Thể Thao

Giã từ Rio, hẹn nhau ở Tokyo, và trận đô vật kỳ lạ ngày cuối Thế Vận Hội

Monday, 22/08/2016 - 09:18:22

Ikhtiyor Navrozov người Uzbekistan, áo xanh, và Mandakhnaran Ganzorig người xứ Mông Cổ, áo đỏ, trong trận đô vật theo thể tự do, tranh huy chương đồng. (Laurence Griffiths/ Getty ...


Ikhtiyor Navrozov người Uzbekistan, áo xanh, và Mandakhnaran Ganzorig người xứ Mông Cổ, áo đỏ, trong trận đô vật theo thể tự do, tranh huy chương đồng. (Laurence Griffiths/ Getty Images)


Hai huấn luyện viên của Mandakhnaran Ganzorig người Mông Cổ đã cởi vứt áo, quần và giày để phản đối trước đám trọng tài. (Jack Guez/ Getty Images)

 

Giã từ Rio, hẹn nhau ở Tokyo, và trận đô vật kỳ lạ ngày cuối Thế Vận Hội

Bài THANH NGUYỄN

Như vậy là đêm Chủ Nhật 21 tháng Tám người ta đã long trọng và linh đình tổ chức lễ bế mạc Thế Vận Hội Hè Rio 2016! Mười chín ngày với 308 cuộc tranh giải của 11,544 vận động viên thuộc 209 nước thi đua trong 28 bộ môn thể thao đã kết thúc. Bốn năm nữa sẽ lại có Thế Vận Hội Hè tại Tokyo.

Trong số ngần ấy vận động viên tham gia thì số mai này trở về nước, hoặc đã trở về rồi mà không có mặt ở buổi lễ bế mạc thì hẳn nhiên lắm người vui và cũng lắm kẻ buồn. Vui lây là những nước có người của mình tham dự, và buồn lây thì cũng vì vậy.

Chẳng hạn như có vận động viên của 90 nước trở về nhà mà không mang theo được một huy chương nào. Đỡ buồn hơn một chút là 22 nước có người mang về được một cái huy chương vàng, bạc hay đồng gì đấy. Vui một chút là 10 nước có người mang về hai huy chương. Việt Nam đoạt được 1 huy chương vàng và một huy chương bạc trong môn bắn súng hơi ở cự ly 10 mét và 50 mét. Vui hơn tí nữa là 10 nước có người mang về "đến" 3 cái huy chương. V.v..

Nước được chọn để đứng ra tổ chức Thế Vận Hội (TVH) là Brazil thì cũng có tí ấm áp nơi cõi lòng vì đoạt được những 19 huy chương trong đó có đến hai huy chương vàng cho môn bóng đá nam và môn bóng chuyền nam.

Đối với một nước đang gặp đủ thứ nghịch cảnh về chính trị, kinh tế, xã hội thì Brazil được như vậy cũng đã là vui lắm rồi. Xem cả hai buổi lễ khai mạc ngày 5/8 cũng như bế mạc ngày 21/8 mà không biết rõ về tinh hình xứ này thì rất dễ có ấn tượng như thể nước tổ chức thuộc hàng giàu mạnh nhất nhì thế giới chứ chẳng phải chơi!

Chỉ có điều là cái đám thực sự giàu mạnh thì đã cùng nhau thâu gom hầu hết số huy chương để tải về nước. Nếu một nước rộng lớn nhất về đất đai ở Nam Mỹ mà chỉ có được 19 cái huy chương thì Mỹ đem về 121 cái, Trung Quốc đem về 70 cái, Anh 67, Nga 56, Đức và Pháp mỗi bên 42, Nhật 41.

Nước đầu tiên có số huy chương tính theo hàng chục là Úc (29) thì đã kém hẳn đến trên 10 cái! Brazil với 204 triệu dân đoạt được 19 huy chương thì Hòa Lan với 17 triệu dân cũng đoạt được ngần ấy; chứng tỏ là thể thao không thuộc loại "sinh hoạt dễ chơi" của giống người! Bằng không thì Trung Quốc và Ấn Độ phải là những nước gồm thâu huy chương của thiên hạ trong mỗi kỳ thế vận hội! Ấn Độ có được hai huy chương, một bạc về Badminton và một đồng về đô vật. Ấn Độ có 120 lực sĩ tham gia, từ một nước với 1.3 tỷ dân!

Vận động viên Mỹ mang về số huy chương lừng lẫy như vậy thì rõ ràng đã gây tiếng thơm cho cả nước. Chỉ tiếc là cạnh đấy thế nào mà lại chen vào những vết đen hết sức khó tẩy rửa đối với những trường hợp như anh vận động viên bơi lội Ryan Lochte đi dựng đứng chuyện bị trấn áp và cướp bóc tại Rio , hoặc như cô thủ môn Hope Solo sau khi thua Thụy Điển lại đi mạ lỵ người ta là "hèn kém vì không dám đấu mà chỉ lo thủ," là chiến thuật đấu của một đội kém thế mà chẳng một giới chuyên môn nào về bóng đá dám coi như không hợp lý! Để rồi cả hai đều bị dư luận ngay chính nước Mỹ người ta chê trách không tiếc lời!

Hệ thống tiếp vận truyền hình TVH Hè Rio từ đầu đến cuối là hệ thống NBC. Trước buổi lễ bế mạc chiều tối ngày Chủ Nhật thì đài truyền hình này có chừng một tiếng với tiết mục kiểu như "Nhìn lại những thành tích đáng ghi nhớ của kỳ Thế Vận Hội." Tuy có lẽ vì khuôn khổ thời gian hay sao đấy, chỉ thấy cho xem lại những thành tích của vận động viên Mỹ!

Giới hâm mộ thể thao mà có thời giờ nhàn tản để xem hầu hết những môn đua tranh suốt 19 ngày qua thì hẳn đã thấy còn nhiều chuyện đáng ghi nhớ qua các đợt dự tranh thuộc các bộ môn. Có muốn thực hiện nghiêm chỉnh những gì đáng ghi nhớ thì họa chăng phải gạn lọc ra không dưới 19 tiếng đồng hồ, tạm gạn lọc một tiếng cho mỗi ngày, trong một bộ DVD mà rồi ra chắc chắn tổ chức Olympic Thế Giới người ta sẽ làm vì lý do thể thao cũng như kinh doanh!

Riêng trong ngày cuối của TVH, trước đến buổi lễ bế mạc, thì có chuyện gì đáng ghi nhớ hơn cả? Chuyện này :

Đấy là màn đô vật tự do giữa lực sĩ Navruzov người Uzbekistan và Ganzorig, người xứ Mông Cổ! Đôi bên vật nhau dưới sự giám định của ba trọng tài, một Nam Hàn, một Nga và một của xứ Georgia!

Hiệp đấu cuối cùng còn chừng dưới 10 giây thì Ganzorig căn cứ vào sự hỉểu biết "nhà nghề" của mình, thấy rằng mình đã thắng do đó mà buông đối thủ ra và chạy quanh sàn đấu để reo mừng với hai ông huấn luyện viên của mình.

Huấn luyện viên của Navrozov tranh chấp với trọng tài là Ganzorig tự ý bỏ cuộc. Cả ba trọng tài bèn quyết định cho Navrozov thắng về mặt tiêu chuẩn xác định trận đấu. Cả hai huấn luyện viên Mông Cổ bèn leo lên sàn đấu, phản đối inh ỏi. Một ông cởi phăng áo, cởi phăng giày ra và ném trên mặt sàn vì phẫn nộ. Ông kia ban đầu còn lo lượm giày và áo của đồng nghiệp, nhưng rồi tức khí thì cũng cởi phăng quần áo và giày vớ của mình ra luôn, chỉ còn mặc mỗi cái quần lót nơi người.

Trước đó trong ngày thì Navrozov đã đấu với một đấu thủ khác và ba tay trọng tài này cũng đã có những quyết định đáng dị nghị khi tính điểm cho các đấu thủ. Bây giờ sau vụ này nữa thì ngay đến ủy ban trọng tài quốc tế môn đô vật cũng tạm bãi nhiệm ba ông trọng tài kia để điều tra vì thấy họ có những quyết định không chuẩn mực!

Nhưng trước mắt thì người ta vẫn cứ coi Navrozov như đoạt huy chương đồng trong trận này. Khi một trọng tài đứng trên sàn bên cạnh Navrozov, chờ Ganzorig cùng đến bên cạnh để ông ta đưa cánh tay Navrozov lên, tuyên bố là người thắng cuộc thì Ganzorig không chịu cùng đến đứng bên cạnh mà chỉ có cử chỉ rất đẹp là bước đến ôm chầm lấy Navrozov để chào tạm biệt rồi bước xuống khỏi sàn đấu!

Đám khán giả người Brazil xung quanh thì đều đồng thanh hô vang: "Mongolia, Mongolia!" Chứng tỏ là hai ông huấn luyện viên Mông Cổ chẳng phải nổi dóa vô cớ! Một ông lớn tiếng nói, “Ba triệu dân Mông Cổ chúng tôi hôm nay đang trông mong vào chiếc huy chương đồng; rốt cuộc thì bây giờ chúng tôi lại bị tước đoạt!"

Vận động viên đô vật có gương mặt sững sờ lẫn căm giận là anh Ganzorig thì đã đành, mà anh Navrozov người Uzbekistan thì nỗi vui cũng chẳng được trọn vẹn như tất cả mọi trường hợp thắng cuộc khác ở TVH! Trọng tài cho anh ta thắng thì anh ta biết vậy, thế nhưng là "dân nghề" thì làm sao mà anh ta chẳng biết rõ ai thực sự thắng, ai thực sự thua trong trận đọ sức này ?

Khó có cuộc đua tranh nào kỳ lạ và gay cấn hơn cuộc vật lộn giữa hai anh người Uzbekistan và Mông Cổ trong kỳ TVH Hè ở Rio 2016!

Nhưng rồi thì ai nấy cũng hẹn nhau ở TVH Hè tại Tokyo năm 2020. Tokyo thì không như Rio và nước Nhật thì cũng khác xa nước Brazil về chính trị, kinh tế, xã hội, và môi trường sống!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT