Hôn Nhân, Cuộc Sống

Đừng vô tình phá hủy lòng tự trọng của trẻ con

Tuesday, 14/11/2017 - 12:00:38

Một hôm, sau giờ học đàn của con, cô giáo gặp tôi, hỏi, “Cu cậu dạo này tiến bộ lên hẳn, chắc chị đã bắt cháu phải tập luyện rất nhiều?”

Bài ĐOAN TRANG

“Mẹ ơi, con bắt đầu chơi một bản nhạc nè, mẹ sẽ ngồi bên cạnh con chứ?” con trai út của tôi hỏi.
Vẫn biết con chơi đàn chưa bao giờ tốt, thậm chí còn bị cô giáo dạy đàn chê là “không có năng khiếu,” nhưng khi con muốn, tôi vẫn bước đến và ngồi xuống ghế bên cạnh con, trước chiếc đàn piano. Một nụ cười rạng rỡ hiện lên trên khuôn mặt con trai. Cậu bé bắt đầu dạo đàn, rồi hát, và rất hứng khởi, thích thú khi có tôi ngồi bên.


Thay vì la mắng, cha mẹ hãy chỉ con cách sửa chữa và chịu trách nhiệm về hành động của chúng. (Getty Images)

Tiếng đàn rời rạc, vụng về của con khiến tôi bắt đầu chán nản. Nhưng tôi cố gắng luôn nở nụ cười trên môi, ngồi im lắng nghe ra điều đang thưởng thức tiếng đàn của con. Khi con dừng, tôi lại nói khích lệ tinh thần, “Bài này khó đấy, nhưng con đàn tốt lắm, tiếp đi con!” mắt cậu bé lại sáng lên, và tiếp tục một bản nhạc khác.

Một hôm, sau giờ học đàn của con, cô giáo gặp tôi, hỏi, “Cu cậu dạo này tiến bộ lên hẳn, chắc chị đã bắt cháu phải tập luyện rất nhiều?”

Tôi cười, trả lời, “Không, tôi chỉ khích lệ cháu mà thôi!”
Khi con bạn làm một việc gì đó không được dễ dàng, ví dụ như học thuộc một bản nhạc, vẽ một bức tranh, hay đơn giản hơn là gấp một chiếc máy bay mà bạn đã dạy đi dạy lại đến vài lần,... thì phản ứng đầu tiên của bạn có lẽ sẽ là câu nói, “Dễ thế mà sao con không thể làm được nhỉ?”. Nhưng hãy thử nghĩ xem liệu câu nói kia sẽ khích lệ con hay gây ra cảm giác chán nản khiến trẻ mất dần đi lòng tự trọng của mình. Chọn lựa thuộc về bạn.

Ai cũng muốn con cái lớn lên tự tin và có thể làm được mọi việc nhưng đôi khi, những hành động vô tình dưới đây của cha mẹ có thể dẫn tới những phản ứng trái ngược hoàn toàn.
Nói với con, “Việc này dễ mà.”

Khi bọn trẻ đang phải cố gắng để làm một việc gì đó, có thể việc đó đơn giản đối với những người trưởng thành ở độ tuổi 20, 30 nhưng chắc chắn đây không phải là điều dễ dàng với một đứa trẻ nhỏ. Lúc bạn nói với con “Việc này dễ mà, con có thể làm điều đó,” bạn cho rằng mình đang cố gắng để khuyến khích và thúc đẩy con, nhưng nó lại gây ra cho đứa trẻ suy nghĩ “Chắc có điều gì đó với mình vì mình không hề thấy nó dễ một chút nào.”

Câu nói trên của cha mẹ đã vô tình gây cho con cảm giác chán nản và muốn bỏ cuộc. Nó làm giảm lòng tự trọng của con trẻ. Vì vậy, hãy thử nói một câu khác, ví dụ như “Cái này có vẻ khó đấy.” Và sau đó, nếu bọn trẻ hoàn thành công việc, chúng sẽ tự hào mà cho rằng mình đã vượt qua được một thử thách rất khó. Còn nếu chúng không thể làm được, ít nhất chúng cũng biết rằng từ đầu đây đã là một việc khó. Cách tiếp cận này làm giúp trẻ tăng cảm xúc về giá trị bản thân mình.

Bạn làm quá nhiều cho con

Con bạn muốn tự làm công việc của mình, điều này mang đến cho chúng cảm giác về sự thành công và giúp chúng thấy mình có ích, có khả năng. Bạn có thể cho rằng, khi giúp đỡ con tức là bạn đang cho con thấy tình yêu bạn dành cho chúng, nhưng thực chất bạn lại đang vô tình cướp đi cơ hội để bọn trẻ học hỏi kỹ năng sống và sự hài lòng của cảm giác làm việc độc lập. Bạn đang gửi đến cho con mình một thông điệp ẩn, “Con không có khả năng.”

Thay vì làm quá nhiều cho lũ trẻ, cha mẹ hãy giúp chúng chia nhỏ công việc trẻ đang thực hiện thành nhiều công việc thân thiện hơn và thích hợp hơn với độ tuổi của trẻ. Cách làm này sẽ mang đến cho con trẻ cơ hội tự hài lòng khi mình đã hoàn thành xong công việc bố mẹ giao và lòng tự trọng của con cũng vì thế mà được tăng lên.

Tránh để trẻ phạm sai lầm

Sai lầm là một phần của cuộc sống. Tất cả mọi người, mọi độ tuổi đều mắc sai lầm. Bạn có thể cảm thấy bạn cần phải giải cứu những đứa con yêu quý của mình khỏi việc mắc sai lầm hay giúp chúng tránh mắc sai lầm. Điều này không hề giúp đỡ chúng một chút nào, mà ngược lại, nó sẽ khiến lũ trẻ dễ bị tổn thương hơn trong cuộc sống về sau.

Con bạn sẽ phạm sai lầm, giống như bất kỳ đứa trẻ nào khác trên thế giới, và cách bạn phản ứng lại việc này hoặc sẽ giúp bọn trẻ học hỏi và lớn lên từ những sai lầm của chúng hoặc sẽ dạy chúng rằng mắc sai lầm là một việc tồi tệ. Sai lầm gây ra những hậu quả có thể rất đau đớn, nhưng chúng có thể tạo ra sự phát triển tuyệt vời cho lũ trẻ nếu biết cách xử lý lành mạnh. Đừng cướp của bọn trẻ cơ hội được học cách đứng lên, thừa nhận lỗi, sửa chữa lỗi và cảm thấy tự hào về bản thân.

Thay vì la mắng khi con trẻ phạm lỗi hoặc tìm cách giúp trẻ tránh phạm sai lầm, các bậc làm cha mẹ hãy học cách dạy con thế nào để sửa chữa và chịu trách nhiệm về hành động của mình. Điều này thúc đẩy quan điểm lành mạnh về sai lầm và cho phép lũ trẻ cảm thấy vui vì được là chính mình chứ không phải một “đứa trẻ hoàn hảo” nào đó.

Tránh được những điều trên, cũng là phương thức giáo dục tốt để giúp trẻ nâng cao lòng tự trọng – một trong những đức tính tốt không thể thiếu ở những con người trường thành sau này.
(Theo Familyshare)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT