Bình Luận

Bàn tay lông lá

Monday, 18/07/2016 - 10:13:08

Một chính khách khác góp ý “đảo chánh tại Việt Nam sẽ không giản dị như đảo chánh tại Iraq hoặc tại Nam Mỹ, vì chúng ta đã liên can vào cuộc chiến quá nhiều.”

Bài NGUYỄN ĐẠT THỊNH

Đa số người Việt Nam hiểu “bàn tay lông lá” là bốn chữ dùng để ám chỉ cơ quan tình báo CIA của Mỹ, và không ai ưa hoạt động của cơ quan này; nhiều người kết tội là chính “bàn tay lông lá” đã bức tử tổng thống Ngô Đình Diệm, và hành động đó -12 năm sau- đã đưa tới việc Hoa Kỳ bức tử Nam Việt Nam, khiến gần 100 triệu người Việt cho đến giờ này vẫn còn lầm than trong địa ngục cộng sản.
Người Turks đang chia sẻ cảm giác chán ghét đó của người Việt.

Tổng Thống Turkey, ông Tayyip Erdogan, yêu cầu Hoa Kỳ cho dẫn độ ông đạo sĩ Fethullah Gulen về Thổ Nhĩ Kỳ, không chứa chấp ông nữa, vì chính phủ Thổ nghĩ là ông đứng sau lưng cuộc đảo chánh ngày 15 tháng Bảy vừa rồi.


Đạo sĩ Fethullah Gulen

Thật ra ông Gulen không phải là người Mỹ, mà chỉ là một thường trú nhân Mỹ gốc Thổ; ông là một nhà tu xuất, một chính khách, một chí sĩ tài giỏi, không tham chính, và có nhiều thành tích về giáo dục; những người Thổ ái mộ ông đã thiết lập vài trăm ngôi trường giáo dục theo kiểu Mỹ, giúp mở rộng kiến thức cho cả trẻ em lẫn người lớn.

Ông sống lưu vong tại Saylorsburg, Pennsylvania, không là giáo chủ của một giáo phái, mà chỉ chủ trương một trường phái vận động cho chính sách Dân Chủ đa đảng, đào tạo những chính khách trong sạch, tận tụy phục vụ quần chúng.

Đã có một thời ông được Tổng Thống Erdogan coi như một người bạn thân, nhưng sau những đợt tố tham nhũng ông Gulen thực hiện, giao tình giữa hai người bớt mật thiết.

Nguyên nhân cuộc đảo chánh vừa xảy ra cũng là chống tham nhũng; một đơn vị quân đội đưa thiết giáp lại đóng nút trên nhiều trục giao thông, nhưng họ gặp thái độ phản đối của thường dân đã quá chán ngán với ba cuộc đảo chính trước.

Dân chúng đổ ra đường đối diện với lực lượng đảo chánh và bảo nhóm quân nhân là họ cũng không ưa gì tham nhũng, cũng muốn thay đổi chính phủ, nhưng không thay đổi bằng cách đảo chánh. Họ bảo những sĩ quan chỉ huy là tiện nghi kinh tế tuột dốc suốt giai đoạn 10 năm sau mỗi cuộc đảo chánh, và thách thức giới quân nhân cộng tác với cử tri dân sự hạ bệ tổng thống Erdogan trong cuộc tuyển cử sắp tới.


Xe thiết giáp tạo nút chặn lưu thông


Quần chúng xuống đường chống đảo chánh

Gặp bế tắc ngay từ trong nước, các tướng lãnh cầm đầu cuộc đảo chánh càng bối rối hơn vì dư luận quốc tế cũng cực lực phản đối họ; Hoa Kỳ, NATO, và Liên Âu kêu gọi phe đảo chánh tôn trọng chế độ dân chủ và những chính khách dân cử; chỉ riêng Ai Cập cho là đảo chánh đôi khi cũng cần thiết; ít nhất thì đó cũng là kinh nghiệm riêng của họ, khi họ đảo chánh chính phủ Hồi Giáo dân cử.

Lợi dụng thế lọng cọng chính trị của phe đảo chánh, Thủ Tướng Binali Yildirim ra lệnh các đơn vị đảo chánh trở về căn trại, rồi bắt giam 6,000 quân nhân, trong số đó có 29 tướng lãnh, cùng với 2,745 thẩm phán -những viên chức tư pháp này cũng theo phe đảo chánh để chống tham nhũng.

Mặc dù chưa xảy ra những cuộc chạm súng quyết liệt giữa hai phe đảo chánh và chống đảo chánh, nhưng phe đảo chánh cũng đã có 104 quân nhân tử trận; tổn thất của phe chống đảo chánh là hàng trăm thường dân, cảnh sát, và binh sĩ thân chính phủ bị giết.

Tổng Thống Obama kêu gọi chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ hãy tự chế trong việc trừng phạt nhóm quân nhân đảo chánh và lớn tiếng minh oan là Hoa Kỳ không có bất cứ vai trò nào trong cuộc đảo chánh này, mặc dù ông Gulen sống trên đất Mỹ, và mến mộ nền văn hóa Mỹ.

Obama cũng cảnh cáo các quốc gia đồng minh là đừng nghi kỵ Hoa Kỳ có liên hệ đến cuộc đảo chánh tại Thổ Nhĩ Kỳ, vì điều hiểu lầm đó tác hại tình nghĩa đồng minh và tạo trở ngại cho công cuộc chiến đấu chống quân khủng bố IS.

Do kinh nghiệm cuộc đảo chánh 1963, nhiều người Việt Nam không tin lời ông Obama, nhất là những người đang đọc những bí mật quốc phòng được giải mật, trong đó có những tiết lộ của chính các yếu nhân Mỹ về cuộc đảo chánh này.

Tài liệu trong văn khố của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia (National Security Archive) ghi nhận một buổi họp tại Bạch Cung ngày 29 tháng 10, 1963 -hai ngày trước ngày đảo chính 11/1/1963- cho thấy Bộ Trưởng Tư Pháp Bobby Kennedy (em ruột của tổng thống JFK) góp ý là Hoa Kỳ không nên ủng hộ cuộc đảo chánh, vì thái độ ủng hộ đảo chánh “sẽ làm cho Hoa Kỳ phải chịu trách nhiệm về sự ngã ngũ của chiến tranh.”

Một chính khách khác góp ý “đảo chánh tại Việt Nam sẽ không giản dị như đảo chánh tại Iraq hoặc tại Nam Mỹ, vì chúng ta đã liên can vào cuộc chiến quá nhiều.”

Giáo sư John Prados, tác giả rất nhiều sách viết về chiến tranh Việt Nam nêu lên một giai thoại nhỏ -cuộc điện đàm cuối cùng giữa tổng thống Ngô Đình Diệm và đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam -ông Henry Cabot Lodge.

Ông Diệm hỏi, "Xin ông Đại Sứ cho tôi biết thái độ của Hoa Kỳ đối với cuộc đảo chánh đang diễn ra." Ông Lodge trả lời, “Tôi không nắm vững tình hình nên không thể trả lời tổng thống được.”

Mặc dù thớ lợ là đặc tính của ngôn ngữ ngoại giao, nhưng ông Lodge đã đi quá mức thớ lợ để trở thành giả dối tội phạm, cái tội ám sát lãnh tụ một quốc gia đồng minh. Cho đến giờ này người Mỹ vẫn nói rằng họ không chủ trương giết ông Diệm, mặc dù họ chủ trương đảo chánh. Câu nói chót của ông Lodge chứng minh là Mỹ đã không cứu ông Diệm vào phút họ thừa sức cứu ông.

Trở lại với cuộc đảo chánh tại nước Thổ, sau ba ngày căng thẳng, giao tình giữa Hoa Kỳ và Thổ Nhĩ Kỳ có dấu hiệu cải thiện; hôm Chủ Nhật 7/17/2016 phát ngôn viên Ngũ Giác Đài Peter Cook cho phóng viên truyền thông biết là Thổ Nhĩ Kỳ đã mở không phận cho chiến đấu cơ Mỹ cất cánh từ căn cứ Incirlik bay vào Syria nối tiếp hoạt động oanh kích quân IS.

Không chỉ giới hạn vào việc cấm bay, người Turks còn cắt điện phần căn cứ Incirlik họ dành riêng cho không quân Mỹ, khiến lính Mỹ phải dùng điện do máy điện lưu động cung cấp. Incirlik nằm về phía Nam của Turkey, và nằm gần biên giới Syria nên rất thực dụng cho chiến đấu cơ Hoa Kỳ trong những phi vụ không yểm du kích Trung Đông chống cả lực lượng IS lẫn quân đội Syria.

Mặt khác, hôm Chủ Nhật trong lễ truy điệu 290 người tử trận vì chống đảo chánh, trong một thánh đường Istambul, Tổng Thống Turkey Recep Tayyip Erdogan đã nghẹn ngào xúc động không đọc hết được bài điếu văn thương tiếc những người dân, lính và cảnh sát bị giết. Ông hứa hẹn sẽ trừng phạt và tiêu diệt mầm mống phản loạn.


Tổng thống Erdogan trong lễ truy điệu nạn nhân đảo chánh.

Sau 40 năm sống trên lãnh thổ Hoa Kỳ chúng ta biết khá rõ về con voi Mỹ; nó không phải là cái quạt, cũng không phải là cái cột nhà hay là con đỉa khổng lồ của năm ông thầy bói mù thích nói mò.
Chúng ta cũng hiểu khá nhiều về tổ chức tình báo hải ngoại CIA, mặc dù không mấy người Việt Nam có cảm tình với “bàn tay lông lá” -cơ quan đã trực tiếp nhúng tay vào cuộc bức tử Nam Việt Nam.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT