Người Việt Khắp Nơi

Bài phát biểu của Hòa Thượng Tetsu Gaku Sakura từ Nhật Bản

Saturday, 17/03/2018 - 11:33:48

rong xã hội Nhật Bản, mỗi nghề được một vị khách. Thí dụ giới Phật giáo chỉ được một thầy đi thôi, giới bác sĩ có một người; cái giới ở Việt Nam có thể là coi thường, đó là các vị làm vệ sinh trong thành phố thì cũng được một người đại diện, nghĩa là mỗi ngành nghề trong xã hội có một người đại diện.


Hòa Thượng Tetsu Gaku Sakura Viên Thông đang phát biểu tại Tịnh Xá Giác Lý ngày 11 tháng 3, 2018. (Thanh Phong/ Viễn Đông)

LTS: Như Viễn Đông đã tường thuật trong số báo ngày 14.3.2018, một buổi lễ Hiệp Kỵ và Cầu Siêu cho các nạn nhân bị cộng sản thảm sát tại Huế vào dịp Tết Mậu Thân đã được các cựu sĩ quan Nha Tuyên Úy Phật Giáo tổ chức tại Tổ Đình Tịnh Xá Giác Lý vào ngày 11.3.2018 . Trong số chư Tăng tham dự có Hòa Thượng Tetsu Gaku, Sakura Viên Thông từ Nhật Bản, được Hòa Thượng Thích Giác Sĩ Viện Chủ Tịnh Xá Giác Lý cho phép trình bày một vài nét về Nhật Bản. Sau đây là nguyên văn lời chia sẻ của Hòa Thượng Sakura Viên Thông do phóng viên Thanh Phong của chúng tôi ghi lại:

Kính thưa Hòa Thượng Viện Chủ,
Kính thưa…
Ngày hôm nay tôi từ Nhật Bản tới đây, ngày mai tôi phải về Nhật Bản nhưng ngày hôm nay thể nào tôi cũng phải tham dự buổi lễ này. Như bác điều khiển chương trình hồi nãy có nói, đó là tưởng niệm các oan hồn tử sĩ, các vị đã hy sinh, tử nạn trong Tết Mậu Thân, trong quá khứ. Ngày hôm nay, một phần chúng ta kỷ niệm nhưng cũng một phần, chúng ta là những người con Phật cho nên chúng ta phải rải cái tâm tâm bi và chúng ta làm thế nào để theo đúng tinh thần của Đức Thích Ca Mâu Ni cũng như là chư vị tôn đức rao giảng cho quý vị ; đó là chúng ta phải thành thật, chúng ta phải tha thứ và chúng ta phải có một cái tinh tấn, một cái sức mạnh để đương đầu với mọi nghịch cảnh, những sự việc của thế gian cũng như sự việc trong đạo; tức là chống lại những cái nghịch duyên để làm sao tạo ra những thuận duyện, để cho đường đạo cũng như đường đời của mình được viên mãn, được tốt lành, được đẹp tươi.

Thưa quý vị, nếu quý vị đi Nhật rồi thì biết, chúng tôi bên Nhật sắp mùa Xuân và mùa Thu thì Thiên Hoàng tức là vua của nước Nhật (trên thế giới hiện có 27 nước còn vua) còn là Tổng Thống hết, nhưng quý vị nhận thức được, các nước có vua là yên ổn, những nước không vua, ông nào cũng đòi làm Tổng Thống hết, ở các nước châu Phi hay châu Mỹ La Tinh, ông nào cũng đòi làm Tổng Thống, nó lộn xộn vô cùng thế nên với nền dân chủ ở đây mình cũng cần suy xét lại một chút, có vua thì thế nào mà không vua thì lộn xộn vô cùng.
Ở Nhật chúng tôi, vua là Thiên Hoàng. Đời Thiên Hoàng bây giờ là đời Thiên Hoàng thứ 130. Năm nay chúng tôi đặc biệt tháng Năm này đổi vua, vua cũ và vua mới. Vua cũ già rồi nên ngài xin nghỉ ngơi, ngài sắp lên là 58 tuổi và là vị vua thứ 131 bắt đầu từ thế kỷ thứ 6 tới giờ. Nhưng mùa Xuân bên Nhật chúng tôi có hội Du Xuân do Hoàng Gia tổ chức; đương nhiên tiền là tiền thuế của dân. Mùa Thu cũng có Hội Du Thu tức cũng là tiền thuế của dân thôi. Nhưng mùa Thu này đặc biệt lắm. Trong xã hội Nhật Bản, mỗi nghề được một vị khách. Thí dụ giới Phật giáo chỉ được một thầy đi thôi, giới bác sĩ có một người; cái giới ở Việt Nam có thể là coi thường, đó là các vị làm vệ sinh trong thành phố thì cũng được một người đại diện, nghĩa là mỗi ngành nghề trong xã hội có một người đại diện.

Ngày vui nhất trong mùa Thu là mỗi ngày nhà Vua tiếp một người trong xã hội. Ngày xưa ở Nepal cũng có nhưng bây giờ Nepal không còn vua nên không còn tục lệ này. Ở Nhật thì du Xuân để tiếp các ông Đại Sứ, các anh các chị nổi tiếng như lực sĩ đi Olympic được huy chương vàng. Nhưng mùa Thu cái tinh thần bình đẳng ở đâu mà có, thì xin quý vị nhớ cho, năm 604 cách đây hơn 1400 năm, lúc đó nước Nhật đã có Hiến Pháp đầu tiên và là Hiến Pháp cổ của Á Châu. Nó chỉ có 17 điều; trong 17 điều có đoạn nói về sự giáo dục của dân tộc Yamato, nền giáo dục của nước Nhật Bản có ba cột trụ. Cột trụ thứ nhất là thần đạo, cột trụ thứ hai là lời dạy của Khổng Tử và Mạnh Tử, còn cột trụ thứ ba là Phật Giáo.

Nhưng Phật Giáo ở đây kinh điển nhiều lắm, cho nên chúng tôi tóm tắt lại là thờ Kinh Pháp Hoa. Ngày hôm nay Nhật Bản chúng tôi có 99% dân số là Phật tử. Nhưng trong 99% có 47% theo Pháp Hoa. Các vị đây cũng đều học, tụng kinh Pháp Hoa. Kinh Pháp Hoa có câu rằng: “Người học trì kinh Pháp Hoa đó là Phật tử chân chính.” Tất cả quý vị đây đều là Phật tử chân chính hết vì quý vị có đọc kinh Pháp Hoa, quý vị có trì tụng kinh Pháp Hoa, nhưng chúng tôi nó đặc biệt là sau khi trì tụng rồi phải ứng dụng trong cuộc đời.

Tôi xin thưa chuyện thế này. Chuyện bình đẳng, khi nhà vua mỗi ngày tiếp một người đó là bình đẳng của nhà vua. Trong kinh Pháp Hoa có một Đức Phật rất là quan trọng đối với người Nhật chúng tôi, đó là Phật Thường Bất Khinh Bồ Tát. Ngài không có đọc kinh và đọc kệ, không có trì chú gì hết nhưng ngài có một cái hạnh là gặp ai ngài cũng nói: “Các ngài đều được thành Phật cả,” thì có người chửi “Ông này khùng.” Ngài nói, “Dạ, cám ơn; các vị nói tôi khùng nhưng các vị chưa đánh tôi, như vậy tôi xin cám ơn, các ngài đều là Phật cả!”

Sau đó có người nào lấy gậy hay lấy cây đập lên ông thì ông nói, “Dạ, xin cám ơn” và ông tránh đi, và ông cũng nói “Các ngài đều là Phật cả.” Đến ngày lâm chung, lúc đó Phật lực, kinh lực tất cả nó đưa cho ngài được sống thọ và ngài không chết ngay mà sống trường thọ. Đó là nội dung trong kinh Thường Bất Khinh Bồ Tát.

Tôi xin kể câu chuyện một vị nữ của Nhật Bản. Năm 2011, Nhật Bản chúng tôi bị động đất, nơi chỗ tôi ở là thành phố Koda cách Tokyo 450 cây số. Cũng may là ngày hôm đó tôi ở Tokyo, những người trong gia đình chúng tôi ở bên này núi không hề gì, trong khi phía bên biển bị sóng thần cuốn đi hết. Đó là cái chết của khoảng 2,000 người cho đến ngày hôm nay vẫn chưa khôi phục lại được.

Thưa quý vị, năm đó có một bà cụ lão 99 tuổi cụ ra một tập thơ, tập thơ này nhan đề là “Xin Đừng Nản Lòng Thối Chí,” tiếng Việt dịch ra là “Xin Đừng Vất Cái Tim Của Mình Đi.” Bà cụ này khi nhỏ rất là khổ sở vô cùng, mỗi làng, mỗi thôn xóm bên Nhật đều có chùa hết và khi lên chùa thầy dạy cho một câu như vầy: Con dám theo thầy học kinh Bồ Tát, con không được học hành gì hết, bây giờ con phải nhớ rằng làm chuyện gì cũng phải cám ơn người ta, người ta chửi mình mình cũng cám ơn; người ta đánh mình mình cũng cám ơn, tha thứ cho người ta, cứ theo đó mà thực hành. Năm 15 tuổi thì bà lấy chồng. Đây là chồng đời thứ nhất, ông chồng giàu có nên đuổi đi, sau lấy ông chồng thứ hai, ông chồng này rất thương vợ nhưng có tật cờ bạc, hắn đi làm được đồng nào đánh bạc hết nên bà phải tận tụy làm nuôi cha nuôi mẹ và sanh một người con, người con đó cũng rất hiếu thảo với mẹ và cũng nghèo lắm.

Đến năm bà 93 tuổi người con nói với mẹ câu này: “Mẹ ơi, sao con thấy những lời mẹ nói nó như thơ vậy? Bây giờ có hai mẹ con ta, con muốn gì? Con xin thưa với mẹ, những lời mẹ nói giống như thơ vậy, thì bây giờ mẹ làm ơn mẹ đi học làm thơ đi. Một bà lão 93 tuổi mà bây giờ đi học làm thơ? Nhưng cái tình mẹ con nó đậm đà vô cùng, các vị là mẹ các vị biết cái tình mẹ con thế nào rồi, cho nên bà theo lời con và bà đi học lớp học làm thơ.

Chúng tôi có những lớp dạy miễn phí cho người già nên đi học cái gì cũng được. Ngày hôm nay chúng tôi có trên 45,000 người trên 100 tuổi nhưng vẫn học để làm sao cho cuộc đời vui sướng. Thưa quý vị, bà học từ năm 93 tuổi đến năm 97 tuổi bà được Hội Đồng Thi Sĩ Nhật công nhận bà là người thi sĩ. Sau đó bà ra tập thơ mà bà có viết nhiều đâu, nhưng 6 năm trước tôi đọc thơ của bà, tôi thấy bà này làm thơ hay quá, phấn khởi vô cùng. Mình đang bị động đất, đất mình bị phóng xạ nguyên tử rồi ngày hôm nay cũng chưa hết nhưng khi mình đọc bài thơ đó mình có cái phấn khởi trong người. Năm bà 101 tuổi bà mất thì chúng tôi rất là thương tiếc và quý vị biết không, khi mình ra cuốn sách mà bán được 1,000 cuốn thì vui sướng vô cùng, mình bán được 100 ngàn cuốn chắc mình lên tiên mà bà bán tập thơ này được 2 triệu bốn trăm ngàn cuốn, mà ở Nhật hễ bán được một ngàn đồng bà được 120 đồng. Tại sao bán chạy thế? Vì cái nội dung nó mộc mạc nhưng làm cho người ta phấn khởi vô cùng. Tôi xin phép ngâm ở đây cái bài thơ đó, bài thơ này bà làm gửi cho tất cả những người bị động đất, tựa đề bài thơ là “Xin Đừng Nản Lòng Thối Chí,” tôi dịch ra tiếng Việt:

“ Bạn ơi! Khổ sở làm chi?/ Thở dài tắc lưỡi trò hề đừng nên / Gió thanh cùng với ánh dương / Chan hòa khắp chốn yêu thương mọi loài / Đêm nằm mơ tưởng mộng hiền / Khó phân kẻ Bắc người Nam bao giờ / Sống lâu cho tới bây giờ / Nếm nhiều cay đắng mà nên con người / Gửi người đôi chữ làm duyên / Nản lòng thối chí thì xin đừng làm / Tôi nay 98 xuân xanh / nhưng phần tình ái còn nhanh còn nhiều / Đôi môi giữ lấy nụ cười / Cho đời sung sướng, cho người lên hương.”

Sau cùng Hòa Thượng kết luận, qua câu chuyện này, chúng ta cần nên chuyển hóa cái tâm từ bi của mình để sẵn sàng tha thứ cho người làm trái ý mình, có thế thì tâm mới an lạc được.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT