Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đêm độc diễn dương cầm của Văn Hùng Cường tại VAALA

Friday, 20/12/2013 - 11:57:41

Tôi hy vọng trong tương lai, sẽ có thêm nhiều cơ hội biểu diễn tại quận Cam trong những chương trình qui mô hơn”.

Bài và hình: Băng Huyền/ Viễn Đông

Tối thứ Bảy, 14-12-2013 tuần qua, tại trụ sở của hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ (VAALA) đã diễn ra một đêm nhạc độc tấu dương cầm thật thân mật, cảm động, tạo ấn tượng với phần biểu diễn của Văn Hùng Cường (từ Virginia), dương cầm thủ từng đoạt giải nhất trong cuộc thi Dương Cầm Thế Giới (The World Piano Competition - WPC) lần thứ 45 của tổ chức AMSA (American Music Scholaship Association) tại New York.
Chương trình còn có phần vinh danh trao tặng tấm plaque của hội VAALA cho Giáo sư Lê Văn Khoa. (Ông Khoa từng là cựu thành viên của hội đồng quản trị VAALA vào những năm đầu thập niên 1990) với những đóng góp to lớn của ông cho nghệ thuật, đã đem lại nhiều tự hào cho người Việt tại Hoa Kỳ và trên thế giới.
Đêm diễn này còn là buổi gây quỹ hàng năm của VAALA cho các chương trình văn hóa nghệ thuật Việt Nam tại Hoa Kỳ và ban tổ chức cũng đã trao tặng tấm plaque cho ông Doug McKay, District Grand Manager của Macy, để ghi nhận những hỗ trợ liên tục trong nhiều năm qua của công ty cho các chương trình của VAALA.



                                             Nhạc sĩ Lê Văn Khoa được Hội VAALA vinh danh

Tiếng đàn tuyệt diệu qua những tác phẩm cổ điển tột đỉnh

Tiếng đàn sâu lắng, day dứt nhưng rất mãnh liệt của "10 ngón tay ma thuật" rung động lòng người của dương cầm thủ Văn Hùng Cường đã mở đầu cho phần biểu diễn của mình bằng một tác phẩm với vẻ đẹp thuần khiết, thánh thiện của chủ nghĩa cổ điển “Prelude in B minor, BMV 855a” của nhà soạn nhạc người Đức Johann Sebastian Bach, người đã có những đóng góp to lớn cho kho tàng âm nhạc của nhân loại, đã tạo nên bước ngoặt quan trọng của lịch sử âm nhạc phương Tây, đánh dấu sự phát triển đỉnh cao của thời kì âm nhạc Baroque và mang trong mình những mầm mống đầu tiên của một thời kì mới đầy sức sống và hơi thở của thời đại, thời kì Cổ điển và Lãng mạn sau này.
Những ngón tay của Văn Hùng Cường lướt trên phím đàn, những âm thanh bay cao, khi trầm lắng nhẹ nhàng, khi lại ào lên như những ngọn sóng cứ dâng cao, cao mãi. Anh như thả hồn theo tiếng nhạc và tâm hồn những người nghe dường như cũng bay lên cùng với tiếng đàn của anh qua tác phẩm vừa cân đối, vững chãi, hài hòa, thanh thoát và tuyệt mỹ, vừa mang màu sắc ấm áp, lại vừa tinh xảo, uyển chuyển với những thủ pháp đối âm, phức điệu, ẩn chứa những quy luật đẹp đến kỳ lạ của toán học và kết cấu trong nghệ thuật trang trí baroque.



                                                        Văn Hùng Cường đang biểu diễn


Qua đến tuyệt phẩm của âm nhạc cổ điển “Sonata quasi una Fantasia” (là bản sonata viết cho Piano op. 27 No. 2 ở cung Đô thăng thứ, được mọi người biết đến với cái tên là Moonlight Sonate) của nhà soạn nhạc thiên tài người Đức Ludwig van Beethoven, là người đã phát triển chủ nghĩa cổ điển đến đỉnh cao và cũng được xem là người bắc cầu cho chủ nghĩa lãng mạn trong âm nhạc, tiếng đàn của Văn Hùng Cường đã dìu cảm xúc của khán giả vào mê cung của âm thanh đầy ma mị, quyến rũ và có sức hút mãnh liệt.
Anh thật điêu luyện khi đưa khán giả vào một thế giới âm nhạc cổ điển đầy bay bổng và lãng mạn, với những âm điệu khoan thai, trầm tĩnh, những hợp âm rải sâu lắng, sau đó lắng dần với nỗi buồn day dứt, đưa người nghe vào thế giới của hồi ức, rồi cũng thật nhẹ nhàng, mềm mại, thơ mộng để sang chương kết hùng dũng và kiêu hãnh, vang lên trong những dòng thác âm thanh, thể hiện thế giới sôi động của tâm hồn con người.


                        Văn Hùng Cường chụp lưu niệm cùng vợ chồng giáo sư Lê Văn Khoa- Ngọc Hà


Để vinh danh giáo sư Lê Văn Khoa, trong chương trình, Văn Hùng Cường đã chọn trình tấu tiểu phẩm Con Chuồn Chuồn (The Dragonfly) là một sáng tác của nhà soạn nhạc tài hoa này, anh cho biết lý do chọn “Con Chuồn Chuồn” vì tiểu phẩm này có giai điệu ngũ cung Việt Nam, dầu chỉ có sáu nốt giản dị, nhưng tác phẩm thật thanh thoát, tuôn chảy, bay lượn và rất tinh tế, đầy gợi cảm, và ngón đàn của anh đã phô diễn khá trọn vẹn vẻ đẹp của tác phẩm.
Thế giới âm nhạc của nhà soạn nhạc vĩ đại người Ba Lan Frédéric François Chopin cùng với những tác phẩm tâm đắc của dương Cầm Thủ Văn Hùng Cường trong đêm diễn No. 7 “Cello” in C-sharp minor, No.11 “Winter Wind” in A Minor, No.12 “Ocean” in C minor, Nocturne in B -Flat minor.... tràn ngập tính trữ tình, thi ca và lãng mạn, nhưng cũng đầy kịch tính.
Người nghe có thể nhận thấy Văn Hùng Cường thật đa năng khi thể hiện một cách điêu luyện nhiều tính cách trong nghệ thuật biểu diễn của mình. Từ những bài hùng mạnh như Polonaise; những bài mơ màng, êm ái như các Nocturne; vui tươi, thanh thoát như các valse; Những hợp âm mạnh vang rền như tiếng sấm, những notes cao và nhẹ nghe như gió thoảng lướt trên đầu các khóm trúc.
Lên tới đỉnh điểm, âm thanh như sóng biển dâng trào với một sức mạnh khủng khiếp không gì ngăn cản nổi. Các đoạn chạy, dù là rất nhẹ, long lanh như giọt sương, như thủ thỉ vào tai, ân cần, lả lướt, bay bướm. Âm nhạc Chopin trong cách trình bày của Văn Hùng Cường hiện lên đầy tương phản, giàu độ chuyển sắc, và huyền bí. Cả khán phòng mênh mông chìm vào im lặng, không tiếng ho, tiếng sột soạt, thậm chí cả tiếng thở. Hình như tất cả khán giả cùng nín thở khi tiếng đàn của anh tấu lên.
Và với Melody from Orpheus của C.W.Gluck – G. Gambati, Spanish Rhapsody của F Liszt và phần tặng thêm cho khán giả 3 tác phẩm “Valse Brillante”, “Tristess”, “Fantasy Impromptu” của Frédéric Chopin qua tiếng đàn, anh đã thể hiện được nhiều "màu" khác nhau ở mỗi âm vực của đàn piano, ở mỗi bè của tác phẩm, đó cũng là điều chứng tỏ đẳng cấp của một người nghệ sĩ tài hoa.
Dù ở thể loại nào, tác giả nào, anh cũng cho khán giả chiêm ngưỡng một trình độ điêu luyện, mọi kỹ thuật được xử lý rất nhẹ nhàng, tinh tế. Tiếng đàn của anh đã đánh thức trong người nghe những tình cảm cao đẹp và đem lại những phút giây thư thái trong tâm hồn. Những tiếng vỗ tay nổi lên không dứt, buổi biểu diễn kết thúc trong sự tiếc nuối và không hề muốn chia tay của khán giả với Văn Hùng Cường, anh bước vào trong rồi lại ra chào khán giả nhiều lần, nhưng mọi người dường như luyến tiếc chưa muốn ra về, dẫu đã được anh tặng thêm 3 tác phẩm ngoài chương trình.

Những điều chưa hoàn hảo

Chỉ tiếc một điều đêm nhạc có lẽ sẽ hoàn hảo hơn nếu anh được trình tấu trong một khán phòng hòa nhạc “chuyên nghiệp,” với cây đàn piano “chuyên nghiệp,” thì hẳn anh và khán giả sẽ cảm thấy hài lòng hơn với sự xuất hiện của anh trong lần tái ngộ lại với khán giả quận Cam sau nhiều năm.
Văn Hùng Cường tâm sự với người viết sau đêm diễn: “Tôi thường biểu diễn nhạc Chopin rất nhiều lần, nhưng tôi thấy hôm nay tôi không hài lòng lắm trong phần trình tấu của mình, vì khán phòng đêm nay không phải là phòng hòa nhạc đúng chuẩn, nên có những âm thanh bị mất, và tôi cũng khó điều khiển được cây đàn. Tuy nhiên trước tình cảm mà khán giả dành cho mình, tôi rất cảm động. Vì đây là chương trình gây quỹ cho Hội VAALA, nên tôi cũng muốn đóng góp với hội qua những hoạt động ý nghĩa mà hội đã làm bấy lâu nay. Tôi hy vọng trong tương lai, sẽ có thêm nhiều cơ hội biểu diễn tại quận Cam trong những chương trình qui mô hơn”.
Trong tâm tình cảm động, giáo sư Lê Văn Khoa đã chia sẻ: “Tôi rất vui được tham dự chương trình hôm nay, đó là một việc làm rất tốt của các anh em trẻ của hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ VAALA. Tôi ước ao cộng đồng của mình sẽ có những chương trình như vậy thường xuyên hơn để dân chúng làm quen với nhạc không lời, bởi vì khi nghe nhạc không lời, chúng ta sẽ đặt tâm hồn mình vào đó, không căn cứ nơi ngôn từ, mà chỉ có âm thanh, nên phải tập nghe quen, mới hiểu được, và khi đã hiểu được, thì mình sẽ thấy xúc động và yêu thích. Tôi rất vui vì thấy trong cộng đồng người Việt của mình có những người trẻ rất giỏi như Văn Hùng Cường, đó là điều rất mừng, và tôi ước mong sẽ có thêm nhiều người tài trong nhiều ngành hơn nữa thì cộng đồng mình mới tiến lên được.”

Vài nét về dương cầm thủ Văn Hùng Cường

“Văn Hùng Cường sinh năm 1972, định cư tại Hoa Kỳ năm 1998 cùng với gia đình, con út của cựu Đại úy Bác sĩ Quân y Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Văn Tần và bà Hồng Hà. Hiện anh đang sống ở tại thành phố Cleveland, tiểu bang Ohio. Anh đã tranh tài cùng với 130 danh cầm của 23 quốc gia. Anh đã đoạt giải nhất với danh hiệu "Nghệ Sĩ Biểu Diễn Piano Hay Nhất Thế Giới" qua nghệ thuật trình tấu tác phẩm Concerto No.5, Op.73, của Beethoven. Văn Hùng Cường còn được mời tham gia chương trình hòa nhạc tại Trung tâm Lincoln (Lincoln Center) ở New York, đây là một vinh dự to lớn cho bất cứ nhà nghệ sĩ nào.
Văn Hùng Cường theo học Dương Cầm từ lúc 6 tuổi, năm 1983 vào học tại Nhạc viện Sàigòn. Giải thưởng âm nhạc đầu tiên đến với Văn Hùng Cường là giải tư trong cuộc thi âm nhạc mùa thu lần 1 năm 1990. Khi đang học năm thứ 2 tại nhạc viện Sàigòn thì Văn Hùng Cường thi đỗ vào Nhạc Viện Quốc Gia Tchaikovsky tại Matxcova, nhưng không được nhà cầm quyền cấp học bổng.
Gia đình quyết định cho Văn Hùng Cường theo học tại Nhạc Viện Tchaikovsky (1992) bằng phương tiện tự túc. Văn Hùng Cường tốt nghiệp văn bằng Cao Học Âm Nhạc (Master of Music) vào tháng 5-1998 dưới sự hướng dẫn đặc biệt của Giáo sư V. Merzhanov cùng hai phụ giảng A. Mudoyants và I. Didenko.
Tháng 9 năm 1998, Văn Hùng Cường thắng giải Quarter Finalist tại cuộc thi quốc tế Cleveland và nhận được học bổng theo học chương trình đào tạo nghệ sĩ biểu diễn hậu đại học tại The Cleveland Institute of Music. Nơi đây, Cường được sự hướng dẫn của Giáo sư Paul Schenly, trưởng khoa Dương Cầm của nhạc viện.
Năm 2000, Cường nhận giải Frina Awerbuch tại New York và được biểu diễn ở Carnegie Recital Hall tháng 11 năm 2000 (đây là phòng hòa nhạc danh tiếng nhất thế giới). Năm nay (2001), Cường sẽ biểu diễn chương trình cá nhân (recitals) tại New York, Washington, D.C. (Philips collection), Cleveland và Knoxville, Tennessee (University of Tennessee). Cường đã thu thanh với Radio station New York (Young artist features on WQXR), Washington, D.C. và Cleveland (WCLV). ..” (bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT