Phóng Sự

Ngôi nhà tâm linh của người Việt tại Quận Cam (kỳ 13)

Sunday, 26/11/2017 - 03:05:21

Con cái của tín đồ Công Giáo được sinh ra cũng tiếp tục chu kỳ như vậy. Việc sống đạo theo giáo luật không chỉ buộc người Công Giáo giữ lễ Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, ăn chay kiêng thịt ngày thứ tư lễ Tro và thứ sáu tuần Thánh, mà còn rất nhiều điều phải tránh giúp cho cuộc sống của tín đồ lành mạnh.

Bài BĂNG HUYỀN

Sinh hoạt tâm linh của người theo đạo Công Giáo (phần 1)

Đạo Công Giáo (Hay Thiên Chúa Giáo) du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 16, 17, khi các nhà truyền giáo châu Âu tới giảng đạo. Dù chưa đến 500 năm, nhưng tôn giáo này đã có ảnh hưởng đến đời sống tín ngưỡng của người Việt theo đạo Công Giáo rất sâu đậm, trở thành nhu cầu cần thiết cho rất nhiều tín đồ. Để giữ đạo tốt hơn, người Công Giáo thường sống quây quần lại thành làng xóm và dù có phải di cư đến vùng đất mới họ cũng giữ nguyên tên làng của mình lúc trước. Vì vậy có các làng Bùi Chu, Kiên Lao, Cầu Cổ ở vùng đất mới khai hoang tại vùng biển huyện Nghĩa Hưng hay tên làng Bùi Phát, Hà Nội, Trà Cổ, Thái Bình... tại Sài Gòn, Đồng Nai sau năm 1954.

Đã có nhiều ý kiến từ các nhà nghiên cứu về văn hóa, tín ngưỡng Việt cho rằng, có lẽ do người Việt sống thiên về tình cảm nên cách giữ đạo cũng ưa ồn ào, náo nhiệt. Một nhà nghiên cứu và cũng là linh mục Công Giáo nhiều năm làm việc ở hải ngoại là GS.VS Trần Tam Tỉnh nhận xét: “Dân chúng Công Giáo Việt Nam thiết tưởng là quần chúng mộ đạo nhất thế giới. Hàng ngày họ đi dự kinh lễ sớm chiều rất đông và thích rước kiệu, làm tuần tam nhật và nhiều việc đạo đức sùng kính khác, không những vào ngày Chủ Nhật mà cả các ngày trong tuần. Tại các họ đạo nông thôn, kinh lễ buổi mai kéo dài 2-3 giờ, cuộc rước lâu cả buổi.” Những biểu hiện sinh hoạt tôn giáo sầm uất này vẫn giữ đến ngày nay nhất là khi đón tiếp các đấng bậc “nhân danh Chúa mà đến.”


Bà Mến Vũ và chồng, ca sĩ Vũ Anh (Hình cung cấp)

Bách Khoa Toàn Thư Mở Wikipedia có ghi: “Cộng đồng Công Giáo tại Việt Nam là một bộ phận của Giáo hội Công Giáo Rôma, dưới sự lãnh đạo tinh thần của Giáo hoàng và Giáo triều Rôma. Với khoảng 6.87%, Việt Nam là quốc gia có tỷ lệ người Công Giáo (trong tổng dân số) xếp thứ năm ở châu Á, sau Đông Timor, Phi Luật Tân, và Nam Hàn. Thời cực thịnh, Công Giáo tại Việt Nam còn được mệnh danh là "Trưởng nữ Giáo Hội bên Viễn Đông."

Về việc hình thành Công Giáo Việt Nam hải ngoại, Wikipedia ghi: “Trong dòng người thuyền nhân rời Việt Nam có đông đảo người Công Giáo. Ngày nay, với hơn nửa triệu người ở rải rác khắp nơi trên thế giới, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam ở hải ngoại có nhiều hình thức sinh hoạt khác nhau. Có nơi thì họ tạo thành giáo xứ Việt Nam do một linh mục Việt Nam làm quản xứ (quản nhiệm, tuyên uý); có nơi thì lập giáo đoàn Việt Nam trong một giáo xứ địa phương do linh mục Việt Nam làm cha phó phụ trách với tính cách quản nhiệm (Hoa Kỳ) hay tuyên uý (Úc); có nơi chỉ là một cộng đoàn nhỏ bé, chưa có người phụ trách, thỉnh thoảng mới tụ họp nhau dâng thánh lễ bằng tiếng Việt. Đặc biệt, Dòng Đồng Công đã tổ chức Ngày Thánh Mẫu hằng năm, và được coi là một trong những dịp quy tụ người Việt lớn nhất hải ngoại. Đặc biệt, đã có từ 5-6 vị xuất thân từ Việt Nam được chọn làm Giám mục phục vụ tại hải ngoại.”

Những sinh hoạt của người Công Giáo

Theo bà Mến Vũ, vợ của ca sĩ Vũ Anh, từng là hội trưởng hai nhiệm kỳ của hội Các Bà Mẹ Công Giáo, tại nhà thờ La Purisima Church, thuộc thành phố Orange, dạy giáo lý và lớp Việt ngữ cho các em người Mỹ gốc Việt tại đây khoảng đầu năm 2000, chia sẻ, “Nói về vấn đề tâm linh của một người Công Giáo thì rộng lắm. Tôi chỉ muốn nói lên những gì tôi biết và đã trải qua, để chia sẻ đôi nét sinh hoạt trong nhà thờ của những người theo đạo Công Giáo. Tôi lớn lên trong một gia đình Công Giáo từ ông bà, cha mẹ, đến khi lập gia đình với anh Vũ Anh, may mắn anh và gia đình cũng theo đạo Công Giáo, nên việc gìn giữ đạo của chúng tôi và truyền cho các con cũng dễ dàng.”

Bà cho biết Quận Cam hiện nay có một số đoàn thể sinh hoạt thường xuyên hằng tuần tại xứ đạo mà họ sinh sống, ngoài ra còn có một số đoàn thể Công Giáo Tiến Hành chính, như Đoàn Liên Minh Thánh Tâm (các thành viên gặp nhau 1 tháng một lần), Hội Các Bà Mẹ Công Giáo (các thành viên gặp nhau 1 tháng một lần, Hội Lêgio Maria (đọc kinh mỗi tuần), Thiếu nhi Thánh Thể (sinh hoạt hằng tuần dành cho các em thiếu nhi, thanh thiếu niên).

Ngoài ra còn có Phong trào Cursillo giúp cho người Kito hữu sống Tin Mừng và Làm chứng nhân cho Chúa; Chương Trình Thăng Tiến Hôn Nhân Gia Đình, dành cho những cặp vợ chông không phân biệt tuổi tác, họ tham dự một khoá tỉnh tâm ba ngày, sau đó họ sẽ chia thành những nhóm nhỏ từ 5 cho đến 10 cặp vợ chồng, họ gặp nhau hàng tháng tại tư gia của nhau, để học hỏi và chia sẻ kinh Phúc Âm, qua những kinh nghiệm đời sống chứng nhân của chính họ. Các con cái của họ chơi chung với nhau trong buổi họp mặt. Lâu lâu tổ chức đi picnic cùng nhau…Vợ chồng tôi cũng là một thành viên của hai chương trình này.
Bà Cecilia Phan, một tín đồ thuộc Giáo Xứ Saddle Back, Irvine, và là thành viên của hội Respect-life (cứu mạng thai nhi) cho biết một yêu cầu bắt buộc với người theo đạo Công Giáo là phải tuân giữ giáo lý, giáo luật của Giáo Hội. Điều này chi phối toàn bộ lối sống của tín đồ từ khi sinh ra đến cả sau lúc chết đi, từ tư cách cá nhân đến tư cách là một thành viên của gia đình cũng như một thành phần của xã hội.
Chỉ ít ngày sau khi họ chào đời, cha mẹ họ đã đưa đến nhà thờ rửa tội để gia nhập đạo. Rồi họ được cha mẹ hay anh chị đưa đi nhà thờ. Lớn lên chút nữa, được đi học kinh thánh, học các lớp giáo lý cho các lứa tuổi, chịu các Bí tích khai tâm, học giáo lý để chuẩn bị kết hôn và khi sắp nhắm mắt lìa đời, lại lo chịu Bí tích lần cuối.

Con cái của tín đồ Công Giáo được sinh ra cũng tiếp tục chu kỳ như vậy. Việc sống đạo theo giáo luật không chỉ buộc người Công Giáo giữ lễ Chúa Nhật và các ngày lễ trọng, ăn chay kiêng thịt ngày thứ tư lễ Tro và thứ sáu tuần Thánh, mà còn rất nhiều điều phải tránh giúp cho cuộc sống của tín đồ lành mạnh.

Hội các Bà Mẹ Công Giáo

Bà Mến Vũ cho biết đây là hội dành riêng cho các bà, các chị đã có gia đình, vì xã hội hiện nay đang xảy ra biết bao những xa đọa khiến bao gia đình đã đổ vỡ, nhất là những gia đình trẻ, con cháu không biết vâng lời cha mẹ, nên các bà mẹ cần phải hiệp nhất lại cầu nguyện cho gia đình và cho con cháu. Tại các nhà thờ có cộng đoàn giáo xứ người Mỹ gốc Việt tại Quận Cam nói riêng và các nơi trên khắp nước Mỹ nói chung đều có Hội Các Bà Mẹ Công Giáo. Hằng tháng, Hội Các Bà Mẹ Công Giáo tại các cộng đoàn có buổi họp mặt một lần. Còn hằng năm, thì họp Đại Hội và mừng lễ kính thánh Monica Bổn Mạng của Hội Các Bà Mẹ Công Giáo của quận Cam, có khoảng 500- 600 các bà mẹ của 13 cộng đoàn người Mỹ gốc Việt Quận Cam về dự Đại Hội, được tổ chức tại Trung Tâm Công Giáo.

Ngày gặp nhau mỗi tháng tại các cộng đoàn trong nhà thờ, thường có phần hội trưởng chào hỏi các hội viên, tất cả cùng nhau đọc 5 lần kinh, lần chuỗi Mân Côi Đức Mẹ cầu nguyện, chia sẻ Phúc Âm. Thông báo về những sinh hoạt trong cộng đoàn như cần đi thăm người đau ốm tại gia đình, đi thăm các cụ trong các Viện Dưỡng Lão, có ai mất trong cộng đoàn mình hay những cộng đoàn khác để cùng đọc kinh cầu nguyện, và kết thúc bằng chầu Mình Thánh Chúa.


Hội Các Bà Mẹ Công Giáo

Trang nhà của Saint John the Baptist Catholic Church giới thiệu, “Ngày đầu tháng 5 năm 1850, một số các bà mẹ gia đình Công Giáo hội họp ở thành Lille, nước Pháp, để quyết định mỗi ngày đọc một kinh, dâng lên Đức Mẹ Đồng Trinh và Mẹ Sầu Bi, có ý giao phó con cháu mình dưới bàn tay bảo trợ vạn năng của Mẹ. Ý tưởng của bà Belhim lập thành một Nhóm để cầu nguyện cho con cháu, bà đem thực hiện và được tán trợ khắp nơi. Bà là Hội Trưởng đầu tiên tại nước Pháp. Đó là khởi điểm Hội Các Bà Mẹ Công Giáo. Cha Théodore Ratisbone thấy trước những hiệu qủa lớn lao trong công cuộc này, Cha đem tất cả năng lực, tận tụy giúp cho Hội được phát triển rộng rãi. Từ đó Hội Các Bà Mẹ Công Giáo lan rộng nhanh chóng trên khắp toàn Thế Giới. [...]
“Tại Việt Nam, ngày 18/12/1958 Hội Các Bà Mẹ Công Giáo được chính thức sát nhập vào Trung Ương tại BaLê. Ngày 26/8/1960 Đức Giáo Hoàng Gioan XXIII ban cho Hội CBMCG, phép lành Toà Thánh ơn toàn xá trong giờ lâm tử. Ngày 11/9/1968. Đức Tổng Giám Mục Phaolô Nguyễn Văn Bình thị thực cuốn sách Thủ Bản Hội Các Bà Mẹ Công Giáo, đang xử dụng cho tới nay. Cha PhaoLô Nguyễn Văn Truyền làm Giám Đốc, hiện nay Hội đang phát triển mạnh mẽ trên toàn nước Việt Nam.

“Thánh MONICA Bổn Mạng của tất cả
“Hội Các Bà Mẹ Công Giáo trên toàn Thế Giới, vì những gương sáng nhân đức của Ngài, hy sinh chịu đựng những đau khổ, những buồn phiền, những thử thách trong cuộc sống gia đình, liên lỷ cầu nguyện và nước mắt đã biến đổi được mẹ chồng khắc nghiệt, người chồng hung bạo, đứa con hoang đàng là Augustinô, ăn năn trở lại. Augustinô đã trở nên Thánh, là rường cột của Giáo Hội Công Giáo. Gương của Thánh Nữ Monica rất phù hợp với các bà mẹ, nhất là các bà mẹ Việt Nam.

“Hội CBMCG Việt Nam chọn thánh Monica làm quan thầy. Cờ đoàn một bên thêu ảnh Đức Mẹ Sion, một bên có hình thánh Monica và thánh Augustino. Biểu dương sự nhẫn nại hy sinh, lòng ưu ái của mẹ với con. Phù hiệu của hội viên đeo ảnh Đức Mẹ Ban Ơn bằng giây vải xanh da trời, thường đeo cổ bên ngoài áo dài trắng. Khăn quàng màu xanh tươi. Màu xanh chỉ đức nết na của người mẹ Việt Nam đạo hạnh và thuần thục.”

Phong trào Liên Minh Thánh Tâm

Bà Mến Vũ cho biết, nếu với Hội Các Bà Mẹ Công Giáo chỉ có các bà họp mặt với nhau, thì Phong trào Liên Minh Thánh Tâm là dành cho các ông. Phong trào Liên Minh Thánh Tâm là một tổ chức công Giáo tiến hành dành cho nam giới, chuyên cầu nguyện và hoạt động tông đồ hợp nhất với Thánh Tâm Chúa Giêsu, Phong trào lấy việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu làm nền tảng cho mọi hoạt động. Phong trào này hướng mọi hoạt động vào mục đích cổ động và duy trì tinh thần Kitô Giáo trong gia đình và ngoài xã hội, để làm sáng danh Chúa và thực hiện ý nguyện của Thánh Tâm Chúa là cứu rỗi các linh hồn.

Trên trang nhà Giáo Xứ Đức Mẹ La Vang Houston, Texas có giới thiệu khá kỹ về lịch sử ra đời của Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm (PTLMTT), “PTLMTT được Cha Edouard Hamon, Dòng Tên, sáng lập năm 1883. Ngài muốn lấy tinh thần cầu nguyện và sự nhiệt thành của Hội Tông Đồ Cầu Nguyện làm tinh thần của phong trào. Ngài đã muốn nuôi sống phong trào bằng hai yếu tố căn bản trên; nên ngày 31 tháng 12 năm 1884, ngài đã sát nhập Phong Trào Liên Minh Thánh Tâm vào Hội Tông Đồ Cầu Nguyện. Tại Việt Nam, năm 1950, Cha Gagnon, tên tiếng Việt là Cha Nhân, du nhập phong trào LMTT vào miền Bắc Việt Nam. Hai năm sau, năm 1952, Cha Nhân chuyển giao Phong trào cho Cha Giacôbê Đào Hữu Thọ, Dòng Chúa Cứu Thế. Năm 1954 Cha Giacôbê di cư vào miền Nam, đem theo tất cả những vốn liếng có được về PTLMTT Việt Nam với Ngài. Kể từ đó phong trào đã được giới thiệu đến khắp mọi địa phận, và hầu hết các Giáo xứ trong miền Nam, Phong trào đã như một luồng gió mới thổi vào các giáo xứ từ thành thị đến thôn quê để mời gọi mọi người tôn sùng Thánh tâm Chúa Giêsu, nhất là mời gọi các gia trưởng gia nhập đoàn LMTT, từ đó PTLMTT dã phát triển mạnh trong miền Nam. Sau biến cố tháng 4-1975, dưới sự kỳ thị và kiểm soát gắt gao của chế độ cộng sản, phong trào vẫn âm thầm hoạt động trong các giáo xứ với tên mới là hội các gia trưởng. Cùng với làn sóng người ồ ạt chạy trốn ra nước ngoài, Phong trào LMTT cũng được trung kiên đem theo và tái tổ chức hoạt động ở hầu hết các nơi có người Công Giáo Việt Nam cư ngụ, được biết là Hoa Kỳ, nơi mà có số người Việt định cư đông nhất trên thế giới.

“Năm 1980 Cha Phêrô Nguyễn Đức Tiên (nay là Đức Ông) cùng với những anh em đoàn viên nhiệt tình gây dựng lại phong trào LMTT tại Orange county, miền nam California. Từ đó phong trào phát triển rất nhanh, từ các Toán, rồi các đoàn và cuối cùng lên đến cấp Liên đoàn tại rất nhiều địa phận trên lãnh thổ Hoa Kỳ.”
Bà Mến Vũ cho biết hiện nay ngoài những sinh hoạt kể trên, đi lễ đều đặn hằng tuần, vợ chồng bà còn tham gia vào nhóm đọc kinh cầu nguyện, tôn trọng sự sống thai nhi, chống phá thai, vào mỗi tối thứ Ba tại nhà thờ La Purisima Church, là cộng đồng mà vợ chồng bà gắn bó suốt nhiều chục năm nay.

Bà tâm sự, “Năm nay tôi 62 tuổi, từ xưa nay vẫn đi nhà thờ đều đặn, không dám bỏ, vì sợ tội. Nhưng trước đây, tôi đi nhà thờ theo thói quen, không cảm nghiệm được tình yêu Chúa cho mình. Rồi đến một ngày, tôi đã cảm nghiệm được. Đó là nhờ tôi siêng đọc Kinh Phúc Âm. Điều này rất quan trọng, chính nhờ siêng đọc kinh, lắng nghe lời Chúa, là chìa khóa tâm linh, giúp đức tin tôi thêm sâu đậm, thấy thanh thản trong tâm hồn. Giúp tôi dễ tha thứ, bớt nóng nảy, bình an trong tâm. Khi đọc Phúc Âm, câu nào hay thì tôi viết ra và từ từ thấm. Kinh Thánh có nhiều câu hay và thấm thía lắm. Chẳng hạn có một câu mà tôi rất thích và tâm niệm cho mình khi chăm sóc bố tôi lúc ông đau yếu trước khi ông mất, nhất định không đồng ý gửi ông vào viện dưỡng lão. Câu đó trong HUẤN CA chương 3 từ câu 12 -14, Con ơi , hãy săn sóc Cha con, khi người đến tuổi già, bao lâu người còn sống, chớ làm người buồn tủi. Người có lú lẫn , con cũng phải cảm Thông, chớ cậy mình sung sức mà khi dể người. Mỗi khi nhà thờ có tổ chức những lớp học thánh kinh kéo dài vài ngày, tôi và chồng đều ghi danh học, nhờ vậy càng thêm thấm. Theo tôi, với người Công Giáo, cuốn Kinh Thánh và sự cầu nguyện liên tục là chìa khoá giúp cho đời sống tâm linh của mình được bình an.”

Cũng theo lời bà Mến Vũ, những người theo đạo Công Giáo nếu rửa tội là điều kiện cần thì giữ đạo mới là điều kiện đủ để được cứu rỗi. Trong ba nhân đức tu luyện của người Công Giáo thì đức tin là quan trọng nhất. Nhưng “đức tin không có việc làm là đức tin chết,” nên thể hiện niềm tin theo đạo, trước hết là giữ luật đạo. Luật đạo thì mênh mông nào là “10 điều răn,” “6 điều răn,” “8 mối phúc,” “7 mối tội đầu,” “thương người 14 mối” tóm gọn là “mến Chúa, yêu người.” Những tín đồ Công Giáo sùng đạo là những người siêng đi lễ nhà thờ, xưng tội, rước lễ thường xuyên, đọc kinh hàng ngày và phải có lòng bác ái, thương người nghèo khó.
(Còn tiếp)

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT