Thế Giới

Những người vô gia cư vô hình ở Nhật Bản trong thời suy thoái kinh tế

Sunday, 21/08/2016 - 09:14:22

Vào ban ngày, giống như những cái thùng mà họ nằm ngủ trong đó, những kẻ vô gia cư cố gắng hòa nhập với những người khác trong xã hội.

Đầu tháng này, đài ABC Úc đã đăng một bản tin về một lớp người vô gia cư mới tại nước Nhật ngày nay. Họ luôn gìn giữ sự tự trọng dù bị sa cơ thất thế và bị hiểu lầm là những kẻ lười biếng. Họ không có nhiều hy vọng và cũng không chờ đợi được khá hơn. Sau đây là bài viết của ký giả Iskhandar Razak từ thủ đô Đông Kinh.
Hội từ thiện Tenohasi cho biết nhiều người nghèo không muốn đến xếp hàng nhận thức ăn vì xấu hổ. (Iskhandar Razak/ ABC)

Nhiều người vô gia cư ở Đông Kinh hiện nay chính là những người đã giúp xây dựng đất nước Nhật Bản thời hiện đại.

Mỗi đêm trong thành phố này, hàng trăm người mở những thùng bìa các-tông cứng ra để nằm ngủ trong đó, và đến sáng thì họ xếp thùng lại và giấu khỏi tầm nhìn của thiên hạ, không để chúng nằm bừa bãi trên vỉa hè.

Vào ban ngày, giống như những cái thùng mà họ nằm ngủ trong đó, những kẻ vô gia cư cố gắng hòa nhập với những người khác trong xã hội.

Ông Yoshinori Ogawa, một cán sự xã hội làm việc cho cơ quan phi lợi nhuận Tenohasi, nói, “Những người này không đi hành khất, họ không ăn xin ngoài đường, và họ không có vẻ bẩn thỉu. Vào ban ngày họ đi bộ nhiều. Người ta không nhìn thấy họ.”

Ông cho biết rằng hầu hết những người ấy trước đây từng là những công nhân xây dựng, hoặc những người lao động không có tay nghề cao. Nay họ quá già để học những năng khiếu mới và bị bỏ lại phía sau, khi nền kinh tế của Nhật Bản đang bị chậm lại và thiếu những việc làm trong nghề xây dựng.
Ông Ogawa nói, “Nhiều người trở thành vô gia cư vì cuộc khủng hoảng tài chánh và bị thất nghiệp. Nếu họ có cơ hội, họ sẽ quay trở lại với xã hội.”

Khoảng 250 người xếp hàng chờ nhận phần ăn từ những chỗ phát chẩn thực phẩm và các chương trình tiếp cận cộng đồng hàng tuần của Tenohasi.

Khi ký giả của ABC đến thăm một bếp nấu ăn từ thiện như vậy, tất cả những người nghèo đều xếp hàng một cách bình tĩnh chờ lãnh phần ăn của họ.

Trong số họ không có ai muốn được chụp hình. Một số người sẵn sàng cho ký giả xem những chiếc giấy thùng của họ sạch sẽ như thế nào.

Những người tình nguyện giúp đỡ cũng không muốn được chụp ảnh hoặc phỏng vấn.
Đó là vì ở Nhật Bản, ý tưởng cho rằng xã hội có vai trò trong việc giúp đỡ những người vô gia cư là một khái niệm mới.

Ông Kenji Seino là một giáo sư khoa nghiên cứu xã hội, và là một trong số những người điều hành hội từ thiện Tenohasi. Ông nói, “Cách đây mười năm, người ta chỉ nghĩ rằng họ lười biếng, nếu họ sống ở ngoài đường phố.”

Trong khi giúp đỡ những người vô gia cư, ông và những người tình nguyện khác thường bị công chúng chê bai.

Ông nói, “Cách đây mười năm, chính quyền địa phương từ chối trợ cấp xã hội cho những người dưới 65 tuổi. Hồi đó xã hội Nhật đối xử với những người vô gia cư như vậy, bởi vì không ai muốn lấy tiền thuế của những dân để cấp cho những kẻ mà họ nghĩ là người lười biếng.”

Ngày nay chính phủ đã thay đổi thái độ , và nhờ vậy hội Tenohasi có nhiều người tham gia trợ giúp.
Hàng chục người giúp phân phát cơm cho những người xếp hàng. Các tình nguyện viên cũng hình thành những nhóm nhỏ đi tìm kiếm những người nghèo. Những người khốn khổ này có thể là quá mệt mỏi, già nua, hoặc quá xấu hổ để đến xếp hàng xin thực phẩm.

Nói chung, Nhật Bản có rất ít người vô gia cư. Và những thay đổi trong nhận thức của công chúng và trong chính phủ đã giúp cho nhiều người nghèo nhất được tái hội nhập vào xã hội Nhật.

Trong năm 2014, một cuộc khảo sát của chính phủ cho thấy có 7,508 người vô gia cư trên toàn quốc, giảm bớt từ 12,253 người trong năm 2010.

Các cơ quan xã hội của nước này tin rằng số lượng thực sự của những người ngủ ngoài đường là đông hơn nhiều, nhưng họ cũng đồng ý rằng số lượng đó đang giảm bớt.

Theo ông Ogawa cho biết, mặc dù độ rày họ nhận được tới 250 người vô gia cư tại các bếp ăn từ thiện, nhưng trong năm 2008 ở cao điểm của cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu, họ tiếp nhận tới 600 người một đêm.

Ông nói, “Khi nền kinh tế khá trở lại thì họ biến mất, bởi vì họ có được việc làm.”
Tuy nhiên, các cơ quan an sinh xã hội đang lo lắng vì hai lý do.

Thứ nhất, theo ông Ogawa, những người vẫn còn ở trên đường phố sau cuộc khủng hoảng tài chánh toàn cầu đều là những người có tay nghề ít nhất. Điều đó bao gồm cả những khuyết tật thể lý và những khuyết tật tâm thần không được chẩn đoán.

Thứ nhì, nền kinh tế Nhật Bản một lần nữa đang gặp khó khăn. Ông Kenji Seino cho biết rằng các chính trị gia bảo thủ muốn cắt giảm an sinh xã hội, đặc biệt là cho những người vô gia cư.

Ông Ogawa nói, “Mức thu nhập trung bình của người Nhật đang giảm bớt theo năm, vì vậy người ta đang phải vất vả mưu sinh, và đang công kích những người vô gia cư và các chương trình an sinh xã hội.”
Nhưng ông nói rằng ông sẽ tiếp tục làm những việc ông đang làm, ngay cả khi quan điểm của chính phủ và công chúng về những người vô gia cư một lần nữa lại xoay chiều.

Khi được hỏi công việc của ông làm cho ông cảm thấy thế nào, ông nói, “Đó là niềm vui, đó là lạc thú của tôi.”

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT