Hôm Nay Ăn Gì

Cháo hàu, món ăn bồi bổ khí huyết

Monday, 25/05/2020 - 05:50:01

Nói tới hàu, người ta nghĩ ngay tới những vùng biển ít sóng, giàu khoáng lượng và hiền hòa. Bởi khác hẳn với các loài sinh vật giáp xác khác


(Tom/ Viễn Đông)

 

Bài TOM

Nói tới hàu, người ta nghĩ ngay tới những vùng biển ít sóng, giàu khoáng lượng và hiền hòa. Bởi khác hẳn với các loài sinh vật giáp xác khác, hàu là loài giáp xác tĩnh. Người ta vẫn chưa thể hình dung cách sinh đẻ của hàu ra sao, ngư dân chỉ biết rằng hàu ở đâu đó trong bọt nước, bọt biển và bám vào những vật cứng để sống, phát triển. Và trong các loài hải sản, nếu như hải sâm, sá sùng hay ốc vú nàng, bào ngư… có giá trị dinh dưỡng cao kèm với giá thành rất cao thì hàu là loài hải sản nước xà hai (nước lợ có độ muối cao gần với nước biển) có giá thành khá rẻ nhưng lại có giá trị dinh dưỡng đặc biệt, lành tính hơn các loài kia. Một bát cháo hàu phục hồi sinh lực cho bất kì người lớn hay trẻ nhỏ, có thể nói là trên cả tuyệt vời!

Nói tới hàu, người ta nghĩ ngay đến đầm Lập An ở Lăng Cô, Thừa Thiên Huế hay đầm Ô Loan ở Phú Yên, bờ biển Quảng Ninh… Những nơi có nguồn nước lợ vừa sạch lại vừa giàu khoáng chất nên việc nhử hàu, nuôi hàu diễn ra khá thuận lợi. Nuôi hàu cũng giống như nuôi chim yến, người ta chẳng tốn bất cứ thứ thức ăn nào cho nó. Nếu như nuôi chim yến bằng cách nhử yến vào làm tổ trong nhà nuôi bởi âm thanh giả tạo chim gọi bầy và theo thời gian, chim yến làm tổ, sinh sản trong nhà nuôi yến thì nuôi hàu cũng không cần thứ âm thanh nào, chỉ cần biết tranh thủ những dao động sóng. Hàu rất thích dao động sóng.


(Tom/ Viễn Đông)

 


Thường những cây cọc gỗ đóng dưới nước được hàu chọn sống nhiều hơn những hòn đá bởi cọc gỗ có các xung dao động với sóng. Lợi dụng đặc tính này, người ta dùng những chiếc lốp xe hơi cũ, lốp xe máy cũ và đóng những cái cọc thật vững dưới đáy đầm, sau đó lồng các lốp xe vào một thanh cây cứng bằng gỗ, buộc ngang vào hai cọc, lốp xe cách nhau chừng vài phân tây là đạt tiêu chuẩn. Chừng tháng tư, tháng năm âm lịch, người ta cho lốp xe xuống đầm, sâu cách mặt nước chừng một mét, sau đó chỉ việc chờ đợi, đến cuối năm thì thu hoạch, cũng có khi chừng ba tháng thì đã thu hoạch được rất nhiều hàu sữa.
Những vùng khác thì tôi chưa được đi, nhưng đầm Lập An ở Lăng Cô thì tôi nhiều lần mục kích người dân nơi đây nhử hàu và thu hoạch hàu. Trước đây mỗi năm chỉ có hai vụ thu hoạch vào tháng mười đến tháng chạp âm lịch và tháng tư đến tháng sáu âm lịch. Còn hiện nay, có thể nói là quanh năm có hàu và số lượng hàu tăng một cách đáng kể. Đầm Lập An, trước 1975 còn gọi là đầm An Cư hay Loan Lý, nơi đây sở dĩ có tên như vậy bởi thời Pháp Thuộc, khu vực này hoang vắng, không có người ở, chỉ có vài đồn trú của quân binh nhà Nguyễn và vài lô cốt của Pháp xây dựng. Những đám ruộng bên cạnh đầm nước rộng chỉ toàn cò và cò, nhiều người còn nhìn thấy cọp beo đi kiếm ăn.

Những người nghèo khổ, các ngư dân kéo vào đây sinh sống, quanh năm dựa vào đầm và phá Tam Giang để kiếm sống. Bởi phá Tam Giang quá dài, rộng và dữ dằn nên hầu hết ngư dân co cụm ở đầm, nếu có làm ăn ngoài phá thì đến mùa mưa cũng tìm cách quay vào đầm. Nơi đây được xem là nơi an cư lạc nghiệp của những ngư dân, lang bạt kỳ hồ. Có thể hình dung đời sống của họ giống như những Việt kiều trở về từ Biển Hồ Campuchia, sống lây lất và bám trụ trong những chòi che nằng bạt tạm bợ bên hồ Dầu Tiếng, Tây Ninh. Nhưng có khác hơn là thời đó, thẻ căn cước không quan trọng như thời bây giờ, ngư dân chỉ cần bám trụ lâu dài rồi cũng có đất đai, nhà cửa, vấn đề là họ có chịu khai khẩn hay không. Còn các Việt kiều Campuchia bây giờ không thể khai hoang và chẳng biết bao giờ sẽ có giấy tờ tùy thân, rồi không biết đến bao giờ mới có nhà cửa ổn định, mọi thứ mơ hồ và bất an…
Trở lại chuyện đầm Lập An, sau 1975, để phân biệt, để làm cho khác với thời trước, chính quyền ở đây đổi tên đầm từ An Cư thành Lập An, nghĩa nôm na cũng là lập nghiệp và an cư nhưng nói cho nó khác đi, khỏi vướng cái cũ. Lăng Cô, theo tương truyền ngày xưa nơi đây cò đậu trắng cả cánh đồng, người Việt gọi là làng cò, người Pháp cũng đọc là Làng Cò theo âm Việt nhưng khi viết thì không có dấu thành Lang Co, sau này, khi tuyến đường sắt Bắc - Nam đi qua, ga Lang Co ra đời và người ta đọc trại thành ga Lăng Cô, tên gốc Làng Cò chết lúc nào không biết, tên Lang Co cũng đi theo người Pháp, cái tên Lăng Cô ở lại với thời gian… Đến bây giờ, làng cò năm nào không còn con cò nào nữa, nhà cửa mọc lên san sát, sầm uất, bon chen và chọn rộn. Một loại cò mới xuất hiện, không có liên quan gì tới những bầy cò đứng trắng đồng thuở trước đi tìm tôm tép. Cò bây giờ không lặn lội bờ ao mà lặn lội bến xe, lặn lội vào từng khu vườn, từng ngôi nhà và eo sèo trên các trang mạng để tìm mối, dắt mối mua bán đất… Chưa bao giờ loại cò này xuất hiện đông đúc như vậy, và họ tự gọi cho mình một cái tên khá là oách: Nhà tư vấn địa ốc.


(Tom/ Viễn Đông)

 


Và cho dù cò xuất hiện mọi nơi, mọi ngõ ngách của làng cò thuở trước thì hình như đời sống của những ngư dân bên đầm Lập An vẫn vậy, vẫn không có gì thay đổi, nhịp điệu bốn mùa xuân hạ thu đông vẫn cứ trôi, hết lứa hàu này lại đến lứa hàu khác, hết thế hệ này lại đến thế hệ khác, bám đầm, bám sóng, bám cái khung cảnh thơ mộng, nhìn bốn bề thấy mây phủ đỉnh núi, nhìn xa xa là phá Tam Giang, là trùng dương xanh ngát. Và người ta cứ bám lấy con hàu, nuôi giữ con hàu mà sống, con người tìm chỗ cho hàu trú ngụ sinh sôi, con hàu lại giúp cho con người an cư mà nảy nở từng cành nhánh phả hệ, đời sống vẫn cứ vậy trôi, con hàu cứu cái nghèo, bát cháo hàu mang lại nguồn sức lực sau những cạn kiệt vì cơm áo cuộc đời. Cháo hàu như một loại sâm khác của người dân Lập An, mà cũng là một loại sâm của nhiều người.

Bởi nếu xét về yếu tố phối ngẫu âm dương, thổ nhưỡng thì cháo hàu có cả hương vị của đất liền trong hạt gạo, khế hợp với hương vị của biển, của núi trong thịt mềm của hàu. Một bát cháo hàu có thể giúp người đang xuống sức phục hồi sinh lực nhanh và lành tính. Hàu nấu cháo cũng khá dễ, không giống như những món khác.
Đầu tiên, hàu rửa sạch vỏ, dùng chiếc nĩa khụi vào mép hở trong thân vỏ, hàu tự tách miệng và khụi lớp cơm sữa (tức thịt hàu) bên trong, cũng có trường hộp phải dùng búa nhỏ ghè cho hàu mở miệng, lấy thịt hàu, tức cơm hàu, còn gọi là sữa hàu. Cơm hàu được rửa bằng nước lọc, sau đó ướp hành, tỏi, tiêu, chút ớt bột và nước mắm. Nấu một nồi cháo, nếu thích đậu xanh thì cho thêm chút đậu xanh vào nữa. Hàu ướp gia vị, đợi cho cháo sôi, vặn nhỏ lửa để cháo khỏi trào, đến khi cháo hơi nhuyễn thì cho hàu vào cháo, vặn lớn lửa cho cháo hơi sôi thì lại hạ nhỏ lửa đủ để giữ sôi nhẹ trong vòng 3 phút là đã có một nồi cháo hàu ngon.

Khi ăn, chỉ cần múc ra bát hay chén, người lớn thì cho thêm chút tiêu, hành ngọ xắt vào, trẻ con thì chỉ cần ăn cháo hàu, không cần thêm gia vị. Nói về vị ngon của cháo hàu, có thể khẳng định rằng không có bất kì thứ hải sản nào nấu cháo lại cho hương vị ngon, dễ thương như vậy! Và khi ăn xong, không để lại mùi tanh đặc trưng của hải sản. Đước như vậy, chỉ có thể là cháo hàu. Và hơn nữa, đây là món ăn bồi bổ dương khí, phục hồi sinh lực thuộc vào bậc nhất.
Xin kính chúc quí vị có một bữa ăn ngon miệng và đầy đủ sinh lực để vượt qua mọi trở ngại của cuộc sống!

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT