Người Việt Khắp Nơi

Đại Lễ Phật Đản tại Chùa Điều Ngự và lễ đặt viên đá đầu tiên xây chùa

Quốc Hương/Viễn Đông Monday, 30/04/2012 - 10:25:06

Bóng tối không thể hiện hữu khi ánh sáng xuất hiện. Chúng ta cần thắp sáng trí giác để xóa sạch bóng tối vô minh.

Quốc Hương/Viễn Đông
WESTMINSTER - “Ngày Đản Sanh của Đức Phật là ngày ánh sáng chân lý xóa tan bóng tối vô minh để giải thoát chúng sinh ra khỏi vòng trầm luân thống khổ. Bằng trí giác vô thượng và lòng từ bi vô biên, Đức Phật đã khai thị vô số con đường mà đường nào cũng ngược lại vô minh, hận thù, khát ái và cuồng tín. Nếu ngày 30-4 là ngày của chết chóc và khổ đau thì Ngày Phật Đản là ngày của sự sống và giải thoát. Chống lại cộng sản chúng ta cần nói và làm ngược lại những gì cộng sản làm và nói. Cộng sản xem ngày 30-4 là ngày chiến thắng được tính bằng xác chết, tù tội, bất công và đen tối thì Ngày Phật Đản là ngày được thể hiện bằng tình thương, tự do, bình đẳng và trí tuệ. Bóng tối không thể hiện hữu khi ánh sáng xuất hiện. Chúng ta cần thắp sáng trí giác để xóa sạch bóng tối vô minh. Hận thù không thể có mặt khi từ bi hiện hữu. Chúng ta cần tăng trưởng tình thương để xóa tan thù hận. Chúng ta không thể để những thế lực vô minh tiếp tục vận dụng lòng hận thù, cuồng tín để tiêu diệt giống nòi. Chúng ta cũng không để các thế lực vô minh vọng động dâng đất, hiến biển cho ngoại bang và bức tử dân tộc, triệt tiêu tôn giáo bằng chính sách độc tài, bạo động. Đạo Phật là đạo của từ bi. Đạo Phật là đạo của hòa bình. Đạo Phật là đạo của trí tuệ. Bảo vệ Đạo Phật là bảo vệ nền hòa bình của thế giới nhân loại, là bảo lưu tuệ giác và lòng từ bi của con người. Với ý thức trong sáng ấy, Ngày Phật Đản là ngày nhắc nhở chúng ta sống đời sống Phật, một đời sống phạm hạnh, vị tha vô ngã, một đời sống chỉ cho và vì phúc lợi lâu dài của tha nhân chứ không vì quyền lợi của riêng mình. Đức Phật thị hiện không phải để thống trị con người mà để phục vụ và cứu độ con người, ý nghĩa phục vụ ở đây siêu vượt lên phạm trù tục đế. Đây là bức thông điệp sống động có giá trị vượt thời gian và không gian mà lịch sử 2636 năm đã minh chứng...”.


Rất đông chư tôn đức Tăng Ni và Phật tử tham dự Đại Lễ Phật Đản tại Chùa Điều Ngự ngày 29-4-2012 - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Đó là trích đoạn “Lá Thư Điều Ngự” đăng trong “Tạp Chí Điều Ngự - tiếng nói của chân lý, học thuật và nhân quyền” của Hòa Thuợng Thích Viên Lý, Viện Chủ Chùa Điều Ngự, Phó Viện Trưởng Viện Hóa Đạo, Chủ Tịch Hội Đồng Điều Hành Giáo Hội Phật Giáo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, từ Trụ Sở Trung Ương Văn Phòng II Viện Hóa Đạo cũng là Chùa Điều Ngự. Văn Phòng II Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ đã long trọng tổ chức Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2556 tại Trụ Sở Trung Ương Chùa Điều Ngự từ ngày 27 đến 29-4-2012 với diễn văn khai mạc của Hòa Thượng Thích Viên Lý. Vào ngày 29-4-2012 là ngày Chánh Lễ Khánh Đản Phật Lịch 2556 cũng là ngày làm Lễ Đặt Viên Đá Để Xây Dựng Ngôi Chùa Điều Ngự mới.
Hòa Thượng Thích Chánh Lạc, Phó Viện Truởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Chủ Tịch Văn Phòng II Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ, ban đạo từ cũng nhắc nhở lời Phật dạy: “Ta là Phật đã thành, chúng sanh là Phật sẽ thành” và Ngài cũng chỉ dạy rằng: “Hằng năm, mọi người con Phật trên khắp năm châu đều trang trọng cử hành Đại Lễ Phật Đản để vừa thành tâm tưởng niệm công hạnh cứu khổ độ sanh sâu dày của bậc Đại Giác nhưng đồng thời cũng để thắp sáng ý thức tu học và phụng sự của tứ chúng Phật tử. Đại lễ Phật Đản chung của Văn Phòng II Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất Hải Ngoại Tại Hoa Kỳ cũng trong tinh thần như thế”.


Những viên gạch đầu tiên xây Chùa Điều Ngự - ảnh: Nguyễn Văn Liêm/Viễn Đông

Thông Tư Đại Lễ Phật Đản Phật Lịch 2556 từ Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Phật Giáo Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất do Hòa Thượng Thích Như Đạt, Phó Viện Trưởng kiêm Tổng Vụ Trưởng Tổng Vụ Tăng Sự thay mặt Viện Trưởng Viện Hóa Đạo Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất gởi ra cũng có đoạn: “Trên 2500 năm đã trôi qua, vì nghiệp lực của chúng sanh, bao nhiêu chủ thuyết ra đời, bao nhiêu cuồng vọng ý thức hệ đã đưa nhân loại vào hoang tàn đổ nát cả tinh thần lẫn vật chất, riêng Đạo Phật vẫn là suối nguồn từ bi và trí tuệ xoa dịu mọi khổ đau của thế gian. Chính vì thế mà Liên Hiệp Quốc đã vinh danh ngày Đản Sinh của Đức Phật là ngày tịnh hóa nhân gian. Như một cơn lốc thời đại, vạn vật đang nằm trên chảo lửa chiến tranh, âm ỉ từ Châu Phi, qua Trung Đông và tràn đến Châu Á Thái Bình Dương, trong đó Việt Nam đang đối diện với ngàn năm nô lệ Bắc phương. Ý thức được điều đó, nhân mùa Phật Đản năm nay, Viện Hóa Đạo Giáo Hội Việt Nam Thống Nhất lấy phương châm thượng báo Tứ Trọng Ân nhằm góp phần hóa giải đại nạn của dân tộc”.
Đại lễ cũng đặc biệt có Thông Điệp Phật Đản Phật Lịch 2556 của Đức Đệ Ngũ Tăng Thống Thích Quảng Độ:
“Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Kính bạch Chư Tôn Đức Giáo Phẩm, Hòa Thượng, Thượng Tọa, Đại Đức Tăng Ni,
Thưa toàn thể quý liệt vị cư sĩ thiện tri thức, nam nữ Phật tử trong và ngoài nước,
Nhân danh Hội Đồng Lưỡng Viện, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, tôi hoan hỉ gởi lời chúc mừng đến toàn thể chư tôn đức và đồng bào Phật tử trong và ngoài nước nhân ngày Khánh Đản của Đức Điều Ngự Như Lai. Diễm phúc lớn của nhân sinh là được chào đón Ngày Phật Đản, vì kể từ ngày ấy, nhân loại biết được phương pháp diệt trừ vô minh, nguyên nhân của mọi khổ đau, để bước lên đường giác ngộ, giải thoát. Người Phật tử Việt Nam đã hai nghìn lần Mừng Phật Đản kể từ khi đạo Phật du nhập nước ta. Hai nghìn lần hòa quyện đức từ bi, trí tuệ và vô úy làm nền tảng dựng lập văn hiến Việt Nam. Nhờ lòng từ bi cao cả mà không chán khổ sinh tử, không xa lánh chúng hữu tình, mang trách nhiệm lợi sinh, sống trong sự đền ơn đáp trả tứ trọng ân: ân cha mẹ, ân thầy bạn, ân quốc gia xã hội, và ân tam bảo. Nhờ trí tuệ bát nhã mà biết phân biệt thiện ác, chính tà, bước lên con đường Phật. Nhờ vô úy mà không ngại gian nguy, đơn độc, đem nghiệp lực giác ngộ của mình xoay chuyển cộng nghiệp si mê, thống khổ, xấu xa của nhân thế. Lịch sử Phật Giáo Việt Nam là quá trình người Phật tử Việt thực hiện ba yếu tính từ bi, trí tuệ và vô uý. Không lấy cá nhân, tư kỷ làm gốc, mà lấy nhân quần, xã hội, mọi loài chúng sinh làm tiêu đích giải thoát, giác ngộ. Cho nên khi gặp phải các triều chính hay chế độ hư hèn, hủy báng chánh pháp, khi đối diện các thế lực xâm lược chủ quyền dân tộc hay xâm phạm tư tưởng con người, thì người Phật tử Việt luôn đi đầu trong việc ngăn chặn đại nạn xảy ra. Du nhập từ nước ngoài, nhưng đạo Phật đa hòa đồng cùng dân tộc trong đời sống truyền thống cũng như tín ngưỡng tâm linh, trở thành một tôn giáo của đất nước, đem tinh thần bình đẳng, tự do làm đê chắn các giai cấp chuyên chế. Có thể nói Phật Giáo làm nền tảng cho xã hội sinh hoạt đồng bộ trên các lĩnh vực đạo đức, văn hóa, kinh tế, chính trị nhằm phát triển con người và quốc gia. Người Phật tử không thể tách lìa vận mệnh dân tộc, vận mệnh thế giới với vận mệnh chánh phap. Không có chánh pháp thì thế gian này còn tiếp tục sử dụng năng lực hữu hạn cung cấp cho những dục vọng vô cùng, nhằm đánh đổ đạo đức và thủ tiêu liêm sỉ. Ba mươi bảy năm qua, tính theo con số biết được trong nền thông tin bưng bít một chiều, đã có hai mươi hai Tăng Ni, Phật tử tự thiêu không ngoài mục đích bảo vệ chánh pháp. Gợi lại hình ảnh đau thương này, tôi muốn nhắc nhở đến ngôi vị Bồ Tát trong lòng người con Phật để kiên trì với sự nghiệp đại thệ nguyện và đức hoá đại từ bi, đồng thời hiến dâng lên Đức Thế Tôn trong ngày Khánh Đản những hy sinh và nỗ lực của Phật tử Việt Nam. Để từ đây, trong những năm tháng tới, nguời Phật tử biết mình phải làm gì trong việc xem hoằng pháp như chuyện nhà, việc lợi sinh như chức nghiệp. Nhờ vậy, mới mong cứu độ cho những xác thân không làm nô lệ cho thế sự, tinh thần thôi làm tôi mọi cho cuồng tín. Phật tử là người co thọ mạng hai nghìn năm Phật Giáo, một trữ lượng cứu khổ trừ nguy vô cùng tận. Và Phật Đản là ngày ý thức lại thọ mạng lâu dài này. Phật Giáo Việt Nam có đóng góp gì hay không, chỉ những ai thực hiện được những gì Phật Giáo thực hiện suốt Phật Lịch 2556 năm mới có thể trả lời chân xác câu hỏi ấy. Bằng cách đó, mà người Phật tử Việt Nam giữ gìn lòng tin tưởng của mình vào chánh pháp, vào trách nhiệm cứu khổ trừ nguy giữa thời đại nhiễu nhương, đen tối và bạo động hôm nay. Tôi xin kêu gọi chư liệt vị tôn túc cùng toàn thể Phật giáo đồ trong và ngoài nước hãy đón Phật vào lòng và trang nghiêm cử hành đại lễ”.
Từ Thanh Minh Thiền Viện ở Sài Gòn, Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ vào ngày 27-2-2012 cũng vừa viết 3 bức thư gửi đến Tổng Thống Hoa Kỳ Barack Obama, Ngoại Trưởng Hillary Clinton, và Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner và nhờ Phòng Thông Tin Phật Giáo Quốc Tế chuyển đạt tới nơi, đều có nội dung tương tự trong việc can thiệp cho Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ-VOA không bị cắt bỏ do ngân sách thiếu hụt đồng thời thỉnh cầu sự quan tâm và quả quyết của Hoa Kỳ trong vấn đề tự do tôn giáo, nhân quyền, dân chủ tại Việt Nam; đặc biệt nói lên hoàn cảnh bức thiết của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất.
Đại Lễ có sự tham dự phát biểu của Tiến Sĩ Đại Sứ Anada Ruguge, các vị dân cử như Thuợng Nghị Sĩ Lou Correa, Phó Thị Trưởng Tạ Đức Trí và Hội Đồng Thành Phố Westminster... đã trao bằng tưởng lục đến Hòa Thượng Thích Viên Lý. Đông đảo Phật Tử đã đến tham dự, trong đó như có MC Ỷ Lan, Giáo Sư Võ Văn Ái đến từ Pháp cũng có đề tài thuyết trình trong dịp Đại Lễ Phật Đản... Ban thiết kế Chùa Điều Ngự có Kiến Trúc Sư Lê Diệp, Kiến Trúc Sư Phạm Âm, Kiến Trúc Sư Vũ Đình Tạo và Kỹ Sư Phạm Ngọc Lân.

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT