Bình Luận

Phong tục cổ truyền VN về Tết Trung Thu

Monday, 28/09/2020 - 06:35:11

Nhiều người Việt không gọi Trung Thu là ngày Tết, nhiều người khác cho rằng Tết Trung Thu là của người Tàu, từ năm 1945 người Việt mình mới bắt chước làm theo cho trẻ em vui chơi.


Hàng quán trong khu Phước Lộc Thọ đã vắng khách vào trưa thứ Hai, 28 tháng 9, 2020. Tết Trung Thu Rằm Tháng Tám năm nay rơi vào ngày thứ Năm tuần này. (Phúc Quỳnh/ Viễn Đông)


Bài THANH PHONG

LITTLE SAIGON - Việt Nam chúng ta mỗi năm có hai ngày “Tết,” Tết Nguyên Đán (đầu năm âm lịch) và Tết Trung Thu (ngày Rằm Tháng Tám). Tết Trung Thu năm nay rơi vào ngày 15 tháng 8 âm lịch năm Canh Tý, tức thứ Năm, 1 Tháng 10, dương lịch năm 2020.

Nhiều người Việt không gọi Trung Thu là ngày Tết, nhiều người khác cho rằng Tết Trung Thu là của người Tàu, từ năm 1945 người Việt mình mới bắt chước làm theo cho trẻ em vui chơi. Để bác bỏ ý nghĩ này, nhà biên khảo Mai Lân cách nay 27 năm đã viết bài chứng minh Tết Trung Thu không phải du nhập từ bên Tàu mà đã có từ hàng ngàn năm nay tại Việt Nam. Sở dĩ trong văn học nước nhà, Việt Nam không còn giữ được các sách vở, tài liệu do bị giặc Minh khi chiếm Việt Nam họ đã ra hai sắc lệnh vào năm 1406 và 1407 sai quân Minh tịch thu hết các loại sách của Việt Nam, bắt hết nhân tài đưa về Tàu.

Sau đó đến giặc Chiêm Thành tới cướp, sách vở bị đốt, bị lấy gần hết, mãi đến đời vua Thánh Tôn, nhà vua ưa thích sách vở, kinh sử. Ngài đã hạ chiếu tìm những sách vở còn sót để cất vào trong bí các, người nào đem dâng các sách kỳ bí đều được ban thưởng rất hậu. Đến thời Trần Cao nổi dậy, kinh thành thất thủ, dân chúng tràn vào nơi cấm sảnh hôi cướp vàng lụa, sách vở.

Qua đời nhà Mạc tuy đã thu thập lại được một số nhưng biết bao sách vở bị thiêu cháy trong ngọn lửa binh. Rồi khi Pháp chiếm kinh thành Huế năm 1885 một số sách vở còn lại cũng bị phá hoại tàn nhẫn.
Sau khi nêu những sự kiện trên, nhà biên khảo Mai Lân khẳng định:

“Tết Trung Thu đã có tại nước ta hàng ngàn năm, ít nhất từ đời nhà Lý, mà khi trước không phải chỉ có trẻ em mà cả người lớn, thậm chí các bậc vua chúa cũng say mê, ăn Tết Trung Thu. Theo bia tháp chùa Sùng Thiện Diên Linh, dựng từ đầu thế kỷ XII ở núi Long Đội, Hà Nam, dẫn trong sách Lý Thường Kiệt của Hoàng Xuân Hãn có nói đến Hội Đèn Quảng Chiếu như sau:

“Trong các thời trước, tại kinh thành Thăng Long, hàng năm đều có tổ chức Tết Rằm Tháng Tám. Đặc biệt là ở thời Lý, ngày Tết này thường được tổ chức thành ngày HỘI ĐÈN rất long trọng, gọi là Hội Quảng Chiếu. Hội Quảng Chiếu thường tổ chức ở ngoài cửa Tường Phù (cửa Đông hoàng thành) và có khi kéo dài tới 7 ngày đêm tại địa điểm trung tâm của ngày Hội, có dựng đài Quảng Chiếu trông về phía cửa Đoan Môn, giữa nêu một cột, ngoài đặt bẩy tầng Rồng cuốn mà đỡ tòa Kim Liên, rèm lồng màn che, đèn sáng rực. Có máy dấu kín dưới đất làm đài quay như bánh xe. Lại có hai tòa hoa lâu, treo quả chuông đồng, tạc chú tiểu mặc cà sa, vặn máy kín thì giơ dùi đánh. Nghe tiếng sáo liền quay mặt lại. Thấy bóng vua biết cúi đầu chào.

“Ngày Tết Rằm Tháng Tám người ta còn tổ chức vui chơi ở hồ Dâm Đàm (Hồ Tây) và dạo chơi thuyền trên hồ suốt đêm. Thời vua Lê chúa Trịnh sách vở có ghi như sau: Tết Rằm Tháng Tám là Tết chủ yếu của Thiếu Nhi, mà trong Phủ chúa Trịnh ở Thăng Long cũng tổ chức cực kỳ xa hoa lộng lẫy để chúa Trịnh vui chơi giải trí. Mỗi năm đến Tết Trung Thu, từ trước mấy tháng, chúa phát gấm trong cung ra để làm hàng trăm nghìn cái đèn lồng, cái nào cũng tinh xảo tuyệt vời, mỗi cái giá đến mấy chục lạng vàng. Đến ngày chúa ngự giá ra chơi Bắc Cung. Cung có cái ao gọi là Long Trì, rộng nửa dặm. Trong ao trồng rất nhiều hoa sen, hoa súng. Ven ao đắp đất chồng lên làm núi, chỗ cao chỗ thấp, dàn đặt có hình thể. Có những chỗ khuỷu để cho nhạc công dàn sáo. Bờ ao trồng hàng mấy trăm cây Phù Dung, treo đèn ở trên. Sáng trăng dập dờn. Trông xa tựa hồ hàng vạn ngôi sao lấp lánh. Nội thị từ tam phẩm trở lên, chít khăn mặc áo như đàn bà, bày hàng ở ria đường bán những tạp hóa cùng các đồ hoa quả, chả rượu, thức gì cũng có, chồng chất như núi. Cung nhân qua lại mua bán, vừa mua vừa cướp, không cần hỏi gía cả bao nhiêu, đua nhau đem những câu hát quê ra đối chọi với nhau, tiếng cười đùa vàng cả trong ngoài. Nửa đêm chúa ngự kiệu đến ao, xuống thuyền. Chợt lúc lại đánh đàn, thổi sáo, lại ca hát, tiếng vang lanh lảnh, khiến người tưởng như lên chơi Cung Quảng mà nghe khúc Quân Thiên (khúc nhạc trên Trời). Chúa nhìn ngắm lấy làm vui sướng, đến mãi gà gáy mới về (Phạm Đình Hổ và Nguyễn Án – Tang Thương Ngẫu Lục, bản dịch của Ngô Văn Triện).

“Vua chúa đã mở đầu hội Tết Trung Thu như thế, tất nhiên trong dân gian, Tết Rằm Tháng Tám đối với nam phụ lão ấu, trai thanh gái lịch rộn rịp tưng bừng biết chừng nào?”

Đọc qua vài nét về lịch sử, phong tục Tết Trung Thu để thấy tổ tiên chúng ta đã ăn Tết Trung Thu từ hàng ngàn năm trước, và thấy cảnh thanh bình trên quê hương mà hiện nay không sao có được, nhất là trong thời kỳ dịch bệnh Covid -19 đã làm đảo lộn tất cả, nên ngay tại các nước tự do dân chủ như Hoa Kỳ, chúng ta, nhất là các thiếu nhi Việt Nam cũng không còn thú vui cộ đèn đêm Trung Thu, vừa đi vừa hát bài ca quen thuộc: “Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi / Em đốt đèn đi khắp phố phường…”.

Viết bình luận đầu tiên

MỚI CẬP NHẬT