Đạo và Đời

Máu và thịt

LM. Trịnh Ngọc Danh Wednesday, 06/06/2012 - 09:45:34

Máu của lễ vật hiến tế nơi Người Con duy nhất của Chúa Cha lại mang đến sự sống viên mãn: Phục sinh và Thánh thể.

LM. Trịnh Ngọc Danh

Ôi! Máu! Máu! Máu!
Máu trên đầu, máu trên tay, máu dưới chân, máu nơi cạnh sườn, nơi con tim: Thánh Giá máu!
Ơn cứu chuộc đến với con người trước hết nhờ máu Chúa Kitô đã đổ ra trên thánh giá: Chúa Kitô hiến thân hoàn toàn để cứu độ chúng ta; sự hiến thân ấy được thể hiện trước hết trong việc thiết lập bí tích Thánh Thể và được thực hiện trên thập giá.
Máu của lễ vật hiến tế để cầu xin tha tội, để xóa bội phản và lập giao ước.
Máu của lễ vật hiến tế nơi Người Con duy nhất của Chúa Cha lại mang đến sự sống viên mãn: Phục sinh và Thánh thể.
Máu hiến tế. Máu giao ước. Máu xóa tội. Máu cứu rỗi. Máu của uống.

Máu và giao ước
Xưa kia, khi kêu cầu danh Chúa Cứu Chuộc xóa tội dân Israel, vị thượng tế rảy máu hy tế lên bàn xá tội trong nơi cực thánh.
Ngày ấy, ông Môisê sai các thanh niên trong con cái Israel mang của lễ toàn thiêu và ngả bò làm hy lễ kỳ an dâng lên Chúa. Ông lấy một nửa phần máu đổ vào các chậu và rưới phân nửa kia lên bàn thờ. Ông mở quyển giao ước ra, đọc cho dân chúng nghe và họ thưa lại: “Chúng tôi xin thi hành và tuân theo tất cả những điều Chúa đã phán”. Bấy giờ, ông Môisê lấy máu rảy lên dân và nói: “Đây là máu giao ước Thiên Chúa đã cam kết với các ngươi theo đúng tất cả nhũng lời đó”. (Xem Xh. 24:3-8).
Đó là giao ước mà Thiên Chúa đã cam kết với dân Ngài trong thời Cựu Ước qua ông Môisê. Nhưng giao ước ấy cũng đã không được dân Ngài thi hành. Bốn mươi đêm ngày vắng bóng ông Môisê, dân chúng lại thất trung, đã lập một con bê vàng để tôn thờ. Ông Môisê lại phải cầu xin Chúa để tái lập giao ước... Và dân Chúa vẫn cứ thế thất trung, bội nghĩa, phản lại tình yêu của Ngài.
Cuối cùng, Chúa Cha đành phải sai Con yêu dấu của Ngài xuống thế làm người để tạo lập một Giao Ước mới. Và Chúa Giêsu đã chấp nhận làm của lễ hiến tế Thiên Chúa cho Giao Ước mới ấy như lời Ngài đã phán trong bữa Tiệc Ly trong dịp lễ Vượt Qua: Ngài cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người”.
Máu đã đổ ra trên Thánh Giá. Máu cứu rỗi muôn người.
Chúa Giêsu chịu chết vừa là hy lễ Vượt Qua hoàn tất việc cứu độ chung cuộc loài người vì “Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian” (Ga. 1:29), vừa là hy tế của Giao ước mới cho con người hiệp thông lại với Thiên Chúa, bằng cách giao hòa con người với Thiên Chúa nhờ “máu được đổ ra cho muôn người được tha tội” (Mt. 26:28)
Máu Chúa Giêsu vừa tẩy sạch tội kẻ tin, vừa tái sinh họ làm con cái Chúa, vừa nuôi dưỡng họ sống đời đời.

Máu và Thịt của Thánh Thể
Chúa Giêsu yêu thương những kẻ thuộc về mình và yêu thương họ cho đến cùng. Rồi vào một ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua năm ấy, Chúa Giêsu và các môn đệ cũng chuẩn bị ăn lễ Vượt Qua tại một căn phòng rộng mà Ngài đã chuẩn bị trước.
Đang bữa ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông và nói: “Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta”. Và Người cầm chén rượu, dâng lời tạ ơn, rồi trao cho các ông, và tất cả đều uống chén này. Người bảo các ông: “Này là Máu Ta, máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người”. (Xem Mc. 14:12- 26)
Để trao lại cho các tông đồ bảo chứng tình yêu và cho họ tham dự vào cuộc Vượt Qua của mình, Chúa Giêsu đã thiết lập bí tích Thánh Thể để tưởng niệm cuộc tử nạn và phục sinh của Ngài, và truyền cho các ông cử hành bí tích này cho đến khi Ngài lại đến.
Trong Giao Ước mới, mỗi hoạt động phụng vụ đều là cuộc gặp gỡ Chúa Kitô và Hội Thánh, đặc biệt là việc cử hành Thánh lễ và các bí tích. Cộng đoàn Phụng Vụ được hiệp nhất “nhờ ơn thông hiệp của Chúa Thánh Thần”, Đấng tụ họp con cái Thiên Chúa thành Thân Thể của Chúa Kitô là Hội Thánh.
Bí tích Thánh Thể mà Chúa Giêsu thiết lập, sẽ là lễ tưởng niệm (1 Cor 11,25), là hy tế của Ngài. Ngài hội nhập các tông đồ vào lễ hiến dâng của Ngài và yêu cần họ lưu truyền hy lễ này mãi mãi (Lc.22:19). Như thế Chúa Giêsu đặt các tông đồ làm tư tế của giao ước mới: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”.
Bí tích Thánh Thể được gọi bằng nhiều danh hiệu khác nhau, mỗi danh hiệu nói lên những ý nghĩa, những khía cạnh khác nhau.
Là Lễ Tạ Ơn, để ca ngợi Thiên Chúa vì những kỳ công Ngài đã làm: sáng tạo, cứu chuộc và thánh hóa.
Là Bữa Ăn của Chúa, vì qua tưởng niệm bữa Tiệc Ly, chúng ta hướng về Bữa Tiệc Cưới Con Chiên trên trời.
Là Lễ Bẻ Bánh, vì qua việc bẻ bánh các môn đệ đã nhận ra Chúa sống lại và được hiệp thông với Ngài và hợp thành thân thể duy nhất trong Ngài.
Là Lễ Đồng Bàn như Thánh Phaolô đã gọi, vì được cử hành trong cộng đoàn tín hữu, hình ảnh hữu hình của Hội Thánh.
Tóm lại, bí tích Thánh thể là bí tích Hy Tế nhằm:
- Dâng lời tạ ơn và chúc tụng Thiên Chúa Cha
- Tưởng niệm hy tế của Chúa Giêsu Kitô và Nhiệm Thể của Ngài là Hội Thánh
- Tiếp cận sự hiện diện của Chúa Kitô, nhờ quyền năng của Lời Ngài và Thánh thần.

“Tất cả các con hãy cầm lấy mà ăn”
Đó là lời Chúa khẩn thiết mời gọi chúng ta đón tiếp Ngài trong bí tích Thánh Thể, vì, như lời Chúa đã phán: “Thật, Ta bảo thật các ngươi: Nếu các ngươi không ăn thịt Con Người và uống máu Ngài, các ngươi sẽ không có sự sống nơi mình” (Ga. 6:53).
Trở về với cuộc sống Kitô hữu, bí tích Thánh Thể là một tưởng niệm: “Anh em hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy”, một dấu hiệu liên kết hiệp nhất: “Ai ăn thịt ta và uống máu Ta, thì ở trong Ta và Ta ở trong kẻ ấy” (Ga. 6:57), một điểm hẹn gặp gỡ, một mầu nhiệm đức tin, một dấu chỉ của sự hiện diện: “Thầy ở cùng anh em mỗi ngày cho đến tận thế”, một dấu chỉ yêu thương bác ái chia sẻ: “Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra... cầm lấy chén, tạ ơn... và trao cho các môn đệ”.
Để đáp lại lời mời gọi của Chúa, chúng ta đã đón tiếp Chúa như thế nào khi tham dự Thánh Lễ và khi đón rước Chúa vào lòng?
Mặt mày cha thánh Gioan M. Vianney nhăn nheo, xấu xí. Nhà thờ xứ Ars thì nhỏ hẹp, cổ xưa. Ghế quỳ thì xiêu vẹo. Ngài cũng dâng lễ như mọi linh mục khác; nhưng không hiểu sao ai nấy đều chen chúc nhau đến tham dự thánh lễ do ngài cử hành. Có lần, giáo dân thấy ngài cầm Mình Thánh Chúa trên tay một hồi, nước mắt chảy ròng ròng, sau đó lại nở một nụ cười tươi. Lấy làm lạ, họ tò mò hỏi: “Thưa cha, sao sáng nay, khi cầm Mình Thánh Chúa, cha khóc rồi cha lại cười?”.
Ngài trả lời: “Lúc ma quỷ cám giỗ cha ngã lòng trông cậy, sợ mất Chúa đời đời, nên cha sợ quá, cha khóc. Nhưng sực nhớ lại mình đang cầm Chúa trong tay nên cha thưa với Chúa: Lạy Chúa, con không chịu mất Chúa đâu. Con cầm Chúa mãi. Chúa luôn ở với con! Nói thế rồi, cha sung sướng quá đến nỗi phải bật cười”.
Còn chúng ta, khi đón rước Chúa vào lòng, chúng ta đã tiếp đón Ngài như thế nào?
Yêu ai, chúng ta muốn được luôn cận kề bên người mình yêu. Xa nhau thì nhớ, thì mong...
Chúa yêu thương chúng ta. Nếu chúng ta thực tình yêu Chúa, tại sao lại phải miễn cưỡng đón tiếp Người yêu đến nỗi Hội Thánh buộc các tín hữu phải tham dự thánh lễ vào các ngày Chúa Nhật và lễ trọng, rước lễ một năm ít là một lần vào mùa Phục Sinh!
Tại sao không tiếp đón Người yêu mỗi lần tham dự thánh lễ!
Tại sao không tìm gặp Người yêu đang cô quạnh trong nhà Chầu!
Tại sao không cầu nguyện, tâm tình với Người Yêu khi đã tiếp rước Ngài vào nhà mình mà để Ngài bơ vơ trơ trọi một mình!
Tại sao lại lợi dụng lòng khiêm tốn: “Lạy Chúa, con chẳng đáng Chúa ngự đến cùng con” để trốn tránh việc rước Chúa vào lòng, việc tiếp đón Người yêu!

(Bài giảng Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa Kitô - Bài đọc 1: (Xh. 24 : 3-8); Bài đọc 2: (Dt. 9: 11-15); Phúc Âm theo Thánh Marco (Mc. 14: 12-16,22-26)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT