phản bội với cái hôn, và sau đó là để quân dữ đến bắt người đi. Ngài còn bị một trong những người môn đệ thân tín là Phêrô chối bỏ. Tất cả những sự kiện này đã xảy ra trong đêm tối, biểu tượng cho sự dữ và sự chết.

Sau khi đã bắt Chúa Giêsu, quân dữ kéo Ngài đi luận tội từ nhà thầy thượng tế tới dinh Philatô. Điều mà những người này đã không ngờ, đó là Đấng xét xử thế gian đã hạ mình xuống để chúng tra khảo. Chúng đã tố cáo Ngài là kẻ phản loạn, kêu gọi người dân không đóng thuế cho Hoàng Đế Xêsarê, tự xưng mình là Vua dân Do Thái, là Đấng Kitô, là Con Thiên Chúa. Qua tất cả những lời tố cáo này, Chúa Giêsu rất bình tĩnh, không hề kháng cự, mặc dù phải chịu nhiều cực hình tra tấn. Một số điều chúng ta không ngờ ở đây là những thành phần lãnh đạo đã có thể lừa đảo dân chúng, là những người đã từng chịu ơn Chúa Giêsu và ngưỡng mộ Ngài, và xúi dục họ thù ghét Ngài đến độ thà tha tội chết cho Baraba chứ không hề có chút thương xót đến Chúa Giêsu. Kể cả Philatô cũng thế, không ngờ ông cũng là người hèn nhát, không dám xét xử theo sự thật, mà để cho sức ép của đám đông khuynh đảo quyết định của mình.

Sau cùng là con đường thập giá dẫn đến cái chết trên Đồi Canvê. Mão gai, roi đòn, khạc nhổ, xô đẩy, và đinh sắt đã liên tục hằn sâu lên thân xác Ngài, nhưng Ngài vẫn không hề kháng cự, kiên trì chấp nhận, không một chút bạo động. Ngài tiếp tục giữ vững bản chất của mình là Con Thiên Chúa, tha tội cho những kẻ đã giết Ngài và hứa nước thiên đàng cho người trộm lành.

Ngài đã sinh thì trên thập giá, nhiều người qua lại, và ngay cả người lính canh cũng thú nhận, “Ông này thực sự là Con Thiên Chúa.” Người Con này có thể dễ dàng đánh bại kẻ thù của Ngài, nhưng đã sẵn sàng chịu nhục hình và chịu chết vì tội lỗi chúng ta.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT