Chuyện Nước Pháp

Ngày mở cửa mời khách của Đại Học Khoa Học & Kỹ Thuật (Kỳ 1)

Wednesday, 23/04/2014 - 10:42:59

Từ khi tốt nghiệp đại học này đến nay, tôi mới bước chân trở lại thăm viếng nó nhân ngày giới thiệu hàng năm cho các tân sinh viên (khi họ sẽ thi đậu tú tài) vào cuối tuần, nhiều sự đổi mới chắc chắn phải có sau một thời gian thật dài. Ngày xưa, tên trường chưa có khúc đuôi "Kỹ Thuật" thêm vào như hiện nay

Ntnd



Ngày giới thiệu Đại học với biểu ngữ dán trên cao, ảnh nhỏ bên phải là hình chụp một Giảng đường.
 
Từ khi tốt nghiệp đại học này đến nay, tôi mới bước chân trở lại thăm viếng nó nhân ngày giới thiệu hàng năm cho các tân sinh viên (khi họ sẽ thi đậu tú tài) vào cuối tuần, nhiều sự đổi mới chắc chắn phải có sau một thời gian thật dài. Ngày xưa, tên trường chưa có khúc đuôi "Kỹ Thuật" thêm vào như hiện nay, các ngành học cũng chưa được phong phú hóa; các chứng chỉ và tên môn học chưa thay đổi nhiều. Chỉ là danh xưng "ĐH Khoa học" ngắn gọn mà thôi (Faculté des Sciences).

Trước khi vào đề tài chính, tôi xin mời bạn đọc có khái niệm về những gì con em chúng ta (Việt kiều tại Pháp) đang theo cấp bậc Trung Học. Đó là giai đoạn chuẩn bị tối cần cho bậc Đại học ngay sau đó để chuẩn bị tương lai nghề nghiệp của đám cô cậu thanh niên vừa xong Tú tài mà đa số rất bỡ ngỡ chưa biết chọn ngành nghề nào. Bậc Trung học gồm quãng đường dài 7 năm chia làm 2 chặng như sau:

- Trung học đệ nhất cấp từ lớp Đệ thất (6ème) đến lớp Đệ tứ (3ème): lứa tuổi từ 11 đến 15, trẻ em phải được đi học cho đến khi 16 tuổi. Cuối năm 15 thi chiếu lệ lấy bằng tốt nghiệp (Brevet).

- Trung học đệ nhị cấp gồm 3 lớp Đệ tam, Nhị, Nhất. Lớp đệ tam (Seconde) dạy cho HS trình độ tổng quát. Qua lớp Đệ nhị (Première) có 3 ngành chính là Văn khoa, Khoa học, Kinh tế và Xã hội phải chọn ngay. Cùng lúc với quãng đường đào tạo dài hơi này, có những trường trung học Kỹ thuật Chuyên nghiệp nhằm phục vụ lớp trẻ nào muốn đi làm sớm sau khi thi đậu bằng Tú tài duy nhất (ngày xưa có hai bằng Tú tài 1 và Tú tài 2). Bằng cấp này còn giữ lại để vào Đại học, dù người Pháp cũng muốn huỷ bỏ nó như bên Mỹ, nhưng họ chưa dứt khoát được.

Trở lại với Đại học KH & KT nói trên, ban giám đốc đã thêm vào hai ngành Tin học và Khoa học cho Kỹ sư bên cạnh Toán, Vật-Lý, Hóa-học, Vạn vật và Sinh Môi, Địa chất. Sinh viên theo học 3 năm thì có bằng phó-Cử nhân và sẽ theo đuổi các khoá cao hơn cũng gọi là Master (Cử nhân, 4 năm hay 5 năm) hoặc đổi hẳn qua Đại học khác tiếp tục xong nghề chuyên môn.

Chương trình học có các Cua Chính Thống (Cours magistraux) diễn ra trong các Giảng đường giới hạn dưới 150 người. Phần Thực tập chỉ có 16 người cho mỗi nhóm, phần cua Hướng dẫn dành cho 32 người trong căn phòng nhỏ. Mỗi tuần lễ, nội dung học và thực tập thêm phần hướng dẫn sẽ chiếm khoảng trung bình 30 giờ. Có tổ chức cựu SV năm thứ 3 và thứ 4 sẵn sàng giúp đỡ các SV mới vào. Luôn có Cơ quan thư ký thường trực hướng dẫn công việc học tập và trợ giúp những ai học kém hay gặp khó khăn như trường hợp người ngoại quốc lạ sinh ngữ. Đại học tổ chức các khóa hành nghề thu thập kinh nghiệm nhằm toàn thiện chương trình trong và ngoài nước Pháp.

Trong khuôn viên đại học có Thư viện rộng lớn, phòng Tài liệu Thông tin và Hướng dẫn chọn ngành nghề, văn phòng Hội SV đủ các phe phái chính trị tả-hữu, nơi có trạm Nghỉ ngơi, Cứu thương với Y tá trực. Ra khỏi khuôn viên qua một con đường nhỏ là đến quán ăn nhanh Sinh viên, cư xá, nơi chơi Thể thao rộng lớn gồm Túc cầu, Quần vợt, Bóng rổ, Cầu lông.

Vào những thập niên 1960-1970 và về sau, Đại học khoa học này đã tiếp nhận hàng chục Sinh viên Việt Nam quá bộ vào đây trong đó có tôi. Nói là quá bộ cũng không sai cho lắm vì lúc đó ai cũng vào học tạm thời 1-2 năm đầu để rồi đổi sang ngành khác trong lúc chưa có gì chắc chắn. Thêm vào đó, như trường đã quảng cáo: người học có thể đổi sang chỗ khác lấy bằng Kỹ sư hay Tiến sĩ. Đây là trường hợp của một nữ sinh viên Việt Nam bạn tôi lúc đó được đào tạo xong là cô ấy đi Paris học tiếp bằng Kỹ sư Nông nghiệp, và sau này có một tương lai làm vinh danh người tha hương. Tôi sẽ nhắc nhiều đến cô.

Bước vào toà cao ốc 8 tầng cho vòng đầu sơ khởi (gọi là Premier Cycle), tôi đã đi tìm Giảng đường, phòng Thực tập và Hướng dẫn đến hụt hơi. Ở lâu dần mới biết dưới các tầng thấp nhất có phòng học cá nhân cho từng sinh viên một hay nhóm nhỏ vài ba người tối đa. Lên tầng nhì là phòng Thực tập Lý, Hóa, Địa chất, Toán. Tầng cao hơn là phòng học cua Hướng dẫn. Các Giảng đường nằm ngay tầng sát với mặt tiền đường rất tiện lợi cho số đông người vào.

Trên các tầng cao hơn nữa là Văn phòng Giáo sư, nhân viên phụ giảng, nghiên cứu sinh. Tôi còn nhớ mỗi khi vào gặp các Giáo sư thi Khảo hạch mà e ngại vì ông nào ông nấy mặc bộ áo lớn trịnh trọng mang cà-vạt rất sang cả như khi vào Giảng đường. Các vị thầy Hướng dẫn hay Thực tập thì ăn mặc xuềnh xoàng hơn, đỡ sợ. Nhiều lần biết lệ, tôi ngồi yên trong khi các bạn chung quanh gõ bàn thành nhạc điệu, tạo thành tiếng vang rất lớn, báo hiệu cho Thầy Cô trong giảng đường biết đã hết giờ nên thả bọn nhóc ra để chúng nó còn đi ăn cơm rồi chuẩn bị cho học trình chiều. Những buổi thực tập dài lê thê đến 4 tiếng đồng hồ, nhớ lại ... kinh hãi thật. Vào quán ăn phải xếp hàng, có lần tôi bị đẩy đi hỏng chân lơ lửng như ma nghĩ lại mà buồn cười!

Các môn học có khác với bên nhà xưa và nay vì là nước có nền kỹ nghệ và kinh tế tiến triển cao. Về mặt thực tập cho các ngành khoa học thực dụng, từ Trung học các học sinh có phòng thí nghiệm trang bị đầy đủ dụng cụ tối tân cho các môn Hóa, Lý, Vạn vật, Sử Địa, Ngôn ngữ, Tin học. Có căn bản sẵn, lên Đại học họ đã giúp tôi mấy tháng đầu xoay sở làm thực tập và viết rấp-po tại chỗ nhanh chóng dù ... chẳng hiểu gì mấy.

Môn học tôi không ưa khi thấy nó là "Paléontologie" (Hóa thạch học), với những cái tên dài lằng nhằng khó nhớ về những thứ đã hóa đá từ cả triệu năm còn dấu vết để lại như sò, ốc, cá quý, vật thể lạ. Cùng thời điểm với tôi có nhiều người trẻ sau này đổi trường hoặc vào học thẳng các đại học khác đều tốt nghiệp Y khoa, Dược, Canh Nông, Kỹ sư, Hóa học. Vài người chuyển trường làm chuyên viên kỹ thuật (3 năm đào tạo tương tự như MIT của Mỹ, IUT bên Pháp hay bằng cấp tương đương của các Trung Tâm Dạy Nghề do chính phủ quản lý) thành công vì rất thiếu nhân lực. Đầu óc khoa bảng của người Pháp đã chuyển sang dân Việt ta là làm Thầy chứ ít ai chịu làm Thợ dù là Thợ Cao cấp lương rủng rỉnh!

Đứng trước bảng ghi điểm sinh viên, ai cũng thấy mấy cái tên đặc biệt Tran, Nguyen, Pham... thường có điểm cao về Toán, Lý, Hóa. Người Pháp nói chung quý trọng dân ta nhờ có tiếng học giỏi, chịu khó theo sát tục lệ dân bản xứ để hoà nhập tốt vào môi trường sống và ít gây vấn đề cho họ thì họ rất bằng lòng. Chỉ trừ tên Nguyễn khó đọc họ tự động biến nó thành N có dấu phẩy chia ra rồi gắn khúc đuôi Guyen vào dễ đọc nhưng hiện nay họ đã chấp nhận viết y chang và đọc được luôn.

Ngày đó, tôi gặp cô bé Minh Hà chạy xe gắn máy hai bánh đến trường. Trời hỡi, lúc đó đám trẻ tới nơi ngồi trên xe hơi cầm lái đã là chuyện thường, nên tôi thật sự ngạc nhiên khi thấy điều này. Tóc cô đen và nâu nhạt dài đến ngang lưng, thời đó chưa mang mũ an toàn, phất phơ trong gió lạnh mùa Đông. Một lần tôi đang làm thực tập trong phòng Hóa, Minh-Hà bước vào cùng với hai ba người bạn ,và cô lên tiếng giới thiệu cho tất cả mọi người biết nhóm trẻ đang tổ chức sẽ tham gia biểu tình chống lại biện pháp gì đó của chính phủ không có lợi cho sinh viên. Thì ra Hà giữ chức Tổng Đại diện cho nhiệm kỳ đó.

Một lần khác, cô lên bảng trực tiếp viết Thông cáo bằng phấn trắng cho các bạn trong Giảng đường về sự vắng mặt của Giáo sư hôm đó. Tôi nhìn thấy cô thuận tay trái, hiếm có. Chúng tôi chỉ gặp nhau trong những lần có cua Chính thống chung cho sinh viên, ngoài ra Thực tập, Hướng dẫn đều khác nhau tùy nhóm và môn học đã chọn. Dần dần, tôi biết thêm rằng Minh-Hà từ thời trung học đã trội bật, cô đậu Tú tài sớm 2 năm, thích tham gia sinh hoạt học đường với tư cách lãnh đạo, ăn nói lưu loát và trang phục bình dị. Một kỷ niệm khác trở về với tôi: lần gặp mặt đầu tiên với một bà cụ mà về sau tôi mới biết là bà ngoại của Hà.

Hôm đó, tôi và cô bạn đang đi siêu thị nhỏ mua vài thứ lặt vặt rồi về thì gặp một bà cụ người Bắc vấn khăn, mặc áo dài trịnh trọng màu nhạt cũng đang từ tốn ra cửa. Hai đứa trố mắt lên nhìn rất ngạc nhiên vì thuở ấy người Việt sinh sống hoà nhập với dân bản xứ, chiếc áo dài xếp tủ cất kỹ chỉ dám đem ra trưng bày vào dịp Tết mà thôi. Bà cụ ngỏ lời chào trước vì nhận ra ngay dân ta là sinh viên du học, rồi mời cả hai về nhà bà gần đó dùng cơm. Bà minh mẫn, khoẻ mạnh, mang kính lão.

Buổi cơm rất đơn sơ như bà có nói trước nhưng sự có mặt của ... chai nước mắm nhĩ nhãn hiệu Phú Quốc làm tôi nhớ đến giờ, vì lúc đó khó mua được nó đối với đám sinh viên nghèo rách mồng tơi (chỉ có ở Paris). Kỷ niệm này đã khắc sâu vào ký ức, mãi về sau quen biết thêm mới hay bà có một tủ sách quý tiếng Việt, cho mượn là đòi mãi đến khi đám trẻ trả lại đầy đủ cho bà!

(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT