Hôm Nay Ăn Gì

Ngải cứu xào trứng gà, bí quyết sống khỏe của người HMong

Thursday, 21/01/2021 - 07:56:51

Nói tới món ăn của người HMong, có lẽ nói cả ngày cũng chưa hết.


Rau ngải cứu trông giống rau tần ô nhưng hoàn toàn khác biệt. (Tom/ Viễn Đông)

 

Bài TOM

Nói tới món ăn của người HMong, có lẽ nói cả ngày cũng chưa hết. Bởi tộc người có tập tính luôn chọn sống trên những đỉnh núi cao, luôn đối mặt với cái lạnh cắt da cắt thịt và cho dù thời tiết, thiên nhiên có khắc nghiệt đến đâu cũng không làm khó được “anh cả HMong” (người HMong xem mình là anh cả của các tộc người, sống trên cao cũng là cách chọn vị thế trong vô thức tập thể của họ trước xã hội loài người) phải chịu thua. Và để bảo đảm vị trí anh cả của mình giữa bốn bề sương, mưa tuyết, gió lạnh với mây trời, họ phải có những bí quyết, có kỹ thuật nhiếp sinh độc đáo, khác người. Cho đến nay, trong hàng trăm món ăn dưỡng sinh của người HMong, món ngải cứu xào trứng là món dễ làm nhất và ai cũng có thể làm được.

Tôi biết được món ăn này gần hai mươi năm trước, cái thời tôi lang thang đi giang hồ xứ Bắc sau khi học đại học và tìm một chân phụ hồ hay phụ mộc nào đó để kiếm ăn qua ngày, kiếm tiền đi tiếp mà chưa biết đi đâu. Thời sống trên đất Lào Cai, tôi gặp khá nhiều món ăn lạ và cũng gặp khá nhiều câu chuyện thú vị. Sau khi làm phụ mộc tại nhà ông Giàng Seo Phử (lúc ấy đang là Bí Thư tỉnh Lào Cai), tôi lại lên Bắc Hà, Simacai, đi hết tiền thì lại kiếm một công trình nào đó xin vào phụ hồ, phụ mộc. Lên Simacai không tìm ra công trình, còn chút tiền, tôi lui về Bắc Hà và ở đó phụ mộc cho một nhóm thợ đang xây dựng một khách sạn nhỏ gần khách sạn Sao Mai. Hồi đó, đường từ Bắc Hà lên Sapa nghe cứ xa lắc xa lơ, nhìn khách Tây mang những cái ba lô cồng kềnh bước lom khom chui vào chiếc xe khách nhỏ xíu, cũ rích, nghĩ tới chuyện chiếc xe này phải băng qua những khúc cua hiểm trở thuộc con đèo dài nhất Việt Nam như Hoàng Liên Sơn thì thấy lạnh tóc gáy rồi, hết muốn đi sang Sapa. Hồi đó, khách sạn Sao Mai là khách sạn lớn nhất Bắc Hà, nó chỉ nhỏ hơn dinh vua Mường Vàng A Tưởng (nhiều người nhầm đó là vua Mèo, thậm chí ngay cả một số nhà nghiên cứu hiện tại) nhưng mức độ hiện đại của nó thì hơn dinh vua Mường rất nhiều.

Chỗ tôi ở làm việc là một trại mộc gần khách sạn đang xây, trước trại một có một rừng hoa ban và một rừng mận, tháng Giêng, hoa ban và hoa mận nở trắng, cái lạnh xứ Tây Bắc cộng với sắc trắng hoa mận, hoa ban khiến cho mọi thứ cảm giác trở nên mỏng dính và mong manh. Nhà của người Mèo (HMong Xanh) thường làm bằng đất, trình tường kiểu giống như nhà của người Tày, Nùng nhưng mỏng hơn (nhà trình tường - nện đất làm tường, tức là trình - của người Tày, Nùng dày từ năm tấc đến một mét, nhà trình tường của người Mèo dày nhất cũng chừng ba tấc là cùng). Nhưng nhà trình tường của người Mèo lại sáng sủa hơn, có nhiều ánh sáng trong nhà hơn nhà trình tường của người Tày, Nùng mặc dù kích cỡ, độ cao của cửa và trần nhà lại thấp hơn nhà trình tường của người Tày, Nùng. Bởi người Mèo sáng tạo ra chân tường ánh sáng. Họ dùng những cái chai xếp dựng đứng, thành hai lướp ngang dưới chân tường trước khi trình đất, tường đất của nhà người Mèo cách mặt đất chừng hai tấc, nằm trên cổ chai.

Khi tôi hỏi tại sao không dùng gương mà dùng chai thì họ trả lời khá thú vị, vì dùng gương phải có gương loại mờ, không nhìn thấy bên trong, tốn tiền mà không bền, trong khi dùng cái chai, xếp thành hai lớp thì ánh sáng đi qua mấy cái chai cũng dịu hơn và chỉ có ánh sáng đi qua chứ ánh mắt không đi qua được. Lỡ khuya vợ chồng có nằm ngủ, vui vẻ với nhau cũng chẳng sợ “chúng nó” (chỉ đám thanh niên Mèo) rình, khỏi phải lo. Và người Mèo có thói quen nằm đất khi cái lạnh giảm bớt hoặc mùa hè. Tôi lấy làm ngạc nhiên bởi vì cho dù là mùa hè thì ban đêm trên núi rất lạnh, nằm đất sao chịu nổi, lúc này họ mới cười xòa nói rằng họ có bí quyết trong thức ăn. Vàng Seo Nghiêm, một người Mèo đã cho tôi biết món rau ngải cứu xào trứng như để chứng minh với tôi về khả năng nằm ngủ trên đất lạnh của người Mèo nhờ vào thức ăn.

Hồi đó chưa có đường du lịch, từ thị trấn Bắc Hà muốn lên Bản Phố phải lội bộ qua một con suối và men theo con đường bằng đá sau lưng bệnh viện Bắc Hà, sau đó lội lên những con dốc trơn trợt. Vì chưa có du lịch nên muốn lên Hoàng Thu Phố thì chỉ có đi vào mùa nắng, đi cả ngày đường, không như bây giờ đi xe máy ngược đèo chừng mười lăm cây số thì tới Hoàng Thu Phố ngắm chè Tuyết San ngàn năm tuổi, ngắm đời sống người HMong cheo leo trên những nhà sàn bên sườn núi mà nếu từ nhà sàn nhìn xuống thung lũng, không chừng phải cả ngàn mét độ sâu…

Sau buổi làm việc, nhờ tôi chỉ cho cách tiếp xúc với người Kinh dưới Hà Nội mà không bị ngố, bị lừa, Vàng Seo Nghiêm trở nên thân thiết với tôi, dắt tôi về Bản Phố chơi. Hắn nói “tao sẽ đãi mày món này đặc biệt, nhưng để coi cha tao tiếp mày ra sao đã!”

Tôi lấy làm lạ cho câu nói của hắn nhưng cũng im lặng đi theo. Nhà của Nghiêm có vườn đào tiên trước sân khá đẹp, có một bộ cửi dệt thổ cẩm của mẹ hắn ở nhà dưới, cha của hắn là một ông thầy Mo. Tôi vừa bước vào nhà thì cha hắn chạy ra nhìn từ đầu tới chân, sau đó bắt tay thật kỹ, thật chặt, có khi cái bắt tay kéo dài hơn phút. Tôi im lặng chờ ông ta thả tay tôi ra xem thử chuyện gì xảy ra tiếp theo. Còn ông thì lẳng lặng bước vào nhà, chừng ba phút sau, ông kêu, “Nghiêm, dắt bạn mày vào uống rượu!”


Món ngải cứu xào trứng có thể trị nhức mỏi, đau lưng. (Tom/ Viễn Đông)

Thằng Nghiêm mặt tái mét, dắt tôi vào, vừa bước vào tới phòng khách thì hắn thở phào nhẹ nhõm, tôi vẫn chưa hiểu chuyện gì xảy ra. Hắn bảo, “Mày ăn uống thoải mái nhé, tao đi làm món đã hứa với mày đây!”

Nói xong hắn xuống bếp, để tôi ngồi uống rượu với ông già. Tôi vẫn chưa hết phân vân, còn ông già thì rót rượu từ cái chai có củ nhân sâm ra tách, bảo tôi cứ tùy nghi mà uống, vì rượu ngô Bắc Hà ngâm với nhân sâm rất nặng đô, uống không quen là say không có đường về, mà được cái rượu này có say mấy cũng không làm nhức người… Tôi cụng ly, nhấp từng ngụm nhỏ, rượu nóng muốn cháy cổ họng. Ông già ngồi cười, uống tróc một phát hết cốc rượu rồi khà một tiếng rõ to, vỗ đùi đánh đét. Xong ông gắp cái đầu gà bỏ cho tôi, tôi từ chối, xin phép dùng từ từ món khác vì biết đầu gà dành cho người lớn trong bữa ăn của những gia đình HMong.

Ông già gật gù, tôi vừa xong ly rượu thì thằng Nghiêm mang món mà hắn đãi tôi lên mâm, vừa thấy, ông già la ôi ối, “Cái thằng này, uống rượu sâm mà mày đãi nó món này cho chết à, để bữa khác đi con!”

Vậy là hắn bưng ngược món mà hắn đãi tôi xuống bếp. Ông già nói, “Ngải cứu xào trứng là ăn khi không uống rượu nặng, bởi vì nó giúp thông khí huyết, giải độc, mà mình uống rượu nặng vào rồi, ăn nó nữa thì loãng máu, chết đấy!”

À, hóa ra là hắn đãi tôi món ngải cứu xào trứng, uống rượu xong, hắn đưa tôi về, còn tôi thì mừng rơn trong bụng vì may sao tôi không phải nuốt cái món khó nuốt đó. Hắn vừa đi vừa nói, “Tao tiếc quá, ông già tao không cho đãi, mà đúng thôi, tao quên mất, xin lỗi mày, trưa mai tao lại đãi mày món này, tao sẽ mang xuống trại mộc xào đãi mày.”

Nghe nó hứa xong, tôi gần như tỉnh mất rượu, tôi trả lời, “Mày từ từ đi, thú thực là tao thấy món này lạ quá và sợ là không ăn được!”

Hắn cười ha hả, “Tao biết ông già tao kết mày điểm nào rồi, hèn gì ổng mời rượu nhiệt tình!”

“Nghĩa là sao? Mày nói gì tao không hiểu!”

“Mày biết rồi đấy, tao là con trai độc nhứt của ông già nên ổng dành mọi thứ cho tao và quan sát bạn bè tao lắm, đứa nào ổng bắt tay mà cảm nhận được không tốt thì cấm tao chơi, ổng sẽ lấy chai rượu trắng không có củ sâm ra mời đúng một ly rồi cáo việc bận. Tao phải tiếp và sau đó là bỏ, không chơi với đứa đó nữa. Còn mày ổng mang chai rượu có củ sâm, nghĩa là bạn hiền rồi đấy! Tao nhận ra mày nói thật, không có điêu!”

Đúng trưa ngày hôm sau, thằng Nghiêm ra ngoài chỗ rừng mận lúi húi hái ngải cứu hoang, rửa sạch, lặt lá và đọt, cho vào rổ đợi ráo nước. Sau đó hắn mở túi lấy ra ba cái trứng gà, cho vào bát, đánh đều như sắp đổ chả trứng vậy. Hắn phi một chảo dầu, không bỏ tỏi vào như bình thường mà chờ dầu nóng, cho toàn bộ ngải cứu vào chảo, đun lớn lửa và dùng đũa đảo liên tục, chừng hai phút sau thì cho bát trứng vào chảo ngải cứu và đảo liên tục cho trứng nát nhừ, quyện vào ngải cứu. Khi ngải cứu và trứng hơi bốc khói, bay mùi thơm thì hắn cho một muỗng cà phê muối bột vào, đảo đều rồi mưng chảo trút ra dĩa.

Hắn bảo tôi ăn với cơm, tôi đánh liều ăn thử, hóa ra vị cay và đắng của ngải cứu không còn, thay vào đó là vị hơi the pha với vị mặn của muối, một chút bùi bùi của trứng gà chiên hơi quá lửa. Món ăn khá thú vị! Và thú vị hơn là ăn xong, đánh một giấc ngủ trưa, thức dậy, mọi thứ mệt mỏi tiêu tan, cái lạnh rừng núi buổi chiều cũng không còn đáng sợ như trước. Hắn nói, “Mày bị đau lưng, chỉ cần ăn vài lần như vậy là hết sạch đau lưng.”

Thời tiết lạnh, chứng nhức mỏi và đau lưng hay kéo đến, quí vị nên xào một dĩa đọt ngải cứu với trứng gà, cách làm giống hư cách của Nghiêm là hiệu quả nhất. Xin chúc quí vị có một bữa ăn ngon, vui, lạ và bổ ích cho sức khỏe!

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT