Thế Giới

Phi Luật Tân xây "thành phố dự phòng" chống thảm họa

Friday, 03/08/2018 - 11:46:37

Khu đô thị nằm cách Manila 100 cây số về phía bắc, được đặt tên là New Clark City, vì nằm trong đặc khu kinh tế Clark, trước đây là khu quân sự của lực lượng Hoa Kỳ và Phi Luật Tân.




MANILA - Vào tháng trước Phi Luật Tân đã khởi công xây dựng một thành phố "dự phòng,” nơi các văn phòng chính phủ vẫn có thể hoạt động trong trường hợp thủ đô Manila gặp các thảm họa tự nhiên như động đất, lũ lụt.

Khu đô thị nằm cách Manila 100 cây số về phía bắc, được đặt tên là New Clark City, vì nằm trong đặc khu kinh tế Clark, trước đây là khu quân sự của lực lượng Hoa Kỳ và Phi Luật Tân. Với diện tích dự kiến gần 9,450 mẫu, thành phố này sẽ lớn hơn quận Manhattan ở New York, và có sức chứa lên tới 1.2 triệu người.

Vị trí là ưu điểm lớn nhất của New Clark City trong việc đối phó thảm họa. Thành phố nằm cao hơn nhiều so với Manila nên ít bị ngập lụt hơn, theo ông Vivencio Dizon, chủ tịch Cơ quan Phát triển và chuyển đổi cơ sở (BCDA) thuộc chính phủ, nơi quản lý dự án. Thành phố sẽ có các hệ thống thoát nước quy mô lớn và các "khu vực không xây dựng," để giảm nguy cơ lụt. Thêm vào đó, bao quanh thành phố là một dãy núi, giúp bảo vệ khỏi các cơn bão.

Trong khi Manila dễ bị ảnh hưởng bởi động đất do nằm trên vết đứt gãy lớn của Trái Đất, các chuyên gia xác nhận rằng New Clark City không nằm gần bất kỳ đường đứt gãy nào. Việc New Clark City chỉ cách núi lửa Pinatubo chưa đầy 40 cây số có thể gây lo ngại, vì núi lửa này nổi tiếng với vụ phun trào thảm khốc vào năm 1991 - vụ phun trào núi lửa lớn thứ hai trong thế kỷ 20. Tuy nhiên, các chuyên gia dự báo Pinatubo sẽ không có vụ phun trào lớn nào trong hàng trăm năm tới.

Ngoài khả năng chịu được bão, lũ lụt và động đất, New Clark City còn hướng tới mục tiêu trở thành thành phố xanh. Ông Dizon cho biết một trong những điều quan trọng nhất cần làm là giảm thiểu ô nhiễm giao thông. Thành phố sẽ có nhiều khu vực rộng lớn dành cho người đi bộ, và ưu tiên sử dụng các loại xe vận chuyển công cộng. Theo ông Dizon, các công trình công cộng sẽ sử dụng nguồn năng lượng xanh như năng lượng mặt trời, khí gas hóa lỏng và năng lượng từ rác thải. Các tòa nhà được thiết kế để ít tốn năng lượng. Ngoài ra, cảnh quang thiên nhiên của khu vực cũng được bảo tồn, con sông được duy trì, và nhà chức trách tránh phải chặt quá nhiều cây cối.

Vật liệu chính để xây dựng cơ sở hạ tầng của New Clark City là bùn đá, loại vật liệu xây dựng nguồn gốc địa phương, sinh ra sau các vụ phun trào núi lửa. Chính phủ Manila và các nhà tài trợ sẽ tốn gần $2 tỷ Mỹ kim trong giai đoạn xây dựng đầu tiên. Ông Dizon cho biết, việc xây dựng có ít nhất 5 giai đoạn, các công trình được xây dựng đầu tiên bao gồm một khu thể thao, các tòa nhà chính phủ và nhà ở cho các nhân viên chính phủ. Các công trình này dự kiến sẽ khánh thành vào lúc Đại hội thể thao Đông Nam Á được tổ chức tại Phi Luật Tân vào tháng 12, 2019. Giai đoạn đầu tiên dự kiến hoàn thành vào năm 2022, nhưng sẽ mất ít nhất 30 năm để xây xong toàn bộ thành phố.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT