Văn Nghệ

Hồi chuông đưa tiễn

Wednesday, 23/12/2020 - 06:40:22

Không tới Paris, không được đổ toát mồ hôi leo lên leo xuống từng bước thang một của ngôi đền thờ Thánh Tâm linh thiêng màu trắng toát ấy thì sao có thể thấm thía được những câu hát trong nhạc phẩm “Nửa Đời Yêu Em” này...


Ca sĩ Don Hồ với nhạc sĩ Lam Phương (Don Ho Facebook)

 

Bài DON HO Facebook

 

Năm 1992, lần đầu tiên được đặt chân đến Paris để thâu cho chương trình Paris By Night 15. Một hôm được cô Tô Ngọc Thủy mời đi ăn cơm tối tại nhà hàng của “Tonton” Lam Phương (“tonton” tiếng Tây có nghĩa là “chú” hay “cậu”).

Hăm hở bồn chồn cho cả buổi, vì thói... tham ăn thì ít, mà vì được cơ hội để gặp tận mặt người nhạc sĩ tài ba, tác giả của bao nhiêu tình khúc mình yêu thích thì nhiều hơn.

Ngôi nhà hàng khang trang, lịch sự (lâu quá không còn nhớ nổi tên), nằm trên một con lộ nhỏ ngay trong quận 13è của thành phố Paris hoa lệ.

Người nhạc sĩ có dáng dấp cao ráo, nụ cười hiền hoà dễ mến lúc nào cũng sẵn nở trên môi. Ông nói giọng Nam điềm đạm, chân thành.

Ban đầu gọi ông bằng “chú” xưng “cháu” theo cô Tô Ngọc Thuỷ.

Ông cười rồi bảo, “Thôi gọi bằng ‘anh’ đi cho thân mật!”

Không hiểu sao mà chỉ từ câu nói đó thôi mà bao nhiêu hàng rào cản về tuổi đời lẫn tuổi nghề đều như bị giật xập hết, bỗng cảm thấy như thật gần gũi với “anh” nhạc sĩ tài giỏi dễ mến tên Lam Phương này.

Nguyên bữa ăn say mê ngồi hóng chuyện cả bàn nói với nhau mà ... quên cả ăn tuy trước khi đến bụng rất đói.

“Anh đã lầm đưa em sang đây để đêm trường nghe tiếng thở dài.

Thà cuộc đời yên trong lòng đất, được trở về tiếng khóc ban sơ, hơn là mang kiếp mong chờ...”

Người đàn ông bình dị ngồi xế trước mặt là cha đẻ của nhạc phẩm “Lầm” mà mình đã nghe tới cả hơn ngàn lần mươi năm trước đây sao?

Thấy thằng nhỏ cứ ngồi cầm đũa mà ngẩn ngơ, anh thắc mắc, “Đồ ăn không hợp miệng hả em?”

“Dạ không có... Ngon lắm ạ...”

Và lúc này mới chợt nhớ ra là mình đói, để mà gắp tới gắp để.

Mà đồ ăn ngon thiệt.

Và thế là... được vinh dự quen biết với ông...

Những lần quay hình kế tiếp sau đó cũng ở Paris, lần lượt được trung tâm giao cho những nhạc phẩm của ông như “Mùa Thu Yêu Đương” (song ca với nữ ca sĩ Ngọc Huệ), Tuyết Muộn, Nửa Đời Yêu Em, Như Giấc Chiêm Bao, Mình Mất Nhau Bao Giờ (song ca với nữ ca sĩ Ngọc Thúy).

Thời điểm đó hát tình ca Lam Phương ở Paris cá nhân mình thấy sao nó lý tưởng & lãng mạn ghê lắm vì có thể nối kết được câu mình hát ra với khung cảnh chung quanh.

Chẳng hạn khi hát “Mùa Thu Yêu Đương” với Ngọc Huệ: “Đường vào Paris có lắm nụ hồng, có tiếng thì thầm nhưng anh chẳng cần mình sống cho nhau...”

Ôi thành phố Paris chỗ nào cũng có thể gặp những bụi hoa hồng từ trong công viên cho tới những vườn hồng hoặc chậu bông hồng trồng trên lan can nhà...

Hoặc

“Đền cao Thánh Tâm chúng con về với Mẹ. Bạn bè ở đây là những kẻ lưu vong. Hai con yêu nhau bằng tâm hồn biệt xứ, đôi tim ghép lại bằng khổ đau nửa đời...”

Không tới Paris, không được đổ toát mồ hôi leo lên leo xuống từng bước thang một của ngôi đền thờ Thánh Tâm (Sacred Coeur) linh thiêng màu trắng toát ấy thì sao có thể thấm thía được những câu hát trong nhạc phẩm “Nửa Đời Yêu Em” này...

Thế rồi nhạc sĩ Lam Phương rời Paris để qua định cư tại miền Nam California nắng ấm. Tuy có cơ hội gặp ông nhiều hơn, nhưng những lần qua Paris sau đó thấy thiêu thiếu sao đó khi không còn được ông đón tiếp khi ghé tới nhà hàng nữa rồi...

Tại Mỹ, lại được giao thêm một số nhạc phẩm nữa của ông để quay video: “Tim Vỡ” (song ca với nữ ca sĩ Như Quỳnh), Thành Phố Buồn.

Những project thâu audio cho những trung tâm khác cũng chen lẫn nhạc của ông: Say, Cỏ Úa (song ca với nữ ca sĩ Lâm Thúy Vân. Sau đó đã nhiều ca sĩ khác lấy version này để song ca theo), Một Mình, Tình Bơ Vơ, v.v..

Một lần có tới nhà nhờ anh Lam Phương giúp biên một bài cho phim của đạo diễn Lưu Huỳnh, anh rất sốt sắng và mấy ngày sau đó nhạc phẩm “Đường Trần” đã ra đời:

“Môt dòng sông ra khơi, như gió buồn theo mây trôi. Xác thân chỉ là tạm thôi muôn kiếp đất lành nghỉ ngơi...”

Thế rồi một thời gian sau đó nhạc sĩ Lam Phương một lần bị đột quị.

Ông may mắn thoát khỏi nhưng từ đó đã phải mãi mãi ngồi trên chiếc xe lăn & nói chuyện khó khăn.

Và cũng từ đó không còn thấy ông cho ra đời những tình khúc mới nữa...

Bên cạnh tài sản âm nhạc đồ sộ, có thể nói nhạc sĩ Lam Phương là một trong những người nhạc sĩ nhận được sự yêu thương, trân quí & nể trọng nhiều nhất từ tất cả mọi giới khán giả.

Bằng chứng, ông là một người nhạc sĩ duy nhất mà đã được Trung Tâm Thúy Nga thực hiện hình như tổng cộng lên tới sáu chương trình video.

Mười năm trở lại sau này, những show nhạc chủ đề “Tình Ca Lam Phương” rất ăn khách & đã được tổ chức long trọng ở rất nhiều nơi ở Mỹ Châu, Âu Châu & Úc Châu & ngay cả tại Singapore.

Ở những show được đi chung, cuối show khi xe lăn của ông được đẩy ra sân khấu để ông được tiếp cận với khách dự, toàn thể khán giả đã như vỡ òa, đồng loạt đứng hẳn lên khỏi ghế đón chào & khen ngợi người nhạc sĩ tài ba tên Lam Phương này bằng những tràng pháo tay rền vang như không muốn dứt.

Tuy sức khỏe không còn hoàn hảo như thời trai tráng & phải ngồi xe lăn, nhạc sĩ Lam Phương đã không ngại bay những chuyến bay cả ngày trời vượt đại dương để được gặp gỡ khách mộ điệu của mình.

Tới show, lúc nào ông cũng ngồi bên cánh gà để chăm chú theo dõi cho đến hết show mới chịu lên phòng & chưa bao giờ thấy ông từ chối những lời xin chụp hình kỷ niệm & lúc nào cũng có một hàng thật dài chờ đợi để được chụp một tấm chung với ông.

Điều may mắn hơn cả cho ông là từ khi ngã bệnh, cả hơn chục năm về sau này ông được cô Bảy, người em gái, yêu thương & đón về chăm sóc. Và mỗi lần bay đi đâu ông đều được chú Bảy bay đi theo để chăm lo cho ông.

Càng về sau này sức khoẻ ông càng thấy không tốt đi, ông ra vào bịnh viện nhiều lần và để rồi cuối cùng, ngày 22 tháng 12 năm 2020, cơ thể của ông đã... đầu hàng trước định mệnh.

Một vì sao đã chợt tắt trên bầu trời.

Ông ra đi ở tuổi 83 để lại niềm thương tiếc lớn lao cho gia đình, cho giới nghệ sĩ & bao thế hệ yêu nhạc Việt Nam.

“Một hồi chuông lên khơi tiễn đưa linh hồn một người, tiếng khóc trẻ thơ chào đời nối tiếp khổ đau loài người...”

Xin được dùng lời hát của bài “Đường Trần” để vĩnh biệt tài danh Lam Phương, cầu mong anh ra đi thanh thản. Đời sống chỉ là tạm bợ, bên đó anh chẳng còn cần đến chiếc xe lăn.

Giờ này em mới thấm thía câu hát này của anh:

“Còn gặp nhau hôm nay mới hay thêm được một ngày. Hoa lá xanh chỉ một thời, mai úa hoa tàn một người...” (Đường Trần)

Tất cả đều chỉ là phù du...

Đêm nay Nam Cali trở lạnh?

Hay chỉ là cái lạnh buốt trong lòng?

Don Hồ

Thứ Tư, 23 tháng 12, 2020


Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT