Sức Khỏe

Chuyện về hơi trong ruột

Friday, 19/05/2017 - 08:34:40

Nhưng khí có mùi nặng nhất phải kể đến là những hợp chất chứa sulfur, từ những thức ăn chứa nhiều sulfur như bông cải, trứng và thịt. Các loại đậu có thể làm ra rất nhiều hơi nhưng những hơi này lại không có mùi nặng bằng.

BS Nguyễn Thị Nhuận

Tôi đã nhận được không ít những câu hỏi như sau: “Sao em có nhiều hơi quá, cứ lùng bùng trong bụng và nhiều lúc phải xì ra, rất là ngượng. Có thuốc gì uống không?”

Những câu hỏi coi “đời thường” như vậy nhưng rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng ta. Hơi là một phó sản phẩm của việc tiêu hóa. Chúng ta làm ra hơi ngay từ lúc mới sinh ra và có thể vẫn còn làm ra hơi sau khi chết. Nhưng nhiều hơi quá sẽ gây ra những khó chịu: ợ, đầy hơi, bụng trướng, đánh rắm... Khi chúng ta ở những nơi quá cao, hơi sẽ nở ra thêm, đôi khi gây ra đau bụng. Do đó, vào những năm giữa thế kỷ 20, các nhà khoa học gia đã khảo cứu về hơi rất nhiều để tìm cách giảm lượng hơi của các phi hành gia hay phi công đang bay trong bầu khí quyển. Nhờ những khảo cứu này, chúng ta có được trả lời cho câu hỏi trên.

Tại sao hơi trong ruột có mùi?

99% hơi trong ruột gồm có những khí không mùi vẫn có chung quanh ta như nitrogen, oxygen, carbon dioxide, hydrogen và methane. Những khí như nitrogen, oxygen và carbon dioxide là từ không khí chúng ta nuốt vào khi ăn, uống, nhai gum hay hút thuốc. Những phản ứng hóa học trong bao tử cũng cho ra một ít khí cabon dioxide. Vi trùng trong ruột già thì làm ra khí hydrogen và methane bằng cách lên men những thức ăn không tiêu trong ruột .

Tuy nhiên, mùi đặc biệt của hơi trong ruột là do những khí có rất ít, ít hơn 1% lượng hơi này, làm ra. Khí hydrogen sulfide có mùi như trứng thối, khí methanethiol có mùi rau cải hư và khí dimethyl sulphide có mùi ngọt. Những khí này thường do vi trùng trong ruột làm ra.

Nhưng khí có mùi nặng nhất phải kể đến là những hợp chất chứa sulfur, từ những thức ăn chứa nhiều sulfur như bông cải, trứng và thịt. Các loại đậu có thể làm ra rất nhiều hơi nhưng những hơi này lại không có mùi nặng bằng.

Những loại thức ăn nào làm ra nhiều hơi?

Nước ngọt có hơi là một trong những thứ gây ra nhiều hơi nhất. Các thức ăn thuộc nhóm đường carbohydrate cũng gây ra nhiều hơi vì chúng chứa những đường không tiêu hóa được, chất tinh bột và chất sợi. Những chất đường này gồm có:

1. Raffinose: có trong đậu, bắp cải, mầm brussels, broccoli, măng tây và ngũ cốc nguyên hạt.

2. Lactose: có trong sữa và những thức ăn có sữa như cheese, cà rem, vài loại bánh mì, cereals, salad dressing... Một số người thiếu chất phân hóa tố lactase cần thiết để tiêu hóa chất sữa. Do đó những chất này không được tiêu hóa và bị lên men trong ruột tạo ra nhiều hơi. Những dân tộc Á Châu, Phi Châu và Da Đỏ dễ bị chứng thiếu lactase này.

3. Fructose: có trong hành, trái artisô, trái lê. Một vài loại nước ngọt hay thức ăn làm sẵn cũng có chứa chất đường này, rất khó tiêu.

4. Sorbitol: có trong trái táo, lê, đào, mận khô, vài loại thức ăn có đường hóa học, kẹo, gum. Chất đường này cũng rất khó tiêu.
Gạo là chất tinh bột duy nhất được hấp thụ hầu như hoàn toàn ở ruột non mà không xuống tới ruột già nên không bị lên men. Những loại tinh bột khác như khoai tây, bắp, nui, lúa mì, trái lại, là những thức gây ra lắm hơi. Những loại đồ ăn có chất sợi nhiều như đậu, lúa mạch, các loại trái cây... cũng làm ra nhiều hơi. Khi các nhà khảo cứu thử ăn phân nửa các bữa ăn là thịt heo và đậu, số lượng hơi của họ tăng lên gấp 10 lần.

Người nhiều, người ít

Một người lớn trung bình làm ra khoảng 3 lít hơi và “cho ra hơi” từ 14 tới 23 lần mỗi ngày. Người ăn chay, người hay uống nước ngọt soda, hay nhai gum và hút thuốc lá làm ra nhiều hơi hơn bình thường. Người hay ăn những thức ăn gây nhiều hơi cũng vậy.

Làm sao để giảm bớt hơi?

Có ba cách thông thường nhất: thay đổi cách ăn uống, tránh nuốt hơi nhiều và dùng thuốc.

1. Thay đổi cách ăn uống: Nếu bạn là người bị thiếu chất lactase như trên đã nói, bạn nên tránh ăn uống những thức có chứa chất sữa, thay vào đó nên uống thêm thuốc calcium. Giảm ăn những thức ăn gây ra nhiều hơi như đã kể trên một vài tuần. Triệu chứng của bạn sẽ giảm hay hết đi.

2. Nuốt ít hơi: Tránh ngậm kẹo hay nhai gum cũng như nước ngọt có hơi. Ngoài ra, nên tránh hút thuốc, vừa khỏe mạnh hơn vừa đỡ bị nhiều hơi.

3. Dùng thuốc:
Các loại thuốc chứa chất giảm acid và chất simethicone (một chất khiến các bong bóng hơi gộp lại thành một) như Mylanta, Di-Gel,... ít hiệu quả trong việc làm bớt hơi nhưng có thể giúp bạn ợ hơi từ bao tử ra. Những thứ thuốc khác có chứa chất charcoal cũng không có hiệu quả gì cho lắm. Có thể uống chất lactase (Lactaid hay Lactrase) để giúp tiêu hóa chất sữa. Ngoài ra chất phân hóa tố alpha-galactosidase (Beano) cũng có thể làm giảm hơi gây ra do đậu beans và những chất carbohydrate có chứa chất đường affinose (coi phần trên)

Làm sao giảm bớt mùi của hơi?

Thuốc mua tự do Pepto Bismol có thể làm giảm bớt mùi của chất hydrogen sulfide là mùi hôi nhất. Nhưng ta cũng không thể uống thuốc này quá một vài ngày vì chất bismuth tích tụ nhiều có thể gây nguy hiểm. Một cách khác thực tiễn hơn có thể là mang một loại quần lót có chứa chất activated charcoal có thể hấp thụ chất hơi.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nhiều hơi thường cũng không phải là triệu chứng của một bệnh gì nặng. Tuy nhiên nếu bạn có nhiều hơi lâu ngày, hoặc có thêm những triệu chứng đi kèm như ói, tiêu chảy, bón, xuống ký không do nhịn ăn hay tập thể dục, có máu trong phân, đau thực quản (heart burn), bạn nên đi gặp bác sĩ. Có quá nhiều hơi có thể là triệu chứng của một bệnh tiêu hóa khác như bệnh celiac, viêm bao tử, GERD, hoặc ruột bị nhậy cảm quá đáng (iritable bowel).

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT