Đạo và Đời

Nước hằng sống

Wednesday, 11/03/2020 - 07:06:20

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ vùng Samarita tại giếng nước Giacob.


Tranh minh họa câu chuyện Chúa Giêsu gặp người phụ nữ tại giếng nước ở Samarita, giảng cho bà nghe về ý nghĩa của nước hằng sống. (Living Water by Simon Dewey)


Bài LM PHẠM NGỌC HÙNG

Bài Tin Mừng hôm nay kể lại cuộc gặp gỡ giữa Chúa Giêsu và người phụ nữ vùng Samarita tại giếng nước Giacob. Câu chuyện được bắt đầu với Chúa Giêsu xin người phụ nữ nước uống vì bà ta đang đi lấy nước tại giếng. Qua những chi tiết được trình bày, nhiều người không khỏi thắc mắc tại sao một người có thể ban phát nước hằng sống lại đi xin nước của một người khác. Cụm từ “nước hằng sống” ở đây mang hai ý nghĩa: thiên nhiên và siêu nhiên. Nước hằng sống thiên nhiên được chảy ra từ một nguồn nước hay những mạch nước từ trong lòng đất, chẳng hạn như nước sông, nước suối, nước thác, và nước giếng, v.v.. Nước hằng sống siêu nhiên nói đến ân sủng của ThiênChúa, và chính Chúa Giêsu là nguồn mạch của nước hằng sống và dẫn đưa chúng ta đến nguồn nước đó.

​Trong Cựu Ước, nước hằng sống thường được dùng như phép ẩn dụ để chỉ ân sủng Thiên Chúa ban cho con người. Ví dụ điển hình là câu chuyện “Nước Từ Tảng Đá” trong sách Xuất Hành. Dân Do Thái khát nước trong sa mạc và kêu gào Môisen xin nước, và ông đã làm theo lời Chúa truyền dạy, lấy gậy gõ vào tảng đá và nước từ tảng đá chảy ra cho con cái Israel uống (Xh 17:1-7). Một ví dụ khác là câu chuyện trong sách Tiên Tri Êdêkien mô tả nước chảy từ bên phải đền thờ mà chúng ta thường hát trong khi rảy thánh trong Mùa Phục Sinh: “Tôi đã thấy nước từ bên phải đền thờ chảy ra. Và nước ấy chảy đến những ai, thì tất cả được cứu rỗi và reo lên…” (Êd 47). Cả hai câu chuyện đều muốn diễn tả nước hằng sống thiên nhiên là biểu tượng cho nước hằng sống siêu nhiên.

​Trở lại với câu chuyện Tin Mừng ngày hôm nay, khi Chúa Giêsu nói với người phụ nữ: “Ai uống nước giếng này sẽ còn khát: nhưng ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa, vì nước Ta cho ai thì nơi người ấy sẽ trở thành mạch nước vọt đến sự sống đời đời.” Ngài muốn dùng hình ảnh nước thiên nhiên để diễn giải ý nghĩa của nước hằng sống siêu nhiên. Điều đáng tiếc là người phụ nữ này vẫn không thể hiểu được. Thực ra cũng không thể trách chị ta, một người dân ngoại, làm sao có thể hiểu ngay được ý nghĩa thiêng liêng của nước. Do đó chị ta tiếp tục câu chuyện với nước hằng sống thiên nhiên, “Thưa Ngài, xin cho tôi nước đó để tôi chẳng còn khát và khỏi phải đến đây xách nước nữa.”
​Không nước nào uống vào có thể giải khát con người mãi mãi. Mỗi ngày chúng ta đều phải uống nước vì cơ thể chúng ta cần có nước. Mỗi ngày chúng ta uống nhiều lần. Uống xong lại khát. Duy chỉ có ân sủng của Thiên Chúa, nước hằng sống siêu nhiên, sẽ thỏa đáng mọi khát vọng như Thánh Phaolô đã từng cảm nhận, “Ơn Chúa là đủ cho con” (2 Cr 12:9).

​Bài Tin Mừng này được đọc hàng năm vào Chúa Nhật III Mùa Chay trong các Thánh Lễ có người dự tòng cử hành Nghi Thức Nghiệm Xét. Họ được dẫn đưa từ dòng nước thiên nhiên qua đến dòng nước siêu nhiên. Như dòng nước thiên nhiên cần thiết cho cơ thể con người thế nào, dòng nước siêu nhiên cũng cần thiết cho linh hồn như vậy. Những gì còn là tự nhiên hay thiên nhiên sẽ vẫn là tạm thời, điển hình là nước, uống rồi sẽ tiếp tục khát. Do đó nếu linh hồn con người muốn thực sự mãi mãi no đầy thỏa mãn, thì không thể kiếm tìm những giá trị thế gian như tiền bạc, lạc thú, hay dục vọng, nay còn mai mất, hay có được rồi nhưng vẫn muốn nhiều hơn. Con người cần phải kiếm tìm giá trị siêu nhiên vì Chúa Giêsu đã hứa, “ai uống nước Ta sẽ cho thì không bao giờ còn khát nữa.”

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT