Điện Ảnh, Nghệ Thuật

Đôi điều cảm nhận từ "Đêm Tình Ca Thanh Trang"

Friday, 20/03/2015 - 08:01:43

Mỗi bài hát đều mang một câu chuyện riêng từ tác giả, nhưng cảm xúc khi nghe sẽ đẹp hơn, lãng mạn hơn hay sâu sắc hơn, còn là do cách của người hát truyền đạt đến người nghe và sự cảm nhận của riêng mỗi khán giả. Giá như chương trình dành nhiều thời gian hơn để khán giả thưởng thức âm nhạc, thì mạch cảm xúc của khán giả sẽ tròn đầy hơn.

Bài BĂNG HUYỀN

“Tình ca Thanh Trang” là chủ đề đêm nhạc giới thiệu một số ca khúc của nhạc sĩ Thanh Trang do nhóm Thân Hữu Yêu Nhạc Việt tổ chức tại phòng sinh hoạt nhật báo Người Việt vào lúc 7 g 30 tối thứ Bảy, ngày 14- 3- 2015 tuần qua, với sự hiện diện của nhạc sĩ Thanh Trang và hiền thê Lệ Hà của ông. Làm đẹp thêm cho những giọng ca trong đêm nhạc là tiếng đàn keyboard, piano của Quốc Vũ, tiếng guitare của Phương Thảo và tiếng kèn của Tuấn Hùng.

Nhạc sĩ Thanh Trang tâm tình với khán giả trong đêm nhạc “Tình ca Thanh Trang” (Băng Huyền/Viễn Đông)


Trong đêm “Tình ca Thanh Trang”, trải qua gần 4 giờ đồng hồ, khán giả được thưởng thức 23 ca khúc của nhạc sĩ Thanh Trang cùng lời dẫn rất chi tiết về sự ra đời của từng ca khúc và nỗi niềm của tác giả trong từng ca khúc, qua phần giới thiệu của hai mc Hoàng Trọng Thụy, Nhã Lan. Song song đó còn là những tâm tình của nhạc sĩ Thanh Trang nhằm giải thích cho rõ hơn phần giới thiệu của mc về cơ duyên ca khúc ra đời, cũng như những tâm tư, ý tình của người nhạc sĩ qua một số tác phẩm.
Mỗi bài hát đều mang một câu chuyện riêng từ tác giả, nhưng cảm xúc khi nghe sẽ đẹp hơn, lãng mạn hơn hay sâu sắc hơn, còn là do cách của người hát truyền đạt đến người nghe và sự cảm nhận của riêng mỗi khán giả. Giá như chương trình dành nhiều thời gian hơn để khán giả thưởng thức âm nhạc, thì mạch cảm xúc của khán giả sẽ tròn đầy hơn.
Ngoài những ca khúc nổi tiếng đã từng rung ngân trong trái tim bao người yêu nhạc như “Duyên Thề” (trong đêm nhạc này được trình bày qua tiếng hát của ca sĩ Anh Dũng), “Huyền” (được thể hiện qua tiếng hát Bích Huyền), “Tình khúc mùa đông” (do Minh Phượng tự đệm đàn dương cầm và hát), “Nói với mùa thu” (Ca sĩ Anh Dũng ca), “Sài gòn nhớ Sài gòn thương” (Ca sĩ Quang Tuấn hát), “Những con đường thành phố tôi yêu” (Ca sĩ Quang Tuấn ca), “Bài tình ca trong chiều” (ca sĩ Quang Tuấn hát), “Tóc em vẫn là hương của mẹ” (Nhạc sĩ Thanh Trang phổ theo ý bài thơ “Hương Bồ Kết” của nhà thơ Hà Nguyên Dũng qua tiếng hát của Thế Khải), “Một đời tôi hát” (Giọng hát của Hàn Phúc), “Bài thơ xưa cho em” (Ca sĩ Quang Tuấn ca).

Ca sĩ Quang Tuấn đem lại nhiều xúc động cho người nghe khi hát “Sài gòn nhớ Sài gòn thương” (Băng Huyền/Viễn Đông)


Người nghe còn được thưởng thức những ca khúc ít phổ biến hơn của ông, như “Bài hát mùa xuân” là ca khúc mở đầu chương trình và “Có sớm ta về” là ca khúc kết thúc đêm nhạc, đều do những bạn trẻ của Ban Sóng Xanh thể hiện; “Liễu buồn xanh ngắt mùa thu” qua giọng hát của Bích Huyền, “Một ngày một đời” do Vương Lan hát, “Xuân tận miền xa” (Nhạc sĩ Thanh Trang phổ thơ Kim Tuấn) do Thiên Nga ca, “Đò Mây” với tiếng hát Hồng Tước, “Còn nhớ gì khi xa Huế” Ái Phương ca, “Tìm em chốn này” qua phần trình bày của Vương Lan, Hồng Tước; “Lời xa vắng” Kim Phương ca, “Nhớ em một ngày nắng Sài Gòn” Thế Khải ca, “Bài tình ca trong ngày” Thiên Nga thể hiện, “Chiều muộn” Minh Phượng hát và đệm đàn dương cầm…

Dòng nhạc của nhạc sĩ Thanh Trang
Không biết người viết có đúng không khi cho rằng thường ca khúc chỉ tạo được rung động khi nói lên được nỗi niềm của người nghe, người hát. Âm nhạc chỉ hay khi gắn kết với một hoặc nhiều kỷ niệm của một người hay của nhiều người. Bởi vậy nên mới có bài này hay với người này và bài nọ hay với người kia. Mà khi kỷ niệm đã gắn với âm nhạc thì sẽ càng khó phai. Nếu những bức ảnh có thể lưu giữ những khoảnh khắc, thì những bài hát có thể lưu giữ những hoài niệm. Và những ca khúc của nhạc sĩ Thanh Trang trong đêm nhạc đã đưa người nghe như quay ngược thời gian để hoài niệm về quá khứ. Một số ca khúc của ông như “Duyên Thề”, “Huyền”, Tình khúc mùa đông”, “Nói với mùa thu”, “Sài gòn nhớ Sài gòn thương”, “Những con đường thành phố tôi yêu”, “Tóc em vẫn là hương của mẹ”, từ giai điệu hay lời ca đều toát lên một tình cảm sâu sắc, đậm đà và thiết tha, tiết tấu khoan thai, nhẹ nhàng, nội dung da diết, sâu lắng, đã đọng lại trong lòng người nghe một chút gì đó miên man, day dứt . Bởi chúng xuất phát từ những rung động, những xúc cảm chân thành của người nhạc sĩ. Nó có sự phóng khoáng, bay bổng của tình yêu, đầy nhân ái với cuộc đời, con người và kiếp người, có sự chìm lắng suy tư và chiêm nghiệm về cuộc sống, về những đớn đau trước sự đổi thay của Sài Gòn sau biến cố tháng 4 năm 1975 (”Những con đường thành phố tôi yêu” ), là những cung bậc của nỗi nhớ được nhạc sĩ gửi gắm đầy tự sự, thiết tha (”Sài gòn nhớ Sài gòn thương”).

Ban Sóng Xanh hát “Bài hát mùa xuân” là ca khúc mở đầu trong đêm nhạc (Băng Huyền/Viễn Đông)

 

Những tiếng hát trong đêm nhạc
Làm nên sức sống của đêm nhạc “Tình ca Thanh Trang”, không chỉ riêng giá trị ca khúc mà còn nhờ những tiếng hát của các ca sĩ và sự đón nhận nhiệt thành của khán giả, để thêm một lần nữa những ca khúc này được thăng hoa bởi những tâm hồn đồng điệu mến yêu nó.
Tiếng hát của Vương Lan, Ái Phương, Kim Phương thật ngọt ngào, Thế Khải thật lạ với cách ngân nga khi ca, Hồng Tước (em gái của ca sĩ Kim Tước) với giọng ca bay bổng, thanh thoát gợi nhớ giọng ca Kim Tước thuở nào, Thiên Nga có lẽ do quá hồi hộp nên đã lạc tông khi ngâm một câu thơ trước khi hát “Xuân tận miền xa” (ca khúc được nhạc sĩ Thanh Trang sáng tác theo thể điệu Rumba, phổ ý thơ Kim Tuấn).
Giọng hát Hàn Phúc khá thành công khi thể hiện “Một đời tôi hát” bởi tình cảm nồng nàn của người thể hiện. Những bạn trẻ của ban Sóng Xanh đã đem lại ngạc nhiên cho người nghe bởi tuổi đời của các thành viên còn quá trẻ, lại lớn lên tại hải ngoại, mà họ vẫn gìn giữ ngôn ngữ mẹ đẻ cho mình và cảm được âm nhạc Việt Nam để thể hiện thật cuốn hút 2 ca khúc “Bài hát mùa xuân” là ca khúc mở đầu chương trình và “Có sớm ta về” là ca khúc kết thúc đêm nhạc. Vẫn là cách hát bè quen thuộc của mình, qua 2 ca khúc trên, ban Sóng Xanh đã tạo được không gian âm nhạc thoáng đãng, mênh mông và tươi mát vô ngần.
Giọng ca nữ trầm, khàn của Minh Phượng đầy tâm trạng khi chị vừa hát vừa đệm dương cầm hai ca khúc “Tình khúc mùa đông”, “Chiều muộn”.
Tiếng hát của Bích Huyền đã khiến khán giả xao lòng khi nghe chị hát “Liễu buồn xanh ngắt mùa thu”; với bài “Huyền” từng được nhiều khán giả yêu nhạc Thanh Trang rất “say” cách hát của ca sĩ Quang Tuấn, bởi anh đã để lại dấu ấn rất riêng của mình qua ca khúc này, trong đêm “Tình ca Thanh Trang”, bài “Huyền” qua giọng ca của Bích Huyền, dẫu chưa vượt qua được ca sĩ Quang Tuấn (theo cảm nhận của người viết) nhưng Bích Huyền vẫn để lại nhiều cảm xúc cho người nghe qua cách chị thả hồn mình hòa quyện vào những ca từ quyến rũ trong “Huyền”.

Nhạc sĩ Thanh Trang cùng phu nhân Lệ Hà và các thành viên góp tiếng hát trong chương trình chào tạm biệt khán giả (Băng Huyền/Viễn Đông)

Ca sĩ Anh Dũng khi lên bổng xuống trầm, khi náo nức, khi tha thiết, rất cảm xúc qua bài “Nói với mùa thu” (phổ ý thơ Kim Tuấn) và thật sâu lắng khi anh hát “Duyên Thề”, mà theo như lời giới thiệu của MC Nhã Lan, đây cũng chính là ca khúc “anh hay nghe từ năm 1978 khi còn sống ở Sài Gòn dưới chế độ cộng sản, ca khúc này đem lại niềm bình an trong tâm hồn cho anh và khi sang Mỹ năm 1991, sau khi đậu hạng nhất kỳ thi tuyển lựa ca sĩ ở vũ trường Ritz, anh đã hát bài này mỗi cuối tuần trong suốt hai tháng liền.” Chỉ tiếc rằng, khi hát cả hai ca khúc trên, có đôi chỗ anh cứ đưa xa micro khi tiếng hát ngân lên, khiến giọng ca của anh lúc nhỏ lúc to.
Và có lẽ lưu giữ mọi người ở lại đến phút cuối của chương trình, chính là tiếng hát tuyệt đẹp, nồng nàn cảm xúc, ấm áp vô ngần, có thể lên được những nốt cao mà vẫn rất sang, bay bổng, mượt mà của ca sĩ Quang Tuấn. Người yêu nhạc Thanh Trang có thể đã nhiều lần thưởng thức những ca khúc tiêu biểu của ông qua giọng ca Quang Tuấn từng được anh thu âm qua một số CD. Và khi nghe anh hát trong đêm nhạc này mới thấy nhạc Thanh Trang qua tiếng hát Quang Tuấn có sức thu hút mãnh liệt, truyền cảm lạ lùng, khiến khán giả như quên hết chung quanh mà chỉ chú tâm vào lời hát của anh. Anh hát như thể trút những tình cảm sâu sắc nhất của mình vào từng lời ca, đã chạm sâu vào trái tim người nghe đầy thuyết phục.
Giống như 2 chương trình trước đây (Đêm nhạc giới thiệu ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và đêm nhạc giới thiệu ca khúc của nhạc sĩ Trần Duy Đức) do nhóm Thân Hữu Yêu Nhạc Việt tổ chức, ngay từ lúc chương trình chưa bắt đầu, khán giả đến sớm đã ngồi kín hết các dãy ghế trong phòng, người đến sau phải đứng tựa lưng vào tường, dọc theo lối đi, ai đến trễ hơn, không thể len vào bên trong, vì đã hết chỗ, đành ngậm ngùi ra về. Nhạc sĩ Thanh Trang nhìn thấy điều này, nên ông đã bày tỏ sự ái ngại của mình khi thấy khán giả phải đứng nghe nhạc trong suốt mấy tiếng đồng hồ. Ông hy vọng khán giả sẽ có một sự thoải mái hơn trong những lần sau.
Cảm động trước tình cảm mà ban tổ chức, các ca nhạc sĩ và khán giả đã dành cho mình, kết thúc chương trình, nhạc sĩ Thanh Trang đã gửi lời cảm tạ đến tất cả mọi người, vì theo ông bài hát không có người hát, không có người đàn, không có người nghe thì cũng không thể thành hình bài hát.
Đẹp biết bao khi ngôn ngữ mẹ đẻ vẫn được những người con lìa xa đất mẹ luôn giữ gìn qua những đêm nhạc thắm đượm ý tình như đêm “Tình ca Thanh Trang”, và những đêm nhạc giới thiệu tác giả tác phẩm khác do những nơi khác đã và đang thực hiện từ trước đến nay, góp phần làm phong phú và đẹp thêm đời sống âm nhạc Việt tại hải ngoại của cộng đồng chúng ta.
(bh)

 

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT