Người Việt Khắp Nơi

Học viên lớp tiếng Việt ở đại học, họ là ai?

Băng Huyền/Viễn Đông Tuesday, 28/02/2012 - 01:55:39

Có thể có nhiều em thích học thêm tiếng Việt lắm, nhưng không thể bỏ nhiều thời gian cho môn này, mà phải tập trung thời gian cho những môn chính để ra trường, và lên những trường khác nữa, nên không có thời gian học nhiều”.

Tiếng Việt tại Hoa Kỳ (kỳ 10)

Băng Huyền/Viễn Đông


Nhận định về thành phần sinh viên theo học tiếng Việt tại các trường trong hệ thống đại học công lập tại California, bằng kinh nghiệm đã có trong suốt 17 năm nay dạy tại các hệ thống đại học như Santa Ana College, California State University, Fullerton, và University of California, Irvine, Tiến Sĩ Trần Chấn Trí, giáo sư thỉnh giảng khoa Ngôn Ngữ Nhân Văn, đại học UCI, cho biết: “Mỗi hệ thống giáo dục có thành phần sinh viên theo học tiếng Việt cũng mỗi khác. Tại hệ thống đại học cộng đồng thì học viên ghi danh học tiếng Việt là nhiều nhất. Có 3 thành phần chính theo học, người lớn tuổi gốc Việt (trên 50) đến học để luyện tập trí não và lấy cho đủ số giờ cần thiết mới xin trợ cấp tiền học, số này chiếm 1/3, và khả năng tiếng Việt của họ khá thông thạo. Một nửa số sinh viên cần tiếng Việt làm môn nhiệm ý (elective) hoặc môn tổng quát (GE). Phần còn lại là người nước ngoài (hoặc người gốc Việt sanh đẻ tại Hoa Kỳ) muốn biết tiếng Việt để giao tiếp với khách hàng, người thân, người phối ngẫu, hay người yêu”.


Đại học California State University, Fullerton, là một trong những nơi có nhiều sinh viên
theo học lớp tiếng Việt - ảnh: Vi Lang/Viễn Đông

Riêng TS. Võ Kim Sơn đã dạy tiếng Việt từ năm 1986 đến nay tại đại học cộng đồng Coastline Community College nói với phóng viên nhật báo Viễn Đông: “Nếu lớp tiếng Việt đầu tiên được mở ra tại trường vào khóa học mùa Thu năm 1986 lúc ấy đa số là người Mỹ, số học viên người Việt rất ít, những năm sau có thêm người Đại Hàn, người Campuchia… rồi dần dần số học viên Việt Nam càng ngày càng tăng, hiện nay thì học viên người Việt là đông nhất. Số học viên ghi danh mỗi ngày thêm đông hơn.
“Có những em sinh viên gốc Việt đến học. Hoặc có những người là bác sĩ đi học lớp tiếng Việt để phục vụ lại người Việt Nam. Có những em sắp sửa đi học ngành y, dược, trong thời gian chờ đi học tại những tiểu bang xa, đã tìm đến học tiếng Việt, và cho biết đây là cơ hội cuối cùng trong đời để em đi học tiếng Việt. Có những học trò là sinh viên khoa piano, muốn biết thêm về tiếng Việt để hiểu thêm về văn hóa Việt...”.

Còn về thành phần sinh viên theo học hệ thống đại học công lập California State University thì TS. Trần Chấn Trí nhận xét: “Số sinh viên học tại hệ thống này không có người lớn tuổi nữa, vì qua hệ thống này, đa số sinh viên đi học để lấy bằng cấp, chứ không phải để xin trợ cấp tiền học như với các đại học cộng đồng, và vì tại các trường đại học Cal State Fullerton, Cal State Long Beach… rất đông sinh viên gốc Việt theo học, nên các lớp tiếng Việt tại các trường này cũng được mở ra. Trong lớp chỉ có 1 đến 3 người là không phải người gốc Việt. Trình độ của các sinh viên này cũng thay đổi khác nhau, có em thì giỏi, có em thì gần như không biết gì hết, có em thì giữa chừng, biết chút chút. Thông thường những em thành công trong việc học tiếng Việt chọn học vì ưa thích, có những em ban đầu miễn cưỡng học, nhưng cuối mùa thì tỏ vẻ thích thú vì học hỏi được nhiều”.
Đối với những lớp tiếng Việt thuộc hệ thống đại học University of California, TS. Trí cho biết: “Lên đến hệ thống đại học UC thì số lượng sinh viên học tiếng Việt ít hơn. Nó cũng thay đổi qua nhiều năm nay. Ít hơn cũng vì lý do các em lên hệ thống UC thì phải đóng tiền học rất nhiều, hàng chục ngàn Mỹ kim mỗi năm. Nếu tiền học rẻ, kinh tế thoải mái thì các em có thể ra trường chậm một chút cũng được, các em sẽ có nhiều thì giờ học tiếng Việt. Thành ra các em chỉ tập trung học môn chính, đó là lý do chính yếu. Nên các em phải thực tế hơn. Có thể có nhiều em thích học thêm tiếng Việt lắm, nhưng không thể bỏ nhiều thời gian cho môn này, mà phải tập trung thời gian cho những môn chính để ra trường, và lên những trường khác nữa, nên không có thời gian học nhiều”.
TS. Trần Chấn Trí nhớ lại: “Vào năm 2000 tại UCI, lúc đó sinh viên học tiếng Việt còn nhiều lắm. Năm thứ nhất, lớp 1 có 3 lớp giống nhau, 8 giờ sáng - 9 giờ - 10 giờ, mỗi lớp có 25 em. Nhưng càng ngày vào những năm sau này, chỉ còn 2 lớp thôi và cũng không đầy học sinh, chỉ có mười mấy em. Năm 2011-2012 thì đầy lại, mỗi lớp được 25 em, nhưng nhìn chung số lượng sinh viên ghi tên học tiếng Việt rất thấp, và phần đông vẫn là người gốc Việt học. Mỗi lớp có 1-2 em sắc dân khác, thường những em đó có bạn trai, bạn gái hoặc chồng (vợ) sắp cưới là người Việt, nên đi học. Lý do chính là tiếng Việt các em học phần lớn là để cho biết thêm, những lớp này chỉ để đáp ứng những đòi hỏi về ngoại ngữ hoặc giáo dục đại cương.
“Trong lớp chúng tôi có những em rất khá, hỏi ra thì mới biết các em có học tại các trung tâm Việt ngữ độc lập vào cuối tuần, thành ra các em đó nổi bật hơn những em khác khi lấy lớp tiếng Việt tại UCI. Một số em học với tôi mà chưa bao giờ học tại các trung tâm Việt ngữ thì một số em cho biết sau khi học 1 năm với tôi, về khoe ba má khen em tiến bộ nhiều. Nhưng số này không nhiều. Và có những em học với tôi, sau thời gian gặp lại thì đã không còn nói được tiếng Việt nữa”.
TS. Trí cho biết tại UCI trước đây để thỏa mãn về tín chỉ ngoại ngữ, sinh viên đó phải học 4 học kỳ (mỗi học kỳ gần 3 tháng, gọi là một “quarter”). Tức là học một năm lớp 1-a,b,c, và lớp 2a, mới đủ số tín chỉ (unit) ngoại ngữ. Sau này trường rút xuống còn 3 thôi, mà khi trường rút xuống như vậy, thì số sinh viên ghi danh học cũng bớt đi. Lớp 2a là lớp đầu tiên của năm thứ nhì sẽ bớt người, vì các sinh viên không cần học nữa.
TS. Trí giải thích thêm: “Nếu em nào học phân khoa triết học, lịch sử thì mới đòi hỏi phải có tín chỉ 2 năm ngoại ngữ. Nếu em chọn tiếng Việt để học và lấy unit cho phân khoa này, thì chúng tôi có thêm một số sinh viên này. Nhưng rất ít sinh viên học ngành này. Ai cũng muốn học để trở thành bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ, kinh tế gia… cuối cùng những em theo học 2 năm này rất hiếm. Tôi dạy trường UCI đã 12 năm rồi, tôi thấy, hồi xưa học trò của tôi, em nào cũng học Biology (sinh học) hết, nay đã có những ngành học như Writing (viết văn), Film (điện ảnh), lịch sử… Chuyện chọn ngành các em sanh ra hoặc lớn lên tại Mỹ sau này khác trước rồi. Các em không còn bị ràng buộc cứng ngắc như hồi xưa, chỉ có em nào thích học hoặc bị ba mẹ ép buộc ráo riết thì mới học Biology”.
TS. Trần Chấn Trí chia sẻ nỗi ngậm ngùi về lớp tiếng Việt cao cấp (năm thứ ba) mà ông đã dạy 10 năm qua, năm học 2011-2012 trường UCI đã hủy lớp này. TS. Trí nói: “Lớp học này những năm trước chỉ có 10-11 sinh viên ghi danh thôi. Khó lắm mới có được số em ghi danh học. Nhưng lớp cũng đã lây lất duy trì được 10 năm qua, nay vì trường phải cắt giảm ngân sách, nên đã quyết định bỏ luôn lớp tiếng Việt cao cấp này ra khỏi catalogue của trường. Để đưa được môn học, cấp học vào catalogue của trường là rất khó, phải vận động nhiều năm trời, nhưng khi trường quyết định cắt bỏ thì chỉ cần 1-2 phút, và sẽ không hy vọng có lại được. Trừ khi ngày nào kinh tế lên lại, trường cho phép có lại, thì mới hy vọng có lại lớp cao cấp này. Vì lớp chỉ có 10-12 sinh viên ghi danh, nên trường thấy không hiệu quả, sẵn sàng dẹp bỏ”.
Sự khác biệt giữa sinh viên học tiếng Việt ở UC và sinh viên Cal State, theo TS. Trí nhận định: “Các sinh viên ghi danh lớp tiếng Việt tại UCI thường chăm học hơn những sinh viên của hệ thống Cal State, vì các em phải đóng tiền nhiều hơn, vào trường cũng khó hơn, thành ra các em học rất đàng hoàng. Không dám nghỉ học, không có bỏ lớp, nếu có bỏ thì bỏ sớm, chứ không bỏ học nửa chừng. Tỉ lệ bỏ lớp của sinh viên ghi danh học tiếng Việt tại hệ thống Cal State thường rất cao, vì tiền học phí rẻ quá, nên nhiều em không quý việc học”.

Ông Quyên Di, giáo sư thỉnh giảng Khoa Văn Hóa và Ngôn Ngữ Đông Nam Á tại đại học University of California, Los Angeles (UCLA) và đại học California State University Long Beach (CSULB), cho biết 2 đại học này là 2 hệ thống khác nhau. Hệ thống Cal State dạy theo từng mùa học, 1 năm có 2 mùa (mùa Thu và mùa Xuân). Còn UCLA thì học theo tam cá nguyệt mỗi 3 tháng, có khóa mùa Thu, Đông và Xuân. Lớp nhập môn tiếng Việt tại UCLA được chia thành 2 lớp, một lớp dành cho các em gốc Việt, đã có di sản văn hóa Việt trong người. Và lớp nhập môn dành cho các em không phải gốc Việt. Khi học xong, cả hai đều có chứng chỉ như nhau, nhưng trong quá trình học tập, 2 nhóm sinh viên này hấp thụ khác nhau. Em nào gốc Việt vẫn hấp thụ nhanh hơn và nhiều hơn.
Ông Quyên Di nói: “Cal State Long Beach là nơi tôi dạy tiếng Việt 13 năm nay và UCLA dạy 10 năm nay, tôi thấy sinh viên càng ngày càng đông, không đủ chỗ ngồi. Như tại đại học Long Beach không năm nào tôi không đổi phòng học, vì cứ nghĩ có khoảng 25-30 sinh viên ghi danh, nhưng vào mùa học lên đến 45-50 sinh viên theo học, nên phải chuyển sang lớp học rộng hơn. Còn tại UCLA khóa mùa Thu 2011 lớp nhập môn có 100 sinh viên ghi danh. Bên cạnh các sinh viên gốc Việt chiếm số đông, số sinh viên sắc dân khác cũng tương đối khá.
“Nếu so với những ngôn ngữ Châu Á đã vững rồi trong khoa của trường, thì số ghi danh học tiếng Việt vẫn không bằng. Nhưng nếu so với các ngôn ngữ Đông Nam Á (Philippines, Thái Lan, Indonesia, Việt Nam) thì từ trước đến giờ chương trình tiếng Việt vẫn là mạnh nhất.
“Tuy nhiên, số ghi danh lớp trung cấp tiếng Việt tại trường UCLA không cao bằng số sinh viên học nhập môn, nó chỉ dừng lại con số khoảng 20 sinh viên. Riêng lớp cao cấp niên khóa 2011-2012 hiện tôi đang dạy có khoảng 31 sinh viên. Đa phần sinh viên rất thích học lớp cao cấp, do có nhiều quyền lợi, họ chỉ học 2 tiếng rưỡi một tuần, mà họ lại được hưởng 4 unit. Lớp sơ cấp thường là học từ vựng nhiều, lớp trung cấp học về ngữ pháp nhiều, còn lớp cao cấp thì học về thưởng thức văn chương, thơ ca. Học lớp tiếng Việt cao cấp, các sinh viên có nhiều cơ hội nghe và tìm hiểu về văn chương Việt Nam, đây là điều mà họ rất khó tìm thấy bên ngoài lớp học này. Người ghi danh vào lớp này đa số vẫn là sinh viên gốc Việt, thỉnh thoảng mới có 1-2 sinh viên sắc dân khác học lớp cao cấp”.
Ông Quyên Di nói thêm: “Ngoài ra khả năng tiếng Việt của sinh viên nhập môn tại Cal State Long Beach cao hơn sinh viên nhập môn tại UCLA, vì tiêu chuẩn tại đại học Long Beach là dành cho những sinh viên đã biết nói tiếng Việt, chưa phát triển đầy đủ, nay cần phát triển đủ hơn khả năng viết, đặt câu… số học viên ghi danh lớp nhập môn đầu mùa, dạy 75 phần trăm tiếng Anh, 25 phần trăm tiếng Việt, giữa mùa thì 50/50. Gần cuối mùa thì 75 phần trăm tiếng Việt, 25 phần trăm tiếng Anh. Cuối mùa thì 100 phần trăm tiếng Việt”.
Ông Quyên Di khẳng định: “Điều cần ghi nhận là học viên học Việt ngữ bây giờ khó tính và nhiều đòi hỏi hơn các học sinh học tiếng Việt cách nay hơn 30 năm. Học viên học tiếng Việt bây giờ rất quen với đường lối giáo dục trong hệ thống trường công lập, do đó họ đòi hỏi tính cách chuyên nghiệp trong việc dạy và học tiếng Việt: trường ốc đầy đủ, giáo viên có kiến thức và kinh nghiệm, phương pháp dạy học vui vẻ, sinh động, sách giáo khoa đầy đủ và có nội dung phong phú…”. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình ảnh trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT