Thế Giới

Mỹ, Anh, Úc ký hiệp ước chống Tàu; Pháp nổi nóng nói bị “đâm sau lưng”

Thursday, 16/09/2021 - 09:41:10

Các viên chức Pháp tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã hủy bỏ một đại tiệc từng được sắp đặt cho chiều thứ Sáu...


Ngoại Trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đang nghe câu hỏi trong một cuộc họp báo tại Doha, Qatar ngày 13 tháng 9, 2021. Hôm thứ Năm, ông nói Pháp đã bị “đâm sau lưng” sau khi Úc ký hiệp ước mua tàu ngầm hạt nhân của Mỹ và Anh. (Karim Jaafar/ AFP via Getty Images)


Các viên chức Pháp tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn đã hủy bỏ một đại tiệc từng được sắp đặt cho chiều thứ Sáu. Quyết định hủy bỏ này là nhằm bày tỏ sự bất bình sau khi nghe tin về một liên minh an ninh được ký kết giữa Mỹ, Anh và Úc, được gọi là AUKUS (A là Australia-Úc, UK là Anh, và US là Hoa Kỳ), cho phép ba quốc gia được chia sẻ với nhau những kỹ thuật tối tân nhất về vũ khí, đặc biệt là tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Việc bị loại ra ngoài nhóm liên minh quốc phòng không gây tức giận nhiều cho chính phủ Pháp bằng sự việc liên minh này cho phép Úc đặt mua tàu ngầm hạt nhân từ Hoa Kỳ thay vì Pháp như trong nhiều thập niên qua.

Liên Minh AUKUS được thành lập là nhằm đối phó sự bành trướng về quân sự của Trung Cộng tại Thái Bình Dương. Vì vậy sự loan tin về AUKUS cũng khiến Bắc Kinh lên tiếng để bày tỏ sự nóng giận. Sự bực bội của Bắc Kinh đã khác với sự nóng giận của Paris. Một bên vì quân sự, một bên vì tài chánh.

Tại Hoa Thịnh Đốn, tòa đại sứ Pháp từng có kế hoạch tổ chức lễ kỷ niệm 240 năm Trận Hải Chiến Giữa Các Mũi Đất (Battle of the Capes). Trận chiến này diễn ra giữa Hải Quân Pháp và Hải Quân Hoàng Gia Anh vào năm 1781 tại Virginia. Pháp đã thắng, giúp mang vũ khí đến cho quân đội Hoa Kỳ đang cầm cự ở Pennsylvania chống quân Anh trong cuộc chiến thành lập đất nước mà lúc đó mới có 13 thuộc địa.

Quyết định hủy bỏ tiệc tưởng niệm được đưa ra sau khi Pháp nghe tin Úc đã lập liên minh mới để mua tàu ngầm của Mỹ và Anh, thay vì của Pháp hay của các quốc gia khác trong khối liên minh NATO. Trước đó, hôm thứ Tư, Mỹ và Anh đã đồng ý giúp chính phủ Canberra mua những tàu ngầm chạy bằng năng lượng nguyên tử, hầu đối phó những tàu ngầm nguyên tử của Trung Cộng đang có mặt ở Thái Bình Dương.

Ngoại Trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian đã bày tỏ sự tức giận của chính phủ Pháp trên đài phát thanh France Info khi tuyên bố, “Đây là một vụ đâm sau lưng. Chúng tôi đã thành lập một quan hệ tin tưởng với Úc. Sự tin tưởng này đã bị phản bội.”

Ông Le Drian nói tiếp, “Đây là một quyết định tàn bạo, đơn phương và không đoán trước, làm tôi nhớ tới ông Trump cũng từng làm như vậy. Tôi rất tức giận và cay đắng, vì đây không phải là hành động mà các quốc gia đồng minh làm đối với nhau.”

Tại Hoa Thịnh Đốn, tòa đại sứ Pháp tuyên bố trong một văn bản, “Quyết định của Hoa Kỳ để loại trừ một đồng minh Âu Châu như Pháp trong việc tạo đối tác với Úc, trong lúc chúng ta đang đối phó trước những thử thách trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương [...] cho thấy một hành động thiếu mạch lạc mà Pháp chỉ có thể ghi nhận và lấy làm đáng tiếc.”

Trong khi đó, Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken nói với báo chí hôm thứ Năm, rằng ông và Bộ Trưởng Quốc Phòng Lloyd Austin đã nói chuyện với người đồng nhiệm của họ trong chính phủ Pháp về hiệp ước an ninh AUKUS trước khi hiệp ước này được chính thức công bố.

Ông Blinken nói, “Tôi sẽ để cho người đồng nhiệm ở Úc giải thích tại sao họ muốn kỹ thuật mới này. Nhưng mà như tổng thống (Biden) đã nói và tôi xin nhấn mạnh thêm, chúng tôi hợp tác rất chặt chẽ với chính phủ Pháp trong nhiều trách nhiệm chung, không chỉ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương mà còn trên khắp thế giới.”

Hiệp ước an ninh này được ký kết không chỉ nhắm vào sự bành trướng thế lực của Trung Cộng, mà cũng nhằm chứng tỏ Hoa Kỳ vẫn xem trọng quốc gia Úc, nhất là sau khi chính phủ Biden đã không tham khảo với Úc trong kế hoạch rút quân ra khỏi Afghanistan mới đây.

Các viên chức Pháp cho biết quốc gia của họ là “quốc gia Âu Châu duy nhất đang có mặt tại Ấn Độ-Thái Bình Dương với gần 2 triệu công dân và hơn 7,000 quân nhân.” Pháp đang kiểm soát một phần lớn của đảo New Caledonia nằm về phía đông nước Úc và một số hải đảo khác trong cả hai Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Cũng như Anh và Hoa Kỳ, Pháp đang có vũ khí hạt nhân và là quốc gia hàng đầu trong lãnh vực sản xuất năng lượng hạt nhân. Hiện nay 80 phần trăm năng lượng tại Pháp xuất phát từ các lò hạt nhân. Do đó sự việc Úc không mua tàu ngầm hạt nhân do Pháp chế tạo đã gây thất vọng rất nhiều cho người Pháp, đến nỗi Ngoại Trưởng Le Drian phải nói là Pháp đã bị “đâm sau lưng.”

Trong khi đó, Trung Cộng đã lên án hiệp ước AUKUS, nói rằng hiệp ước này sẽ đe dọa hòa bình trong vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Phát ngôn viên Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) của Bộ Ngoại Giao Trung Cộng nói hiệp ước ba quốc gia đã phản ảnh “tinh thần Chiến Tranh Lạnh lỗi thời và quan điểm địa lý chính trị hẹp hòi” mà từ đó “sẽ làm tăng thêm” cuộc chạy đua vũ khí trong khu vực và gây hại cho nỗ lực giới hạn vũ khí nguyên tử trên thế giới.

Mặc dù thỏa thuận AUKUS không trực tiếp nhắc tới Trung Cộng, nhưng hai viên chức Hoa Kỳ nói rằng ẩn ý của hiệp ước là cho thấy thêm một hành động của các quốc gia Tây Phương trong nỗ lực đối phó Trung Cộng trong hai lãnh vực quân sự và kỹ thuật.

Thế nhưng bà phát ngôn viên Jen Psaki của Tòa Bạch Ốc đã trả lời một câu hỏi liên quan đến AUKUS rằng hiệp ước này “không nhắm vào một quốc gia nào” và “chúng tôi không tìm xung đột [với Trung Quốc].”

Trong khi đó, báo chí Trung Cộng đã nhắm vào nước Úc. Tờ Toàn Cầu Thời Báo (Global Times) đã đe dọa Úc khi cho biết “các chuyên gia quân sự” giấu tên đã cảnh cáo rằng nếu Úc có tàu ngầm hạt nhân “thì Úc có thể trở thành một mục tiêu cho vũ khí hạt nhân trong trường hợp xảy ra chiến tranh nguyên tử, vì Hoa Kỳ rất dễ dàng trang bị Úc với vũ khí nguyên tử và hỏa tiễn tầm xa khi Úc có tàu ngầm hạt nhân.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT