Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Mỹ Thuật Việt Nam qua nét cọ của các họa sĩ Trường Mỹ Thuật Đông Dương

Băng Huyền/Viễn Đông Saturday, 30/06/2012 - 07:24:00

... những họa sĩ được xem là những “cột trụ” của mỹ thuật Việt Nam, như họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái hay các họa sĩ Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Thứ, Vũ Cao Đàm…

Băng Huyền/Viễn Đông

Vào lúc 1 giờ 30 chiều Chủ Nhật, 8-7-2012, tại Viện Bảo Tàng Bowers, số 2002 N. Main Street, Santa Ana, Viện Bảo Tàng Bowers và Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt Mỹ-VAALA đồng tổ chức buổi thuyết trình bằng Anh ngữ về đề tài “Nối Tiếp Truyền Thống: Mỹ Thuật Việt Nam Từ Trường Mỹ Thuật Đông Dương”, được trình bày bởi Bác Sĩ Hà Quốc Thái, là một nhà sưu tập tranh, cổ vật Đông Nam Á và đồng thời ông cũng là sáng lập viên của PICTURE Art Foundation. Đây là một trung tâm văn hóa nghệ thuật nhằm giao lưu, chia sẻ, bảo tồn các giá trị văn hóa của nhiều quốc gia trên thế giới, để nhân loại hợp nhất và cùng nhau khám phá tương lai, với chủ tịch là ông Michael Johnson, cố vấn nghệ thuật ông Bill Underwood, và nhà nghiên cứu mỹ thuật bà Nguyễn Hải Yến.
Trong lần viếng thăm tòa soạn nhật báo Viễn Đông tuần qua, BS. Hà Quốc Thái đã chia sẻ với người viết đôi nét về buổi thuyết trình. Ông cho biết ông sẽ trình bày sơ lược về mỹ thuật truyền thống Việt Nam, lịch sử hình thành của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, sơ lược tiểu sử của những họa sĩ vốn là những sinh viên nổi bật, những giáo sư của trường Mỹ Thuật Đông Dương từ năm 1925 đến 1945. Ông cũng sẽ giới thiệu những họa sĩ được xem là những “cột trụ” của mỹ thuật Việt Nam, như họa sĩ Tô Ngọc Vân, Nguyễn Gia Trí, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Phan Chánh, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, Bùi Xuân Phái hay các họa sĩ Lê Phổ, Lê Thị Lựu, Mai Thứ, Vũ Cao Đàm…
Những họa sĩ tài hoa này đã tạo nên phong cách nghệ thuật đa dạng, với những sở trường sử dụng chất liệu như sơn mài, sơn dầu, tranh lụa, cùng những đề tài và phong cách riêng độc đáo, đã định hình diện mạo cho nền hội hoạ hiện đại Việt Nam. Họ tạo một vị trí vững chắc cho giai đoạn mỹ thuật này mang phong cách Á Đông, nhưng không giống Trung Hoa, Nhật Bản hay Đại Hàn… mà lại rất Việt Nam. Bố cục tranh của họ thoáng đãng, có sự gia công tinh tế của phương Đông kết hợp cùng sự chính xác, khoa học phương Tây, giữa diễn tả và gợi tả.


Một họa phẩm của Bùi Xuân Phái.

Các họa sĩ của giai đoạn này đã làm cho người xem cảm giác như nghe họ tâm sự những câu chuyện của đời mình, chia sẻ những khát vọng, hoài bão và tình yêu cuộc sống. Đưa người xem đắm mình trong mạch chảy dân tộc, cảm nhận trọn vẹn sự êm ả, bình dị, trữ tình của con người Việt Nam. Các họa sĩ phải có một nghị lực phi thường, một sức sống mạnh mẽ, mới giữ được sự bình thản, êm đềm trong tranh của mình khi bản thân phải sống ở một đất nước luôn luôn có chiến tranh, và cuộc đời phải trải qua biết bao thăng trầm.
BS. Hà Quốc Thái cho biết để minh họa cho bài nói chuyện của mình, ông sẽ giới thiệu hình ảnh những tác phẩm tiêu biểu của vài nhà danh họa Việt Nam. Ngoài ra, trong buổi thuyết trình, BS. Hà Quốc Thái sẽ giới thiệu cuốn sách vừa được dịch ra Anh ngữ, được viết bởi một trong những thành viên của PICTURE Art Foundation, nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, mang tên “Hội Họa Hà Nội - Những ký ức còn lại”, dày hơn 300 trang. Tác giả hiện sống tại Việt Nam, là một trong những nhà nghiên cứu và chuyên viên bảo tàng đầu tiên về lãnh vực mỹ thuật tại Việt Nam. Trong sự nghiệp, bà giữ nhiều vị trí quan trọng tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Quốc Gia Việt Nam và là một trong những người có uy tín trong lãnh vực này.
Theo lời BS. Thái thì quyển sách từng ra mắt bản tiếng Việt trong lần triển lãm của PICTURE Art Foundation tại đại học California State University Dominguez Hills vào tháng 10-2010 đến tháng 4-2011 trước đây. Quyển sách chú trọng đến cái nhìn toàn cảnh về trường phái nghệ thuật được khởi xướng bởi thế hệ họa sĩ đầu tiên của Trường Mỹ Thuật Đông Dương, qua đó, độc giả được giới thiệu về những tác động mang tính xã hội, chính trị đối với nghệ thuật trong khoảng thời gian này. Điểm đặc biệt của quyển sách còn trình bày những kỷ niệm giữa tác giả với một số họa sĩ và hoàn cảnh ra đời một số tác phẩm của họa sĩ đó.
Nói về mục đích của buổi thuyết trình “Nối Tiếp Truyền Thống: Mỹ Thuật Việt Nam Từ Trường Mỹ Thuật Đông Dương”, BS. Hà Quốc Thái cho rằng: “Những tác phẩm nghệ thuật được sáng tạo trong thời kỳ Mỹ Thuật Đông Dương là những ví dụ hoàn hảo cho sự giao thoa của hai nền văn hóa, trong đó Pháp là đại diện của phương Tây và Việt Nam là đại diện của phương Đông. Mỗi nền văn hóa đã thực sự hấp thụ những tinh hoa của nhau và kết quả là những tác phẩm nghệ thuật hoàn mỹ ra đời. Văn hóa của cộng đồng Việt Nam là một phần trong văn hóa chung của Hoa Kỳ. Tôi không muốn người Mỹ hoặc thế giới nhắc đến Việt Nam chỉ nhớ đến chiến tranh Việt Nam, mà mình có rất nhiều cái đẹp cần nhắc đến, như nền mỹ thuật Đông Dương, với các tác phẩm được tạo ra do các họa sĩ xuất thân từ trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, từng được nhiều nhà sưu tập trên thế giới yêu chuộng vì kỹ thuật cùng chất liệu đặc biệt, mang tính mỹ thuật cao. Tôi hy vọng buổi thuyết trình này sẽ có nhiều người ngoại quốc đến dự. Đồng thời tôi mong muốn những bạn trẻ gốc Việt sanh ra và lớn lên tại Hoa Kỳ chưa biết nhiều về mỹ thuật Việt Nam đầu thế kỷ 20, hãy đến nghe, để hiểu hơn qua hai khía cạnh nghệ thuật và văn hóa dân tộc qua mỹ thuật, để các bạn biết tự hào về nền văn hóa của cha ông, để biết giữ gìn, bảo tồn cho những thế hệ tiếp theo tại hải ngoại”.


Bác Sĩ Hà Quốc Thái và quyển sách của nhà nghiên cứu phê bình mỹ thuật Nguyễn Hải Yến, tựa đề “Hội Họa Hà Nội - Những ký ức còn lại”, được chuyển dịch sang tiếng Anh, tại thư viện nhật báo Viễn Đông - ảnh: Băng Huyền/Viễn Đông

Cơ duyên và hành trình tìm hiểu, sưu tầm nghệ thuật
BS. Hà Quốc Thái sinh ra tại Sài Gòn. Ông cùng gia đình vượt biển và đến Hoa Kỳ năm 1979. Ông theo học Y Khoa tại đại học UC Irvine. Ông hiện hành nghề y khoa tại Nam California. Ông đã dành nhiều công sức và thời gian để sưu tầm các tác phẩm của họa sĩ Việt Nam. Kể lại cơ duyên này, BS. Hà Quốc Thái tâm sự: “Ngay từ khi còn nhỏ, tôi đã say mê với những nền văn hóa trên khắp thế giới. Vì mỗi nền văn hoá đều có những nét độc đáo, và chúng có thể dạy cho mình rất nhiều điều về nhân loại”.
BS. Thái nói: “Khi còn ở Việt Nam, tôi chưa có cơ hội tìm hiểu mỹ thuật Việt Nam, nhưng do bố mẹ tôi khi đó là bạn rất thân với họa sĩ Nguyễn Gia Trí, trong ký ức của tôi còn nhớ hình ảnh tôi thường ngồi chơi ngoài sân nhà của họa sĩ Nguyễn Gia Trí và xem ông mài tranh.
“Thời gian đầu sinh sống tại Mỹ, tôi thích xem tranh của các họa sĩ Châu Âu và sưu tầm đồ cổ, phần lớn là các món bằng ngà, tượng Phật… Đến khoảng năm đầu thập niên 1990, ông anh tôi có cho tôi một quyển sách viết về Mỹ Thuật Đông Dương, bìa sách in bức tranh em Thúy của họa sĩ Trần Văn Cần, tôi đã sững sờ vì tranh đẹp quá, rồi bắt đầu tự tìm hiểu thêm về Mỹ Thuật Đông Dương Việt Nam, rồi càng ngày càng yêu thích.
“Khi có cơ hội về Việt Nam, tôi có cơ duyên gặp bà Nguyễn Hải Yến (lúc bấy giờ làm việc tại Viện Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam ở Hà Nội) cho tôi xem những bức tranh quý, kể nhiều câu chuyện thăng trầm về cuộc đời của những họa sĩ nổi tiếng”.
Bác sĩ Thái nói thêm: “Trong suốt cuộc hành trình tìm hiểu và sưu tầm nghệ thuật, tôi đã có cơ hội được tiếp xúc với rất nhiều những con người thú vị, từ những họa sĩ tới những nhà sưu tập, những học giả, những sinh viên trẻ - những tâm hồn đồng điệu cùng một niềm đam mê. Tôi có điều kiện gặp gỡ những họa sĩ của Trường Mỹ Thuật Đông Dương, như ông Lương Xuân Nhị, được gặp ông nhiều lần và nói chuyện rất lâu. Ông thường lấy tranh ra, rồi giải thích cho tôi nghe tại sao ông vẽ bức này, những đường nét này có ý nghĩa như thế nào, vì sao sử dụng nét đậm nhạt… hoặc những lần nói chuyện với ông Phan Kế An…”.
Theo BS. Hà Quốc Thái thì mỗi bức tranh mà ông sưu tầm được là một quá trình gặp gỡ, tìm kiếm: “Tôi nghĩ khi sưu tầm tranh, không quan trọng lắm việc sở hữu được bức tranh, mà chính là con đường bản thân học hỏi được từ bức tranh và người họa sĩ đó. Vì vậy đôi khi không có duyên sở hữu được bức tranh đó, nhưng qua quá trình tìm bức tranh, tôi thâu nhận được những bài học hữu ích từ người họa sĩ về thời gian tác giả sống và nguyên nhân ra đời của bức tranh… Chẳng hạn, tôi học được nhiều từ ông Bùi Xuân Phái qua cuộc đời thăng trầm của ông. Bút pháp, cách pha màu độc đáo qua mảng tranh phố cổ Hà Nội mà ông đã theo đuổi trong gần một nửa thế kỷ. Ông đã vẽ nó trong mọi tâm trạng, bằng mọi chất liệu và kích thước, từ trên những tấm vải sang trọng đến trên một tờ báo cũ, một chiếc bì thư, một vỏ thuốc lá, một vỏ diêm, một chai rượu… Ông đã vẽ nó từ nguyên hình thể đến trừu tượng, nhìn thoáng qua rất đơn giản, là những nét xiêu xiêu, không có gì ngay thẳng cả, nhưng đằng sau đó lại rất phức tạp. Cách dùng màu cũng rất lạ, đậm một chút cũng hỏng, nhạt một chút cũng hỏng, chỉ cần vừa đủ là được…
“Hay như bức tranh sơn mài Mưa Sài Gòn của họa sĩ Nguyễn Sáng. Bức tranh này là sơn mài, nhưng nhìn giống như tranh sơn dầu, nó không có bóng loáng kiêu sa như những bức tranh khác. Đặc biệt kỹ thuật của họa sĩ Nguyễn Sáng khi vẽ tay chân của nhân vật rất to, rất thô kệch, nhưng lại hòa hợp với nhau. Tạo nên sắc thái của riêng ông. Đây là tranh vẽ người đàn bà đi trong mưa, người đàn bà này chính là cô Thúy, người bạn đời của ông, chỉ ở với ông được 3 năm, rồi bệnh tim và mất. Khi hiểu được ý nghĩa đằng sau bức tranh này, tôi càng thêm cảm xúc với tác phẩm hơn. Hoặc cơ duyên tôi đã tìm được một bức tranh lụa nằm trong bộ ba bức tranh, vẽ về cuộc đời của một cô gái từ khi chưa lấy chồng cho đến lúc kết hôn và có con, do họa sĩ Lê Văn Đệ vẽ. Hiện nay, bức tranh thứ hai và thứ ba của bộ ba này đang trưng bày tại Viện Bảo Tàng Việt Nam ở Hà Nội, còn bức tranh thứ nhất cô gái đang ngồi đan áo, thì tôi mua được tại buổi đấu giá ở Singapore”.
BS. Thái cho biết ông rất tự hào và rất yêu lịch sử mỹ thuật Việt Nam do các họa sĩ từ Trường Mỹ Thuật Đông Dương viết ra. Qua nhiều cuộc đấu giá trên thế giới, ông biết được những bức tranh của các họa sĩ giai đoạn này được người ngoại quốc đến từ Đức, Anh, Pháp… mua với giá cao. Ví dụ những bức tranh lụa của họa sĩ Lê Phổ luôn luôn có giá trên 100 ngàn Mỹ kim, riêng bức “Đức Mẹ Maria bồng Chúa Hài Đồng” vẫn giữ giá kỷ lục tới trên 400 ngàn Mỹ kim…

Những điều độc đáo của Mỹ Thuật Việt Nam từ Trường Mỹ Thuật Đông Dương
Như với tranh sơn mài, là một chất liệu hội họa thuần Việt, bên cạnh các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai... vẽ trên nền vóc màu đen. Kết hợp thêm các vật liệu màu khác như vỏ trứng, ốc, cật tre... cùng kỹ thuật mài vào các tác phẩm, họa sĩ tạo nên kỹ thuật sơn mài độc đáo, tạo nên thuật ngữ sơn mài và tranh sơn mài đúng nghĩa của nó. Chính sự sáng tạo của thầy trò Trường Mỹ Thuật Đông dương mà tranh sơn mài Việt Nam trở nên độc nhất vô nhị trên thế giới cho đến ngày nay, góp phần mang hình ảnh đất nước Việt Nam ra toàn thế giới với các họa sĩ tài hoa trong lãnh vực này như Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Tư Nghiêm, Hoàng Tích Chù, Lê Phổ…
Hay những cách tân về kỹ thuật truyền thống trong tranh lụa Việt Nam, gắn liền với loại tranh này là tên tuổi của họa sĩ Nguyễn Phan Chánh. Tranh của ông nền nã với những gam màu nâu đen, vàng đất, xám nhẹ thấm đẫm chất lụa đã làm nên một phong cách nghệ thuật riêng qua những vẻ đẹp dung dị của đời thường, như “Rửa Rau Cầu Ao”, “Chơi Ô Ăn Quan”… Những học trò khác của Trường Mỹ Thuật Đông Dương như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Nguyễn Tường Lân… cũng đã gặt hái được nhiều thành công trong lãnh vực này.
Hoặc như với tranh sơn dầu, là kỹ thuật du nhập từ phương Tây đòi hỏi sự nhuần nhuyễn trong việc sử dụng màu cũng như khả năng khéo léo trong quá trình trộn màu và lên màu trên tác phẩm. Song không vì thế mà các họa sĩ Việt Nam ngừng sáng tạo những ý tưởng của mình bằng chất liệu này. Có những gương mặt họa sĩ tiêu biểu đã sử dụng thành công kỹ thuật sơn dầu như Tô Ngọc Vân, Trần Văn Cẩn, Lê Phổ, Bùi Xuân Phái… Tất cả những mảng màu và đường nét ấy, dù được hình thành nên bởi một kỹ thuật phương Tây nhưng lại mang đến cho người xem cảm nhận về vẻ đẹp của tâm hồn Việt Nam.
Rõ ràng sự kết hợp giữa hội họa Pháp và hội họa Việt Nam từ sự ra đời của Trường Mỹ Thuật Đông Dương đã đánh dấu một thời kỳ mới cho mỹ thuật hiện đại Việt Nam. Không chỉ đơn thuần là những mảng màu, chân dung thiếu nữ hay một đóa hoa, phố cổ… đằng sau đó là vẻ đẹp nhân văn mà thế hệ họa sĩ đầu tiên ở Việt Nam đã tạo nên từ chính sự giao thoa giữa kỹ thuật hội họa phương Tây và truyền thống từ ngàn đời của dân tộc. Sứ mệnh của lớp họa sĩ đương đại chính là “Nối Tiếp Truyền Thống: Mỹ Thuật Việt Nam Từ Trường Mỹ Thuật Đông Dương” để giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống ấy qua sự tiếp cận với nhiều xu hướng hội họa khác nhau trên thế giới.
Để biết thêm chi tiết về buổi nói chuyện của BS. Hà Quốc Thái và Viện Bảo Tàng Bowers, quý độc giả có thể vào trang mạng www.bowers.org hoặc liên lạc điện thoại (714) 567-3677. - (BH)

Viendongdaily.com và tác giả giữ bản quyền bài và hình trên trang này. Xin đừng trích đăng dưới bất cứ hình thức nào.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT