Người Việt Khắp Nơi

Dân Tây Tạng âm thầm mừng sinh nhật Đạt Lai Lạt Ma

Sunday, 07/07/2013 - 10:07:29

Các giới chức cũng đã thảo luận về chuyện có thể chấm dứt việc ép buộc người Tây Tạng phải tố cáo Đạt Lai Lạt Ma, cũng như về chuyện có thể giảm bớt sự hiện diện của công an tại các tu viện.


CHABCHA, Trung Quốc – Các đường phố của huyện Chabcha ở mạn tây tỉnh Thanh Hải vẫn yên tĩnh vào ngày thứ Bảy vừa qua, khi các tăng sĩ Tây Tạng lặng lẽ kỷ niệm sinh nhật của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong nhà. Họ đề cao cảnh giác rằng bất cứ hình thức ăn mừng công khai nào cũng có thể gây nguy hiểm cho họ mặc dù nhà cầm quyền Trung Quốc đang thử một đường lối mềm mỏng hơn đối với Tây Tạng.
Dân Tây Tạng ở Trung Quốc luôn luôn phải tránh tổ chức những nghi lễ công cộng kính dâng nhà lãnh đạo tinh thần 78 tuổi lưu vong của họ, nhân vật mà Bắc Kinh đã tố cáo là “chó sói đội lốt nhà nhà sư.”
Nhưng sắp đến dịp kỷ niệm năm nay, nhà cầm quyền tỉnh Thanh Hải đã thảo luận về những đề nghị giảm bớt các biện pháp hạn chế, bao gồm chuyện cho phép dân chúng Tây Tạng công khai trưng bày hình ảnh của Đạt Lai Lạt Ma, theo tổ chức Chiến Dịch Quốc Tế Vì Tây Tạng cho biết.
Tuy nhiên, vào hôm thứ Bảy, không có dấu hiệu của bất kỳ hình thức chúc mừng nào, thậm chí nhiều người Tây Tạng bình thường cũng chẳng biết hôm 6/7 vừa qua là ngày sinh nhật của Đức Đạt Lai Lạt Ma.
Tại tu viện Kumbum gần Tây Ninh, thủ phủ của Thanh Hải, các nhà sư đã cầu nguyện trong một căn phòng bên cạnh một phòng khác được xây để làm nơi kính nhớ Đức Đạt Lai Lạt Ma, có trưng bức ảnh của ngài.
Nhà sư Khedroob, 40 tuổi, ở tu viện Kumbum, nói, “Chúng tôi sẽ mừng sinh nhật của ngài một cách riêng tư trong nhà chúng tôi, nhưng chúng tôi sẽ không bao giờ làm điều đó ở nơi công cộng. Tuy nhiên chúng tôi không cần phải chờ đợi một ngày đặc biệt để mừng kỷ niệm, vì ngày nào chúng tôi cũng mừng cả mà.”
Sư Khedroob cho biết ông đã nhận được một bản tin nhắn trên máy điện thoại di động của mình, nói rằng nhà chức trách tỉnh Thanh Hải đã thảo luận cho phép người Tây Tạng được trưng bày hình ảnh của Đạt Lai Lạt Ma, nhưng nói thêm ông không biết có nên tin điều đó hay không.
Các giới chức cũng đã thảo luận về chuyện có thể chấm dứt việc ép buộc người Tây Tạng phải tố cáo Đạt Lai Lạt Ma, cũng như về chuyện có thể giảm bớt sự hiện diện của công an tại các tu viện.
Bản tin ấy làm cho người ta suy đoán rằng nhà chức trách đang dự tính nới lỏng những biện pháp hạn chế tôn giáo ở các khu vực cư trú của dân Tây Tạng tại Trung Quốc.
Sự phỏng đoán đã được thúc đẩy một phần bởi một bài luận văn do bởi một học giả từ Trường Đảng Trung Ương viết, nói rằng Trung Quốc có thể làm một số bước tiến tới việc nối lại những cuộc đàm phán với các đại diện của Đức Đạt Lai Lạt Ma, sau khi các cuộc thương thảo này bị phá vỡ trong năm 2010. Bài luận ấy đã đem hy vọng lại cho các nhà quan sát đang tìm kiếm những dấu hiệu của sự thay đổi từ Chủ Tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, mới lên nhậm chức trong tháng 3 năm nay.
Cơ quan Tôn Giáo Vụ Trung Quốc phủ nhận chuyện chính phủ đang thay đổi chính sách của mình đối với Đạt Lai Lạt Ma. Cơ quan này cho biết rằng Đạt Lai Lạt Ma đã từ bỏ lập trường của ngài về vấn đề đòi độc lập cho Tây Tạng.
Đức Đạt Lai Lạt Ma đã rời khỏi Trung Quốc vào năm 1959, sau một cuộc nổi dậy bất thành chống Trung Quốc. Bắc Kinh coi ngài là một kẻ ly khai bạo động. Đức Đạt Lai Lạt Ma đang sống lưu vong tại Ấn Độ, nói rằng ngài chỉ tìm kiếm quyền tự chủ lớn hơn cho quê hương Tây Tạng của ngài trong vùng Hi Mã Lạp Sơn.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT