Chuyện Nước Pháp

Láng giềng Anh quốc: mạnh hơn Tây gần đây vì sao? (kỳ 3 và hết)

Monday, 04/09/2017 - 10:40:34

Lục đục lấy hành lý và đi ký thác cho phòng giữ đồ lữ khách đường xa. Cứ một gói đồ bất kể hình dạng là năm bảng Anh với tờ vé nhỏ ghi ký hiệu giữ thật kỹ để còn lấy lại.

Bài NGỌC DIỄM

Qua đến bên kia bờ vĩ tuyến… à, không phải thế, Dover Harbour kia rồi. Từ Pháp đến Anh, tiếp theo chuyến đi đường bộ bằng đoạn cuối băng qua biển. Vách núi dựng đứng bên lề phía đất liền trắng toát giống như trên mạng có nói dù mới sáu giờ sáng, trời hãy còn mờ mờ tối. Xe chạy nhanh nhanh, biển lùi dần ra xa nhường chỗ cho cây cối xanh tươi che khuất. Chúng tôi trực chỉ Luân Đôn. Tới bến Victoria Coach Station dành riêng cho xe đò vào lúc tám giờ rưỡi đúng y lộ trình đã tính.

Lục đục lấy hành lý và đi ký thác cho phòng giữ đồ lữ khách đường xa. Cứ một gói đồ bất kể hình dạng là năm bảng Anh với tờ vé nhỏ ghi ký hiệu giữ thật kỹ để còn lấy lại. Chúng tôi để hai va ly nặng nhất nằm đó, thật ra là loại kéo tay standard nặng tối đa chừng 15 ký hay nằm trong khoang hành khách máy bay. Đi tay không khoẻ ru với mấy cái túi nhỏ đựng giấy tờ và máy chụp hình. Thời gian kéo đồ từ bến đến chỗ gửi không bao lâu, thật tiện lợi.

Vừa thò đầu ra đến đường cái là thấy ngay mấy quái tượng buýt hai tầng sơn màu đỏ chói chạy giáp vòng chung quanh mấy đại lộ.


Kịch viện Royal Court ở Sloane Square, Chelsea, đang diễn vở Road. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Chúng tôi đi một đoạn đường từ nhà ga Victoria xe lửa cho đến nơi có hý viện kịch nói Royal Court ở quảng trường Sloane (ông là chủ đất thế kỷ 17-18) thuộc quận Chelsea dài hơn ba cây số. Bên ngoài trông cổ kính nhưng bên trong hình chụp trên mạng cho thấy khá đẹp và tân thời. Vở kịch Road (Con đường) còn đang tiếp diễn cho đến hiện giờ, hàng chữ đèn neon đỏ bên trên ghi Road và phía dưới là Jim Cartwright. Đại khái, kịch sĩ Jim kể lại những nỗi bất bình của dân chúng đã 30 năm nay từ 1986 trở đi khi phải đối phó với sự cắt giảm trợ cấp và sự nghèo khó dần dần xảy ra trong vùng đất Lancashire dưới thời bà Margaret Thatcher.

Vở kịch tuy bi quan nhưng đầy hóm hĩnh được nhiều giải thưởng và Kịch Viện Hoàng Gia tổ chức bầu là vở kịch thứ 36 hay nhất thế kỷ 20 ở Anh. Vở được diễn ở Hoa Kỳ tại New York bởi Trung Tâm Kịch Lincoln mang tên La Mama E.T.C. năm 1988. Trip Advisor sắp La Mama hạng 500 trên 1000 nơi đến thăm tại NY.
Dọc đường đi, tôi thấy vài tiệm đổi tiền quốc tế và ghi nhận đồng Bảng vẫn còn cao hơn đồng Euro chút xíu (thường khi họ mua vào 1 Âu kim giá 0,89 và bán ra 1,15 đổi lấy 1 Bảng). Du khách có thẻ tín dụng quốc tế thì tiện lợi khi rút tiền từ quầy ATM hoặc trả trực tiếp bấm pin (code, mật mã) nơi siêu thị, hàng quán, chợ búa lẻ tẻ. Tuy vậy, tiền hoa hồng cũng khá đắt, cứ mỗi khi chúng tôi móc thẻ ra là bị chạc thêm một đồng Tây bất kể xài bao nhiêu. Còn tiền phát từ máy thì tùy vào con số mà chém, khoảng bốn hay năm phần trăm trở lên.

Từ khi Anh quyết định ra khỏi Liên Hiệp Châu Âu (nay còn lại 27 nước kết khối thêm vững chắc) thì đồng Bảng Anh đang dần dần xuống dốc và càng lúc càng tiệm cận đồng Euro. Trên thực tế, tuần lễ chúng tôi ở Luân Đôn thì hao tốn nhiều vì hoa hồng và tỷ lệ đổi tiền Anh/Pháp vẫn có lợi hơn cho chủ nhà phớt tỉnh Ăng-Lê không hổ danh.


Đại lộ một chiều duy nhất với phố xá cao rộng đông đúc người-xe rất sinh động (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

 

Xe cảnh sát Ăng-Lê với hai màu đặc biệt chữ in và hình xanh dương đậm, vàng (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Trong lúc chúng tôi đi bộ, lâu lâu lại thấy xe cảnh sát chạy vù qua thật nhanh với tiếng còi hú rất lớn điếc tai. Vài lần thì quen luôn, vào ngày cuối tuần trước khi về cũng y vậy tại điện hoàng gia Buckingham lúc xế trưa. Thì ra một người cầm dao muốn tấn công cảnh sát, chúng tôi đã đi qua lúc sáng sớm nên không hay biết gì. Hắn bị bắt ngay tại chỗ và không kịp gây thương tích cho ai cả. Khi đi đứng tại chỗ như mọi người chung quanh, dân thủ đô và du khách…, tôi nhận thấy họ rất bình thản. Hoàn toàn không ghi nhận được một sự cảnh giác nào đó như trước khi đi Luân Đôn người nhà căn dặn dòm trước ngó sau, ló liên đôi mắt để kịp… tránh xe khủng bố đụng cố ý.

Nhờ sự bình tĩnh chung nổi bật rất tự nhiên của đám đông mà chúng tôi cũng hoà mình theo và hoàn toàn quên mất đại họa ISIS nguy hiểm hơn cả bọn Al Qaeda hiện nay tại mấy xứ lớn Châu Âu. Những lúc ngồi trong xe buýt hai tầng, leo tuốt lên cao ngắm phố lớn giống như mình đang lái xe rất ngộ nghĩnh vì ông tài ngồi bên mặt ngay phía dưới ghế hành khách và tuân theo lề trái; hoặc trong xe điện ngầm tôi nghĩ thầm nếu có tấn công khủng bố thì chịu thôi!

Bởi lẽ cuộc sống đang diễn ra linh hoạt và tự nhiên, thông thường hàng ngày như cơm bữa. Đã thế, thiên hình vạn trạng màu sắc và dân chúng tứ xứ Đen Trắng Vàng Đỏ gì đều có thấy mặt nơi đây. Xe cộ chạy liên miên, người băng qua đường tuân theo đèn xanh lá cây hình người kèm theo lời dặn “nhìn bên trái” rất chí lý vì chúng tôi quen nhìn bên phải là sai rồi. Phải mất chút thời gian thích ứng, thật là một cảm giác ngược lại lúc ở bên Tây. Xe ta có tay lái bên trái nhưng ta giữ lề mặt, còn Luân Đôn (dân “londoner”) thì tay lái bên mặt nhưng chạy bên trái!

Ngày đầu tiên qua nhanh sau khi chúng tôi viếng thăm công trường Buckingham Palace và nơi phụ cận như London Eye và Scotland Yard quen thuộc cho du khách thế giới. Đông đảo nhất vẫn là Nhật và Trung Hoa đi thành đoàn cả chục người hay lẻ tẻ. Cháu gái tôi nghe tiếng nói biết là Nhật vì cô bé đi học mấy năm có vốn kha khá. Lại bảo nhỏ vào tai rằng họ ăn mặc sang hơn đám khách Trung Hoa xuềnh xoàng. Tôi nhìn lại thấy nhóm Tây nói chung lẫn lộn với người bình dân không có gì lạ. Và điều nổi bật lại xảy ra.

 

Phụ nữ Anh gốc Trung Đông che mặt cho phép tại Luân Đôn. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Trong khi đó, người Pháp cấm hẳn cách ăn mặc chỉ chừa ra đôi mắt mà thôi còn từ dưới lên trên kín mít màu vải đen tuyền trông thật bí mật. Tên gọi của thứ áo váy dài lê thê vướng bận bậc nhất tên là Burqa, phụ nữ trùm kín cả đầu chỉ chừa đôi mắt thấy đường qua một tấm lưới thưa sáu cạnh. Thứ áo tên là Niqab chừa ra đôi mắt (hình trên), còn lại nhẹ hơn là khăn lụa quấn trên đầu che kín mái tóc, cổ và tai (hijab). Ngoài ra còn có loại áo tên tchador do phụ nữ theo đạo chiite ở xứ Iran mặc. Gần đây có loại burkini áo tắm bị cấm tùy theo vùng trên đất Pháp.

Suốt trong tuần lễ chúng tôi biến thành dân Luân Đôn la cà khắp nơi đi xem nhiều Bảo Tàng Viện như British Museum (lớn như Louvre của Pháp, cái của Sài Gòn thời VNCH giống thế nhưng nhỏ hơn), London Transport, National Army, War I & II, Madame Tussauds… thì cháu tôi đếm được cả thảy 14 phụ nữ mặc Niqab chừa ra đôi mắt. Chúng tôi thấy đa số phụ nữ gốc Trung Đông đều quàng khăn, mặc nicab rất hiếm hoi. Chính một bà mẹ trẻ như vậy với đôi mắt đẹp bí ẩn nhờ trang điểm đã chỉ cách cho chúng tôi lấy train (xe điện ngầm) đến nhanh hơn đi buýt. Bị ảnh hưởng, tôi đã tò mò chụp ngay tấm bích chương dán trong tiệm sách. Thì ra nữ tác giả gốc Trung Đông theo Hồi giáo thuộc phe tiến bộ sinh sống và làm việc tại Luân Đôn với nghề vẽ biểu tượng tranh ảnh qua máy điện toán. Cô tốt nghiệp đại học Kingston năm 2014, có tổ chức trò chuyện thường xuyên về cuộc sống xã hội ngoài các đóng góp cho vài viện Bảo Tàng Luân Đôn đề tài di dân.

Danh từ Intersectionality được dùng bởi nhà đấu tranh bênh vực phụ nữ Hoa Kỳ Kimberlé Crenshaw năm 1989 chỉ định nhóm người bị đè bẹp hay bị kỳ thị trong xã hội liên quan tới chính trị. Tiệm Gosh chuyên bán sách truyện qua tranh vẽ biểu tượng, kể cả sách vẽ loại Manga của Nhật.

Vào tháng Bảy năm nay, ở Luân Đôn đã xảy ra chuyện một phụ nữ Anh xì nẹt vì thấy người mang niqab xuất hiện ngay trong quầy hàng trả tiền bên người chồng và lớn tiếng mắng rằng ăn mặc gì thấy ớn quá (disgusting), phải cấm đi mà. Bà này tếu ví von người mặc giống cái thùng thư vì chỉ có một cái khe hở chừa ra. Ông chồng bênh vợ lên tiếng yêu cầu bà ta về học lại phép lịch sự. Rồi thôi coi như huề. Cuối tháng Tám, khi chúng tôi ở đây không có gì xảy ra khi cô gái ni-cáp duy nhất xuất hiện trong viện Bảo Tàng.


Một phụ nữ trẻ đẹp mang khăn quàng chỉ chừa ra đôi mắt trong viện Bảo Tàng Mme Tussauds. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

 

Công trường Buckingham, Luân Đôn, đông người sáng thứ Bảy 27/8. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)
 
 

Xe của phóng viên truyền hình bị đạn làm hư hại tại Irak, bảo tàng viện Chiến Tranh. (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Trong cuộc du lịch tại Luân Đôn dù chỉ bề ngoài, tôi thấy nhiều sắc dân xuất hiện khắp nơi và sức sống mãnh liệt với đủ loại cao ốc chọc trời mới cũ thay phiên lẫn nhau. Anh quốc chỉ bằng một nửa xứ Pháp nên đất chật người đông và dân da trắng thấy tương đương với da màu. Người Ấn Độ cũng có rất nhiều nơi đây dĩ nhiên. Sự bảo thủ của Pháp không chịu nhận lãnh thêm nhiều di dân làm cho kinh tế tiến chậm hơn Anh. Tấm ảnh dưới đây cho thấy sự khác biệt rất nhiều giữa thủ đô Luân Đôn và Paris khi tôi trở về tại bờ sông Seine chụp ảnh ghi nhận. (nd)

 

Một bên nhiều cao ốc chọc trời vì dân số gia tăng và bên kia lèo tèo dù thanh lịch hơn (Ngọc Diễm/ Viễn Đông)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT