Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Hai năm thai nghén "Chuyện Bà Thị Kính": một niềm vui thánh thiện

Anvi Hoàng/Viễn Đông Saturday, 02/02/2013 - 10:13:17

Phan giải thích tại sao hai năm viết tuần bản và soạn nhạc cho "Chuyện Bà Thị Kính" lại được ông xem là niềm vui thánh thiện (pure joy).

Hành trình một vở opera (kỳ 13)


Anvi Hoàng/Viễn Đông

Qua 12 kỳ của loạt bài này, bạn đọc đã phần nào hiểu được quá trình nhà soạn nhạc P.Q. Phan cho ra đời vở opera về Việt Nam đầu tiên tại Mỹ "Chuyện Bà Thị Kính". Các chi tiết về văn hóa Việt Nam so với văn hóa Âu Tây, về âm nhạc, về quan điểm nghệ thuật nói chung liên quan đến vở opera đã được bàn qua. Ở bài này, P.Q. Phan giải thích tại sao hai năm viết tuần bản và soạn nhạc cho "Chuyện Bà Thị Kính" lại được ông xem là niềm vui thánh thiện (pure joy).

Nhà soạn nhạc P.Q. Phan - nguồn ảnh: IU-Bloomington Jacobs School of Music



Thách thức khi viết một vở opera là gì?
Đầu tiên là vấn đề độ dài của vở. Làm sao để thu hút khán giả trong hai tiếng đồng hồ là một thách thức lớn. Câu chuyện không chưa đủ. Người ta có thể dễ dàng kể một câu chuyện trong vòng năm phút. Nhưng đem câu chuyện ấy lồng với âm nhạc trong một buổi trình diễn dài hai tiếng lại là một thách thức đáng kể.
Phải nói khán giả có thể bị thu hút bởi những cảnh huy hoàng trên sân khấu nhưng rồi thì chúng cũng trở nên nhàm chán. Cuối cùng lại thì âm nhạc là chính. Âm nhạc phải mạnh mẽ, hấp dẫn, có tình cảm, có sức diễn tả cao thì mới có thể giữ khán giả ngồi yên. Nhạc hay không cũng chưa đủ. Cần phải có yếu tố mầu nhiệm (magical moment). Thách thức đối với nhà soạn nhạc là làm sao tạo ra được ít nhất một khoảnh khắc mầu nhiệm trong vở opera của mình - đó là giây phút khán giả nổi da gà. Không có điều này, coi như là vở opera đã thất bại.


Làm sao tạo ra được yếu tố mầu nhiệm? Dựa vào các chi tiết trong câu chuyện chăng?
Có thể dùng câu chuyện để làm định hướng. Nhưng “yếu tố mầu nhiệm” là khả năng tạo ra nó, cho nên không liên quan gì nhiều đến câu chuyện. Cần một tài năng để làm chuyện này. Bạn có thể đưa cùng một câu chuyện cho một nhà soạn nhạc khác và người này không thể tạo ra được một giây phút mầu nhiệm nào. Thách thức của tôi là: làm một điều gì đó có hiệu quả đến mức không lời nào giải thích được. Điều này tương đương với yếu tố mầu nhiệm.

Trong vở opera "Chuyện Bà Thị Kính" có nhiều giây phút mầu nhiệm không?
Vở opera "Chuyện Bà Thị Kính" có hàng loạt giây phút mầu nhiệm, tăng cấp từ cảnh này sang cảnh tiếp theo, kết thúc bằng giây phút mầu nhiệm tột đỉnh.

Ảnh: Anvi Hoàng/Viễn Đông



Liệu khán giả có cảm nhận những giây phút mầu nhiệm giống như nhà soạn nhạc hay không?
Chuyện người ta cảm nhận những khoảnh khắc mầu nhiệm khác nhau là điều không lấy gì làm ngạc nhiên. Ít nhất là tôi tính toán và sắp xếp chúng theo kế hoạch của tôi. Tôi nghĩ rằng khán giả sẽ cảm nhận được giây phút mầu nhiệm ở mỗi cảnh.
Điều thú vị là nếu tạo ra quá nhiều giây phút mầu nhiệm thì chúng trở thành phân tán. Tốt nhất là tập trung vào một khoảnh khắc cho mỗi cảnh, rồi tăng cấp ở cảnh cuối. Như thế là hợp lý vì lúc này Thị Kính trở thành Phật, bước vào một thế giới mới, trở thành một đấng cao hơn. Giây phút mầu nhiệm ở đây mang nhiều ý nghĩa: âm nhạc làm xúc động người nghe, ý nghĩa của tình tiết câu chuyện làm xúc động người xem, và đây là giây phút đỉnh cao của vở opera.


Ngoài ra còn thách thức nào khác không?
Là làm sao vở opera phải hay hơn hoặc khác vở chèo. Những người Việt Nam quen thuộc với vở chèo "Quan Âm Thị Kính" có thể là thiên vị hoặc bảo thủ và khó có thể chấp nhận cái mới. Thách thức của tôi là viết vở opera "Chuyện Bà Thị Kính" thật hiệu quả sao cho người ta cũng cảm thấy trong nó có một giá trị gì đó mà người ta muốn đón nhận.
Những thách thức về kỹ thuật và nghệ thuật nữa: opera không chỉ là nghệ thuật mà còn là sự kiện xã hội. Nó phải có chức năng giải trí cho những người yêu thích âm nhạc, không nhất thiết là họ phải biết nhiều về âm nhạc. Trách nhiệm của tôi là ở đó. Mà khi mình viết nhạc để giải trí, có nghĩa là loại nhạc dễ nghe hơn, thì những nhà soạn nhạc khác cho là không có đủ tính sáng tạo. Tuy nhiên, sự sáng tạo ở đây không nằm ở mặt kỹ thuật nhiều mà ở ý nghĩa của vở opera nhiều hơn. Có nghĩa là: tôi viết nhạc và các bài hát hay (aria) để phản ảnh giới tính, để phản ảnh tầng lớp xã hội khác nhau, để phản ảnh tuổi tác và trình độ học thức khác nhau. Cố tình không tập trung vào mặt kỹ thuật mà tập trung vào ý nghĩa của vở opera chính là một điều sáng tạo.
Âm nhạc thời nay phức tạp và thú vị ở chỗ khi mình làm đám đông hài lòng thì mình làm mất lòng các chuyên gia âm nhạc. Và ngược lại. Trong vở opera "Chuyện Bà Thị Kính", tôi phải tạo ra sự cân bằng: trên bề mặt, âm nhạc hấp dẫn, dễ nghe; còn ngầm bên dưới là dòng âm thanh có chiều sâu với kỹ thuật tinh tế có thể làm hài lòng người phê bình âm nhạc.

Hành trình về mặt tình cảm của ông trong lúc viết vở opera này như thế nào?
Quá trình viết vở opera là niềm vui toàn vẹn (sheer joy), không một sự khổ sở nào. Được ngồi viết và tạo ra cái được cho là một cuộc hành trình xa xỉ trong việc sáng tác nhạc là niềm vui thánh thiện, một đặc ân mà nhiều người không có được, một điều làm mình cảm thấy tự hào về bản thân, làm mình cảm thấy được khai sáng/ngộ. Khi mình cảm thấy như thế thì âm nhạc cũng sẽ như thế.
Thỉnh thoảng tôi cần nghỉ để xem nên xử trí một ý tưởng như thế nào – nhưng đây cũng lại là một loại niềm vui thánh thiện khác: suy nghĩ để tìm cách giải quyết.

Ông cảm thấy thế nào khi hoàn thành tác phẩm?
Vào đoạn nhạc cuối, tôi vô cùng phấn khởi vì biết rằng mình đã đến đích. Nhưng vài phút sau khi viết xong những nốt nhạc chót là một sự trống trải tận cùng. Giống như khi sinh con. Người ta chờ đợi chín tháng. Khi đứa trẻ lọt lòng, người ta rất hạnh phúc. Rồi người ta nhận ra rằng hành trình chín tháng đã xong, bây giờ phải chuẩn bị cho một hành trình mới.
Quá trình sáng tạo là niềm vui thánh thiện. Vì vậy mà người ta sáng tạo, không thì người ta đã không làm. Nói thì nghe nhàm, nhưng mỗi nốt nhạc viết xuống đều là labor of love (chuyển dạ tình yêu). Do đó, khoảng thời gian ngay sau khi kết thúc vở opera và trước khi hành trình mới bắt đầu là lúc người ta cảm thấy khoảng trống trải nhiều nhất. Đó là triệu chứng mà hầu hết các nhà soạn nhạc hoặc nghệ sĩ trong lãnh vực sáng tác đều trải qua.

Rồi ông làm sao?
Đối phó với nó thôi. Tìm một hành trình mới. Tới thời điểm này, tôi đã hoàn thành một tác phẩm mới cho đàn violin và piano với dàn nhạc thính phòng (double concertante for violin and piano for chamber orchestra). Bây giờ thì đã bắt đầu công việc chuẩn bị để viết bản nhạc cầu siêu (requiem) đầu tiên của Việt Nam... Đồng thời, việc dàn dựng vở opera "Chuyện Bà Thị Kính" cũng đã và đang diễn ra. Đây cũng là một hành trình mới.


Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT