Thế Giới

Bà Suu Kyi lên án mọi vi phạm nhân quyền ở Miến Điện, nhưng tránh nhắc tới quân đội

Tuesday, 19/09/2017 - 09:06:04

Bà Suu Kyi nói với các nhà ngoại giao ngoại quốc tụ tập tại thủ đô Naypyitaw rằng “hơn một phân nửa” trong tổng số những khu làng của dân Rohingya đều không bị ảnh hưởng bởi bạo động.

Một phụ nữ Rohingya từ Miến Điện đang sống tạm trong ống xi-măng vào ngày 17 tháng 9, 2017, trong lúc chờ trại tạm cư cho người tị nạn được xây tại Kutupalong, Cox's Bazar, Bangladesh. (Paula Bronstein/ Getty Images)


NAYPYITAW - Nhà lãnh đạo Aung San Suu Kyi đã lên án mọi vi phạm nhân quyền tại Miến Điện. Bà nói rằng bất cứ ai gây ra những vụ tàn sát ở tỉnh Rakhine đang bất ổn thì sẽ bị luật pháp trừng trị.

Vào ngày thứ Ba, bà Suu Kyi đã đọc bài diễn văn đầu tiên tính từ khi xảy ra những cuộc tấn công của quân nổi dậy thuộc sắc dân Rohingya theo Hồi Giáo vào ngày 25 tháng Tám. Cuộc nổi dậy đó đã đưa đến một đàn áp của quân đội, khiến cho hơn 410,000 người Rohingya phải chạy lánh nạn ở nước láng giềng Bangladesh. Bà nói rằng Miến Điện không ngại việc theo dõi dò xét của quốc tế, và cam kết đưa ra một giải pháp bền vững cho cuộc xung đột.

Bà Suu Kyi cũng nói rằng bà cảm thông nỗi đau khổ của những người bị mắc kẹt trong cuộc xung đột ở đó.
Chính phủ Miến Điện đã quy trách nhiệm cho chính dân Rohingya gây ra tình trạng bất ổn, Nhưng nhóm thiểu số bị bách hại này nói rằng họ bị tấn công bởi binh lính và các đám đông Phật tử.
Liên Hiệp Quốc đánh giá hoạt động quân sự ở tiểu bang miền tây đó là “một ví dụ về thanh trừng sắc tộc có bài bản.”


Người Miến Điện xuống đường để ủng hộ bà Aung San Suu Kyi tại thành phố Yangon ngày thứ Ba, 19 tháng 9, 2017. (Aung Kyaw Htet/ Getty Images)

Trong bài diễn văn tại thủ đô Naypyitaw, bà Suu Kyi không nhắc đến lời tố cáo đó, nhưng bà nói rằng chính phủ của bà lên án những vụ vi phạm nhân quyền.

Bà Suu Kyi nói, “Chúng tôi lên án mọi vụ vi phạm nhân quyền và bạo động bất hợp pháp. Chúng tôi cam kết vãn hồi hòa bình, ổn định, và thượng tôn luật pháp trên khắp đất nước.”
Bà bênh vực Miến Điện trước những lời quốc tế chỉ trích về cuộc di tản của những người tị nạn. Bà nói rằng hầu hết xóm làng của họ vẫn còn nguyên vẹn, và điều quan trọng là phải hiểu tại sao cuộc xung đột không nổ ra ở khắp mọi nơi.

Bà Suu Kyi nói với các nhà ngoại giao ngoại quốc tụ tập tại thủ đô Naypyitaw rằng “hơn một phân nửa” trong tổng số những khu làng của dân Rohingya đều không bị ảnh hưởng bởi bạo động.

Bà đã mời các nhà ngoại giao đến thăm những ngôi làng đó để họ có thể tìm hiểu, cùng với chính phủ, để thấy rằng “tại sao họ không bóp cổ lẫn nhau trong những khu vực đặc biệt này.”

Bà nói, “Những vụ vi phạm nhân quyền và tất cả những hành động nào khác gây phương hại cho sự ổn định, hòa hợp, và phá hoại luật pháp, đều sẽ bị xử trị căn cứ theo luật pháp và công lý nghiêm minh.”
Người đứng đầu cuộc điều tra về bạo động ở Miến Điện đã xin Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc cho thêm thời gian, để điều tra những cáo buộc về những vụ giết người hàng loạt, tra tấn, bạo hành tình dục, dùng mìn, và đốt phá làng mạc.
Ông Marzuki Darusman, chủ tịch của phái bộ tìm hiểu thực tế, nói, “Chúng tôi sẽ đi tới nơi nào mà bằng chứng dẫn chúng tôi tới,” trước khi xin một đợt gia hạn sáu tháng cho cuộc an điều tra, cho tới tháng Chín năm 2018.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT