Người Việt Khắp Nơi

Chuyện của sinh viên học tiếng Việt tại đại học (tiếp theo)

Băng Huyền/Viễn Đông Sunday, 01/04/2012 - 05:17:41

Trẻ em tại Mỹ học tiếng Việt cũng khác hẳn trẻ em Mỹ học tiếng Việt, cho nên vấn đề học tiếng Việt của trẻ em hải ngoại nói chung, là một sự kiện rất đặc biệt, do đó đòi hỏi một phương pháp giảng dạy riêng…”.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 14)

Băng Huyền/Viễn Đông


Người viết xin được trích lại vài nhận định của Giáo Sư Tiến Sĩ Nguyễn Hưng Quốc, một nhà nghiên cứu phê bình văn học đến từ Úc Châu, trong bài thuyết trình “Dạy tiếng Việt dễ hay khó” của ông, trình bày tại Viện Việt Học vào ngày 19-12-2010, đã được tường thuật trên nhật báo Viễn Đông trước đây, để mở đầu cho bài viết này. GS. Nguyễn Hưng Quốc cho rằng: “Tiếng Việt ở Việt Nam là ngôn ngữ thứ nhất, tiếng Việt tại Úc hay tại Mỹ, nó giống như một ngôn ngữ thứ hai, chứ không phải ngôn ngữ thứ nhất; nhưng vấn đề phức tạp hơn, nó không phải là ngôn ngữ thứ nhất cũng không phải là ngôn ngữ thứ hai. Ngôn ngữ thứ hai là ngôn ngữ bắt đầu học sau này, còn trẻ em Việt Nam sinh trưởng tại Úc, tại Mỹ chẳng hạn, thì ngay trong gia đình các em học tiếng Việt hầu như cùng lúc với học tiếng Anh; do đó rất khó nói đâu là ngôn ngữ thứ nhất, đâu là ngôn ngữ thứ hai, nhưng chắc chắn nó không phải là ngôn ngữ thứ nhất.Trẻ em học tiếng Việt tại Mỹ khác hẳn trẻ em học tiếng Việt tại Việt Nam.Trẻ em tại Mỹ học tiếng Việt cũng khác hẳn trẻ em Mỹ học tiếng Việt, cho nên vấn đề học tiếng Việt của trẻ em hải ngoại nói chung, là một sự kiện rất đặc biệt, do đó đòi hỏi một phương pháp giảng dạy riêng…”.


Tạp chí Non Sông, một ấn phẩm liên tục, lâu năm của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California. Trong hình là hai số báo, một ra ngày 30-4-1985 khi còn dưới hình thức một bản tin liên lạc, và cuốn kia tháng 2-2010 vào dịp Tết Nguyên Đán, được Thư Khố Đông Nam Á thuộc Thư Viện UCI lưu giữ - ảnh: Vincent Thái/Viễn Đông

Theo GS. Nguyễn Hưng Quốc: “Để dạy cho học trò học tiếng Việt, thật ra không chỉ học cái nghĩa ở trong tiếng Việt, mà còn học cả sắc thái, tình cảm ẩn giấu sau mỗi chữ.Và để dạy những chữ như vậy, tuyệt đối không đơn giản! Dạy cái nghĩa như trong từ điển rất dễ, dạy cái sắc thái, tình trạng ẩn giấu sau mỗi chữ là điều gần như mắc kẹt.Dạy cho trẻ em Việt Nam ở đây cũng như dạy cho người ngoại quốc học tiếng Việt, có khi vài chục năm chứ không phải vài năm”.
GS. Nguyễn Hưng Quốc giải thích thêm: “Hồi nhỏ mình học tiểu học, trung học; có những học sinh sau mùa nghỉ hè, khi vào năm học mới tự nhiên giỏi Toán hẳn, hoặc Lý hoặc Hóa.Học sinh đó chỉ cần trải qua hai hoặc ba tháng học chăm chỉ, siêng năng thì bước vào năm mới, cái kết quả học tập sẽ khác.Hiện tượng đó hầu như không bao giờ xảy ra trong vấn đề học ngôn ngữ, kể cả tiếng Việt.Học sinh ở Việt Nam học giỏi tiếng Việt, tiếng Anh, tiếng Pháp là một quá trình lâu dài, chỉ trừ thiên tài ra, không có người nào trải qua hai, ba tháng mà có thể giỏi một ngôn ngữ được, kể cả tiếng mẹ đẻ của mình.
“Kiến thức về ngôn ngữ nó đa dạng và phức tạp hơn các lãnh vực khác. Từng vùng, trong bất cứ ngôn ngữ nào, nó cũng dồi dào và giàu có hơn sự tưởng tượng của mình.Thông thường để nói thông thạo một thứ tiếng, chỉ cần biết từ ba đến năm ngàn chữ là có thể đối đáp hàng ngày được, nhưng đó là sự thử thách hàng ngày.Một tờ báo hay một quyển sách nào cũng có vô số những từ ngữ mà không phải ai cũng có thể viết; đó là vấn đề từ vựng, còn cái cấu trúc câu của bất cứ ngôn ngữ nào, nó cũng thật đa dạng và nó biến hóa vô cùng.Học Toán hoặc bất cứ một môn học nào khác, có những công thức, mình có thể học xong công thức đó là có thể giải được bài toán; còn trong ngôn ngữ, mình học xong một cấu trúc, ứng dụng vào thực tế nó khác hẳn.Nó đầy những ngoại lệ.Ngôn ngữ nào cũng có nhiều ngoại lệ.Thậm chí những ngoại lệ đó còn nhiều hơn những quy luật khác.Ví dụ chữ viết dấu hỏi, dấu ngã trong tiếng Việt, cho nên bây giờ có rất nhiều bộ sách viết về phương pháp viết đúng dấu hỏi và dấu ngã, thế nhưng bất cứ người nào nghiên cứu về ngôn ngữ học Việt Nam cũng đều đồng ý điều này: Cái phương pháp đơn giản nhất để viết đúng dấu hỏi, dấu ngã là học thuộc lòng từng chữ.Bởi vì khi mình học thuộc những quy luật như vậy: thứ nhất, số lượng quy luật rất nhiều, và thứ hai, mỗi quy luật như vậy cái số ngoại lệ cũng rất nhiều.Học như vậy có khi mệt hơn học từng chữ. Đó là lý do tại sao người ta cho rằng học và dạy ngôn ngữ nào cũng khó. Ngôn ngữ nào cũng có những nghịch lý, nhưng trong tiếng Việt, cái nghịch lý đó rất nhiều, giới nghiên cứu ngôn ngữ học vẫn chưa thành công trong việc viết một cuốn sách phân tách tiếng Việt.Học tiếng Anh có thể tìm bất cứ cuốn sách nào để an tâm tin tưởng học, còn vào thư viện kiếm một cuốn sách viết về ngữ pháp tiếng Việt thì cực kỳ khó,chưa có hệ thống ngữ pháp nào được xây dựng một cách có hệ thống để đáng tin cậy.Phần lớn chỉ ở trong giai đoạn thử nghiệm, giai đoạn tìm tòi, chứ chưa có một cấu trúc hoàn chỉnh…”.

Sinh viên người Mỹ gốc Việt nhọc nhằn qua những thang âm tiếng Việt
Qua những khó khăn của việc dạy tiếng Việt mà GS. Nguyễn Hưng Quốc đã trình bày mới thấy rằng những bạn trẻ sinh ra và trưởng thành tại hải ngoại có thể nói thông thạo tiếng Việt, ghi danh học các lớp tiếng Việt tại trường đại học để hiểu hơn về ngôn ngữ, văn chương, văn hóa Việt Nam là một điểm son thật đáng tự hào. Hầu hết những bạn trẻ này khi còn nhỏ đều được phụ huynh cho theo học vài năm tiếng Việt tại các trung tâm độc lập, các nhà thờ, nhà chùa… vào dịp cuối tuần, nên phần nào đỡ vất vả hơn khi đối diện với những khó khăn trong việc học mang tính học thuật cao trên đại học. Những bạn trẻ này kết quả đạt được thường cao hơn và cảm thụ tốt hơn so với những bạn trẻ không được học tiếng Việt ngay từ nhỏ.
Như trường hợp của sinh viên Tim Nguyễn, một thành viên trong ban tổ chức Hội Chợ Sinh Viên Xuân Nhâm Thìn 2012 của Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Miền Nam California (THSV), đồng thời là đồng trưởng ban tổ chức của trại hè do THSV tổ chức hằng năm, sanh ra tại Mỹ. Từ nhỏ Tim Nguyễn quen nghe ba mẹ nói tiếng Việt, nhưng không được đi học đọc và viết tiếng Việt vào ngày cuối tuần như một số bạn trẻ gốc Việt khác. Đến khi lên trung học, nơi bạn sống là thành phố Orange, trường không có lớp tiếng Việt, nên bạn chọn học tiếng Pháp. Khi Tim Nguyễn vào học tại đại học University of California Irvine (UCI) ngành học Kinh Tế, dù không cần lấy lớp ngoại ngữ, nhưng bạn vẫn ghi danh học lớp tiếng Việt nhập môn và học được 2 năm, việc học này đã kết thúc từ năm 2008.
Khi người viết hỏi Tim Nguyễn bằng tiếng Việt, bạn cho biết bạn hiểu, nhưng khi trả lời, bạn nói tiếng Việt khá ngập ngừng, sau đó bạn xin lỗi và trả lời hoàn toàn bằng tiếng Anh. Tim Nguyễn giải thích: “Khi nghe tiếng Việt, em có thể hiểu, nhất là những câu giao thiệp thông thường, nhưng lúc trả lời thì em tự tin hơn khi nói bằng tiếng Anh. Em nói tiếng Việt rất khó vì không biết mình nói có trúng các dấu thanh không. Do em quen suy nghĩ câu trả lời bằng tiếng Anh, rồi mới dịch qua tiếng Việt để nói, nên rất khó khăn khi muốn nói một vấn đề gì. Lúc nhỏ, khi ở nhà nghe bố mẹ em chỉ nghe và nói tiếng Việt thì em hiểu những từ đơn giản thông dụng trong đời sống hàng ngày, nhưng chưa học viết học đọc bao giờ. Khi ghi danh học lớp tiếng Việt tại UCI với thầy Trần Chấn Trí, em cứ nghĩ mình sẽ nhanh chóng sử dụng tiếng Việt thông thạo, nhưng thực tế thì em học rất vất vả, nó quá khó với em. Hiện nay khi đọc tiếng Việt, em vẫn còn đánh vần để đọc, và hiểu được nghĩa cũng khá khó khăn, chứ chưa thể cảm nhận được nét sâu sắc của ngữ nghĩa tiếng Việt trong bài văn mà em đọc được”.
Chính từ khó khăn của mình trong việc học và hiểu tiếng Việt, Tim Nguyễn đã nghĩ ra cách trau dồi thêm tiếng Việt cho riêng mình và cho những bạn trẻ khác muốn học tiếng Việt, bằng cách hình thành chương trình dạy tiếng Việt trên mạng điện toán kết hợp cùng với người bạn thân rất thông thạo tiếng Việt là Victor Nguyễn Liêu (nguyên trưởng ban tổ chức Hội Chợ Sinh Viên Xuân Nhâm Thìn vừa qua) và Christian Vương, Donna Trần, đều đặn xuất hiện trên YouTube qua trang mạng www.everydayviet.com, có lượng người vào xem từ khắp nơi trên thế giới, có lúc lên đến hơn 1 triệu lượt người (trong một bài viết khác, chúng tôi sẽ đề cập kỹ hơn về việc dạy tiếng Việt của các bạn trẻ này).
Còn với Malissa Tem-Nguyễn, sinh viên năm thứ tư ngành ngữ văn báo chí (Literary Journalism) đại học UCI, là đồng chủ bút của tạp chí Non Sông của THSV, đã học tiếng Việt lớp nhập môn tại UCI được 2 năm, nhưng khi người viết hỏi chuyện bằng tiếng Việt, hầu như bạn hiểu được rất ít, vì vậy cuộc trao đổi phải sử dụng tiếng Anh.
Bạn cho biết bạn sanh ra tại Mỹ, ba của bạn là người Việt Nam, mẹ là người Campuchia, khi còn nhỏ trong nhà bạn thường nói tiếng Việt và tiếng Campuchia, nhưng khi người em của bạn lớn lên, chị em của bạn nói tiếng Campuchia nhiều hơn tiếng Việt, nhưng bố mẹ vẫn cho biết về văn hóa Việt Nam qua những lần tham gia Hội Chợ Tết Sinh Viên, hoặc xem chương trình DVD Thúy Nga Paris by Night để biết thêm một chút về văn hóa Việt Nam.
Malissa Tem-Nguyễn cũng cho biết bạn nói và nghe tiếng Campuchia giỏi hơn tiếng Việt, nhưng hầu như không biết đọc và viết vì văn tự rất khó học. Còn tiếng Việt nhờ 2 năm học trong trường UCI nên bạn có thể đọc và hiểu khá hơn là nghe và nói.
Malissa tâm sự: “Qua 2 năm học tiếng Việt, em biết thêm về những câu chuyện văn hóa, lịch sử, chuyện cổ tích rất giá trị cho em, vì qua đó em hiểu hơn một phần nguồn gốc Việt Nam của mình. Cách nay hơn 2 năm, bố em đã mất, nên cơ hội tập nói tiếng Việt của em cũng mất theo, vì trong gia đình chỉ có bố nói tiếng Việt giỏi thôi. Ông bà nội của em mất đã lâu, còn thân nhân khác của bố thì hầu hết sống tại Campuchia kể từ sau năm 1975, họ nói thông thạo tiếng Campuchia, nhưng em không liên lạc nhiều với người thân của bố. Nhờ tham gia Hội Sinh Viên Việt Nam tại trường UCI nên em được giới thiệu vào sinh hoạt trong THSV. Năm nay em càng gắn bó hơn với THSV khi nhận lời làm một trong hai chủ bút cho tạp chí Non Sông. Vì năm trước mọi người bàn là có nên giữ tạp chí này tiếp tục không? Em tình nguyện thực hiện công việc để giữ tạp chí này, vì em thấy đây là nơi liên quan đến văn hóa cộng đồng Việt Nam, tạp chí Non Sông còn là nơi tiếp nối cho thế hệ trẻ giữ gìn văn hóa Việt, nên em muốn góp tay giữ tạp chí này tiếp tục tồn tại”.
Malissa nói rằng chính nhờ kinh nghiệm làm với tạp chí Non Sông giúp bạn có thêm kinh nghiệm kết nối với văn hóa Việt nhiều hơn. Trong tương lai, bạn vẫn tiếp tục giúp tờ báo này, và để hiểu hơn về văn hóa Việt, Malissa sẽ cố gắng tìm hiểu thêm qua sách vở bằng tiếng Anh.
Malissa nói thêm: “Hiện nay, khi đọc văn tiếng Việt, em chỉ đọc để hiểu nghĩa thôi, chứ không biết được bài văn đó hay hay là không hay. Em vẫn chưa thể đọc được những tờ báo Việt ngữ trong cộng đồng vì trình độ cao quá, em đọc rất vất vả, nhiều khi không hiểu rõ nghĩa chính xác”.
Malissa giải thích: “Bản thân em là chủ bút tờ Non Sông, nhưng không phải biên tập chính, những người biên tập chính là những người có kinh nghiệm tiếng Việt tốt hơn em. Em chỉ chú ý riêng về phần dấu chính tả tiếng Việt trong bài viết thôi, và xem qua phần viết tiếng Anh [tạp chí này có song ngữ], chứ không thể biên tập ngữ pháp và ngữ nghĩa bên tiếng Việt, do ngữ pháp tiếng Việt phức tạp quá, vốn tiếng Việt học 2 năm của em vẫn chưa thể làm được công việc đó. Trong tương lai, hy vọng em có cơ hội thực tập thêm tiếng Việt của mình bằng cách kết bạn Việt Nam chưa giỏi tiếng Anh để học tiếng Việt với bạn đó”.
Billy Vũ Lê, chủ tịch THSV, tốt nghiệp cử nhân đại học UCI với 2 chuyên khoa về sinh thái học xã hội và tội phạm học, luật pháp và xã hội, đã chia sẻ câu chuyện học tiếng Việt của mình: “Khi em đến Mỹ định cư lúc 8 tuổi, ba mẹ em bắt ở nhà phải nói tiếng Việt, nên dù em không đi học tiếng Việt tại trung tâm cuối tuần, em vẫn không quên tiếng Việt. Khi vào học tại UCI, em ghi danh lấy lớp tiếng Việt, và cũng nhờ học trong đại học, nên em mới biết thêm văn phạm, ngôn ngữ, cách viết đúng chính tả, nhờ vậy em nói tiếng Việt cũng khá hơn. Ngoài ra, em còn ghi danh học chương trình chuyên khoa nghiên cứu về người Á Châu và người Mỹ gốc Á tại đại học Cal State Long Beach, đã được du học 3 tuần tại Việt Nam do GS. Quyên Di hướng dẫn. Qua chuyến đi này em được tới những vùng quê tại Việt Nam, được trò chuyện với những người dân nơi đây, học được nhiều điều rất hay. Sau chuyến đi, em thấy tiếng Việt của em càng giỏi hơn trước. Hiện nay trong những lần sinh hoạt tại THSV, phần mở đầu bao giờ em cố gắng nói vài câu tiếng Việt với các bạn. Em nghĩ cuộc sống em sẽ khó khăn hơn rất nhiều, nếu em không thông thạo Việt ngữ. Không đối thoại được sẽ dễ gây hiểu lầm. Vì vậy em nghĩ điều quan trọng là mỗi bạn trẻ gốc Việt phải luôn luôn có ý muốn học tiếng Việt, và nếu có ý chí thì sẽ cố gắng học, dù nói không giỏi, nhưng mình luôn cố gắng thì sẽ luôn có những người khác sẵn lòng giúp đỡ. Cũng như chính em từng nhận được sự giúp đỡ từ nhiều người khác nhau, khi em tham gia vào những hoạt động cộng đồng khác nhau”.
Billy Lê ước mong trong tương lai có hội đoàn và ân nhân nào đó giúp Tổng Hội Sinh Viên có một trung tâm hoạt động cộng đồng, đó sẽ là nơi để các bạn trẻ Việt Nam đến sinh hoạt văn hóa và giữ gìn ngôn ngữ - văn hóa Việt… - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT